NSND Đào Bá Sơn: Bỏ điện ảnh chắc tôi chết đói
Cuộc đời và chặng đường hoạt động nghệ thuật với nhiều thăng trầm đã được NSND Đào Bá Sơn trải lòng cùng MC Quyền Linh trong chương trình Du hành ký ức.
NSND Đào Bá Sơn đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho điện ảnh
Nhiều lúc mơ ước mình có khuôn mặt thật Việt Nam
NSND Đào Bá Sơn là sinh viên khóa 2 của Trường Điện ảnh Hà Nội từ năm 1973 đến 1977. Cuối năm 1983, ông chính thức chuyển vào sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Đến nay, nghệ sĩ Đào Bá Sơn đã có 45 năm làm diễn viên và 34 năm làm đạo diễn. Ông gặt hái 16 giải thưởng quốc gia, trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc. Ngoài làm diễn viên, đạo diễn, Đào Bá Sơn còn giảng dạy tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, đào tạo nên nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh.
Đào Bá Sơn được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 2011
Con đường đến với điện ảnh của NSND Đào Bá Sơn rất ngẫu nhiên, theo lời ông là có một lực đẩy vô hình. Ông kể: “Hồi đấy có một ông bán kẹo kéo gần nhà bảo tôi rằng thấy chỗ trường điện ảnh đang tuyển học diễn viên, thấy ngoại hình tôi hợp nên bảo tôi đến đó học. Ông ấy còn chỉ địa chỉ trường cho tôi. Khi lên, tôi thấy trường đông lắm, toàn con trai con gái rất xinh đẹp nên tôi không dám thi vì thiếu tự tin. Lúc đấy mình nghĩ điện ảnh thời đó là một cái gì cao siêu lắm, mình thì sống là là mặt đất, trần tục như thế thì làm sao mơ ước được. Sau đó, có mấy anh em nhờ tôi đóng vai phụ cho những tiểu phẩm của họ, đến ngày thứ hai thứ ba như thế mình mới dám tự tin đi thi”.
Lúc mới vào nghề, nhờ chiếc mũi cao, mái tóc xoăn nên nam nghệ sĩ thường được giao những vai sĩ quan Mỹ, Pháp
Video đang HOT
Một chàng trai người Việt nhưng khi bắt đầu đóng phim, Đào Bá Sơn lại vào vai toàn nhân vật người nước ngoài. Theo nam nghệ sĩ gốc Hà Nội, ngay sau khi tốt nghiệp ông đã được mời đóng vai Tây. Thậm chí, khi các đạo diễn đến mời phim, ông đã biết chắc chắn mình sẽ đóng vai Tây. “Không giết người cũng cướp của, đốt làng phá xóm, hãm hiếp… riết về sau mình sợ không muốn đóng những vai đó. Một nỗi sợ hãi nữa là mình phải nhuộm tóc, phim nào cũng phải nhuộm tóc vàng. Thời đấy làm gì có thuốc nhuộm như bây giờ, phải nhuộm bằng oxy già. Mình rụng tóc rất nhiều cũng chính vì vậy. Thật ra hồi đó nhận được vai Mỹ, vai Tây gì cũng mừng lắm, nhưng đến vai thứ 5, thứ 6 thì bắt đầu mình chán. Nhiều lúc nhìn vào trong gương, tôi mơ ước mình có khuôn mặt thật Việt. Mình tìm hiểu xem có cách gì để tóc mình đừng xoăn, chiếc mũi mình tẹt xuống thì sẽ rất nhiều vai chính. Nếu hồi đó có chỉnh sửa mũi, chắc tôi sẽ đi chỉnh liền cho mũi tẹt xuống, tóc thẳng ra, với hy vọng mình có những vai người Việt. Ngày xưa nếu được khen đẹp trai thì được nhưng nói tôi giống Tây thì mình đau lắm”, ông tâm sự.
