NSƯT Lê Chức: “Tạo đã không cần phải chịu những cơn đau đớn bệnh tật ở cõi trần ai này nữa”
“Hôm nọ có một cuộc thăm rất hay mà anh em đưa lên facebook, Tạo cứ gật gù như là muốn uống với anh em 1 tí rượu nào đó…”, NSƯT Lê Chức nói.
Sau 2 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 19h50 ngày 7/1 tại Bệnh viện Bạch Mai. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, công chúng và đặc biệt là những người bạn thân thiết với ông suốt mấy chục năm qua.
Chia sẻ về sự ra đi của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo – NSƯT Lê Chức, người bạn đồng niên với ông có nhiều chia sẻ.
“Chúng mình chỉ là mỗi cái Đinh Hợi thôi”
“Lứa chúng tôi là đồng niên. Chúng tôi cùng sinh năm 1947, tuổi Đinh Hợi. Lứa Đinh Hợi theo tử vi chiếu mệnh là những người sinh ra mà phần lớn họ đều làm về văn học nghệ thuật. Ví dụ như Nguyễn Trọng Tạo, Lê Chức, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Thuỵ Kha, Dương Trung Quốc, Nguyễn Duy, Nguyễn Đình Toán, nhạc sĩ Trần Tiến… và một số anh em khác tuổi Đinh Hợi.
Trong những cuộc gặp nhau, chúng tôi vẫn thường nói: “Tuổi chúng mình chỉ quanh quẩn ở 4 chữ thôi”. Và trong nhóm chơi, có những lúc Trần Tiến nói một câu rất hay “đời này, chúng mình không là cái đinh gì cả. Theo nghĩa chữ của dân gian thì chúng mình chỉ là mỗi cái Đinh Hợi thôi”.
Câu đó nghe rất dí dỏm nhưng nó gần như là câu khẳng định về mệnh số của những anh em cùng chơi với nhau. Chúng tôi nghiệm ra một điều rằng: cách nghĩ, cách cống hiến cho cuộc đời này của chúng tôi đúng thực sự chỉ quẩn quanh ở 4 chữ văn học nghệ thuật.
Và dường như, không có ai trong nhóm những người sinh năm 1947 này lại chỉ làm một công việc cả. Nên có những lúc, chúng tôi đùa nhau bảo “bây giờ phải giới thiệu về Tạo thế nào: nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn hay nhà sáng tác nhạc được không? Chắc là được chứ. Hay là giới thiệu Tạo với anh em mình là “nhà cao tầng”, tức là làm được rất nhiều việc.
Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Và những người này có một tính cách chung là kiến thức họ tự tích luỹ, gần như là tự học nhiều hơn. Có những người tiếp cận thêm trong đời sống và có những anh em tiếp cận thêm kiến thức ở chiến trường, có những người lại được đào tạo ở nước ngoài.
Kiến thức của lứa Đinh Hợi 1947 rất ổn và cái tâm của họ cũng rất tốt. Chỉ nói riêng mấy anh em chúng tôi, tôi ngồi ngẫm xem có ai Đinh Hợi mà có chuyện này chuyện khác để đời với điều tiếng không hay không thì ngay lúc này, tôi có cảm giác là mình chưa tìm ra; hoặc tôi không được biết hết hay là cuộc đời mênh mông quá!
“Chúng ta mất Tạo chứ Tạo không mất chúng ta”
Có ai ngờ, Nguyễn Trọng Tạo có những câu thơ rứt ruột. Huế mới đưa ra mấy câu thế này “con sông Hương đã biến thành rượu để Nguyễn Trọng Tạo đến uống”.
Như thế, Tạo uống nước sông Hương đã thành rượu thì thành quách cũng nghiêng ngả thay. Những câu đó vừa có chất lãng tử vừa có chất bi hùng của con người có cá tính mạnh và tố chất lãng mạn mạnh.
Hay những bài hát về quan họ da diết “ơi con sông quê con sông quê” trong khi Tạo không phải là người của quê hương quan họ. Và như thế, chúng ta hiểu rằng, quãng cách về địa lý không tạo ra quãng cách về tâm hồn.
