Nữ chính “điên” nhất nhì phim Hàn kèm theo hiệu ứng tâm lý gây sốc, Điên Thì Có Sao là bước tiến mới về độ táo bạo!
Điên Thì Có Sao đã tiến một bước mới về sự táo bạo trong việc khai thác những chủ đề nhạy cảm của xã hội.
Psycho But It’s Okay (Điên Thì Có Sao) chỉ mới phát sóng 4 tập nhưng đã khiến đông đảo khán giả bất ngờ về độ táo bạo thuộc hàng nhất nhì của mình. Phim chọn khai thác một chủ đề không hề dễ xem với nhân vật trung tâm là một “điên nữ” cùng câu chuyện phức tạp về thế giới của những người bất ổn tâm lý. Bề ngoài là một câu chuyện cổ tích đẹp nhưng bên trong là hàng loạt chi tiết gây sốc dễ dàng khiến bộ phim được xếp vào hàng những tác phẩm táo bạo, thậm chí liều lĩnh, nhất làng phim Hàn trước nay.
Một nữ chính “lệch chuẩn” và “điên” nhất nhì làng phim Hàn
Nữ chính Go Moon Young ( Seo Ye Ji) của Điên Thì Có Sao mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial Personality Disorder – ASPD). Cô vô cảm, lạnh lùng, bất chấp luật lệ hay giới hạn thông thường. Dọa sợ trẻ em, hút thuốc trong bệnh viện, ngang nhiên muốn “bắt” nam chính về cho riêng mình và không ngần ngại đi theo anh đến khắp nơi hay có những hành vi quá đáng, Moon Young trong mắt một số người là “ngầu”, trong mắt một số người khác lại là “kẻ bám đuôi” lố bịch.
Những hành động vượt giới hạn của Go Moon Young thậm chí còn được “nâng cấp” hơn so với những “điên nữ” khác.
ASPD được định nghĩa là một trạng thái không bình thường của nhân cách biểu hiện chủ yếu bằng sự khó hoặc không thích ứng thường xuyên với các quy tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Chính vì thế, Moon Young không biết và không quan tâm cái gì là “giới hạn”, là “đúng đắn”, cô làm mọi thứ nhằm thoả mãn nhu cầu cá nhân của mình. Tất cả những hành động gây tranh cãi của nhân vật này, hẳn nhiên là một số còn nhằm “fanservice”, đều liên đới trực tiếp đến bệnh của cô và khó có thể nhìn nhận dưới những chuẩn mực thông thường nếu không chắc chắn sẽ thấy vô cùng khó chịu.
Vấn đề của Moon Young là cô chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, rất tuỳ ý trong mọi việc, và đó là biểu hiện tiêu biểu của rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Khai thác hàng loạt bệnh tâm lý, không ngại cả những hội chứng nhạy cảm
Chỉ trong 4 tập phim, Điên Thì Có Sao nói không ngoa đã mang khán giả bước vào thế giới của những người “điên”, hay nói đơn giản là những người bất ổn tâm lý. Từ tự kỷ, chống đối xã hội, mất trí nhớ đến chứng hưng cảm, bộ phim tỏ ra không ngán ngại những bệnh lý nhạy cảm khi mà chủ đề chính của phim vốn đã nhạy cảm. Điều quan trọng là Điên Thì Có Sao không khai thác suông. Bộ phim đặt nền móng vững cho nhân vật của mình với những chấn thương tâm lý nặng nề từ quá khứ – nguyên nhân chính gây ra bệnh của họ và cho thấy rõ sự tích tụ thương tổn qua thời gian.
Điên Thì Có Sao khai thác sâu không ít bệnh tâm lý, mỗi một nhân vật lại “bất thường” theo một cách khác nhau.
Điên Thì Có Sao còn gây bất ngờ với những trường đoạn mang phong cách live action phương Tây hoặc có chiều hướng phóng đại, đơn cử như cảnh Sang Tae ( Oh Jung Se) chạy đến buổi kí tặng của Moon Young mà tưởng như thế giới “nở hoa”, cảnh Moon Young tưởng tượng mình hóa khổng lồ bắt lấy Kang Tae hay cảnh Gi Do ( Kwak Dong Yeon) ngỡ mình đang ở vũ trường. Tất thảy những hiệu ứng đó đều không để “cho vui”, chúng thể hiện thế giới dưới góc nhìn của những người mắc bệnh tâm lý đó, làm nổi bật trạng thái tâm lý của họ, đồng thời cho thấy cách mà người thường nhìn họ với cách họ nhìn thế giới khác nhau như thế nào.