Khi đã ở tuổi ngoài 40, Đào Bá Sơn mới được mời đóng vai người Việt đầu tiên trong bộ phim Hãy tha thứ cho em
Theo lời nam nghệ sĩ, mỗi khi đóng phim ông không bao giờ mời người thân hay bạn bè đi xem. Bởi theo Đào Bá Sơn, vì toàn đóng vai ác nên ông sợ mọi người xem chỉ thêm chán ghét. Thậm chí, con gái ông ngày nhỏ từng rất ghét, xa lánh cha vì xem cảnh ông giết người trong phim. Nghệ sĩ sinh năm 1952 bộc bạch: “Tôi nhận ra rằng nhân vật tôi đóng trong phim đã trở thành ký ức rất kinh khủng hằn vào trong ký ức của con. Trong mắt con khi ấy tôi là một kẻ độc ác, tuổi thơ của con làm sao phân biệt được đây chỉ là phim. Đó là một tác động rất mạnh mẽ để tôi không làm diễn viên nữa, sẽ không đóng Tây, đóng Mỹ gì nữa. Sau này tôi về hãng phương Nam chỉ làm trợ lý, làm phó cho đạo diễn Hồng Sến để trở thành một đạo diễn. Tôi hạn chế tối đa việc đóng phim”.
Đóng phim không bao giờ dám hỏi tiền là bao nhiêu
Đến nay, nghệ sĩ Đào Bá Sơn đã có 45 năm làm diễn viên và hơn 30 năm làm đạo diễn
Trong dòng ký ức, đạo diễn Đào Bá Sơn nhớ về thời thơ ấu. Ông tiết lộ từ ngày nhỏ bản thân đã rất đam mê xem phim, đọc sách. Tuy nhiên, rất ít khi ông được cho tiền mua vé xem phim mà chỉ toàn đến rạp rồi đứng đợi người ta mở cửa cho vào khi phim gần hết. Có những lần ông đứng chờ mãi, đến khi được vào rạp thì phim đã chiếu xong.
“Lúc đấy tôi 11 tuổi, lần đầu tiên mình phát hiện ra là con đường từ rạp về nhà mình sao mà xa đến thế. Kỷ niệm của tôi với điện ảnh là cả một tình yêu từ thuở ấu thơ rồi. Nó như một động lực thôi thúc mình để mình có thể hy sinh tất cả, chấp nhận. Thậm chí ngày xưa khi người ta mời phim, không bao giờ mình hỏi vai là như thế nào, không bao giờ dám hỏi tiền là bao nhiêu. Người ta cho bao nhiêu thì mình nhận, người ta không cho cũng được. Tôi nhớ mãi lần đi đóng phim với anh Robert Hải. Buổi trưa 1 giờ mới được ăn trưa, trời thì nắng mà chỉ có một nhà hàng duy nhất thôi. Tốp Liên Xô kia đóng quần chúng thì được vào nhà hàng ăn bò beefsteak, bò sốt vang, uống bia. Trong khi mình với anh Hải đóng chính thì ngồi ở ngoài ăn bánh mì. Mình ngồi gặm bánh mì mà chảy nước mắt. Tôi than thì anh Hải bảo cố nuốt đi, cố ăn và quên việc này đi. Tôi nhớ mình ăn miếng bánh mì lã chã trong nước mắt, nhưng tất cả vì một niềm đam mê”, ông xúc động nhớ lại.
Đào Bá Sơn rơi nước mắt nhớ về những cay đắng từng trải qua trên con đường làm điện ảnh
Theo Đào Bá Sơn, nhiều lúc ông nghĩ đến việc bỏ điện ảnh, bỏ diễn viên, bỏ cả giảng dạy. Nhưng khi chợt nghĩ lại, ông thấy mình không biết nghề nào khác ngoài làm điện ảnh. “Bỏ điện ảnh ra chắc tôi chết đói, vì mình không biết nghề nào khác. Và cuối cùng thì mình vẫn phải trở lại, vẫn theo nó cho đến tận cùng”, nói đến đây thì đạo diễn Đào Bá Sơn rơi nước mắt.
Nam nghệ sĩ kể thêm, khi trúng tuyển vào học điện ảnh, mẹ ông không ủng hộ vì cho rằng “xướng ca vô loài”. Dù vậy, với niềm đam mê, ông vẫn cãi lời để đi theo. Khi ấy, mẹ NSND Đào Bá Sơn nói rằng: “Nếu khổ thì đừng kêu ca với mẹ”. Rất nhiều năm sau, ông thấm thía lời mẹ nhưng dù khổ đến mấy cũng không bao giờ dám kể cho mẹ nghe điện ảnh khổ cực như thế nào. “Tôi luôn luôn nói với mẹ tôi về những điều tuyệt vời nhất của điện ảnh. Cho đến khi mẹ tôi chết, chắc không bao giờ bà biết rằng con của bà đã từng khổ ải thế nào với điện ảnh”, ông bày tỏ.
