NSND Quang Thọ: Nghỉ hưu không nghỉ hát
Đầu tháng 11, NSND Quang Thọ bất ngờ gặp tai biến sau một buổi biểu diễn tại huyện đảo Cát Bà – Hải Phòng. Cũng may nhờ được phát hiện và can thiệp kịp thời nên đến nay sức khỏe của ông đang dần hồi phục.
NSND Quang Thọ cùng các học trò.
Đi qua “cửa tử”
NSND Quang Thọ và ca sĩ Khánh Linh.
Hơn một tháng NSND Quang Thọ nằm trên giường bệnh là chuỗi thời gian căng thẳng, khiến nhiều người lo lắng. Không chỉ người thân lo lắng, đứng ngồi không yên mà các học trò của ông cũng cùng chung tâm trạng.
Tùng Dương, ca sĩ cá tính trên thị trường âm nhạc, vừa rồi làm liveshow lần thứ 12 ở Hà Nội cũng không dám mời thầy. Còn với nghệ sĩ Quang Thọ, đợt bệnh này khiến ông suy nghĩ nhiều hơn về sức khỏe và việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình.
Ông càng ý thức rõ ràng hơn, rằng sức khỏe là vô cùng quý giá với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Ông chia sẻ, may là con tai biến vừa rồi không chạm vào bộ nhớ và dây thanh đới nên không ảnh hưởng đến giọng hát. Thế nên, sắp tới, khán thính giả yêu nhạc lại có thể gặp Quang Thọ trên sân khấu…
Đi qua “cửa tử”, nếu gặp lại Quang Thọ, bạn bè, học trò và khán giả mộ điệu giọng hát sẽ thấy ông vẫn nguyên vẹn nụ cười, giọng nói của người trai đất mỏ.
Ước muốn lớn nhất của Quang Thọ bây giờ là được trở lại như… hồi còn trẻ, khỏe mạnh để tiếp tục công việc, sự nghiệp ca hát, tiếp tục cống hiến, tiếp tục dìu dắt và chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò, tiếp tục vui cùng con cháu và bạn bè đồng nghiệp.
Quang Thọ họ Nguyễn, sinh ngày 3/12/1948 trong một gia đình có đông anh em ở Hạ Long, Quảng Ninh. Lên 4 tuổi, ông cùng gia đình chuyển đến sinh sống ở thành phố Cẩm Phả. Sau khi rời ghế nhà trường, Quang Thọ đã trở thành thợ điện của mỏ than Cọc Sáu. Với năng khiếu âm nhạc, Quang Thọ tham gia hoạt động và là hạt nhân tích cực trong phong trào văn nghệ của công nhân vùng mỏ Cẩm Phả và tỉnh Quảng Ninh.
Sau 8 năm gắn bó với công việc ở mỏ, Quang Thọ chuyển sang công tác tại Đoàn văn nghệ xung kích vùng đất mỏ. Đầu năm 1971, ông có chuyến đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia.
Nghiệp diễn đã đưa Quang Thọ cùng tiếng hát hào sảng của ông đi phục vụ ở nhiều nơi, nhiều sự kiện lớn. Trên bất kỳ sân khấu nào, mỗi lần các ca khúc như “Tình ca” (Hoàng Việt), “Tôi là người thợ mỏ” (Hoàng Vân)… vang lên, những tràng pháo tay của nhiều người mến mộ dành cho danh ca Quang Thọ dường như không dứt …
Đến năm 1972, Quang Thọ được cử đi học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Đây là một bước ngoặt quan trọng, để Quang Thọ trang bị cho mình những kiến thức âm nhạc bài bản.
Sau khi tốt nghiệp, Quang Thọ đã trở thành nghệ sĩ đơn ca của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Với kinh nghiệm từ thực tiễn và năng khiếu thanh nhạc, năm 1987, ông đã trở thành giảng viên Khoa Thanh nhạc – Nhạc viện Hà Nội và từ năm 2000, nghệ sĩ Quang Thọ đảm đương thêm công việc quản lý, trở thành chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc. Ông đảm nhiệm vị trí này đến năm 2008 thì nghỉ hưu.
Với các Huy chương Vàng trong các hội diễn toàn quốc nhiều năm, 3 giải thưởng lớn trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế (giải Nhất Tiếng hát sinh viên thế giới tại Đức; giải thưởng Liên hoan Ca nhạc tại Mông Cổ), NSND Quang Thọ vinh dự được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993 và NSND năm 2001.
Giọng hát vàng đen
NSND Quang Thọ biểu diễn trên sân khâu Live Show kỉ niệm 50 năm với tên gọi “Hãy đến với anh”.
Là một trong những giọng ca lớn của dòng nhạc chính thống và âm nhạc Việt Nam, NSND Quang Thọ đã có sự nghiệp âm nhạc trải dài suốt 50 năm. Bằng nỗ lực và nội lực cá nhân, cùng năng khiếu và lòng say mê âm nhạc, NSND Quang Thọ là một trong số hiếm thuộc lớp ca sĩ đầu đàn trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng.
