NPH game Việt không sợ game thủ chê “rác”
“Rác” – Danh từ không có gì xa lạ với người Việt Nam, tuy nhiên trong khoảng hơn 1 năm nay thì nó mới được sử dụng liên tục trong cộng đồng game thủ nội địa. Thậm chí hiện tại khi nghe thấy từ “rác” thì hầu hết gamer đều nghĩ ngay đến các webgame chất lượng thấp cập bến nước nhà với số lượng lên đến hàng trăm kể từ 2010 trở lại đây.
Tuy nhiên có một sự thật là vì tâm lý số đông mà game thủ Việt đánh đồng khái niệm “webgame” với “game chất lượng thấp”, bất chấp việc một webgame có hay đẹp đến đâu chăng nữa thì chỉ cần nghe thấy chữ web sẽ nhanh chóng bị quy là rác thải Trung Quốc. Tình trạng này kéo dài và lan rộng đến mức phổ thông, tuy nhiên các NPH có thực sự sợ quan điểm ấy?
“Ngại nhưng không sợ bị chê là Rác”
Đó là lời tâm sự của nhiều người đang làm việc tại các NPH lớn tại Việt Nam, đơn giản vì trong năm 2012 thì chính những webgame 2D lại sở hữu lượng CCU rất lớn (đơn cử như Võ Lâm Chi Mộngcủa VNG với hơn 50.000 CCU, vượt trội hơn hẳn so với các webgame 3D lẫn nhiều game client trước đây).
Phần đông gamer Việt vẫn ngày ngày nạp tiền chơi webgame.
Dĩ nhiên không có lửa thì sao có khói, gamer Việt kêu ca và có ấn tượng xấu về webgame cũng chỉ vì chính sách hút tiền đến tận gốc của một số NPH không chuyên nghiệp. Họ liên tục mua các sản phẩm na ná nhau về phát hành cốt có lãi là bắt đầu “thả cỏ” rồi lại xoay vòng sang game mới, tuổi thọ game xuống thấp đến báo động cũng vì thế.
Có điều, tỷ lệ % những người chịu khó lên diễn đàn hoặc trang tin để kêu than về nạn game “rác” chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng người chơi game nội địa. Vì thế các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua số người phản đối để phục vụ số đông còn lại vốn ít tiếp xúc với thông tin hoặc không có điều kiện để đánh giá đầy đủ chất lượng một tựa game.
Như trong bài viết trước về cuộc chiến giữa các NPH Việt, đằng sau việc phát hành 1 game còn hàng trăm thứ ẩn giấu mà gamer không thể biết được, và ngay như khi sử dụng phần mềm quản lý phòng net tại các vùng ngoại thành cũng đã đủ để thu hút lượng lớn người chơi webgame (đơn giản vì họ rất ngây thơ, thấy có game nào hiện lên trên màn hình là chơi chứ không so sánh hơn thua).
Nhưng cũng phải chuyển mình
“ Webgame thông thường năm 2013 này không ăn thua nữa rồi, bây giờ là lúc để phát hành các webgame 3D“, một đại diện NPH Việt chia sẻ. Đây cũng là suy nghĩ của hầu hết các đơn vị phát hành game nội địa trong giai đoạn cuối 2012 và đầu 2013, rõ ràng đã đến lúc mà sức chịu đựng của gamer Việt tới hạn và nếu cứ làm theo kiểu cũ thì chắc chắn thất bại.
Chuyển dịch sang webgame 3D là xu hướng của 2013.
Video đang HOT
Dĩ nhiên đọc đến đây nhiều người sẽ thắc mắc vì sao không chọn client game mà cứ phải chuyển sang webgame 3D? Câu trả lời rất đơn giản vì ngay việc kiểm nghiệm tại thị trường Trung Quốc cũng cho thấy webgame 3D đang lên ngôi, trong khi client game doanh thu cũng cao nhưng công đoạn triển khai phức tạp và cũng tốn kém hơn.
Với các gamer kỳ cựu hoặc khó tính thì việc phải download một bộ cài lên đến 2GB không phải là vấn đề, nhưng với phần đông người chơi phổ thông thì họ quan điểm rất đơn giản: “càng chơi được nhanh càng tốt”. Và webgame 3D thỏa mãn nhu cầu đó khi hầu hết chỉ yêu cầu bản cài lên đến hơn 100MB (hoặc bản nhẹ dưới 20MB) là có thể chơi ngay sau 5 phút tải về.
