NTM Thanh Hóa: Hướng tới thu nhập 30 triệu đồng/người/năm
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã Xuân Phú, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo NTM của xã đã xác định giải pháp hàng đầu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Nỗ lực vượt bậc
Xuân Phú là xã có điều kiện kinh tế khó khăn của huyện Quan Hóa, với 311 hộ dân/1.234 khẩu. Ngành nghề chủ yếu của người dân là sản xuất nông – lâm nghiệp. Năm 2010, Xuân Phú được lựa chọn là 1/11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa.
Trụ sở UBND xã Xuân Phú được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: T.L
Triển khai chương trình này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã xác định: Xây dựng NTM là một chiến lược lớn trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống của người dân… Do đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về nội dung Chương trình xây dựng NTM đến tận người dân. Đồng thời, đề ra lộ trình thực hiện các tiêu chí cho từng năm, với nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận cho nhân dân.
Để phát huy lợi thế về sản xuất nông, lâm, nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng NTM thành công, chính quyền địa phương đã thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo điều kiện thuận lợi nhất của địa phương. Năm 2012, bản Khiêu được tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng NTM để phát triển sản xuất. Do đó, UBND xã Xuân Phú mạnh dạn đưa nguồn vốn tỉnh hỗ trợ để chuyển đổi hơn 2ha diện tích đất lúa thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả thành vùng sản xuất rau an toàn với 31/31 hộ dân tham gia. Mô hình sản xuất rau an toàn tại bản Khiêu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, ước tính mỗi ha rau cho thu nhập trung bình từ 100 – 120 triệu đồng.
Video đang HOT
Từ thành công với mô hình sản xuất rau an toàn tại bản Khiêu, xã Xuân Phú đã quyết định nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mới, như mô hình cấy phân viên nén dúi sâu vụ chiêm – xuân 2013 tại bản Chăm (2,5ha). Đây là lần đầu tiên ở xã xuất hiện cánh đồng lúa cho năng suất 70 tạ/ha; mô hình trồng mía đường (10ha) của gia đình ông Ngân Văn Tính ở bản Chăm… Bên cạnh đó, xã đã tập trung khai thác thế mạnh vốn có của địa phương, tiếp tục trồng mới và phục tráng các rừng luồng để nâng cao giá trị, kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi dưới tán rừng, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để nhân dân được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng để phát triển kinh tế; tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân…
Ông Phạm Bá Trọng – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trong những năm qua, Xuân Phú luôn chú trọng đến phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút được các công ty các HTX chế biến lâm sản đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất. Hiện nay, Xuân Phú có 4 HTX và 1 công ty chế biến lâm sản hoạt động có hiệu quả, thu hút trên 300 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ở lĩnh vực dịch vụ vận tải, xã đã có trên 20 xe ôtô, đầu kéo các loại, chuyên chở sản phẩm lâm sản đến các xưởng sản xuất. Nhờ những sự đầu tư đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng là tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ thương mại giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp”.
Hướng tới thu nhập 30 triệu đồng/người/năm
Bằng hướng đi cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Xuân Phú đạt 20,6% vào năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở mức 46%, thì đến tháng 10.2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 9,36%. Thu nhập bình quân đầu người đạt: 22.630.000 đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Văn Tới – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Xuân Phú cho hay: Mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2016-2020, Xuân Phú sẽ thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, giữ vững danh hiệu danh hiệu xã đạt chuẩn NTM, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, hướng đến xây dựng xã kiểu mẫu. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20% trở lên; phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống ở mức dưới 5%…
Theo Danviet
Xây dựng NTM ở Nga Sơn: Nhiều cách làm, một mục tiêu
Với xuất phát điểm thấp và các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn, nhưng huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đột phá phong trào
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Nga Sơn đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các xã xây dựng chương trình này.
Một tuyến giao thông tại trung tâm huyện Nga Sơn được xây dựng khang trang. Ảnh: T.L
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Nga Sơn đã huy động được hơn 365 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách trung ương và tỉnh là: 41,705 tỷ đồng; ngân sách huyện và xã gần 86 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 21 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn từ nhân dân đóng góp gần 205 tỷ đồng, vốn từ các doanh nghiệp là 9,801 tỷ đồng... Ngoài ra, Nga Sơn còn huy động nhân dân hiến 31.581m2 đất xây dựng công trình phúc lợi...
Từ số vốn huy động được, Nga Sơn đã triển khai xây mới và nâng cấp 2,98km đường liên thôn và 9 km đường ngõ xóm; 21,6km đường giao thông nội đồng; nâng cấp 2 trạm bơm, kiên cố hóa và sửa chữa 3,6km kênh mương nội đồng; 3 trạm biến áp; 1,5 đường dây cao thế; 14 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xây mới 1 trạm y tế; 3 công sở cấp xã; xây mới và nâng cấp 560 nhà ở dân cư và 504 công trình nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, 312 hộ chỉnh trang cổng tường rào, cải tạo vườn tạp...
Ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Nét mới trong sản xuất nông nghiệp năm 2016 là xây dựng thành công mô hình trồng dưa hấu ở 3 xã với diện tích 13,46 ha, năng suất đạt từ 32 - 36 tấn/ha, giá trị thu nhập 160 - 170 triệu đồng/ha. Xây dựng và bước đầu sản xuất có hiệu quả cánh đồng mẫu lớn ở 7 xã với tổng diện tích 165ha, kêu gọi doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị về đầu tư trồng khoai tây vụ đông và vụ xuân tại xã Nga Trường, Nga Thành và Nga Thiện.
Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, Nga Sơn đã có bước đi bứt phá, từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó thực hiện. Nhưng đến nay, bình quân toàn huyện đã đạt 14,12 tiêu chí, số xã đạt chuẩn NTM, gồm: Nga An, Nga Thành, Nga Thạch, Nga Hưng, Nga Yên, Nga Mỹ và Nga Lĩnh.
" Lấy dân làm gốc" để xây dựng NTM
Qua 5 năm xây dựng NTM, Nga Sơn đã rút ra nguyên tắc "lấy dân làm gốc", phải đảm bảo sự đồng thuận của người dân "dân biết, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ"... Chính vì vậy, Nga Sơn đã chọn các nhiệm vụ ưu tiên và hướng đi phù hợp, xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng các công trình, như: Nhà làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế, đường giao thông, thủy lợi nội đồng và xây dựng các canh đồng mẫu lớn.
Trao đổi với NTNN, ông Bùi Đình Cam - Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết: "Nga Sơn đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM gia đoạn 2016-2020, trên toàn huyện phải có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng NTM một cách bền vững; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 16-NQ/TU của BCH đảng bộ tỉnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành dịch vụ khác, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao đời sống cho nhân dân, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 24,3 triệu đồng/người/năm trở lên. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh" - ông Cam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cam, để tập trung chỉ đạo xây dựng thành công NTM, Nga Sơn đã ban hành một Nghị quyết, nhằm "nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, chỉ đạo nông dân cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, tiếp tục ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai theo quy hoạch, xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch, lấn chiếm đất đai. Tiếp tục chỉ đạo khắc phục ô nhiễm môi trường đối với các gia trại, hộ chăn nuôi trong khu dân cư theo cơ chế của huyện...
"Các thành viên trong Ban chỉ đạo chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM đều phải tăng cường xuống xã được phân công phụ trách theo dõi, nắm bắt tình hình và giúp các địa phương thực hiện những tiêu chí theo lĩnh vực phụ trách. Trong năm 2016 này, ở Nga Sơn sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, là Nga Phú và Nga Trung"- ông Cam cho hay.
Theo Danviet