NSƯT Quốc Thảo: Mỗi lần nghe điện thoại của Hồng Vân, Thành Lộc ở Việt Nam sang là tôi sợ lắm
“Bạn bè thân thiết phẫn nộ lắm, nhất là anh em ở IDECAF. Mọi người chửi tôi “mày khùng quá, ngu quá, đang ngon lành như vậy mà đi, điên rồi”, NSƯT – Đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ.
Đạo diễn – NSƯT Quốc Thảo thuộc thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu cùng thời với NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Hồng Vân, Ái Như, Thành Hội, Thanh Thủy, Kim Xuân, Minh Nhí…
Trước khi sang Mỹ học khoa Nghệ thuật chuyên ngành Đạo diễn Sân khấu và Điện ảnh ở San Diego, Quốc Thảo từng tốt nghiệp khoa Đạo diễn trường Nghệ thuật Sân khấu 2.
Tuy nhiên, bên cạnh công việc đạo diễn, anh còn nổi tiếng với vai trò diễn viên trong thời hoàng kim của IDECAF qua các vở “8 người đàn bà”, “Nắng chiều”, “Vàng hay bạc nhái”…
Sau 10 năm ở Mỹ học về ngành công nghiệp giải trí và trải nghiệm cuộc sống xứ người, Quốc Thảo trở về Việt Nam hoạt động. Không những đắt show làm đạo diễn các chương trình truyền hình, gameshow, Quốc Thảo còn mở sân khấu riêng và mở lớp dạy diễn xuất với tham vọng đào tạo những diễn viên trẻ làm nghề nghiêm túc.
Mới đây, anh đã dành cho phóng viên cuộc trò chuyện về tình hình sân khấu hiện nay với biết bai tâm sự, trăn trở…
Đạo diễn – NSƯT Quốc Thảo.
“Ở Việt Nam, tuổi thọ của vở diễn rất ngắn”
Anh từng học khoa Nghệ thuật, chuyên ngành đạo diễn Sân khấu và điện ảnh ở San Diego, Mỹ. Anh cũng từng sống ở Mỹ gần chục năm trước khi về Việt Nam mở sân khấu kịch Quốc Thảo. Anh có nhận xét như thế nào về tình hình sân khấu của ta hiện nay cũng như thế giới?
Ở Mỹ, rất dễ dàng để mua vé xem phim vì nó chỉ 7, 8 đô. Phim nào hot lắm cũng hơn 10 đô nhưng để xem kịch thì thấp nhất là hơn 100 đô, với ghế VIP, có thể lên tới 1.000 đô. Còn các ghế thường cũng 200 đến 300 đô.
Đi xem phim, khán giả mặc đồ gì cũng được nhưng đến sân khấu, ai ai cũng mặc vest, sơ-mi quần tây, đầm rất lịch sự và sang trọng. Người xem kịch ở Mỹ là tầng lớp thượng lưu nên nghệ thuật sân khấu ở đây được tôn trọng vô cùng. Từ rạp lớn vài ngàn người tới rạp nhỏ chỉ có sức chứa 100 người đều vậy, sân khấu luôn được đầu tư đúng mức.
Và nghệ sĩ bên đó, chỉ cần có một vở diễn thành công, có khi họ sống thoải mái cả đời. Các ngôi sao ở Mỹ đều xuất phát từ sân khấu. Còn diễn viên điện ảnh của Việt Nam “quăng” lên sân khấu là “chết”. Ngược lại, diễn viên sân khấu đóng phim điện ảnh thường bị… lố, nói nôm là diễn bị “kịch”. Sự khác nhau đó nằm ở công tác đào tạo.
Ở nước ngoài, có những vở được diễn diên liên tục trong 10 năm thậm chí 20 năm. Vở diễn có đời sống dài như vậy là vì được đầu tư rất kỹ cả chất xám cũng như vật chất: tác giả kịch bản, diễn viên, nhà hát… mọi thứ đều đồng bộ.
