Nữ chính trị gia triển vọng cho ghế Thủ tướng Nhật
Với vẻ ngoài ăn ảnh, là nhà cố vấn dày kinh nghiệm, đầy quyền lực của đảng cầm quyền đồng thời là người biết cách không tạo ra kẻ thù chính trị, tân Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yuko Obuchi có đủ các yếu tố để trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật.
“Công chúa” của chính trường Nhật
Trong hành lang quyền lực mà nam giới chiếm thế thượng phong, nơi thâm niên vẫn còn là vấn đề lớn, giới tính và tuổi đời còn trẻ của bà Obuchi có thể khiến bà còn lâu mới có thể kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe.
Tuy nhiên, do sự thiếu hụt các đối thủ – là nam chính trị gia được ưa chuộng, và những nghi ngờ dai dẳng về sự thành công của “nền kinh tế Abe”, nên Obuchi – nữ chính trị gia 40 tuổi, con gái của cựu Thủ tướng Keizo Obuchi, đang ngày càng được coi là ứng viên sáng giá khi đảng Dân chủ tự do (LDP) của bà đang tìm kiếm lãnh đạo mới.
Tới thời điểm này, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Abe là khá lớn, hơn 50%, song mức độ ưa chuộng đối với ông này còn phụ thuộc nhiều vào việc liệu ông có giữ được cam kết là vực dậy nền kinh tế trì trệ từ lâu của Nhật hay không.
Thậm chí là, ngay cả khi người kế nhiệm trực tiếp của ông Abe là nam giới thì Obuchi – được báo giới Nhật mệnh danh là Thủ tướng sắp tới của Nhật, vẫn có nhiều khả năng nắm giữ vị trí cao nhất.
“Phe của Obuchi muốn đưa bà ấy lên cao. Họ muốn khuyến khích bà ấy như một lãnh đạo tương lai”, giáo sư Tomoaki Iwa của trường Đại học Nihon cho hay. “Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp là một vị trí quan trọng, vì thế bạn có thể nói, Obuchi đang bước dần từng bước trên chiếc thang tới ghế thủ tướng”.
Động lực phấn đấu
Video đang HOT
Cái chết đột ngột của người cha Keizo khi còn tại nhiệm vào năm 2000 đã thuyết phục Obuchi tranh cử vào Quốc hội ở tuổi 26.
Chính trị, cũng giống như doanh nghiệp nhỏ, thường là vấn đề gia tộc ở Nhật, nơi có truyền thống con cái sẽ nối nghiệp cha vào các vị trí được bầu.
“Tôi lớn lên để chứng kiến những việc cha đã làm và đi theo con đường của ông như một chính trị gia”, Obuchi cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình, vài ngày trước khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng trong cuộc cải tổ nội các Nhật hồi đầu tháng 9.
Những ai biết Obuchi đều nhất trí rằng, người phụ nữ trẻ này gia nhập chính trường là để kế thừa di sản mà người cha để lại hơn là theo đuổi một chương trình nghị sự cụ thể.
Là người nhỏ nhất trong số 3 anh chị em, trước đây, Obuchi làm phát thanh viên truyền hình và là trợ lý riêng cho cha.
Trong số 5 phụ nữ được bổ nhiệm vào nội các của Thủ tướng Abe, bà Obuchi giữ lập trường ôn hòa, so với hai bộ trưởng khác có chung chương trình nghị sự diều hâu của ông Abe.
Obuchi được cho là người ủng hộ quan hệ nồng ấm với Trung Quốc và Hàn Quốc, và là một trong số 4 bộ trưởng không liên quan tới nhóm vận động theo chủ nghĩa dân tộc Nippon Kaigi, các nhà phân tích chính trị cho hay.
Obuchi thuộc về một nhóm nghị sĩ riêng rẽ, ủng hộ các chuyến thăm đền Yasukuni của Tokyo và là người được những nhân vật chỉ trích coi là biểu tượng của chế độ quân phiệt trong quá khứ của Nhật, song bà Obuchi thường phái nhân viên tới dâng lễ ở đền thay vì đích thân đi, một trợ lý của bà này cho hay.
