Nữ danh ca hát xong, Trịnh Công Sơn đề nghị: ‘Hôn anh một cái đi’
“Có lần tôi hát xong, anh Trịnh Công Sơn nói: ‘Cảm ơn em, hôn anh 1 cái đi’ rồi đưa má ra. Tôi chưng hửng: ‘Anh cảm ơn em thì phải hôn má em chứ?’”, danh ca Cẩm Vân.
Hát nhạc Trịnh rất ‘ nóng’ không giống ai
- Quay, phát hành và quảng bá MV nhân dịp gì đó – điều dường như chưa từng thấy ở Cẩm Vân?
Những MV trước do các bên hoặc đồng nghiệp làm, tôi chỉ góp mặt, góp giọng; hoặc quay MV hát cover ‘cây nhà lá vườn’ chủ yếu mang tính kỷ niệm gia đình.
Còn MV Hành hương trên đồi cao quay chuyên nghiệp, phát hành trên các nền tảng rồi gặp gỡ nhà báo như thế này quả thực chưa có. Tôi cảm giác như đang ‘đua đòi’ với các em trẻ hiện nay vậy.
Ban đầu, tôi định quay đơn giản như mọi lần, bỗng nhớ cha hồi còn sống hay nói quê nội Cao Bằng đẹp lắm nên nảy ý tưởng đưa cả nhà lên quay MV, xem như kỷ niệm đẹp cùng nhau. Thế là, tôi gọi đạo diễn Tùng Phan bàn tính.
Chuyến đi suôn sẻ nhờ 1 cô fan ruột dẫn đường. Suốt quá trình quay, chúng tôi còn được cán bộ, lãnh đạo địa phương hết lòng hỗ trợ, tạo điều kiện.
Lần đầu đi quay MV kiểu này cái gì cũng bỡ ngỡ. Tôi đau lưng, lệch cột sống, chân yếu, Tùng Phan đã dặn mang giày thể thao đi đường núi mà mình không nghe, mang dép bình thường. Leo lên đỉnh núi, hai chân tôi run lên, miệng tươi cười trước máy quay mà cứ muốn té nhào.
MV ‘Hành hương trên đồi cao’
Về tới Sài Gòn, tôi đổ bệnh luôn tới giờ. Đổi lại, tôi đã có những khung cảnh đẹp tuyệt vời của núi non trùng điệp ở Cao Bằng, rồi đồi Cỏ Cháy, thác Bản Giốc… MV đẹp như vậy mà không quảng bá uổng lắm.
- Chị có sốc về chuyện tiền nong khi chi phí sản xuất MV thời nay không rẻ?
Tùng Phan chỉ tính chi phí cho ê-kíp, máy móc xịn, camera bay… còn phí đạo diễn nhất quyết không lấy 1 đồng dù tôi năn nỉ cỡ nào đi nữa. Nhờ Tùng Phan mà sản phẩm đã tiết kiệm nhất có thể, không được MV tiền tỷ như các em bây giờ.
- Âm nhạc Trịnh Công Sơn đóng vai trò thế nào trong sự nghiệp chị?
Tôi hạnh phúc khi không phải nàng thơ nhưng hát được nhạc anh nghe, khán giả công nhận. Các ca sĩ hát nhạc anh Sơn theo cách riêng. Có người dễ thương, có người dữ dội, lãng đãng, lạnh lùng… Tôi lại chọn cách hát rất ‘nóng’, không giống ai.
Hồi anh Sơn mất, tôi có làm cái đĩa Xin cho tôi tính ra mắt đúng dịp giỗ đầu anh. Lúc đó có một chương trình, tôi chuẩn bị lên hát bài Xin cho tôi với dàn nhạc gần trăm người thì hay tin bài bị cấm, đĩa cũng phải cất lại. Năm sau, báo chí đưa tin bài đó được lưu hành, tôi mới cho ra đĩa.
Đĩa Xin cho tôi cỡ 30 bài, tính cả những bài đi diễn, tôi hát chừng 60 – 70 bài của anh trong xuyên suốt nghiệp.
Tôi hát xong, anh Sơn đòi ‘hôn anh một cái’
- Đến nay, chị nhớ nhất kỷ niệm nào về ông?
Anh Sơn sinh nhật vào 28/2, vừa làm tiệc xong cỡ 1 tháng sau thì anh đi (ngày 1/4). Năm nào cũng vậy, cứ đúng sinh nhật anh mọi người tự động tới nhà, không cần mời.
Sinh nhật cuối cùng, anh Sơn yếu lắm rồi. Anh nói: “Vân hát cho anh nghe 1 bài đi”. Tôi bị khan tiếng lại không có đàn nhưng không dám cãi nên hát bài Sóng về đâu. Vì vậy, giỗ anh những năm sau đó, tôi hay hát lại bài này.
