Nữ điều dưỡng cắt mái tóc dài yêu thích, tình nguyện vào tâm dịch Bắc Giang
Để thuận tiện chăm sóc bệnh nhân F0 tại tâm dịch Bắc Giang, Phạm Thị Huế – nữ điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cắt mái tóc dài yêu thích của mình.
23 tuổi, lần đầu tiên Phạm Thị Huế (SN 1998), điều dưỡng viên tại khoa Hồi sức tích cực, chống độc – thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tóc tomboy tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân F0 ở Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.
Gia đình Huế ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) may mắn chưa ai phải đi cách ly nhưng những ngày làm việc ở Quảng Ninh, nữ điều dưỡng viên ấy vẫn luôn lo lắng, dõi theo tình hình dịch bệnh tại quê nhà. Huế luôn ấp ủ mong ước, được góp một phần sức lực nhỏ bé cho công cuộc chống dịch tại quê hương.
Huế quyết định cắt mái tóc dài để tiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Vì vậy, khi nhận được thông báo Quảng Ninh thành lập đoàn chi viện thứ 2, Huế xung phong và ghi tên trong danh sách người tham gia. Trước khi vào tâm dịch, Huế được tập huấn, tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
” Trong khoa nhiều anh chị từng tham gia chống dịch chia sẻ, khi điều trị bệnh nhân COVID-19 nếu để tóc dài sẽ nóng và bất tiện. Ngày 2/6, em quyết định cắt tóc ngắn. Em thấy mình như một người khác. Lâu dần thành quen, mái tóc ngắn không còn lạ lẫm, thậm chí trông em năng động hơn. E m sẽ nuôi lại tóc dài sau khi đợt dịch kết thúc vì mọi người bảo, tóc dài hợp với em hơn”, Huế cười nói.
Mái tóc dài gắn bó với Huế suốt thời gian dài.
Ngày 3/6, Huế cùng 19 cán bộ, y, bác sĩ (6 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm) của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (TP Uông Bí); Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả; Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả (Quảng Ninh) lên đường đến chi viện cho Bắc Giang. Trong số nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Phạm Thị Huế là người trẻ nhất khi mới 23 tuổi.
“Khi đăng ký tình nguyện đi chống dịch ở Bắc Giang em không thông báo cho gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng. Lúc biết chuyện, bố mẹ không giận mà gọi điện động viên em cố gắng” , Huế nói.
Chiều 4/6, Trung tâm Hồi sức tích cực với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang hoàn thiện sớm hơn dự kiến 1 ngày.
Ngày 5/6, cô gái nhỏ ấy với gương mặt xinh xắn ấy bắt tay vào công việc chăm sóc bệnh nhân F0 và khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ trong tiết trời nắng nóng. Với Huế, cái nóng mà bản thân chịu không thấm vào đâu so với những cán bộ, y, bác sĩ trực tiếp tham gia lấy mẫu trong cộng đồng.
Mặc dù trông năng động hơn với kiểu tóc ngắn nhưng Huế vẫn quyết định nuôi tóc dài sau khi kết thúc chống dịch tại Bắc Giang.
Video đang HOT
Huế nhẩm tính, trong ngày 6/6, tầng trên của Trung tâm Hồi sức tích cực có 9 bệnh nhân, tầng dưới 6 bệnh nhân. Lượng bệnh nhân được đưa vào đây cách ly, điều trị chưa đông nhưng 2 ngày qua, được đứng chung chiến tuyến với các đồng nghiệp ở quê hương chống dịch COVID-19, Huế rất vui, những thấp thỏm trong Huế cũng vơi đi phần nào.
Cũng như những thành viên khác trong đoàn, quyết định chi viện đến Bắc Giang chống dịch của Phạm Thị Huế không ghi thời gian về. “Em chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng được khống chế để cuộc sống người dân trở lại bình thường, em cùng các đồng nghiệp cũng trở về với guồng quay công việc của mình” , nữ điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bắc Giang ghi nhận hơn 3.000 ca mắc COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố đã cử các đoàn y, bác sĩ tại các bệnh viện hay các cán bộ, giảng viên, sinh viên trường y lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang để nhanh chóng khoanh vùng, khống chế được dịch bệnh tại đây.