Định mệnh đã chọn chúng tôi làm về văn học nghệ thuật và chúng tôi cứ đi trên con đường đó…
Những người làm văn học nghệ thuật được tự nhận là kiếp những con tằm nhả tơ. Kiếp tằm không phải lúc nào cũng được như người ta mong nhưng tơ – kết quả cuối cùng con tằm phải tạo ra thì Nguyễn Trọng Tạo đã tạo ra được chất tơ, dòng tơ riêng của mình trong thi ca, âm nhạc và trong tình cảm mà tất cả những ai biết Nguyễn Trọng Tạo.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã qua đời ngày 7/1/2019.
Cho nên từ trước 17h50 ngày 7/1, chúng tôi đã xốn xang để chờ tin. Chúng tôi nhắn tin, gọi điện cho nhau và hồi hộp chờ cho tới khi nhận được tin “ba đi lúc 19h50″ của cháu Hương viết trên facebook. Và chúng tôi hiểu là Tạo đã đi, chúng ta mất Tạo chứ Tạo không mất chúng ta!
Tạo đã để lại vốn liếng rất lớn của tâm hồn một người nghệ sĩ và làm giàu có tâm hồn của thế hệ sau bằng những tác phẩm của mình. Người ta có thể cảm nhận được trong thơ, trong âm nhạc, trong ca khúc, trong nhân cách con người của Tạo những gì đẹp đẽ.
Chúng tôi chơi với nhau vẫn thường soi vào nhau: Tạo có gì, Dương Trung Quốc có gì, Nguyễn Khắc Phục có gì… vv Chúng tôi đọc cho nhau nghe, tự điều chỉnh bằng thi ca và nghĩ đến nhau hết sức tốt đẹp.
“Tạo đã trả xong nợ đời”
Gần đây, Tạo bị một cú đột quỵ ở quê và đã làm cho nhiều anh em đồng tuổi quan tâm, thăm nom nhau. Hôm nọ có một cuộc thăm rất hay mà anh em đưa lên facebook, Tạo cứ gật gù như là muốn uống với anh em 1 tí rượu nào đó.
Thật ra, hiếm có văn nghệ sĩ nào không dùng tới một vài chất kích thích, dĩ nhiên là nồng độ, cường độ ít thôi nhưng hình như cái men rượu và men sáng tạo luôn song hành với người nghệ sĩ.
Có người nói một câu thật đáng yêu: “Hay là, Tạo cũng đã uống đủ lượng thiên tửu rồi và lúc này anh ta trở về trời bằng dư vị ngào ngạt của cái hương liệu được chắt lọc từ gạo – tinh tuý nhất của trời đất.
Cái đã tạo cho văn nghệ sĩ một phần nào đó chất men, hiểu theo nghĩa trực tiếp là men của rượu, men của đời sống, men của tình người để tạo nên chất men sáng tạo của mỗi người”.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức (áo trắng ngồi giữa) cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngoài cùng bên phải và bạn bè trong một cuộc hội thảo gần đây.
Cách đây chưa lâu, chúng tôi cũng vừa gặp nhau ở hai cuộc hội thảo về Lưu Quang Vũ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn Tạo, bảo là khoẻ thì không, nhưng yếu ngay thì cũng không nên anh em rủ nhau chụp ảnh.
Tôi biết rằng quy luật của sự sống chết là lẽ đương nhiên nhưng tôi vẫn than về sự ra đi của Tạo. Khi Trần Minh Anh là người rất quan thiết tới anh em chúng tôi, nhắn cho tôi một cái tin “anh Tạo đi rồi”.
Tôi nhắn lại rằng “Tạo đã không cần phải chịu những cơn đau đớn bệnh tật ở cõi trần ai này nữa, như thế tức là Tạo đã trả xong nợ đời và Tạo lúc này đang ở một cõi khác”.
Nếu nhận thức đúng với những gì mà chúng ta nên nhận thức về sống chết ngày hôm nay thì linh hồn của Tạo vẫn còn đang cùng thân xác ở cõi trần, đợi cho đủ 49 ngày mới rời khỏi cõi dương gian.