Còn ở Việt Nam, tuổi thọ của vở diễn rất ngắn. Ngày xưa, chúng ta có “Dạ cổ hoài lang” với hàng ngàn suất diễn nhưng sau này thì không còn được như vậy. Vở hay lắm cũng chỉ được tầm 1,2 năm. Vở không đúng thị hiếu khán giả thì chỉ được vài tháng. Thậm chí, có những vở chỉ diễn được 2,3 suất rồi dẹp.
Quy luật đó phải chấp nhận nhưng quan trọng, chúng ta không có sự đầu tư đúng mức cho vở diễn nên lượng khán giả đến sân khấu ngày càng giảm.
Sân khấu muốn cạnh tranh với điện ảnh, gameshow, truyền hình thì phải đặc biệt. Thế nhưng, tất cả các sân khấu hiện nay ở Sài Gòn, mở màn ra chỉ là những bóng đèn le lói với cảnh trí đơn giản. Từ sân khấu lớn đến sân khấu bé đều vậy.
Sân khấu nhỏ không phải là cái tội nhưng phải đầu tư xứng đáng. Có những đoàn, cảnh trí vở này được tận dụng lắp qua vở kia. Mà cũng đúng thôi vì bỏ tiền ra mà không thu lại thì họ đâu tái sản xuất được.
Vấn đề mấu chốt ở đây là tiền. Có đủ tiền để trả lương cao cho nghệ sĩ thì họ chắc chắn sẽ không rời bỏ sân khấu để chọn những show khác thu nhập cao hơn. Có đủ tiền để đầu tư tác giả, cảnh trí… thì chắc chắn khán giả sẽ không “xa lánh”?
Đúng. Với tình hình như hiện nay thì sân khấu khó có đường ra lắm. Lúc ở Mỹ về, tôi rất háo hức. Tôi mang tâm trạng chờ đợi được làm cái này cái kia cho sân khấu nước nhà nhưng thực tế cuộc sống khiến mình không làm được. Điều kiện sân khấu hiện nay không cho phép…
“Các sân khấu tự bơi, cố bao nhiêu cũng lực bất tòng tâm”
Anh có hối hận vì trở về không?
Không. Tôi cho rằng, việc mình trở về là đúng đắn. Có thể tôi không được ở mảng sân khấu như kỳ vọng ban đầu nhưng lại được ở mảng gameshow, truyền hình.
Tôi được làm nhiều chương trình truyền hình, được mở sân khấu riêng và cái được lớn nhất là đem kiến thức mình đã học ở Mỹ về truyền lại cho các bạn trẻ ở sân khấu kịch Quốc Thảo. Nếu không mở được lớp đào tạo, không truyền được kiến thức của mình cho thế hệ sau mới là điều tôi tiếc nhất.
Cái mất là tôi chưa làm được những tác phẩm mà mình ấp ủ khi trở về thôi. Bao nhiêu dự định ấy, cái gì cũng đụng tới cơm áo gạo tiền. Nó không phải của riêng mình mà của tất cả mọi người. Và bài toán đó, tôi không giải được.
Ngày xưa, ai tới Sài Gòn đều phải đi xem kịch, nó trở thành một thương hiệu – đã đến Sài Gòn là phải xem kịch nhưng bây giờ thương hiệu đó bị lung lay. Chất lượng vở diễn không đủ để giữ chân khán giả lại.
Thời hoàng kim sân khấu kịch, chúng ta có “thánh đường” 5B Võ Văn Tần, có IDECAF… còn giờ, các sân khấu “tự bơi”. Và dù có cố gắng rất nhiều thì cũng lực bất tòng tâm.
Tình hình sân khấu khó khăn, ai cũng nhìn thấy. Bản thân anh khi mở sân khấu kịch Quốc Thảo còn có sự chung tay của hai người bạn, người em là đạo diễn Quốc Thuận và Nguyên Thảo nhưng rồi họ cũng rút. Lý do là vì lỗ vốn? Và điều này, hẳn cũng khó khăn hơn cho anh?