Nữ điều dưỡng ở tâm dịch Bắc Giang: Đóng bỉm, quên ăn uống, rất nhớ con
Trước những câu hỏi dồn dập của con "Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 mẹ có mua quà cho bọn con không?...", chị chỉ biết hứa: "Hết dịch mẹ sẽ về".
Chỉ cần dân gọi là mình lên đường!
Mọi người trong khoa Thận tiết niệu (BV Việt Nam - Thụy Điển) thường gọi điều dưỡng Nguyễn Thị Hương (điều dưỡng viên, BV Việt Nam - Thụy Điển, Quảng Ninh) là "người chẳng sợ cái gì bao giờ". Không có chiến dịch nào của bệnh viện mà chị vắng mặt.
Trước Tết Nguyên đán, 22h30 nhận lệnh hỗ trợ chống dịch ở thị xã Đông Triều, chị lên đường ngay lập tức mà chẳng kịp mang theo bộ quần áo nào. 15 ngày chống dịch ở Đông Triều là 15 ngày ròng rã chị cùng đồng nghiệp đi bộ hàng chục cây số, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm.
Sau đó, chị lại tiếp tục cùng đồng nghiệp chống dịch tại bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển với những ca trực liên miên.
Chị Nguyễn Thị Hương trong ngày lên đường hỗ trợ Bắc Giang.
Và lần này, chị là người xung phong đầu tiên khi Quảng Ninh kêu gọi 200 chiến sĩ áo trắng lao vào "chảo lửa" chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang. "Sinh ra làm nghề y, chỉ cần dân gọi là mình lên đường thôi. Cảm giác nghề thấm vào máu của mình rồi!".
Ăn uống không quan trọng, chỉ cần tìm ra "F", dập dịch càng nhanh càng tốt
Ngày đầu tiên có mặt tại Bắc Giang, nhóm chị thực hiện lấy 12.000 mẫu xét nghiệm, làm việc xuyên đêm tới 2h sáng. Những ngày tiếp theo, số lượng mẫu xét nghiệm càng tăng lên, chị cùng đồng nghiệp làm việc trong guồng quay không ngơi nghỉ.
Nhưng thời tiết lại chẳng ủng hộ lòng người. Nắng như đổ lửa. Trùm kín trong bộ bảo hộ, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ, mồ hôi túa ra như mưa. Toàn cơ thể "ướt như chuột lột" từ đầu tới chân.
Cởi đồ bảo hộ ra là toàn thân ướt nhẹp vì trời quá nóng.
"Mấy hôm trời nóng, chúng tôi không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh. Cả ngày không dám đi vệ sinh, hoặc cùng lắm đi 1 lần thôi vì nếu cởi đồ bảo hộ ra là phải bỏ đi. Như thế vừa mất thời gian vừa tốn kém! Một số người có chức năng thận kém phải đóng sẵn bỉm, vô cùng nóng bức và khó chịu nhưng biết làm sao", chị Hương nói.
Làm việc hết công suất.
Bởi vậy, trong hơn 20 giờ làm việc liên tục, chỉ khi họng khát khô, chị và đồng nghiệp mới dám dừng tay để uống ngụm nước nhỏ. Vì đứng và đi lại liên tục nên chân đau mỏi rã rời.
Có người bị ngất vì kiệt sức. Cái nắng và không khí oi bức khiến chị Hương đầu đau như búa bổ, phải uống tạm viên thuốc giảm đau để tiếp tục guồng quay công việc.
Tranh thủ chợp mắt bất kể khi nào có thể.
Nỗ lực là thế, nên đôi lúc gặp sự không hợp tác từ chính người dân, chị cũng chạnh lòng.
"Để tăng công suất xét nghiệm, phương pháp gộp mẫu 5 được thực hiện nhưng bà con không hiểu mà nghĩ chúng tôi gây khó dễ nên lại không hợp tác. Rồi có những trường hợp gọi không tới nên chúng tôi phải đi bộ đến tận nhà để lấy mẫu. Giá mà bà con hiểu được với chúng tôi từng phút trôi qua quý giá như thế nào!", chị chia sẻ.
Thức trắng đêm xét nghiệm.
