Nữ cảnh sát duy nhất huấn luyện chó nghiệp vụ
Thượng uý Hà Thu Trang, 36 tuổi, dành 10 tiếng mỗi ngày để chăm sóc, đào tạo chó nghiệp vụ thành thục các kỹ năng chiến đấu.
Thượng uý Hà Thu Trang là nữ cảnh sát huấn luyện chó nghiệp vụ đầu tiên và duy nhất của lực lượng cảnh sát cơ động thuộc Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư Lệnh Cảnh sát cơ động.
Trang cũng là một trong hơn 100 gương điển hình tiên tiến vừa được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động vinh danh.
Gần bốn năm qua, khi được điều động từ đội bác sĩ thú y sang làm huấn luyện viên chó nghiệp vụ, hàng ngày cô dành hơn 10 tiếng bên chú chó giống Malinois tên Ky.
Từ 5h sáng, thiếu uý Trang cho Ky ăn cơm trộn với trứng luộc cùng nước canh. Để động viên chú chó của mình, Trang bóp vụn quả trứng, trộn vào cơm và vốc từng vốc cho ăn trên tay.
Mỗi ngày, chó được ăn ba bữa và một số bữa phụ, uống sữa, ăn trứng.
Ra khỏi cũi lúc 5h, chú chó Ky được dắt đi dạo quanh khuôn viên Trung tâm để tập thể dục. “Đây là bài tập đầu tiên, ngoài ra cũng tạo thành thói quen để luôn thích ứng, đảm bảo sức khoẻ tốt nhất”, nữ cảnh sát chia sẻ.
Nữ cảnh sát và các đồng đội bắt đầu huấn luyện chó nghiệp vào buổi sáng từ 8h đến hơn 11h, buổi chiều từ 13h30 đến 17h.
Ngoài thành tích huấn luyện giỏi, Trang còn làm bác sĩ thú ý và là cán bộ chuyên nghiên cứu khoa học với các đề tài về nhân giống gen chó Berger vào huấn luyện để tiết kiệm thời gian đào tạo.
Trước khi ra thao trường, Thu Trang đưa Ky đến trung tâm y tế để các bác sĩ kiểm tra sức khoẻ. Tại đây, Ky được đo nhiệt độ, kiểm tra các bộ phận cơ thể, thậm chí tiêm thuốc bổ để tăng sức đề kháng.
Trong suốt quá trình khám sức khoẻ khoảng 10 phút, huấn luyện viên liên tục ôm Ky vào lòng và động viên bằng câu khẩu lệnh “giỏi”, “giỏi” để chấn an, giúp chó đứng thoải mái.
Video đang HOT
Gắn bó với Ky hơn hai năm, Trang cho biết, trong quá trình huấn luyện thi thoảng có những vết thương nhỏ làm chó mệt, biếng ăn nên có nhiều hôm nữ huấn luyện viên phải để chồng và hai con nhỏ ở nhà để đến chăm sóc.
“Có hôm, bé 7 tuổi khóc đòi theo mẹ đến trung tâm và nói mẹ yêu chó hơn yêu con. Lúc đó, mình chỉ biết ôm vỗ và cố giải thích cho con hiểu”, nữ cảnh sát nói.
Ky được huấn luyện viên đào tạo các bài nằm bò, đi theo chủ hay dã ngoại và gắp vật…
Theo thượng uý Trang, để chó nghe lời và nhận biết chủ nhân không có cách nào khác là phải dành thời gian ở bên nó, gần gũi, vuốt ve và nói chuyện.
“Giống chó này rất khôn, nó có thể cảm nhận được tình cảm của con người vì vậy càng gần gũi với nó bao nhiêu thì việc huấn luyện sẽ hiệu quả bấy nhiêu”, chị nói.
Cùng hàng chục nam huấn luyện viên trẻ khác, thượng uý Trang cũng đào tạo Ky qua cả chục bài tập trên thao trường dưới cái nắng hơn 38 độ C.
Các bài tập nặng và nguy hiểm nhất là cho chó bò dưới gầm giàn lửa, vượt qua vòng lửa, tường lửa cao hơn một mét. Với bài tập này Ky và huấn luyện viên của mình chỉ mất khoảng hơn chục giây và vượt hoàn thành xuất sắc.
Chú chó Trang đang huấn luyện được xếp vào chuyên khoa ngửi, tìm ma tuý do vậy các bài tập luyện cũng có thiên hướng phục vụ việc giám biệt, đánh bắt tội phạm vận chuyển ma tuý.
Trong bài tập này, huấn luyện viên ra lệnh cho Ky tấn công, trấn áp tội phạm bỏ chạy. Trong vài giây chú chó 4 tuổi lao nhanh và cắn vào tay tội phạm, nữ cảnh sát chạy theo để khống chế tội phạm và yêu cầu chó dừng lại.