Quyền Linh dành sự nể phục và ngưỡng mộ trước hành trình làm nghề bền bỉ của đạo diễn phim Long thành cầm giả ca
Con đường đến với nghề đạo diễn của Đào Bá Sơn không hề dễ dàng, nhưng ông được đạo diễn Hồng Sến chỉ bảo rất nhiều. Và đối với ông, cửa ải trong cuộc đời để trở thành đạo diễn chính là Hồng Sến. Lần đầu tiên được người thầy của mình gọi là đạo diễn, ông đã khóc vì hạnh phúc. Trong vai trò đạo diễn, Đào Bá Sơn đã gặt hái được rất nhiều thành công với 16 giải thưởng quốc gia, trong đó có 3 giải Đạo diễn xuất sắc. Ông được khán giả biết đến qua các bộ phim như: Long thành cầm giả ca, Cầu thang tối, Biệt ly trắng, Người tìm vàng, Đi qua lời nguyền, Chị Dung, Lời tạ từ trong mưa, Đám mây không dừng lại. Bên cạnh đó, ông cũng là một người thầy tận tâm, đào tạo, truyền dạy nhiều kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong chặng đường làm nghề cho thế hệ trẻ.
Puka trải lòng về quá khứ suýt bị mẹ từ bỏ, tập giúp việc cho ân nhân vì không trả nổi tiền trọ
Cuộc sống "tiểu thư" tan vỡ, diễn viên Puka hé lộ từng long đong giữa thành phố, ở nhờ nhà bạn không trả nổi tiền trọ, phải giúp đỡ việc nhà để trả ơn.
Tại tập 10 chương trình Du Hành Ký Ức, MC Quyền Linh trò chuyện cùng diễn viên Puka, làm "sống" lại những hồi ức đã cũ, bao gồm cả những góc khuất về chuyện đời, chuyện nghề hiếm khi chia sẻ trên truyền hình.
Nhắc đến Puka (tên thật là Nguyễn Kiều Cẩm Thơ), khán giả sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh nữ diễn viên hài với phong cách diễn xuất rất riêng, hài hước mang đến tiếng cười nhưng cũng đủ sức để lấy đi nước mắt của người xem bằng những vở chính kịch. Luôn xuất hiện trên sân khấu với hình ảnh năng động, nhí nhố nhưng ngoài đời, anh chị đồng nghiệp lại nhận xét Puka là người khá điềm đạm và sâu sắc.
Sinh ra trong gia đình khá giả có ba người con, Puka được ba mẹ, anh chị yêu thương nhưng cũng có phần bất đắc dĩ khi nghe mẹ kể về câu chuyện chào đời của mình. Nữ diễn viên sinh năm 1989 chia sẻ mẹ cô từng đến bệnh viện 2, 3 lần để phá thai nhưng quá run sợ nên từ bỏ ý định. Puka hài hước tiết lộ: "Trước mình thì có một anh và một chị, mình giống như vỡ kế hoạch vậy đó. Mình gian nan từ trong bụng mẹ, đến khi sinh xong thì mẹ cũng không nhìn mặt mình luôn. Bà nội với ba thấy mình đáng yêu, da trắng, phúng phính thì mẹ mới bắt đầu ngó sang, thấy thương và ôm mình vào lòng".
Bật mí với MC Quyền Linh, Puka lúc nhỏ rất thích mặc áo dài và ước mơ trở thành giáo viên. Thế nhưng đến năm cấp 3, cô lại hoang mang khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, chọn nghề nghiệp tương lai như bao cô cậu học trò khác. Không đậu cuộc thi tiếp viên hàng không, nữ diễn viên được ba chu cấp vốn mở tiệm điện thoại. Trong lúc này, cô đến tiệm chụp ảnh của Kim Thanh Huệ và được khen ăn ảnh, từ đó bắt đầu hứng thú và theo học lớp diễn xuất của đạo diễn Cao Bá Sơn, diễn viên Minh Nhí, Công Ninh...
