Nữ điều dưỡng mắc Covid-19 và món nợ từ đồng nghiệp áo trắng
“Trước khi rơi vào hôn mê, tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều mình phải sống, nhất định phải sống để trở về với con”, nữ điều dưỡng là sản phụ vừa chiến thắng Covid-19 xúc động kể.
Nữ điều dưỡng Lê Thị H. (SN 1993, trú xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vừa hết thời gian cách ly sau điều trị Covid-19 và được về gặp con trai. Cháu bé phải chào đời sớm ở tuần thai thứ 35 khi mẹ mắc Covid-19, bệnh nặng và diễn tiến quá nhanh.
Chị H. sinh sống tại Bình Dương, là điều dưỡng tại Khoa tim mạch ở một bệnh viện tại TPHCM. Chồng chị công tác trong lực lượng vũ trang. Khi TPHCM bùng phát dịch, anh phải tham gia chống dịch, thời điểm này chị H. đang điều trị đái tháo đường thai kỳ, xin nghỉ làm chờ sinh. Cả gia đình bàn bạc, thống nhất để chị H. về quê sinh con, vừa có người chăm sóc, vừa để chồng chị yên tâm công tác.
Sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2, ngày 17/7, chị H. cùng cháu gái đi taxi đến ga Suối Kiết (Bình Thuận) để lên tàu về Nghệ An. Đến chiều 18/7, tàu về đến ga Sy (Diễn Châu, Nghệ An), tất cả hành khách được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định, chị H. và cháu di chuyển đến Trạm Y tế xã Diễn Nguyên khai báo y tế và cách ly theo diện người trở về từ vùng có dịch.
Video đang HOT
“Đêm 18/7, tôi bắt đầu có triệu chứng đau mỏi người, khó thở, sốt cao 38,5 độ C. Khoảng 4h ngày 19/7, tôi nhận được thông báo từ ngành y tế là dương tính với virus SARS-CoV-2. Tôi không tin mình mắc Covid-19, nỗi sợ hãi bao trùm, lo bố mẹ già biết bệnh tình lại lo thêm. Tôi gọi điện cho chồng thông báo tình hình, cung cấp toàn bộ thông tin theo yêu cầu của lực lượng truy vết. Tôi công tác trong ngành y, đã chuẩn bị tâm lý vững vàng để bước vào cuộc chiến. Lúc đó, tôi chỉ thương và lo cho đứa con bé bỏng đang nằm trong bụng, nhỡ vào viện rồi không thể quay về được nữa thì sao?”, chị H. nhớ lại.
Thu dọn hành lý, chị H. được chở thẳng vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Tình trạng bệnh diễn tiến quá nhanh, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp. Để giảm áp lực cho mẹ và cũng tính đến trường hợp mẹ không thể qua khỏi, bác sĩ bàn bạc và thống nhất với gia đình phẫu thuật sinh sớm. Cậu con trai chào đời ở tuần thai thứ 35 và được cách ly với mẹ ngay sau đó.
Bệnh nhân Lê Thị H. phải điều trị thở oxy kính, kháng sinh, chống viêm, chống đông máu nhưng tình trạng xấu dần và được chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngay trong ngày. Bệnh nhân nhập khoa hồi sức tích cực nhưng tình trạng bệnh không có tiến triển, chỉ số chức năng phổi giảm, không đáp ứng với thở oxy lưu lượng cao.
“Sau khi nhập viện, tôi tỉnh táo được gần khoảng một tiếng. Khi bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, tôi hiểu mình đang ở trạng thái nguy kịch. Người thân, đồng nghiệp khi nghe tin đều khóc bởi tiên lượng rất xấu nếu không muốn nói là nguy cơ tử vong cao. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ có duy nhất suy nghĩ “phải sống, mình nhất định phải sống, sống để trở về với con. Con tôi sinh ra chưa được hưởng hơi ấm của mẹ một lần, tôi không thể bỏ con thế mà đi được”, chị H. nhớ lại.
Nữ điều dưỡng này cứ ngỡ mình chỉ mới chợp mắt mấy tiếng đồng hồ thôi, không ngờ khi tỉnh lại đã 4 ngày trôi qua. “Lúc tỉnh lại, có thể hít thở được và nhìn thấy ánh sáng, mình thấy sống rồi, hạnh phúc lắm”, chị Lê Thị H. nhớ lại.