Những cảnh tưởng tượng đầy màu sắc nhằm dụng ý thể hiện thế giới dưới lăng kính của những người bất ổn về tâm lý.
Đảo ngược những nhận định phổ biến
Vì sao chỉ có công chúa mới luôn xinh đẹp và lương thiện còn phù thuỷ thì luôn xấu xí và tàn nhẫn? Truyện cổ tích có phải đại diện cho những mơ ước đẹp đẽ của con người và khuyến khích chúng ta hãy cứ lạc quan trong hiểm cảnh? Go Moon Young của Điên Thì Có Sao trả lời là không. Với cô, cổ tích là để nhắc nhớ người ta đừng ngẩng đầu nhìn sao mà quên chân mình đang kẹt dưới bùn. Nỗi đau là để chấp nhận và ôm nó sống tiếp chứ không phải để quên đi.
Chân dung “cô giáo ngữ văn” với những bài học ngược đời khiến ai nấy sững sờ.
Cần phải xác định rằng Điên Thì Có Sao không áp đặt những nhận định “ngược đời” này lên bất cứ ai. Bộ phim truyền tải chúng dưới lăng kính của Moon Young – một “kẻ điên” không được thế giới yêu thương và hẳn nhiên cũng chẳng buồn yêu thương thế giới. Điên Thì Có Sao tỏ ra quyết tâm đi ngược với những thông điệp tươi sáng thông thường để bóc trần sự khắc nghiệt của cuộc sống và lối suy nghĩ của những con người bất ổn thường bị cho là “đáng xa lánh” trong xã hội.
Hiệu ứng tâm lý nặng nề dễ gây sốc cho khán giả
Không ít khán giả đã đề nghị Điên Thì Có Sao nên được dán nhãn “trigger warning” – tức cảnh báo kích động phản ứng tiêu cực. Đây không phải một nhận định chê phim, mà bởi vì bộ phim mang dáng dấp một câu chuyện cổ tích nhưng bên trong đầy rẫy những yếu tố ám ảnh. Giết bướm, tòa lâu đài bị nguyền rủa, tự sát, án mạng, cha bóp cổ con, sự xuất hiện của “bóng ma” người mẹ ám ảnh nữ chính, có rất nhiều yếu tố khiến người xem sững sờ hay thậm chí sợ hãi và có lẽ không phù hợp với những khán giả “yếu tim” bắt đầu theo dõi với tâm thế đón chờ một chuyện tình kịch tính hài hước đơn thuần.
Cảnh “bóng ma” khiến Moon Young mất ngủ mang đầy đủ yếu tố của một cảnh phim kinh dị.
Cảnh cha bóp cổ con gái ruột cũng dễ gây sốc với các khán giả nhạy cảm.
Chưa kể đến nhiều cảnh dễ khiến người xem “rợn người” như tự cắt ngón tay hay giết bướm.
Điên Thì Có Sao là câu chuyện của những con người sống với đầy ắp nỗi đau, thế nên dù có không ít cảnh hài hước và tươi sáng, ở cốt lõi đây là một phim rất nặng tâm lý. Người bình thường xem phim sẽ hiểu hơn về thế giới của người bất ổn, còn những người rơi vào tình cảnh ít nhiều tương tự với các nhân vật trong phim hoặc sẽ thấy đồng cảm, hoặc sẽ thấy như bị tổn thương lần nữa. Ngoài ra, bộ phim này chắc chắn không phù hợp cho trẻ em hay người dễ bị kích động. Quyết định làm một tác phẩm như thế này, đối với đoàn phim và diễn viên là cả một sự liều lĩnh.
Nữ chính ngang ngược, nội dung nhạy cảm, hiệu ứng tâm lý nặng nề, Điên Thì Có Sao tỏ ra là một tác phẩm thật sự táo bạo. Những cảnh nhạy cảm liên quan đến “động chạm” da thịt và phô dâm trong phim hiện đang đối mặt với chỉ trích và khiến phim bị báo cáo lên Uỷ ban kiểm duyệt Hàn Quốc, nhưng lại được những người hâm mộ phim bảo vệ vì khắc hoạ được rõ ràng trạng thái tâm lý của nhân vật. Với nội dung độc lạ, Điên Thì Có Sao sẽ còn một chặng đường gập ghềnh để đi, nhưng không thể phủ nhận rằng khách quan mà nói đây là một tác phẩm rất hiếm gặp, một lựa chọn mạo hiểm nhưng đáng giá của Kim Soo Hyun cho dự án chính thức đầu tiên hậu xuất ngũ.