Video đang HOT
Lỗ vốn là một phần nguyên nhân. Thứ hai là mọi người không có thời gian. Đã không có thời gian mà cứ phải lo đóng thêm tiền bạc vào để đầu tư thì không được. Các bạn có những tính toán riêng của mình nên tôi không buồn về chuyện đó.
Chưa kể, một sân khấu có nhiều người đầu tư thì cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi nghiêng về việc truyền kiến thức cho thế hệ trẻ, không quá nặng về lợi nhuận. Còn các bạn làm kinh doanh, đầu tư thì phải tính lời. Trong khi, tôi chỉ cần hòa vốn là được.
Tham vọng của tôi là đào tạo ra một thế hệ diễn viên đa năng đa tài. Bởi vì hiện tại diễn viên Việt Nam còn khá nhiều hạn chế. Người biết diễn thì không biết hát. Người biết hát, biết múa thì không biết diễn… Trong khi diễn viên quốc tế, họ rất đa năng. Đóng phim được, đóng kịch được, nhạc kịch cũng được.
“Nổi tiếng chưa chắc đã là nghệ sĩ thực thụ”
Một số người trong nghề cho rằng, sân khấu kịch đi xuống một phần là do thế hệ diễn viên giỏi thì quá già mà… măng lại chưa mọc. Anh có đồng tình với quan điểm này?
Tre già măng mọc là quy luật của cuộc sống. Nhưng mọc lúc nào thì phải đợi. Cũng như ngày xưa, lứa chị Kim Cương (NSND Kim Cương), Huỳnh Thanh Trà cũng phải chờ mười mấy hai chục năm sau mới có lứa chúng tôi, Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Minh Nhí, Quốc Thảo… thì giờ, chúng tôi cũng phải chờ thôi.
Môi trường hoạt động nghệ thuật bây giờ tốt hơn chúng tôi ngày xưa. Các bạn có nhiều lĩnh vực để làm, nhưng ngược lại cũng cạnh tranh khắc nghiệt. Môi trường để các bạn nổi tiếng nhiều hơn nhưng môi trường để các bạn phát triển thành một nghệ sĩ chân chính ít hơn thời chúng tôi rất nhiều. Hai cái đó khác nhau. Nhiều khi nổi tiếng chưa chắc đã là nghệ sĩ thực thụ.
Ngày nay, các bạn có thể quay truyền hình, gameshow, thành quán quân một cuộc thi, chương trình nào đó nhưng chưa chắc đã có thực tài. Có đi được quãng đường dài và trở thành nghệ sĩ thực thụ hay không là một câu chuyện khác.
Những gameshow đó, những chương trình đó, các bạn chỉ lóe lên nhưng khi có cuộc thi khác, các bạn lại bị lãng quên. Tôi là người làm gameshow nên rất rõ về điều đó. Chính vì vậy, tôi có tham vọng gom được hết các bạn quán quân, á quân đó lại để đào tạo, “nâng” các bạn lên.
Bởi vì một nghệ sĩ thật sự phải được khán giả nhớ tới tên nhân vật qua những tác phẩm kinh điển chứ không chỉ là tên diễn viên. Những bạn đó có tài nhưng chưa có tác phẩm, nhân vật của riêng mình. Các bạn bị thiếu điều đó.
Có vẻ như, anh làm gameshow, làm truyền hình, kiếm được bao nhiêu lại đổ hết vào… nuôi sân khấu?
Đúng vậy. Kiếm được bao nhiêu tiền từ gameshow, tôi đổ hết vào làm sân khấu. Mọi người tưởng, tôi làm sân khấu, đào tạo thì lãi lắm. Tôi không đặt lời lãi trong việc đào tạo, chỉ mong đủ vốn để tái tạo vở mới, trả lương cho các thầy cô và một số chi phí khác trong sân khấu.