Ngày ăn tranh thủ, mắt quầng thâm, người gầy rộc đi, nhưng đêm về, họ vẫn bảo nhau rằng: "Đây không phải là thời điểm được phép ngủ đủ giấc. Khi nào hết dịch sẽ xin nghỉ phép để ngủ bù, ngủ cho đẫy mắt".
Không được phép ốm, phải luôn khỏe để chống dịch là mệnh lệnh mà họ luôn tự đặt ra cho mình. "Giữa tâm dịch thế này, ăn uống, ngủ nghỉ, tất cả đều không quan trọng, chỉ cần tìm ra F và dập dịch càng sớm càng tốt", chị nói.
Dịch yên, mẹ sẽ về...
Chồng làm nghề xây dựng thường xuyên đi làm về muộn, chị Hương là người luôn sát sao từng bữa ăn, giấc ngủ của con.
Tháng trước, chồng chị bị ngã xe máy, thoát vị đĩa đệm, đau lưng dữ dội nên phải nằm viện điều trị 16 ngày. Sau đó, anh phải nghỉ ở nhà. Giờ, con gái lớn phải thay mẹ chăm sóc bố và em trai.
Chiều hôm trước khi lên đường, chị vội ra chợ mua đủ loại thực phẩm: gạo, trứng, cá khô, rau củ... để tích trữ vào tủ lạnh."Chồng thấy vợ đột nhiên mua nhiều thức ăn thế là biết vợ lại sắp đi công tác rồi. Anh ấy còn trêu là sợ bố con anh chết đói hay sao mà mua nhiều thế".
Bức ảnh 2 con gửi chị Hương để giúp mẹ đỡ nhớ con.
Khi chuẩn bị đi, bé Huyền (con gái lớn của chị) ôm lấy mẹ hỏi: "Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?". Chị chỉ biết bảo con rằng mẹ đi chống dịch, đi thôi chưa biết ngày về. Còn cậu con trai Đoàn Minh thì cứ níu mẹ, không muốn mẹ đi.
Kết thúc mỗi ngày dài, nhìn đồng hồ đã 2-3 giờ sáng, chị Hương lại nhớ về gia đình nhỏ của mình."Biết là giờ đó 2 con và chồng ngủ rồi nhưng nhớ quá nên mình cứ nhắn tin. Nếu có tin nhắn lại là mình lại gọi điện qua zalo để được nhìn thấy mặt con", chị kể.
Trong mỗi cuộc nói chuyện, chị lại nhận được hàng tá câu hỏi của cậu con trai nhỏ: Mẹ có nhớ con không? Bao giờ mẹ về? Con đi cùng mẹ được không? Mùng 1/6 này mẹ có về tặng quà con không?... Mỗi câu hỏi ngây thơ của bé càng khiến tim chị thắt lại.
Thời gian này cũng đặc biệt quan trọng với bé Huyền khi ngày 1-2/6 tới con sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10.
"Tỷ lệ chọi cao lắm, cả thành phố chỉ có 1 trường điểm. Lúc trước, tôi định dồn lịch trực để xin nghỉ đưa con thi nhưng giờ đi chống dịch thế này, không biết có về kịp để đưa con đi không?".
Biết là ngành y "đi trước, về sau", vất vả nhưng chị vẫn mong con gái nối nghiệp mẹ bởi sứ mệnh cứu người cao cả.
Ngày Quốc tế thiếu nhi đang đến gần, chị cũng như nhiều y bác sĩ khác nơi đầu chiến tuyến khó có thể về mua quà tặng con. Chị thương lũ trẻ vì dịch phải xa mẹ, không có mẹ ở bên trong giai đoạn quan trọng này. Mong ước giản dị được đưa con đi thi có thể khó thực hiện được.
Dù vậy, chị vẫn lạc quan tin tưởng rằng dịch sẽ chóng qua, khi mọi người đều đang vô cùng nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh. Cuối mỗi cuộc trò chuyện hằng đêm, các con đều động viên mẹ, và chị không quên nhắn con rằng, "dịch yên, mẹ sẽ về".
Một nữ công nhân ở Bắc Giang vừa tử vong do COVID-19 Sau gần một tuần nhập viện điều trị COVID-19, nữ công nhân đang làm việc tại Bắc Giang đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do nhiễm virus SARS-CoV-2. Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang - Ảnh: QUỲNH DƯƠNG Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 24-5...