Trailer Điên Thì Có Sao
Điên Thì Có Sao sẽ tiếp tục lên sóng lúc 19:00 giờ Việt trên tvN mỗi thứ bảy – chủ nhật và được cập nhật trên Netflix ngay sau đó.
Knet rần rần vì nữ chính Điên Thì Có Sao: Xem phim vì Kim Soo Hyun nhưng đổ Seo Ye Ji quá giờ sao?
Sau khi 2 tập Điên Thì Có Sao lên sóng, cư dân mạng Hàn Quốc rần rần khen ngợi nữ chính Seo Ye Ji và cho rằng cô là điểm đặc sắc bậc nhất của phim.
Điên Thì Có Sao (Psycho But It's Okay) vừa lên sóng được 2 tập và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Sau tập 1 hoành tráng nhưng nhận về phản hồi tương đối "phân cực", tập 2 của bộ phim lại nhận nhiều lời khen từ khán giả trong lẫn ngoài Hàn Quốc. Đặc biệt, nữ chính Seo Ye Ji là người nhận được nhiều sự chú ý hơn cả, thậm chí át cả "ông hoàng truyền hình" Kim Soo Hyun.
Trong tập 2, nữ chính Moon Young (Seo Ye Ji) và nam chính Kang Tae (Kim Soo Hyun) đã khám phá thêm nhiều điều về nhau sau những sự kiện đáng nhớ. Tập phim đào sâu hơn vào quá khứ của cả hai, đồng thời làm rõ nỗi sợ và căn bệnh của Sang Tae (Oh Jung Se) - anh trai Kang Tae. Đến cuối tập 2, Moon Young đã xác định Kang Tae chính là "đôi giày đỏ" không bao giờ rời khỏi chân cô, là mảnh ghép quan trọng của cuộc đời mà cô đang tìm kiếm. Từ cách dẫn chuyện, phần hình ảnh, đến diễn xuất của các diễn viên đều thuyết phục được đông đảo khán giả, thu về nhiều lời nhận xét tích cực. Đáng nói nhất, Seo Ye Ji đang trở thành cái tên nóng trên khắp các diễn đàn với thần thái diễn xuất và nhan sắc cực phẩm của mình.
Rất nhiều người đang tự hỏi tại sao bấy lâu họ lại ít chú ý đến nhan sắc và thần thái cực phẩm này.
Trailer Điên Thì Có Sao
Một số bình luận của cư dân mạng Hàn Quốc về tập 2 Điên Thì Có Sao trên Nate:
[ 877,-61] Từ giọng nói cho đến trang phục, Seo Ye Ji thật sự toát ra khí chất vương giả.
[ 802,-59] Seo Ye Ji thật sự quá cuốn hút. Trang phục tập này quá đỉnh và tổ phục trang nên nhận được giải thưởng cho công lao của họ. Ngoài ra thì có vẻ nhân vật của cô nàng đang gây khó dễ hơi nhiều cho nhân vật của Kim Soo Hyun đấy.
[ 759,-54] Bộ phim này là cơ hội để tái khám phá Seo Ye jI, cô ấy quá cuốn hút và vai này vô cùng hợp cô ấy luôn.
[ 622,-50] Tập 2 thú vị hơn tập hôm qua nhiều đấy. Tôi bắt đầu xem phim này vì Kim Soo Hyun cơ nhưng mà Seo Ye Ji đẹp quá đi và tôi nghĩ họ trông rất đẹp đôi luôn.
[ 615,-40] Từ diễn xuất đến nhan sắc đến giọng nói, hai diễn viên chính không thiếu khoản nào luôn. Oh Jung Se và chú giám đốc bệnh viện Doldam cũng xịn nữa.
[ 461,-41] Seo Ye Ji và Kim Soo Hyun đều xịn, và Điên Thì Có Sao cũng xịn nốt nên đừng bỏ qua bộ phim này!
Điên Thì Có Sao tiếp tục lên sóng những tập tiếp theo trên tvN lúc 19:00 giờ Việt mỗi thứ bảy và chủ nhật. Phim cũng được cập nhật trên Netflix ngay sau đó.
Kim Soo Hyun và dàn cast Điên Thì Có Sao hé lộ điểm "ăn tiền" nhất của phim hot săp ra mắt Trước thềm lên sóng, Kim Soo Hyun cùng dàn diễn viên chính của Điên Thì Có Sao đã hé lộ những điểm quan trọng đáng trông chờ ở tác phẩm được kì vọng là lãng mạn và nhân văn này. Psycho But It's Okay (Điên Thì Có Sao) cuối cùng cũng đến ngày ra mắt khán giả, đánh dấu lần đầu tiên "cụ...