Nữ điều dưỡng mắc hai ung thư di căn
Hoàng Thanh Thủy, 39 tuổi, vừa điều trị ung thư phổi và ung thư buồng trứng đã di căn, vừa gánh vác trọng trách trụ cột gia đình.
Chị Thủy là điều dưỡng tại khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và là lao động chính trong gia đình. Chồng chị mắc bệnh thận mạn tính, không thể đi làm, một tuần chạy thận ba lần. Anh từng phải ghép thận vào năm 2014, gặp tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép gây nhồi máu não, liệt. Sau điều trị, sức khỏe của anh càng suy yếu, hiện mắc thêm bệnh tim. Mẹ chồng cũng có tiền sử bệnh thận nên sức khỏe yếu.
Để có tiền điều trị cho anh, hai vợ chồng phải bán căn nhà đang ở. Anh chuyển đến ở nhà bà nội còn chị ở nhà bà ngoại. Khi ấy, con gái chị đang học lớp 8, bố mẹ xa cách nên bị xáo trộn tâm lý, học tập sa sút.
Chị Thủy phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn ba, di căn, từ tháng 6/2018. Chị từng mổ cắt u, thất bại, phải tới Bệnh viện K truyền hóa chất. Khi ấy, chị đang tranh thủ học nâng cao ở Đại học Y Hà Nội để thêm cơ hội công việc cho bản thân. Tuy nhiên, mọi dự định phải gác lại khi mắc ung thư.
Điều dưỡng Hoàng Thanh Thủy tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Văn Phong.
Chị Thủy bị sốc, khóc hết một ngày sau khi chụp X-quang phát hiện ung thư. “Mình hy sinh nhiều như vậy, vì sao bị như thế?”, chị oán trách. Rất nhiều ngày sau, chị Thủy mới ổn định tinh thần, bám vào suy nghĩ phải vững vàng vì không còn người lo cho con gái và ở ngoài kia có nhiều người còn khổ hơn, để mạnh mẽ.
Ban đầu, chị Thủy giấu gia đình, xin nghỉ làm, một mình đến bệnh viện hóa trị. Tuy nhiên, hóa chất điều trị khiến chị ngày càng gầy và xanh xao hơn. Lúc này, chị mới cho cả nhà biết mình ung thư. Lo cho con gái, chị dặn trước: “Bệnh của mẹ có thể không kéo dài được. Nếu mẹ không còn, con hãy coi như mẹ đi trực không về”, rồi quặn thắt nhìn con khóc.
Trong 10 tháng, chị trải qua 6 đợt hóa trị, 25 mũi xạ phổi, một ca phẫu thuật cắt u điều trị ung thư phổi. Lúc ấy, chị tự thấy mình may mắn hơn nhiều người vì vẫn cố ăn được, cơ thể hồi phục trong quá trình truyền hóa chất, chỉ mất khoảng một tuần đầu bị đắng miệng, khẩu vị kém. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân khác không thể ăn, bị nôn, đau đớn rất nhiều.
Tháng 4/2019, ung thư di căn lên não, khối u kích thước 2,7cm. Từ Bệnh viện K, chị được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Cuối năm 2019, khối u di căn tới gan và tụy. Tháng 9 năm nay, chị phát hiện thêm ung thư buồng trứng đã di căn tới xương. Ngày 11-12/9, chị một mình vào phòng mổ cắt u buồng trứng, không thông báo với gia đình, bạn bè.
Video đang HOT
Chị Thủy đã điều trị gần 40 mũi xạ, uống hóa chất thường xuyên trong hơn hai năm qua. Ung thư buồng trứng khiến chị đau và mệt mỏi hơn ung thư phổi. Song chị Thủy bình tĩnh khi nhắc tới gia đình và con gái đang học lớp 10. Chị kể vui nhất là con gái đỗ trường công lập gần nhà với thành tích tốt trong kỳ thi năm nay. Đây cũng là món quà mà con gái dành tặng người mẹ ung thư của mình.
“Trước đấy cháu bị điểm kém và cô giáo phê bình, chỉ đạt học lực trung bình yếu. Tôi sợ cháu không thi được, âm thầm mua sẵn một bộ hồ sơ tuyển vào trường dân lập. Thế mà cháu đã bứt phá để thi đỗ cấp ba”, chị nói.
Công việc điều dưỡng của chị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn duy trì. Chị làm các việc hành chính như hoàn thiện bệnh án ra viện, quản lý tủ thuốc. Khi khỏe hơn, chị Thủy chăm sóc bệnh nhân, song tránh các bệnh nhân lao, cúm do miễn dịch kém và được ưu tiên không tham gia trực. Niềm vui có thể tiếp tục làm việc đã lấn át đi cái mệt mỏi, chán chường vì bệnh tật.
Điều dưỡng Thủy chăm sóc cho bệnh nhân tại khoa Viêm gan. Ảnh: Văn Phong.