Obuchi là bộ trưởng nội các thời hậu chiến trẻ nhất khi giữ ghế quan trọng về bình đẳng giới vào năm 2008 – khi mới 34 tuổi. Sau đó, bà là người đầu tiên mang bầu khi đang tại nhiệm. Obuchi từng giữ chức thứ trưởng tài chính.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet
Thủ hiến Scotland: Phe phản đối độc lập đã bị "lừa"
Phát biểu sau thất bại trong việc giành sự ủng hộ của cử tri để tách khỏi Vương quốc Anh, thủ hiến Scotland Alex Salmond khẳng định phe nói "Không" đã bị lừa, bởi những hứa hẹn từ London về một quyền tự trị rộng rãi hơn sát giờ bỏ phiếu.
Thủ hiến Scotland Alex Salmond
Dự kiến Hạ viện Anh sẽ thông qua một thời gian biểu mà các đảng phái tại nước này khẳng định sẽ trao cho Scotland những quyền lực lớn hơn.
Tuy nhiên thủ hiến Salmond cho rằng thủ tướng Anh và lãnh đạo Công đảng đã bất đồng về cam kết trên.
Trước đó, cử tri Scotland đã phản đối việc tuyên bố độc lập với tỷ lệ 55% ý kiến phản đối so với 45% phiếu thuận.
Thủ tướng David Cameron, lãnh đạo Công đảng Ed Miliband và lãnh đạo đảng Dân chủ tự do Nick Clegg tất cả đều tuyên bố trước cuộc trưng cầu dân ý rằng, Scotland cần phải được trao thêm quyền lực nếu từ chối tuyên bố độc lập.
Theo kế hoạch này, việc lập pháp sẽ do chính phủ mới, đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới, lập ra.
Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền cho biết một thời hạn chót để trình nội dung vận động trên lên quốc hội sau cuộc trưng cầu dân ý hôm thứ Năm vừa qua đã qua đi. Và họ cho rằng thời gian biểu cho sự trao quyền này giờ sẽ phải chờ quốc hội Anh quyết định chứ không phải do Scotland.
Phát biểu trên BBC, ông Salmond tin rằng những cam kết muộn màng về quyền lực mới mà giới chức Anh đưa ra đã đem chiến thắng về cho phe nói "Không" với độc lập.
Nhưng chính trị gia này dự báo, những người đã chọn "Không" sẽ nổi giận khi biết rằng mình bị "lừa dối" bởi những cam kết đó.
"Tôi thực sự không ngạc nhiên khi họ cãi bay biến hoặc không thực hiện cam kết, tôi chỉ ngạc nhiên bởi tốc độ họ đang làm việc đó. Họ dường như không biết hổ thẹn là gì trong vấn đề này. Thủ tướng muốn gắn những thay đổi tại Scotland với những thay đổi của nước Anh. Ông ta muốn làm điều này bởi ông ấy gặp khó khăn trong việc lôi kéo những người khác bên phía mình ủng hộ, và họ chịu áp lực từ đảng Nước anh độc lập", ông Salmond nói.
"Lãnh đạo Công đảng thì tất nhiên sợ có bất kỳ sự thay đổi nào tại Anh có thể khiến họ mất thế đa số trong Hạ viện khi bàn tới các vấn đề của nước Anh. Tôi nghĩ rằng những bất ngờ vừa qua chỉ là những trò được bịa đặt trong lúc tuyệt vọng, trước cuộc trưng cầu dân ý, và tôi nghĩ mọi người Scotland giờ đã nhận ra".
Thanh Tùng
Theo Dantri/ BBC
Scotland trưng cầu dân ý về độc lập khỏi Vương quốc Anh Hôm nay 18/9, cử tri Scotland sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc có tiếp tục trở thành một phần của Vương quốc Anh hay tách ra thành một quốc gia độc lập. Cử tri sẽ trả lời "Có" hay "Không" về nền độc lập của Scotland trong cuộc trưng cầu dân ý. Các cử tri...