Thế nhưng chỉ sau đó đúng 1 ngày, diễn biến bệnh của sản phụ Lê Thị H. xấu đi, có biểu hiện suy hô hấp, đau tức ngực, được chẩn đoán điều trị theo hướng tắc mạch phổi. Cuộc chiến giành sự sống cho nữ bệnh nhân này lại tiếp tục với những tình huống mới. Phải đến gần 10 ngày sau, sản phụ mới có thể tự thở được tốt, cơ lực khá, toàn trạng ổn định, được ngừng thở oxy kính và tích cực tập vận động, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng nâng cao thể trạng.
Ngày 19/8, tròn một tháng kể từ khi nhiễm SARS-CoV-2, bệnh nhân Lê Thị H. được điều trị khỏi hoàn toàn và cho ra viện. Kết thúc 21 ngày cách ly tại nhà theo quy định, chị H. được gặp con. “Nhờ quá trình phẫu thuật bắt con đảm bảo công tác phòng dịch, cháu không bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ mẹ. Sau 8 ngày nằm viện, cháu hoàn toàn khỏe mạnh, được bà nội và cô đón về nhà chăm sóc. Dù không được bú sữa mẹ, không được hưởng hơi ấm của mẹ từ khi chào đời nhưng trộm vía cháu khỏe mạnh, nhanh nhẹn”, chị H. không giấu được niềm vui.
“Thời khắc mở mắt ra sau 4 ngày hôn mê, người đầu tiên tôi thấy là bác sĩ điều trị và y tá. Họ vui mừng và đón chào tôi “trở về” như chính những người thân yêu. Tôi hiểu rằng, kỳ tích mà mình có được không phải được tạo ra từ khát vọng và sức mạnh chiến đấu với số phận để sinh tồn, mà luôn có những bác sĩ, y tá, điều dưỡng theo dõi sát sao, kết hợp chăm sóc toàn diện và điều trị tích cực”, nữ bệnh nhân Lê Thị H. tâm sự.
Trong cuộc trò chuyện, chị H. luôn dành sự trân trọng và biết ơn đến những bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã luôn sát cánh, giành giật sự sống cho bản thân mình. Với nữ bệnh nhân này, mọi lời cảm ơn, mọi lời ca ngợi đều không đủ với những ân tình được đón nhận từ các thầy thuốc. Họ xa gia đình, xa người thân, xa các con, “giam” mình trong bộ bảo hộ nóng nực, làm việc trong môi trường đầy áp lực và mệt mỏi nhưng vẫn luôn nhiệt tình, đầy trách nhiệm với người bệnh.
Là bệnh nhân Covid-19, cũng là một nhân viên ngành y, chị hiểu hơn ai hết những gì các đồng nghiệp giành cho mình và cho những bệnh nhân khác. Đó không chỉ là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, mà cao hơn, họ đã dành cho bệnh nhân tình thương yêu, sự tận tụy và tấm lòng của người cha, người mẹ, người anh, người chị và xem bệnh nhân như chính những người ruột thịt trong gia đình.
Đối với bệnh nhân Covid-19 nặng và diễn tiến nhanh, đó là cuộc chiến giành giật sự sống được tính bằng từng giây, từng phút bằng những y lệnh chính xác của bác sĩ. Các điều dưỡng phải thực hiện một quy trình chăm sóc đặc biệt, từ miếng ăn, giấc ngủ đến các bữa phụ, các bài tập thở… để giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng bị tổn thương. Và điều quan trọng nhất là giúp các bệnh nhân vượt qua những chấn động tâm lý. Nếu xem bệnh nhân Covid-19 là người bệnh đơn thuần, sẽ khó đạt được hiệu quả điều trị và phục hồi chức năng như mong muốn.
“Những gì đã trải qua, được đón nhận từ những y bác sĩ, y tá, điều dưỡng khiến tôi nghiêm túc nhìn nhận lại mình. Trước nay tôi cứ nghĩ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của một điều dưỡng là được mà ít đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để thấu hiểu, sẻ chia và hỗ trợ họ. Người bệnh không chỉ cần y lệnh, cần đơn thuốc mà rất cần được sự động viên, quan tâm, hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất. Một miếng nước, một thìa cháo, sự ân cần, nhẫn nại, đừng vì áp lực công việc mà bực dọc cáu gắt cũng có tác dụng không kém một liều thuốc được kê đúng. Tôi tự hứa với lòng mình, mai này, khi quay trở lại với công việc, tôi sẽ làm tốt hơn, như những gì mình được đón nhận từ những đồng nghiệp trong thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời”, chị H. tâm sự.