Tưởng chừng mọi thứ tiến triển thuận lợi nhưng chính lúc này, biến cố bất ngờ ập đến khiến gia đình Puka phải về quê sinh sống, một mình cô ở lại thành phố đắt đỏ trong hoàn cảnh khốn khó. May mắn được bạn học chung lớp diễn viên giúp đỡ, đặc biệt là chị Ngọc - người xa lạ nhưng đối đãi với Puka như chị em trong nhà, thúc đẩy cô tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật trong lúc nản chí.
"Một điều khủng khiếp là mình không biết tương lai thế nào, tiền đâu để thuê phòng trọ, tiền đâu để mua được một ổ bánh mì, nhiều lần dừng xe ở công viên khóc nức nở vì tin nhắn của ba. Một tháng sau, chị Ngọc kêu mình về nhà chị ấy ở, một nhà mà 10 người ngủ sát nhau như cá mòi xếp lớp. Lúc đầu chị ấy không nhận tiền thuê nhà nhưng mình năn nỉ thì chị ấy nhận 1 triệu/ tháng, bao ăn, ở, tất cả mọi thứ. Đến mức mà tiền nhà giảm xuống còn 500 nghìn mà mình còn không có tiền trả, mình ngại không dám ăn cơm ở nhà. Ngày mình thi vào trường Sân khấu, chính chị ấy là người kêu mình dậy, nếu trễ 5 phút nữa thôi thì mình đã không được vào thi và có lẽ không có Puka như hôm nay", nữ diễn viên nghẹn ngào kể lại khoảng thời gian khó khăn cùng cực.
Vốn là "công chúa" của ba mẹ, Puka học cách nấu ăn, chủ động dọn dẹp, đưa rước con gái chị Ngọc đi học để đền đáp công ơn. Từ lời kể của Puka, MC Quyền Linh cảm nhận được lòng biết ơn và tình cảm dạt dào của đàn em dành cho ân nhân cứu mạng. MC "quốc dân" đã bí mật mời chị Ngọc đến Du Hành Ký Ức để tạo bất ngờ đặc biệt cho Puka. Trong sự xúc động, hai chị em vỡ òa cảm xúc, ôm chầm lấy nhau, cùng chia sẻ cuốn album cũ, bịch bánh tráng và trái trứng gà với lời hứa "Sau này em giàu, em nuôi chị".
Sau khi thi đậu vào trường Sân khấu - Điện ảnh, Puka cố gắng để nhận được học bổng và được nhận vào sân khấu Thế giới trẻ. Mức cát-xê đầu tiên của cô là 150 nghìn/ suất diễn, dù chỉ được đóng vai quần chúng nhưng nữ diễn viên vẫn rất vui và hãnh diện.
Tài năng và có duyên với nghề, Puka diễn kịch 2, 3 tuồng thì được anh chị tiền bối chú ý, mời cô tham dự chương trình thử thách dành cho diễn viên và chọn bộ môn ảo thuật với nhiều kỹ thuật, động tác nguy hiểm. Đồng thời, cô còn góp mặt diễn xuất trong phim điện ảnh Cô Thắm Về Làng. Xuất hiện cùng lúc trong hai dự án, Puka hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, mỗi ngày chỉ ngủ được 2-3 giờ, cố gắng hết mình để mang đến phần thể hiện chỉn chu nhất.
Nỗ lực được đền đáp, Puka nhận được giải Á quân trong cuộc thi thử thách và giải thưởng Ngôi sao xanh - Nữ diễn viên truyền hình triển vọng. Nữ diễn viên bồi hồi: "Lúc ban tổ chức gọi đến thông báo, mình không tin. Đến hôm cầm được giấy mời trên tay ghi 'Kính gửi diễn viên Puka' mà mình khóc quá trời, cuối cùng thì bản thân đã được công nhận là diễn viên".
H'Hen Niê tiết lộ tục lệ người Ê-đê: "Chồng bỏ nhà đi sẽ bị phạt, lầm lỗi là đền gấp đôi của hồi môn" Chia sẻ của H'Hen Niê nhận được nhiều sự chú ý của netizen. Mới đây, H'Hen Niê đã trở thành khách mời đặc biệt trong chương trình Du Hành Ký Ức. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 và MC Quyền Linh cùng diện đồ dân tộc, mang dép tổ ong khám phá nương rẫy vùng đất Buôn Mê Thuột, cùng tâm sự...