Thật lòng, tôi đi dạy ở sân khấu khác thì có lương, còn dạy ở sân khấu của mình thì không. Phần lương đó, tôi chi trả các chi phí khác để sân khấu được hoạt động. Bù lại, tôi được sống trong bầu không khí trường lớp, được cùng học trò thể nghiệm nhiều ý tưởng, được trao kiến thức mình học được ở nước ngoài cho các em.
Tôi ví dụ, học kỳ cuối, các em chuẩn bị tốt nghiệp là 5 tháng. Nhưng chất lượng không ổn thì tôi vẫn dạy thêm và mình đâu thể bắt các em đóng thêm tiền được.
Có khi từ 5 tháng thành 8,9 tháng. Hoặc vở tốt nghiệp, tôi truốt tới khi hài lòng mới cho diễn. Số buổi dự kiến truốt bài là 16 buổi nhưng cảm thấy chưa hài lòng, tôi truốt tới khi được thì thôi.
Cho nên, bảo lời thì không có nhưng mình lời ở niềm đam mê được giảng dạy và truyền kiến thức sân khấu tới các em.
Qua Mỹ học nghệ thuật ở tuổi gần 40, bạn bè chửi “ngu quá, điên quá”!
Thời điểm anh sang Mỹ du học rồi ở lại, anh đang là cái tên lớn ở sân khấu IDECAF. Nhưng qua đó, anh không mưu sinh bằng nghệ thuật mà bằng công việc làm thêm ở nhà hàng, làm nail… Anh có thể chia sẻ về điều này không?
Đúng. Lúc đó ở Việt Nam, sự nghiệp của tôi đang lên. Tôi gặt hái được rất nhiều thành công nhưng số phận đưa đẩy mình vậy.
Thời điểm đó, tôi nghĩ, nếu mình tiếp tục ở Việt Nam thì mình sẽ mãi gặm nhấm cái vốn đang có khi nó cứ “cạn” dần. Mình phải nạp thêm kiến thức nên quyết định đi học.
Dĩ nhiên là bạn bè thân thiết phẫn nộ lắm, nhất là đồng nghiệp thân thiết ở IDECAF. Mọi người chửi tôi “mày khùng quá, ngu quá, đang ngon lành như vậy mà đi, điên rồi”. Thời điểm đó thật sự là giai đoạn huy hoàng của tôi ở IDECAF.
Tôi là đạo diễn chính, là diễn viên nổi tiếng với vở “8 người đàn bà”, “Nắng chiều”, “Vàng hay bạc nhái”… Mà thời đó, IDECAF oách lắm.
Sau, mình mới thấy là mình điên thật. Cuộc sống bên Mỹ khó khăn lắm. Mình khi ấy gần 40 tuổi rồi, phải bắt đầu lại từ đầu. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền mưu sinh. Thế mà tôi lì lắm, cứ ráng chịu.
Tiền kiếm khó khăn vậy mà tôi tốn vài chục ngàn đô chỉ để mua vé đi xem kịch. Tôi sẵn sàng bay 4 tiếng đồng hồ qua bang khác xem chương trình rồi bay về, chưa kể tiền vé máy bay. Mê đến vậy. Thế nên, tôi nghèo lắm.
Tôi cứ nghĩ, các bạn ở Việt Nam không có cơ hội để xem. Mình ở đây thì nhất định phải đi xem. Và thật sự là họ làm hay không chê vào đâu được. Chỉn chu tới từng cm.
Gần 10 năm tôi ở bên đó là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp. Tôi làm ở nhà hàng Việt Nam với công việc test (nếm thử) đồ ăn, coi vị đó chuẩn chưa, món đó chuẩn chưa, cần thêm gia vị gì rồi đưa ý kiến cho bếp xử lý. Nhờ công việc này, tôi có tiền đóng học phí và sinh hoạt.