Câu hỏi đáng đặt ra ở đây là phải chăng chúng ta đang để cảm tính của mình lấn át sự thật, bởi vì nếu theo dõi tin tức thế giới thì ai ai cũng thấy chất lượng webgame 3D ngày nay không thua kém gì một client game thông thường (dĩ nhiên không thể so sánh được với các client game lớn như CACK, VLTK 3 nhưng cũng không còn kém chất lượng như webgame 2D cũ).
Webgame 3D Trung Quốc đã tiến đến đâu?
Nếu như có dịp sang tận Trung Quốc để chiêm ngưỡng các webgame 3D mới ra mắt thì chắc hẳn phần đông game thủ Việt khó tin vào mắt mình vì chúng quá đẹp và đồ họa 3D không khác gì client game. Đây là thành quả của nhiều năm thử nghiệm và phát triển của các NSX xứ Gấu trúc, đồng thời cũng cho thấy nền công nghiệp game tại quốc gia này tiến cực kỳ nhanh.
Unity 3D – Kim chỉ nam của webgame 3D thế giới lẫn Trung Quốc.
Hầu hết các webgame 3D của Trung Quốc gần đây được dựng trên Unity Engine - engine do hãng Unity Technologies phát triển và ra mắt từ cách đây không dưới 5 năm. Ban đầu engine này chỉ hướng tới giới phát triển game không chuyên hoặc muốn tạo ra những tựa game nhẹ, nhanh, không yêu cầu nhiều vốn và nhân lực. Tuy nhiên bước ngoặt bắt đầu từ khoảng năm 2010 khi Unity có khả năng dựng các game 3D chạy trên nền Flash và trình duyệt thông thường.
Lúc bấy giờ, các hãng game thế giới bắt đầu để ý đến nền tảng này (ngoài ra còn có engine ShiVa cũng khá nổi nhưng bắt đầu chìm trong vài năm gần đây). Tuy nhiên phải tới khoảng năm 2011 thì họ mới áp dụng Unity để làm webgame 3D, nhất là khi nó chạy trên browser mà có hiệu ứng cấp cao như HDR, LOD… trong khi vẫn hỗ trợ khả năng phát triển cực nhanh.
Đồ họa tuyệt vời trong webgame 3D Tiên Kiếm Kỳ Hiệp (PAL Online).
Trên thực tế thì các webgame 3D về Việt Nam trong giai đoạn cuối 2012 như Độc Cô Cầu Bại, Bá Đao 3D, Thần Chiến… chỉ là thế hệ đầu của webgame 3D Trung Quốc. Đó là các sản phẩm để thử nghiệm khả năng làm game online của Unity là chính, nay khi nền tảng ấy đã vững thì thế hệ thứ 2 mới ra đời với chất lượng ấn tượng hơn hẳn (đơn cử như Tiên Kiếm Kỳ Hiệp hay Tân Tiên Kiếm…).
Và theo thông tin đáng tin cậy thì gần như toàn bộ các NPH Việt có số má đã đàm phán hoặc nắm trong tay 1 đến 2 webgame 3D thế hệ thứ 2 nói trên. Vấn đề bây giờ chỉ là gamer Việt có thực sự cầu tiến hay vẫn cố giữ con mắt cực đoan của mình về game trên trình duyệt mà thôi. Ở đây phải nói thêm rằng doanh nghiệp không mua webgame 3D vì rẻ, vì chúng đều bị ra giá trên 200.000 USD ngang bằng với một client game tầm khá trước đây.
Khó ai tưởng tượng được đây lại là một webgame 3D.
Nói chung, nếu không có gì thay đổi thì thị trường game Việt năm 2013 sẽ là cuộc chiến giữa webgame 3D với nhau, bất chấp việc giới trẻ có phê phán hay chê bai nó đến đâu. Vậy thì sao chúng ta không “refresh” lại suy nghĩ và sẵn sàng cho một thời kỳ mới?
Theo GameK
Những cuộc chiến bất tận giữa các hãng game Việt Nam
Làng game online Việt đã trải qua được gần 1 thập kỷ với đủ mọi thăng trầm, và để thị trường nội địa có thể phát triển đều đặn thì ngoài cộng đồng game thủ ra, các Nhà phát hành (NPH) cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng. Khởi đầu từ con số đếm trên đầu ngón tay, hiện tại có tới hơn 20 NPH đang hoạt động tại Việt Nam, con số không hề nhỏ chút nào nếu so với các quốc gia trong khu vực.