Anh đau bệnh chứ chưng diện áo quần chỉnh tề, tóc tai, mắt kính rất đẹp trai. Anh Sơn điệu lắm, nhất là có bạn tới thăm vì anh mê gặp bạn bè. Anh lớn nhưng như một đứa con nít thích được cưng chiều, nhõng nhẽo.
Tôi nghe nhiều người, có cả những nhạc sĩ, nói này kia về anh. Nhưng trong lòng tôi, anh Sơn vẫn chỉ là người anh mình biết, mình quý.
Anh dễ thương, hiền lành mà độ lượng lắm. Ai nói xấu gì mình cũng kêu “Kệ đi”, không biết hờn giận. Tôi từng tuổi này cũng mặc kệ những chuyện không hay nhưng đó là sự cho qua. Còn cái mặc kệ của anh Sơn nhẹ lắm, hoàn toàn không mảy may bận tâm.
Hồi còn sống, anh Sơn đặc biệt thích ăn cà ri dê tôi nấu. Thỉnh thoảng anh lại nói: “Vân ơi, Chủ nhật này anh tới nhà ăn cà ri dê nha” rất thân tình.
Cẩm Vân bên Trịnh Công Sơn.
Bởi vậy, hồi nghe tin anh mất, tôi buồn, buồn nhiều lắm. Lúc đầu còn tưởng là trò đùa cá tháng Tư. Tôi nghĩ bụng “Trời ơi giỡn hoài”, lúc gọi hỏi xác nhận lại mới biết là thật.
- Hình ảnh của cố nhạc sĩ trong công việc thì sao, thưa chị?
Lần đầu chúng tôi gặp nhau khoảng năm 1984 tại 1 tụ điểm trên tàu ở bến Bạch Đằng. Tôi đang hát thì thấy anh Sơn và anh Phạm Trọng Cầu ngồi bên dưới. Hồi đó 2 anh như một cặp, đi đâu cũng hay đi chung với nhau.
Anh Cầu ngồi dưới la lên: “Vân hát nhạc Trịnh Công Sơn đi”. Tôi kêu nghe nhiều nhưng không thuộc bài nào, thế là anh Sơn lên nhắc bài, hết sức dễ thương.
Ai quen đều biết hễ anh lấy tay che miệng tức là đang xỉn. Thế là tôi hát Diễm xưa 1 câu, anh nhắc 1 câu.
Sau này, thường khi giao bài anh sẽ kêu tới nói tôi cứ hát đi, sai nốt cũng được nhưng đừng sai lời. Nhắc vậy thôi chứ anh rất tôn trọng ca sĩ.
Thật ra, có 1 từ trong bài Xin cho tôi mà tôi kiên quyết sửa. Câu gốc là “Xin cho mây che đủ phận người” nhưng tôi hát thành “Xin cho mây che phủ phận người” vì chữ “đủ” ngay nốt đi xuống, ra dấu nặng. Nếu hát đúng sẽ không hay. Tôi nói: “Em không hát vậy đâu”, anh Sơn cười, không trách.
Trịnh Công Sơn đứng bên cạnh nhắc lời Cẩm Vân hát ‘Diễm xưa’. Ảnh: Nhạc sĩ Nguyễn Hà
- Hồi ấy, chị đã từng nghĩ về việc trở thành nàng thơ của Trịnh Công Sơn?
Không bao giờ, thậm chí anh Sơn còn chẳng công nhận tôi. Anh chưa từng nhắc tôi trong âm nhạc, có chăng nhắc sơ qua nếu phải kể về những người hát nhạc của mình.
Anh quý tôi nhưng không bao giờ nói. Chương trình nào của anh, tôi bận không tham gia được, anh rất buồn cũng không nói ra.
Lần nào tôi hát anh ưng lắm thì tặc lưỡi một cái, ra vẻ tâm đắc, vậy thôi. Có lần tôi hát xong, anh nói: “Cảm ơn em, hôn anh 1 cái đi” rồi đưa má ra. Tôi chưng hửng: “Gì kỳ vậy? Anh cảm ơn em thì phải hôn má em chứ?”.
Anh Khắc Triệu đứng ngay đó. Anh Triệu thương anh Sơn lắm. Ngược lại, anh Sơn ít mua quà cho ai, chỉ có người ta mua quà tặng anh. Vậy mà anh Sơn đi Pháp về mua cho anh Triệu một cặp dùi.
- Tuổi 65, có bài nhạc Trịnh nào nay đã quá sức với chị?
Tôi chẳng những không thấy khó mà còn hát hay hơn xưa. Tuổi tác và trải nghiệm giúp giọng hát có chiều sâu, độ chín, dĩ nhiên tôi cũng phải ‘văn ôn võ luyện’ mỗi ngày.
Tôi yêu nghề lắm nhưng không kiêng cữ gì để giữ giọng. Uống nước đá, trà sữa, cà phê sữa, ăn ớt, thức khuya… có đủ, cũng như lười vận động.