“Hiện Ky có thể ngửi, phân biệt được 3-4 loại ma tuý. Mới đây, nó có thể phân biệt được cỏ Mỹ, ngoài ra các loại ma tuý quen thuộc như heroin, ma tuý đá việc đánh hơi, phân biệt đã thành thục”, Thu Trang chia sẻ.
Giây phút nghỉ ngơi của nữ huấn luyện viên cùng Ky sau những bài huấn luyện trên thao trường. Chú chó đưa chân trước lên bàn tay của chủ. Cứ như vậy trong vài phút Ky ngồi im một chỗ, để chủ nhân vuốt ve, nói chuyện.
“Đã có lúc, gia đình và chồng khuyên nên chuyển công tác vì thấy nặng nhọc nhưng đây là công việc tôi rất thích nên chồng cũng hiểu và thông cảm”, Trang nói.
Là nữ huấn luyện viên duy nhất nên trong những lúc nghỉ ngơi trò chuyện, Trang thường bị các nam cảnh sát trẻ trêu đùa và chọc cười bằng những câu chuyện vui.
Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; trang bị, cung cấp, huấn luyện động vật nghiệp vụ cho công an các đơn vị địa phương.
Nơi đây có hàng trăm con chó với 5 giống điển hình được sử dụng như giống chó Berger, Malinois, Rottweiler, Cocker, Labrador và Boxer. Các giống chó này được đào tạo với 5 chuyên khoa nghiệp vụ: Bảo vệ truy tìm dấu vết mùi hơi người; phát hiện ma tuý, phát hiện thuốc nổ; giám biệt mùi hơi người và tìm kiếm cứu nạn.
Nữ cảnh sát cùng chó nghiệp vụ trên thao trường.
Đổi mới ở lò luyện cảnh khuyển
Tháng 7 năm 2014, chó nghiệp vụ của Cục Cảnh sát quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (nay tách thành Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và Phòng Hướng dẫn động vật nghiệp vụ).
Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động được huy động tham gia giai đoạn 2 chuyên án chuyển hoá địa bàn trọng điểm về ma tuý ở Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La.
Khi toán đối tượng vận chuyển ma tuý rơi vào ổ phục kích của Ban Chuyên án thì chúng đã xả súng. Đồng chí Lường Phát Chiêm hy sinh, một cán bộ khác bị thương nặng. Chó nghiệp vụ lao lên khống chế, cắn ngang cổ một đối tượng thì đã bị đối tượng đi cùng gí súng bắn...
Đến tận bây giờ, khoảnh khắc đồng đội mình và chó nghiệp vụ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vẫn ám ảnh tâm trí các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Trung tâm Huấn luyện và Sử dụng động vật nghiệp vụ (gọi tắt là Trung tâm), và mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ấy, họ đều cảm thấy rưng rưng khó tả.
Cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ tấn công tội phạm.
Có lẽ, đối với những cán bộ gắn bó với nghiệp quản lý, huấn luyện, sử dụng cảnh khuyển phá án như vậy thì mỗi chú chó cũng như một người bạn thân thiết. Họ làm bạn với cảnh khuyển từ khi mới ra đời, trải qua giai đoạn tách mẹ (sau 2 tháng) nuôi hậu bị, giai đoạn trưởng thành (khoảng 1 năm) và đưa vào huấn luyện chiến đấu.
Theo Đại tá Ngô Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ CAND ra đời ngày 15-12-1959, trải qua quá trình xây dựng và phát triển đã đóng góp không nhỏ vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Điển hình như hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, ngăn chặn, truy lùng, bắt giữ, dẫn giải người phạm tội, bị can, phạm nhân; hỗ trợ tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn trật tự công cộng; bảo vệ phiên toà, thi hành án, tìm xác người, tìm vật chứng.
Thậm chí còn giám biệt mùi hơi người, phát hiện các chất ma tuý, vật liệu nổ, tìm kiếm cứu nạn và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác.
"Việc sử dụng động vật nghiệp vụ có độ tin cậy, chính xác ngày càng cao. Trong nhiều trường hợp không thể triển khai các biện pháp nghiệp vụ khác thì sử dụng động vật nghiệp vụ là biện pháp nghiệp vụ cần thiết, tối ưu" - Đại tá Ngô Văn Khoa chia sẻ.
Từ năm 2010 đến nay, lực lượng CAND đã sử dụng cảnh khuyển tham gia tuần tra kiểm soát gần 200.000 lượt trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; phát hiện, ngăn chặn hàng trăm vụ đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; trộm cắp tài sản, đánh bạc. Đáng chú ý đã phối hợp kiểm tra, bắt giữ hơn 1.500 đối tượng, xử lý gần 4.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông; 155 vụ án ma tuý...
Còn nhớ, năm 2016, đoàn công tác của Trung tâm hành quân về Hà Tĩnh, đưa 2 cán bộ huấn luyện, 2 chó nghiệp vụ tham gia chuyên án đột kích 2 tụ điểm mua bán, sử dụng chất ma tuý. Kết quả đã bắt giữ nhóm đối tượng do Nguyễn Huy Cảnh (SN 1975), trú phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh cầm đầu; thu giữ 1,3kg ma tuý đá cùng nhiều súng, dao, kiếm...