Sở hữu giọng baritone (nam trung) hào sảng, dày, ấm đầy nội lực, trong suốt nửa thế kỷ hát, NSND Quang Thọ không chỉ ghi dấu ấn đậm nét qua các trường ca thách thức mọi tiếng hát ở mọi thời đại như “Trường ca sông Lô” (Văn Cao); “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương), “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” (Chu Minh), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân)… mà còn chinh phục cả những ca khúc có giai điệu bay bổng như “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn), “Biệt ly” (Dzoãn Mẫn), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp)…
Dấu ấn mà NSND Quang Thọ để lại không chỉ là ở trên các sân khấu lớn nhỏ, mà điều khiến nhiều người trân trọng, đó là việc ông đã giảng dạy, góp phần đào tạo và truyền tình yêu nghệ thuật cho hàng trăm học sinh. Sự thành công của những “ngôi sao” như Đăng Dương, Trọng Tấn, Tùng Dương, Khánh Linh, Lan Anh, Tân Nhàn… đều ít nhiều có bàn tay dìu dắt và sự hướng dẫn nhiệt tâm của nghệ sĩ Quang Thọ.
Nói về công việc ca hát, ông quan niệm mỗi giọng hát là một màu sắc. Với vai trò nâng đỡ, định hướng, ông luôn khuyến khích mỗi ca sĩ trẻ phát triển cá tính, rèn luyện bản lĩnh sân khấu. Trước mỗi học trò, NSND Quang Thọ tận tình hướng dẫn, chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục, và những điểm mạnh cần phát huy…
Với NSND Quang Thọ, mỗi lần cất tiếng hát, ông vẫn có cảm xúc nguyên vẹn như những lần đầu vậy. Đó là một phẩm chất rất đáng quý, điều đó giúp Quang Thọ luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả yêu nhạc…
Nửa thế kỷ ca hát và giảng dạy, hành trình từ người thợ mỏ đến nghệ sĩ nhân dân không thiếu những gập ghềnh nhưng Quang Thọ đã đi trên một con đường âm nhạc đẹp. Hơn cả những danh hiệu, tiếng hát của ông được coi là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc chính thống, là cội rễ của thính phòng cổ điển Việt Nam.
Nhà phê bình âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, Quảng Ninh nơi những cánh rừng hóa thạch để trở thành miền “vàng đen” của Tổ quốc, cũng là nơi sinh ra những giọng hát vàng đen mà đỉnh cao trong dòng hát Belcanto một thuở chính là cặp nam thanh nữ tú Quang Thọ và Lê Dung.
“Song ngược lại với Lê Dung, phận mỏng “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”, Quang Thọ cứ thế lừng lững, cứ thế bền bỉ, cứ thế tỏa sáng giọng hát vàng đen của mình vào thăng trầm của đời sống suốt nửa thế kỷ qua.
“Quang Thọ không phải là người khôn ngoan mà là người dám sống hồn nhiên chân thật với chính mình và cuộc đời. Nhưng chính sự chân thật ấy cùng với sự lao động nghệ thuật cần mẫn, nghiêm túc đã đưa anh đến đỉnh cao của một “bậc thầy hát nhạc đỏ” bây giờ.
Cùng với đỉnh cao của một nghệ sĩ hát, Quang Thọ còn mang tầm vóc đỉnh cao của một người thầy thanh nhạc. Qua sự giáo dưỡng của anh, đã trưởng thành nhiều tên tuổi như Quốc Hưng, Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn, Hoàng Tùng, Tùng Dương, Khánh Linh…” – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét.
Hai năm trước, NSND Quang Thọ đã có đêm nhạc “Hãy đến với anh” để đánh dấu nửa thế kỷ ca hát. Khi ấy, ông nói rằng, nghề ca hát nếu không tập luyện thì sức bền không có. Chính vì thế ông vẫn tập luyện hàng ngày.
Lại thêm là người dạy hát, hàng ngày ông phải hát lại những bài đã hát để còn dạy cho học trò của mình. Theo nghệ sĩ Quang Thọ, ca sĩ ngoài giọng hát được trời phú thì rất cần việc luyện tập thường xuyên, chính là để kéo dài khả năng của mình.
Bước sang tuổi 73, mái tóc đã pha sương, nhưng nếu đối diện với NSND Quang Thọ vẫn nhận ra trong ông còn nhiều dự định. Sức sống của một thời “Tôi là người thợ lò” vẫn lấp lánh qua ánh mắt, qua nụ cười đôn hậu của ông.
Trong số các nghệ sĩ cao tuổi, NSND Quang Thọ vẫn khá “đắt show”. Nhiều tỉnh thành khi tổ chức các sự kiện, các đêm nhạc đều mời ông tham gia. Vì thế, dù nghỉ hưu 12 năm rồi nhưng lịch làm việc của ông vẫn gần như kín thời gian mỗi tuần.
Ông vẫn tham gia giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và các trung tâm nghệ thuật khác để đào tạo các ca sĩ, nghệ sĩ tương lai. Ngoài ra, ông đang soạn một số giáo trình cho Khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Rồi những đêm nhạc ở tỉnh này, thành phố khác luôn kéo ông đi.