Chị Nguyễn Thị Anh Trang, phụ trách điều dưỡng khoa Viêm gan, cho biết người đồng nghiệp dù ung thư vẫn rất ít khi kêu than hay tỏ ra mệt mỏi lúc làm việc, vẫn thoăn thoắt với kim truyền, băng gạc, hô hào mọi người cố gắng vượt qua bạo bệnh. “Khi gia đình tôi cũng có người mắc ung thư, chị động viên tôi rằng cố gắng vượt qua, giúp người nhà điều trị bệnh thật tốt”, chị Trang cho biết.
Chị Thủy đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Bạch Mai. Hàng sáng, chị đi bộ đến khoa điều trị lấy thuốc, rồi quay lại cơ quan làm việc. Tóc rụng do ảnh hưởng của hóa chất nên chị cắt rồi đội bộ tóc giả do một người bạn tặng. Sức khỏe chị đã kém đi nhiều sau hơn hai năm ròng rã điều trị ung thư. Chị Thủy đang sử dụng 4 loại hóa chất do gan và tụy vẫn còn u, tiếp tục điều trị ung thư buồng trứng và phổi. Bác sĩ định hướng cho chị dùng thuốc miễn dịch giá 60 triệu đồng một lọ, song chi phí vượt ngoài phạm vi bảo hiểm chi trả và khả năng tài chính nên đành gác lại.
Nhưng chị Thủy cho biết chưa bao giờ tuyệt vọng, tập suy nghĩ và quen coi mình không có bệnh để vui vẻ hơn. Chị khao khát trở thành người có ích, được sống khỏe, tiếp tục làm việc và yêu ngành y, hỗ trợ đồng nghiệp trong cơ quan. Vì vậy, chị muốn nỗ lực làm mọi việc khi sức khỏe còn cho phép: “Tôi đã mạnh mẽ bao nhiêu năm qua rồi, bây giờ sẽ tiếp tục cố gắng để chiến đấu với bệnh tật”.
Đàn ông bị ung thư vú thường gặp nguy vì... ngại
Nhắc đến bệnh ung thư vú, nhiều người nghĩ ngay đây là bệnh của phụ nữ. Nhưng khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy, mới thấy có cả những bệnh nhân nam.
Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Quang Khánh, Trưởng đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Bệnh ung thư vú không phân biệt nam hay nữ. Ai có tuyến vú cũng đều có nguy cơ bị ung thư".
Dấu hiệu bệnh báo trước 3-4 năm, nhưng chủ quan bỏ qua
Bà Nguyễn Thị V. chăm sóc chồng đang điều trị ung thư vú ở Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy
Trong phòng bệnh số 04 Đơn vị Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy có hai người đàn ông vừa ăn cơm vừa trò chuyện với nhau. Ông Vũ Văn D., 74 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa, và ông Nguyễn Thanh N., 60 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận, đều là bệnh nhân nam bị ung thư vú đang được điều trị tại đây.
Câu chuyện của hai người đàn ông như bao cuộc tán gẫu bên bàn trà, rượu: bão lũ miền Trung, dịch COVID-19... hoàn toàn không nhắc đến bệnh tật của mình. Bà Nguyễn Thị V., vợ ông D. nháy mắt với tôi "ổng không bao giờ để lộ lo lắng, hay ra vẻ quan tâm bệnh mình đâu".
Xong bữa cơm, ông D. ra khu vực sảnh xem ti vi. Ông ngồi lẫn giữa các bệnh nhân nữ. Một chị hỏi: "Chú bị sao mà vô đây?". Ông cười gượng: "thì ung thư!". Chị kia tròn mắt: "Chú bị ung thư vú hả?". Ông gật đầu, đôi mắt vẫn dán vào ti vi không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. "Đàn ông mà cũng bệnh này, lạ thiệt", người phụ nữ nói tiếp.
Lúc này, ông D. nhìn chị nói "lạ gì, ở quê tôi mấy ông bị thiếu gì". Ông muốn lảng tránh bệnh, và để phủ nhận sự khác biệt của mình, ông đã "lôi" những người đàn ông ở quê vào để cho thấy bệnh này rất đông. Bà Nguyễn Thị V. kể: "Ông ấy không chấp nhận bệnh này. Ông phát hiện bệnh mười năm trước mà không chịu đi chữa. Đến giờ, tôi và các con thuyết phục lắm mới chịu đi thì bác sĩ nói đã di căn rồi".
Còn ông Nguyễn Thanh N. phát hiện sự bất thường ở vú cách đây ba năm, nhưng cũng không chịu đi điều trị. Lúc đó, ông phát hiện đầu vú bị ngứa, có rỉ dịch. Cứ nghĩ bị ngứa da bình thường nên ông N. cũng không quan tâm. Sau đó, ông phát hiện ở ngực có cục u nhỏ như hạt đậu. Ông thấy lạ, nhưng nghĩ đàn ông thì làm gì có bệnh ung thư vú nên ông quên béng luôn. Đến gần đây, khi sờ thấy cục u ở ngực ngày càng to ông mới chịu đến bệnh viện địa phương khám.