Rồi tôi và bà xã mở tiệm nail. Ngày làm nail, tối đi học tới 10 rưỡi mới về. Nhưng số phận sinh tôi ra không phải để làm công việc này. Tôi đi làm mà lòng buồn hiu hắt vì nhớ nghề. Nhất là những khi có bạn bè ở Việt Nam qua diễn, điện cho mình đi xem là tim muốn thắt lại.
Bởi vậy, mỗi lần nghe điện thoại của Hồng Vân, Thành Lộc… ở Việt Nam sang là tôi sợ lắm. Không đi thì không được mà đi thì buồn. Nhất là lúc tiễn bạn ra sân bay về Việt Nam, trên đường lái xe về nhà, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ chảy ra.
Cô đơn khủng khiếp. Các bạn được về với gia đình, được làm nghệ thuật còn mình thì đi làm nail.
Nghề nail không có gì xấu cả nhưng sở thích, đam mê của tôi không nằm nơi đó. Và đó là động lực thôi thúc khiến tôi phải trở về.
Tại sao các nghệ sĩ ở Việt Nam vẫn đi show bên Mỹ, trong khi anh ở đó lại không có show?
Tôi có show chứ. Tôi cũng đi diễn với Minh Nhí. Có những show, họ mời tôi làm đạo diễn nhưng vì nhiều lý do, tôi từ chối. Chẳng hạn, một trung tâm rất nổi tiếng mời tôi dựng chương trình, họ đưa kịch bản, tôi đọc xong, đề nghị sửa nhưng họ bảo, làm vậy sẽ “không ăn” so với ý tưởng của họ.
Còn tôi nghĩ, làm như họ muốn thì rẻ tiền quá. Tôi nói “nếu bạn muốn làm như xưa giờ vẫn làm thì bạn không cần phải mời tôi. Nếu mời tôi thì tôi phải làm khác”. Và dĩ nhiên, họ không mời nữa.
1 trung tâm khác rất nổi tiếng bên đó cũng mời tôi. Khi xem kịch bản, tôi toàn thấy lồng chính trị, tư tưởng chống đối vào. Không phải tôi sợ làm những chương trình đó thì không về Việt Nam được, nhưng tôi cho rằng, nghệ thuật là nghệ thuật, lồng vào như vậy rất sống sượng. Tôi làm nghệ thuật nên chỉ muốn làm nghệ thuật thuần túy, và tôi từ chối họ.
Điều kiện tập luyện của nghệ sĩ hải ngoại không thể như ở Việt Nam. Ví dụ, kịch bản đưa qua email. Tập tuồng với nhau cũng qua… điện thoại. Lý do là vì mỗi người sống một nơi, cách nhau vài trăm km, muốn lái xe đến gặp nhau cũng mất ít nhất 2,3 tiếng đồng hồ. Mà ở Mỹ, trên xa lộ các xe phải chạy với vận tốc trên 100km/h và không kẹt xe.
Mọi người tập thoại như vậy cho tới ngày diễn mới gặp nhau để ráp và tối lên diễn luôn. Làm vậy, tôi thà không làm. Thế nhưng, điều kiện chung như thế, mình không thể thay đổi được. Và nghệ sĩ bên đó làm với tinh thần cho vui, nhất là mảng sân khấu kịch, mình đòi hỏi chuyên nghiệp cũng không được. Bởi đêm diễn đó không đủ để nuôi sống họ. Đa số làm nghề khác.
Sau đó, tôi theo dõi xem kết quả họ làm thế nào thì thấy, việc mình từ chối là đúng. Khi tôi xem đĩa mà họ quay lại, còn nghe cả tiếng nhắc tuồng lớn hơn tiếng diễn viên. Kịch bên đó, giữa giờ còn xen ca sĩ hát, họ nhép miệng còn sai.
Vậy hiện tại, anh có hài lòng với cuộc sống này ở Việt Nam?