Trước khi cơn tai biến ập đến, trả lời câu hỏi ông làm việc nhiều như thế khi tuổi đã cao có mệt lắm không? Nghệ sĩ Quang Thọ cười, bảo “chẳng là gì”. Và ông vẫn tự hào mình có thể hát liên tục 20 bài trên sân khấu.
Giọng ca thính phòng Nguyễn Khánh Ly bất ngờ ra album nhạc dân gian
Với album gồm 12 ca khúc mang âm hưởng dân gian, nữ ca sỹ dòng nhạc thính phòng, giảng viên thanh nhạc Khánh Ly mang tới cho thính giả những thanh âm ngọt ngào và tha thiết.
Tạo hình đằm thắm, đậm chất truyền thống của Khánh Ly trong album mới. (Ảnh: NVCC)
Ca sỹ Nguyễn Khánh Ly vừa chính thức ra mắt album "Lời ru nguồn cội" với những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Đây là một bất ngờ không nhỏ với người yêu nhạc, bởi tên tuổi của cô gắn với dòng nhạc thính phòng sau thành công của cuộc thi Sao Mai 2011. Hiện tại, cô là thạc sỹ, giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đang làm nghiên cứu sinh thanh nhạc.
Album gồm 12 ca khúc, mang đủ âm hưởng dân ca 3 miền Bắc, Trung, Nam: "Non nước hữu tình" (Thanh Sơn), "Đất nước lời ru" (Văn Thành Nho), "Hà Nội-Huế-Sài Gòn" (Hoàng Vân), "Hà Nội linh thiêng hào hoa" (Lê Mây), "Điệu ví dặm là em" (Quốc Nam), "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (Hoàng Hiệp), " Ngược dòng Hương Giang" (Đức Thịnh), "Dáng đứng Bến Tre" (Nguyễn Văn Tý), "Bài ca thống nhất" (Võ Văn Di), "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Mơ quê" (Thanh Sơn), "Lời ru nguồn cội" (Xuân Thủy). Album do các nhạc sỹ Phạm Tuấn Anh, Lê Kim Long, Phạm Hoàng Huy, Dương Đức Thụy hòa âm và phối khí.
Những ca khúc trong album mang âm hưởng dân gian ba miền. (Ảnh: NVCC)
Ca sỹ Khánh Ly cho biết cô yêu âm nhạc dân gian từ bé. Những ca khúc dân gian đã ngấm vào máu thịt, như một dòng chảy hiện hữu trong cuộc sống đời thường của bất kỳ người dân Việt Nam nào. Bố của nữ ca sỹ là người đã truyền cảm hứng và động lực để cô thực hiện album này. Ông là người rất yêu ca hát, ngày trong quân ngũ, ông kiêm cả "chân" văn nghệ hát cho đồng đội nghe. Khi xuất ngũ về sống ở quê hương Nghĩa Đàn, Nghệ An, ông vẫn hát bất cứ khi nào có thể và ông nhận mình là "ca sĩ xóm". Ông đặc biệt yêu dòng nhạc mang âm hưởng dân gian và mong con gái sẽ làm một album thể loại này.
Được truyền cảm hứng từ người cha, Khánh Ly rất hào hứng, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, cô mới thấy rất nhiều khó khăn.
"Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi học và dạy dòng nhạc chính thống, là những ca khúc cách mạng, những bản nhạc thính phòng đầy chất kỹ thuật, học thuật. Khi hát những ca khúc mang âm hưởng dân gian , cần đi vào chiều sâu tâm hồn, cảm xúc nên phải bỏ bớt những kỹ thuật ra. Do đó, tôi đã phải nghe rất nhiều các ca khú mang âm hưởng dân gian để học hỏi, để 'ngấm' những làn điệu đó," nữ ca sỹ cho biết.
Chia sẻ thêm về tựa đề "Lời ru nguồn cội," ca sỹ Khánh Ly cho biết, cô rất tâm đắc với tên gọi này: "Con người chúng ta ai cũng có nguồn cội, đó là quê hương. Dù chúng ta đi đâu, trưởng thành ở nơi nào cũng luôn phải nhớ về quê hương, nơi đã sinh ra mình, nuôi dưỡng tâm hồn của mình, cho mình tiền đề để thành người, thành danh."
Nữ ca sỹ không phát hành đĩa CD truyền thống như dự định mà sẽ ra mắt các bài hát trong album trên kênh online bởi những khó khăn do dịch bệnh và trên hết, cô muốn âm nhạc của mình sẽ đến được với nhiều người trẻ hơn nữa, Khánh Ly cho biết./.
Khánh Ly thể hiện ca khúc "Lời ru nguồn cội":
Đảo Cát Bà và loạt điểm đến ở Hải Phòng dịp Tết Dương lịch Bãi biển Đồ Sơn, đảo Cát Bà, vịnh Lan Hạ... là tọa độ thú vị, sở hữu khung cảnh thiên nhiên thơ mộng mà bạn có thể ghé thăm trong chuyến du lịch đến Hải Phòng dịp đầu năm mới. Cách Hà Nội chừng 125 km, Hải Phòng không chỉ mang những lợi thế về kinh tế biển mà còn nổi tiếng với...