Bác sĩ phẫu thuật cắt u và kết quả giải phẫu bệnh khiến cả bác sĩ và bệnh nhân đều bất ngờ: ông N. bị ung thư vú. Ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, bác sĩ ở Đơn vị Tuyến vú kiểm tra, cho làm các chẩn đoán thì phát hiện khối u đã xâm lấn vào cơ ngực. "Cũng may là chưa di căn xa, tiên lượng chữa trị rất khả quan", bác sĩ Huỳnh Quang Khánh cho biết.
Từ chối điều trị vì không chấp nhận "bệnh đàn bà"
Theo bác sĩ Khánh, quan niệm của nhiều người là đàn ông không mắc bệnh ung thư vú. Vì vậy, khi có tổn thương ở vú cũng không nghĩ ung thư, không chịu đi khám. Do vậy, khi đến bệnh viện thì ung thư vú ở đàn ông thường là ở giai đoạn muộn. Có những bệnh nhân nam nghĩ, ung thư gì cũng được, nhưng không phải là ung thư vú. Và nhiều người đã từ chối điều trị vì không chấp nhận sự thật này.
Như trường hợp bệnh nhân Vũ Văn D., vợ ông kể: "Cách đây hơn chục năm, bà phát hiện vú ông bị rỉ dịch và máu. Bà nói còn bị chồng la. Bà lấy giấy quệt để làm bằng chứng và khuyên chồng đi khám thì ông gạt ngang. Ba năm sau, ông D. phát hiện vú trái có cục u bằng đầu đũa, bị ngứa và đóng vảy. Vài tháng sau, cục u lớn nhanh bằng đầu ngón tay cái và đau nhức. Ông đến bệnh viện H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa khám. Bác sĩ cũng mổ lấy u cho ông như khối u thông thường, và ông coi như mình hết bệnh".
Hai năm sau, khối u tái phát. Ông D. cũng không chịu đi khám cho đến khi vùng ngực đau nhức. Ông đến bệnh viện, bác sĩ tiếp tục mổ lấy u và chuyển lên tuyến trên làm giải phẫu bệnh. Kết quả ông D. bị ung thư vú giai đoạn 1.
Bác sĩ chỉ định hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Thế nhưng, ông D. từ chối điều trị. Ông xuất viện và quên mất căn bệnh. Gần đây, khối u lại to bằng quả chanh, gây đau tức. Ông không đến bệnh viện mà vào tận tỉnh Bình Phước tìm thầy thuốc nam. Uống cả tháng trời không đỡ nên vợ con đưa ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Khánh cho biết: "Khối u của bệnh nhân D. đã xâm lấn vô cơ ngực, có tổn thương ở phổi, nổi hạch ở nách. Bệnh đã vào giai đoạn cuối". Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt u, nạo hạch và hóa trị. Tuy nhiên, ông D. chỉ đồng ý phẫu thuật và từ chối hóa trị, "bác sĩ cứ lấy hết khối u và cho tôi về nhà". Tôi hỏi ông D. tại sao không hóa trị, ông im lặng một lúc rồi nói "bệnh tôi có gì đâu, để tôi về quê chữa".
Thực tế, có những bệnh nhân nam, khi nghe tin ung thư đã sốc, và khi biết mình bị ung thư vú còn sốc hơn. Vì vậy, khi chữa ung thư vú cho nam thường các bác sĩ gặp khó khăn hơn khi chữa trị cho nữ, vì phải làm công tác tâm lý rất nhiều và rất lâu.
Bác sĩ Khánh chia sẻ: "Nam giới có vẻ không chấp nhận mình bị bệnh ung thư vú, bởi họ quan niệm đó là bệnh của phụ nữ. Hiện phác đồ điều trị ung thư vú ở nam và nữ giống nhau. Thậm chí, bệnh nhân nam điều trị thuận lợi hơn vì không phải phẫu thuật bảo tồn tuyến vú và tái tạo vú sau phẫu thuật".
Theo bác sĩ Khánh, tỷ lệ ung thư vú nam bằng 1% ở nữ. Bệnh ung thư vú nam gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường từ 60 tuổi trở lên. Khi nam giới có những dấu hiệu bất thường như vú đỏ, đóng vảy, chảy dịch, núm vú thụt vào, sờ có cục u... thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Vì đó là dấu hiệu của ung thư vú nam.
Những trường hợp ở giai đoạn muộn hơn thì nách nổi hạch, hoặc có những bệnh nhân đi khám bệnh gan, phổi mới phát hiện ung thư vú đã di căn đến các cơ quan này. Do vậy, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như trên, hoặc trong gia đình có người bị ung thư nói chung, hay ung thư vú thì nên lưu ý đến sức khỏe. Khi vú có dấu hiệu bất thường phải đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Những người có 4 đặc điểm này vào buổi sáng, đừng trách sao còn trẻ đã máu nhiễm mỡ Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 30% người trưởng thành bị mắc bệnh mỡ máu (rối loạn lipid máu), tỷ lệ người thành thị mắc bệnh là 44,3%. Số người bị bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Khi khám sức khỏe, nhiều người phát hiện thấy lipid máu tăng cao, họ thờ ơ và cảm...