Tôi vui thì đúng hơn là hài lòng. Tôi còn nhiều dự định về sân khấu, biểu diễn nhưng chưa làm được nên chưa hài lòng. Tôi cứ cảm thấy mình mắc nợ sân khấu, chưa trả được vậy. Tôi chờ tới lúc mình mạnh về tài chính hoặc được ủng hộ để làm những dự án còn ấp ủ bao nhiêu năm nay.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Đạo diễn Quốc Thảo: Biên tập đưa kịch bản cho ngôi sao, họ quăng đi
"Đạo diễn không có tiếng nói là thua, để người này lấn lướt người kia. Tôi nói ngay, cỡ ngôi sao tôi cũng nói, không vị nể", đạo diễn Quốc Thảo chia sẻ về hậu trường làm gameshow.
Nói tới đạo diễn Quốc Thảo, người trong nghề không ai không biết. Không những từng là cái "Name" lớn thời hoàng kim ở sân khấu IDECAF trong cả vai trò đạo diễn, diễn viên cùng thời NSƯT Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Minh Nhí... mà Quốc Thảo hiện tại còn là đạo diễn uy tín của rất nhiều gameshow truyền hình ăn khách .
Anh cũng từng làm gameshow: Gương mặt thân quen, Người thách thức, Danh hài đất Việt, Tiếu lâm tứ trụ, Tài tiếu tuyệt... và mới đây là Vượt thành chiến, Thư viện chiến, Đấu trường âm nhạc...
Trong cuộc trò chuyện mới đây, đạo diễn Quốc Thảo đã dành cho tôi những chia sẻ rất thẳng thắn về gameshow từ góc nhìn của một người "đứng trong" guồng máy làm ra các chương trình này.
Đạo diễn Quốc Thảo (ảnh trong bài do NVCC)
Tôi từng từ chối gameshow có format "làm nhái"
Một số đồng nghiệp của anh cho rằng, gameshow là nguyên nhân chính giết chết sân khấu kịch hiện nay. Bản thân anh là người đang đứng ở cả hai con thuyền đó. Anh có sân khấu kịch Quốc Thảo. Anh cũng làm đạo diễn của nhiều gameshow, anh nhìn nhận quan điểm này thế nào?
Tôi không cho là vậy. Tôi cho rằng, gameshow là nơi để phát hiện tài năng chứ không phải nơi khẳng định tài năng của các bạn. Đạt quán quân của một gameshow nào đó, không có nghĩa là các bạn thành ngôi sao. Và tài năng đó có phát triển, có đi tiếp được nữa hay không là cả một quá trình.
Bản thân từ gameshow đã có nghĩa là một show để chơi rồi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người có cái nhìn về gameshow bị to tát quá. Nhiều người nghĩ, đạt giải quán quân gameshow là giỏi rồi, không cần trui rèn nữa và bắt đầu lao vào kiếm tiền vì bên này mời, bên kia mời, giá cát xê tăng.
Các bạn lao vào mưu sinh mà quên hẳn rằng, vốn sống, kiến thức, kinh nghiệm của mình chưa đủ. Số "vốn" nhỏ đó, mình xài vài game là hết và sau đó bê bản năng ra diễn. Đó là lý do mà có những người rất nổi tiếng nhưng cả đời không có được vai diễn nào để khán giả nhớ, gọi tên nhân vật. Như vậy, thực sự rất uổng cho các bạn.
Sự bùng nổ của gameshow dẫn tới một thực trạng là, ý tưởng bị mòn, bị trùng lắp, na ná nhau rất nhiều. Bản thân anh là đạo diễn của nhiều gameshow, anh nghĩ gì về điều này?
Nguyên tắc của tôi khi chọn làm một gameshow nào đó là phải có format mới lạ, độc đáo. Tôi không làm những gameshow na ná nhau. Tôi từng từ chối vài gameshow có format như vậy hoặc gameshow không mua bản quyền mà "làm nhái". Hiện nay có nhiều gameshow na ná giống nhau, họ lấy mỗi thứ một chút rồi ghép vào thành cái của họ.