Hôm nay, Tạo mới đi được 1, 2 ngày, nghĩa là linh hồn của Nguyễn Trọng Tạo vẫn ở quanh chúng ta, vẫn cho chúng ta điều gì đó để nghĩ và công chúng nuối tiếc.
Ai cũng hiểu, sống có hạn và chết là thiên mệnh của mỗi người. Mấy hôm nay, chúng ta được đọc những chữ vô cùng tốt đẹp về Tạo – một Tài năng kết thúc ở tuổi 72, 73. So với tuổi thọ của ngày hôm nay vẫn được hiểu là sớm nhưng trời chỉ cho Tạo đến thế thôi.
Anh em Đinh Hợi chúng tôi ngày hôm nay có những người rất mạnh khoẻ, cũng có những người chưa từng biết đau ốm thì trong nhóm Đinh Hợi 1947 của chúng tôi đã mất đi 1 người.
Tôi cứ cầu mong rằng, Tạo không bao giờ mất đi ở trong lòng những người yêu mến. Những tác phẩm của Tạo vẫn ở lại với chúng ta và những điều đó sẽ là kỷ niệm mới của chúng ta về Tạo.
Trước kia, chúng ta có Tạo trong những buổi nhâm nhi với nhau một chén trà, một ly rượu, đọc thơ cho nhau nghe, đùa vui vài câu tếu táo thì bây giờ không còn được thế nữa nhưng chúng ta sẽ lại dành cho Tạo những ký ức mới từ khi chúng ta mất Tạo”.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cùng anh em bạn bè.
Tang lễ của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo diễn ra từ 12h00 đến 13h30 ngày 9/1/2019 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sẽ được đưa đi hỏa tang tại Đài hóa thân Hoàn Vũ vào lúc 14h00 cùng ngày. Hài cốt ông sẽ được di dời về quê ở Nghệ An sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhạc sĩ "Làng Quan Họ quê tôi" qua đời sau gần một tuần hôn mê
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng ví cuộc hồi sinh của ông như "trở về từ cõi chết" nhưng ông đã không thể vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo.
Ca khúc "Làng quan họ quê tôi" của cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như "Làng Quan Họ quê tôi", "Khúc hát sông quê", "Đôi mắt đò ngang"... vừa qua đời lúc 19h50 ngày 7.1 tại bệnh viện Bạch Mai sau khoảng 1 tuần hôn mê.
Ông hưởng thọ 72 tuổi. Sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo vì tai biến, nhạc sĩ còn bị thêm căn bệnh ung thư phổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Tác giả Khúc hát sông quê lúc sinh thời từng may mắn thoát chết sau ca tai biến mạch máu khi đang ở quê nhà Nghệ An. Ông mất cảm giác toàn bộ cơ thể, không thể nói hay cử động, càng không có cảm xúc.
Khi đó ông nhắc lại lời của các y bác sĩ rằng trong 1.000 người mắc bệnh tai biến, chỉ có ông là đã may mắn vượt qua nhờ tình yêu thương của mọi người. Ông ví đó như một cuộc "trở về từ cõi chết".
Hơn 1 năm nay, sức khỏe ông suy giảm. Ông bị hôn mê khoảng 1 tuần trước khi qua đời.
Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn Hoa), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Năm 1997 ông làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Âm nhạc thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt, tạp chí Âm nhạc, báo Thơ, tác giả măng-sét tạp chí Sông Hương, Sông Lam, Hồng Lĩnh, báo Thơ...
Năm 2000-2005, ông là Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, kiêm Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ (2003-2004). Cố nhạc sĩ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Tháng 9.2017, ông tổ chức đêm nhạc ở Hà Nội và tháng 8 năm ngoái tại Nghệ An.
Theo Danviet.vn
Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo bàng hoàng khi NS Trọng Tạo qua đời Dù lâm bệnh đã lâu nhưng sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vẫn để lại nhiều niềm tiếc thương cho các nghệ sĩ. Trọng Tấn: Nhạc sĩ Trọng Tạo - một nhân cách lớn mà dung dị Tôi biết nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo bị bệnh đã lâu và vẫn biết một ngày nào đó ông sẽ rời xa nhưng...