Tôi bây giờ bị cao huyết áp, cao mỡ máu, béo phì, cứ 3 tháng đi kiểm tra 1 lần vì sợ bị tiểu đường. Gần đây, tôi mới bắt đầu đi tập gym với Cece Trương.
Tôi được cái khi đã tập bài nào sẽ tập đến khi tự mình thấy gai người mới thôi. Tập đến từng từ, từng nốt phải nhớ rõ nhấn nhá, bắt thả ra sao. Tuổi này, tôi vẫn bị căng thẳng mỗi khi hát một bài nào đó.
- Nghe nói duyên nợ giữa chị và nhạc Trịnh sẽ được tiếp nối bằng một chiếc đĩa than?
Năm nay tôi sẽ ra 1 chiếc đĩa than nhạc Trịnh được sản xuất ở Mỹ do anh Nguyễn Công Phương Nam ở Đức hòa âm.
Tôi muốn có 1 đĩa than nhạc anh Sơn lâu rồi nhưng tính đi tính lại chi phí phải hơn 1 tỷ đồng, lấy đâu ra? Tự nhiên có 1 ông ‘dân chơi’ trên trời rơi xuống làm đĩa cho mình. Tôi không mất tiền, còn được trả một khoản.
Lúc thu, ông ấy cứ đập bàn tâm đắc, đòi tôi thu thêm 100 bài nhạc Trịnh. Tôi tưởng nói chơi nhưng cứ cách một thời gian lại thấy nhắc chuyện này. Đại khái mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ chờ tôi gật đầu.
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã vượt qua bạo bệnh, khỏe mạnh trình diễn tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Khoảnh khắc Trần Mạnh Tuấn trình diễn saxophone tại nhà cố NS Trịnh Công Sơn sáng nay đã gây xúc động mạnh mẽ.
Diva Hồng Nhung rưng rưng khi nhắc về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong concert cá nhân Diva Hồng Nhung kết hợp cùng nghệ sĩ quốc tế hát nhạc Trịnh Công Sơn Về câu hát "Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay" của Trịnh Công Sơn
Sáng 1/4/2023, đông đảo người thân, văn nghệ sĩ, người hâm mộ đã tề tựu tại ngôi nhà của cố NS Trịnh Công Sơn trong buổi lễ tưởng niệm 22 năm ngày mất của ông. Xuất hiện tại buổi lễ tưởng niệm, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn khiến công chúng không khỏi vui mừng khi anh đã hoàn toàn khỏe mạnh, di chuyển lại hoàn toàn bình thường.
Tháng 8/2021, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn phải nhập viện vì bị đột quỵ, vỡ mạch máu não khiến công chúng không khỏi lo lắng vì tình trạng sức khỏe của anh. Sau đó, NS đã qua được cơn nguy kịch và dần hồi phục. Tuy nhiên tại buổi lễ tưởng niệm năm trước, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn vẫn phải ngồi xe lăn, không thể trình diễn saxophone tưởng nhớ cố NS Trịnh Công Sơn như truyền thống nhiều năm qua. Chính vì thế, việc nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã khỏe mạnh gần như hoàn toàn, tiếp tục biểu diễn là một tin vui với người yêu nhạc.
NS Trần Mạnh Tuấn khỏe mạnh, trình diễn saxophone tưởng niệm cố NS Trịnh Công Sơn.
Tại buổi tưởng niệm 22 năm ngày NS Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã độc tấu saxophone giai điệu bất hủ của Diễm Xưa, cũng là ca khúc nhạc Trịnh mà anh vô cùng tâm đắc. Sau đó, NS Trịnh Vĩnh Trinh (em gái của cố NS Trịnh Công Sơn) đã động viên để anh tiếp tục thể hiện giai điệu Nhớ Mùa Thu Hà Nội. Không gian như vỡ òa cảm xúc khi tất cả những người có mặt tại buổi lễ tưởng niệm cùng hát theo tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.
Chia sẻ tại buổi lễ tưởng niệm, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trải lòng: "Tôi càng không dám nghĩ mình tiếp tục được thổi saxophone trong ngày giỗ Trịnh Công Sơn - người anh tôi yêu quý. Sau cơn bạo bệnh với ba lần mổ não, có lúc gia đình tính chọn nơi để tôi yên nghỉ. Nhưng tôi không chịu".
Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn vượt qua bạo bệnh để biểu diễn
Mộc San - Làn gió mới của nhạc Trịnh Ca sĩ Mộc San sẽ trình bày 15 ca khúc trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Thời gian gần đây, trên các nền tảng âm nhạc xuất hiện một giọng ca mới của dòng nhạc Trịnh với những ca khúc có lượt nghe khủng như: Ru ta ngậm ngùi, Biển...