Tôi không đồng tình với cách làm "ăn cắp" như vậy, phải tôn trọng sự sáng tạo của người khác. Tôi là người trong gameshow nhưng cũng không coi hết các game của người khác làm. Vì họ làm như vậy, một ngày nào đó, khán giả sẽ chán.
Từ khi về Việt Nam, Quốc Thảo làm đạo diễn hàng chục gameshow đình đám, ăn khách...
Cũng có đơn vị lợi dụng tôi là người hiểu về gameshow nhiều, tìm đến tôi bàn bạc để đưa ra ý tưởng, làm hẳn một format mới. Mùa sau, họ lấy ý tưởng đó tự làm và không mời tôi nữa. Tôi từng bị như vậy.
Tôi làm gameshow nào là phải mua format đàng hoàng. Những gameshow có format, bản quyền là những game đã được chứng thực qua thực tế. Chẳng hạn gameshow Vượt thành chiến, Thư viện chiến, tôi cùng nhà sản xuất qua tận Thái Lan coi người ta sản xuất chương trình để thấy là họ không bắt chước và có bản quyền đàng hoàng rồi mua đem về.
Thị trường gameshow giống như một miếng bánh lớn, dễ ăn nên nhiều người nhào vào. Và nói không ngoa thì "con buôn nghệ thuật" trong miếng bánh này hơi nhiều nên mới bị tình trạng như vậy?
Nhiều lắm. Nhiều khi họ nói chuyện khơi khơi với mình rồi vài ngày sau, mình đã thấy ý tưởng của mình bị lấy về làm luôn.
Đó chính là lý do mà nhiều nhà sản xuất khi giao gameshow cho tôi, họ rất tin tưởng. Khi họ đưa format cho tôi, điều đầu tiên họ hỏi là tôi có thích không và liệu game này có "ăn" không.
Và nhiệm vụ của tôi là phải trả lời thật cho họ biết, chứ không vì mình muốn làm, muốn có tiền mà nói sai đi.
Tôi từng "bàn ra" rất nhiều gameshow. Tôi nói game đó giống cái này, giống cái kia, sẽ không "ăn", phải làm đặc biệt và mới lạ mới được. Nhà sản xuất giận tôi luôn. Họ không mời tôi mà mời người khác làm nhưng thất bại. Sau đó, chính người giận tôi quay lại mời tôi làm gameshow khác.
Anh nghĩ thế nào về quan điểm cho rằng, nghệ sĩ tham gia nhiều gameshow quá làm họ "lụt nghề"?
Điều đó có một phần đúng. Vì nếu đi gameshow nhiều, không có thời gian trở về sân khấu, tiếp xúc với những tác phẩm hay, vai diễn hay thì chắc chắn sẽ lụt nghề. Sự sáng tạo trong gameshow khác với sân khấu. Nói về nghề diễn thì phải là sân khấu. Ngay cả chúng tôi, lâu không diễn cũng bị vô duyên. Người ta nói, văn ôn võ luyện mà.
Gameshow đúng như cái tên của nó, chỉ là show để chơi, còn đỉnh cao nghệ thuật không nằm ở đó. Nó phải là sân khấu, điện ảnh.
Từ Gương mặt thân quen, Tiếu lâm tứ trụ, Danh hài đất Việt đến Vượt thành chiến, Tài tiếu tuyệt, Thư viện chiến...
Nhiều diễn viên ngôi sao bị cái tôi cao quá nên biên tập rất sợ
Anh là đạo diễn nhiều gameshow, nhiều người nổi lên từ gameshow do anh làm và cũng có rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao nhưng anh vẫn lặng lẽ đứng sau, khán giả gần như không ai biết. Điều này có làm anh nghĩ ngợi không?
Tôi học đạo diễn mà. Ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tôi học lớp đạo diễn do thầy Trần Minh Ngọc chủ nhiệm, khóa dưới Minh Nhí. Sang tới đại học San Diego của Mỹ, tôi cũng học đạo diễn chuyên ngành sân khấu và điện ảnh. Nghề chính của tôi là đạo diễn.