Với đội ngũ cán bộ huấn luyện tinh thông pháp luật, chính trị, nghiệp vụ; chó nghiệp vụ đồng đều, sức khoẻ tốt, Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ luôn sẵn sàng phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngay tại Hà Nội, đơn vị thường xuyên phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn và Cụm an toàn phía Tây của huyện; phía Nam thì phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh tuần tra kiểm soát...
Đảng uỷ, Ban Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ luôn quan tâm công tác đầu tư, tuyển chọn và phát triển đàn chó nghiệp vụ. Hiện tại, số cảnh khuyển ở Trung tâm là trên 50 con, đây là những chú chó đã tốt nghiệp loại xuất sắc và có thể thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
"Toàn lực lượng CAND có 117 đầu mối sử dụng động vật nghiệp vụ, với số lượng gần 900 con và cán bộ huấn luyện gần 1.200 người. Tuy nhiên trong những chuyên án, vụ án nghiêm trọng thì vẫn thường yêu cầu huy động cảnh khuyển của Trung tâm", Trung tá Hoàng Đức Thân, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin.
Ở Trung tâm đã thành lập hội đồng giám định cảnh khuyển có tiêu chuẩn, quy định riêng của từng chuyên khoa. Ví dụ chó ở chuyên khoa phát hiện ma tuý, thuốc nổ thì yêu cầu ngoại hình phải chắc khoẻ, linh hoạt, ham sục sạo, tìm kiếm; chó giám biệt mùi hơi người thì cần thần kinh cân bằng, điềm tĩnh, nhạy bén với mùi hơi để có khả năng phân biệt mùi hơi chính xác nhất.
Các chú chó sau khi được tuyển chọn xong sẽ phân cho một cán bộ huấn luyện theo từng bài tập, chuyên khoa, vòng thời gian đào tạo là 6 tháng. Kết thúc thời gian đó sẽ qua kiểm tra, chú chó nào đủ điều kiện sẽ được thi tốt nghiệp vào cuối kỳ và trở thành cảnh khuyển, nếu không sẽ phải huấn tuyện tăng cường hay bị thải loại, thay thế...
"Đặc thù khối trại giam thường sử dụng chó nghiệp vụ để phù hợp trong điều kiện rừng núi xa xôi; lực lượng Cảnh vệ thì huấn luyện để có thể tham gia bảo vệ, tìm ma tuý ở các hội trường, phòng họp, nhà ở...
Sau 6 tháng huấn luyện thành công thì cán bộ huấn luyện và chó nghiệp vụ sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Và cảnh khuyển chỉ được sử dụng khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp" - Giám đốc Trung tâm cho biết thêm.
Để công tác huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ ngày càng hiệu quả, năm 2019 Ban Giám đốc Trung tâm đã tiến hành cải tạo, nâng cấp sân tập; bổ sung mô hình tập cứu nạn, hệ thống cầu tập, mô hình tập tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, nhà giám biệt mùi hơi được bổ sung đầy đủ phương tiện, các nhà tập tình huống đa năng có hệ thống hầm dưới đất, các hốc, hệ thống băng chuyền; bố trí những xe ôtô cũ, không sử dụng nữa làm mô hình tập...
"Đã có những cảnh khuyển bị choáng ngợp, không thực hiện tốt nhiệm vụ khi vào những căn phòng mà nội thất sang trọng, đắt đỏ. Do đó chúng tôi đã bố trí các phòng trang bị bàn ghế, giường tủ... sao cho giống như thật, sát với thực tế để tạo môi trường thân thiện cho chó nghiệp vụ thực hành", Trung tá Dương Đình Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay.
Trung tâm cũng cải tạo, sửa chữa nâng cấp hệ thống chuồng trại đáp ứng yêu cầu, có cụm chăn nuôi, khu vực thú y, khu cách ly... Kèm theo các chuồng nuôi nhốt, ở khu vực chó sinh sản còn đầu tư thêm chuồng cũi, đèn hồng ngoại, khu vận động, mô hình dạo chơi cho chó con.
Với tất cả những đổi mới ấy, Trung tâm đang cố gắng phát huy tối đa nội lực để trở thành nơi huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đứng đầu lực lượng CAND. Qua đó thiết thực chào mừng 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ...
An Quỳnh
Theo cand.com.vn
Chó nghiệp vụ hỗ trợ bộ đội biên phòng Lạng Sơn phòng, chống dịch COVID-19 Để đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên giới trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Đồn Biên phòng Ba Sơn đã được tăng cường thêm học viên Học viện Biên phòng. Đặc biệt, đơn vị này đã được hỗ trợ thêm 3 chú chó nghiệp vụ để giúp các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Chó...