Ở phim trường làm gameshow, nhiều diễn viên ngôi sao bị cái tôi cao quá nên biên tập rất sợ, phải nhờ tôi vì tôi nói, họ nghe. Biên tập nhiều khi đưa kịch bản, họ quăng đi " kịch bản cái gì". Rất tội cho biên tập. Đối với tôi, như vậy là không được. Tôi nói ngay.
Rồi có nhiều lúc, họ hết vai nhưng cần phải đứng phía sau một chút cho nhóm kia đang diễn để đảm bảo back ground. Họ không chịu, ra bàn quậy, phá lớp diễn của mấy người kia. Những đạo diễn khác không dám nói vì tên họ lớn quá nhưng tôi nói. " Không được, mời em xuống. Chỗ này anh cần nhấn, em đứng giúp anh xíu, mấy phút là xong thôi" và họ phải nghe.
Anh làm vậy có sợ mất lòng?
Chắc là có nhưng họ không dám nói ra vì tôi nói đúng, không nói sai. Họ đã đứng ở lớp diễn chính, tôi đã tôn vinh vai của họ rồi thì giờ phải làm cho người khác nữa, không thể phá lớp diễn của người khác được.
Bởi vậy, đạo diễn không có tiếng nói là thua. Để người này lấn lướt người kia là không được. Không phải vì mình là đàn anh mà họ nghe đâu. Có thể họ không cãi nhưng họ không phục, không nể, không cộng tác nữa. Mình phải nói đúng và dám nói. Cỡ ngôi sao tôi cũng nói, không vị nể. Dĩ nhiên là mình nói một cách lịch sự và tôn trọng họ.
Tôi công bằng lắm nên nhà sản xuất rất thích. Tôi không có kiểu, thích người này thì cho lên, không thích thì dìm xuống, diễn viên ngôi sao thì nói nhẹ nhàng, còn không phải ngôi sao thì chà đạp.
Từ người mới vào nghề tới ngôi sao, tôi đều đối xử đàng hoàng, không ra vẻ ta đây đạo diễn, tổng đạo diễn mà la lối um sùm, chửi bới để họ xấu hổ. Tôi được nể là vì vậy.
Quốc Thảo và đồng nghiệp thân thiết trên phim trường.
Vì công bằng với mọi người, từ nghệ sĩ ngôi sao đến diễn viên mới vào nghề nên đạo diễn Quốc Thảo được nhà sản xuất thích và mọi người nể trọng.
Nghệ sĩ làm giám khảo gameshow một số vài chục triệu. Thành thật thì lương đạo diễn gameshow của anh cao không?
Nói chung khá tốt so với mặt bằng hiện tại. Nhưng với số tiền đó, tôi cực lắm. 7,8h sáng phải có mặt để set-up mọi thứ và quay liên tục tới 11,12h đêm, không nghỉ. Diễn viên quay xong một số được nghỉ, còn đạo diễn là làm việc liên tục.
Chưa kể, trước khi quay phải làm việc về format, casting, chọn diễn viên, mọi thứ cả 1, 2 tháng trời. So với sức lực mình bỏ ra thì mức lương đó cũng tương đối thôi. Còn so với nghệ sĩ ngôi sao làm giám khảo thì khác, họ làm 1,2 số còn mình làm toàn chương trình, mười mấy số nên rất khó để nói.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Huỳnh Tuấn Anh: Tôi không có cửa lợi dụng chị Hồng Vân, anh Thành Lộc "Lương của mọi người rất cao, một 9 một 10 so với phim điện ảnh. Vậy thì làm sao nói tôi lợi dụng các anh chị được. Đó là một cuộc mua bán sòng phẳng", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói. Mới đây, Phượng Khấu tổ chức Thanks party (tiệc cảm ơn - PV) với diễn viên, anh em trong ê-kíp làm phim...