Và dĩ nhiên, khi "miếng bánh" thị trường bị càng nhiều người nhòm ngó thì tính cạnh tranh càng cao hơn. Hầu như game thủ chỉ quan tâm đến chất lượng trò chơi chứ hiếm ai biết được cuộc chiến đằng sau nó khốc liệt và gay cấn đến thế nào.
Đằng sau những giờ phút cày kéo của gamer là cuộc chiến bất tận của các NPH.
Cuộc chiến mua game
Để mang một MMO về Việt Nam không đơn giản chỉ là mang đủ tiền sang và ký hợp đồng, trên thực tế thì ngoại trừ những game online hạng trung bình ra thì các sản phẩm thuộc hàng top ở nước ngoài (mà chủ yếu là Trung Quốc) không hề dễ dàng chút nào. Không phải ai cũng biết rằng các MMO thành công tại Việt Nam thời gian qua (như Chân Long Giáng Thế, Tam Quốc Truyền Kỳ, Võ Lâm Chi Mộng...) đều đã được NPH Việt tuyển chọn rất kỹ với tiêu chí nó phải thành công trước đó thì mới mua về.
Chính vì thế, trong cùng 1 thời điểm thì 1 tựa game thành công tại Trung Quốc sẽ được từ 2 đến 3 NPH nhòm ngó 1 lúc nhưng kết quả thì chỉ có 1 giành được. Lúc này, cuộc chiến mặc cả bắt đầu diễn ra. Thông thường thì giai đoạn ngã giá diễn ra trong nhiều tuần lễ và phải thật sáng suốt thì mới không bị "hớ".
Các MMO thành công tại Việt Nam thường bị giành giật căng thẳng trước đó.
Trao đổi với một đại diện NPH tại Việt Nam, ngày nay các NSX Trung Quốc rất "khôn" khi họ cố tình dọa nạt khách hàng rằng mình sắp bán cho đối thủ khác, và thế là giá game bắt đầu được đẩy cao lên. Thị trường game Việt béo tốt đến nỗi lúc này việc các doanh nghiệp Trung Quốc mang game sang tận nơi chào hàng là chuyện cơm bữa. Thậm chí trong một ngày họ đi lại tới vài công ty, và nếu game đó hấp dẫn thì cuộc ganh đua trả giá bắt đầu diễn ra, bên thắng cũng phải tốn nhiều tiền để "đấu giá" còn bên thua lại cuống cuồng đi tìm mua game khác để không bị tụt hậu.
Chẳng thế mà trong năm vừa rồi có những NPH chỉ mất 50.000 USD để mua 1 webgame 3D nhưng cũng có đơn vị chi tới 200.000 USD.
Trong cuộc chiến giành giật này, các NPH cỡ lớn luôn có lợi thế, thậm chí họ còn được ưu tiên mua game với giá rẻ hơn các NPH nhỏ lẻ. Đơn giản vì NSX yên tâm về khả năng thành công của tựa game họ bán ra, qua đó ăn % lợi nhuận cũng nhiều hơn (hiện tại hợp đồng bán game hiếm khi bán đứt mà luôn có thỏa thuận ăn chia lợi nhuận sau khi phát hành).
Cuộc chiến phần mềm quản lý phòng máy
Cùng với cuộc chiến mua game thì cuộc chiến giành giật thị phần cho phần mềm quản lý phòng máy cũng không kém ác liệt. Trong khoản này thì VNG đã rất thông minh vì ngay từ khi thị trường game VN còn chưa nghĩ đến vấn đề này thì họ đã tung ngay ra sản phẩm Cyber Station Manager - CSM, và ngay sau đó nó phủ kín gần như toàn bộ các phòng máy internet nội địa.
Cuộc chiến tại các phòng máy cũng vô cùng gay cấn với 3 sản phẩm CSM, iCafe và OneNet.
Dĩ nhiên, khi một phòng máy đã sử dụng CSM thì người chơi sẽ chủ yếu tiếp cận với các trò chơi do VNG phát hành, đây là lý do không nhỏ khiến họ giành được cộng đồng cực kỳ đông đảo. Mãi vài năm sau thì các NPH khác mới bắt đầu nhận ra điều này và ngay lập tức cũng lao vào giành giật thị phần.
Điển hình có thể kể đến iCafe của VTC Game hay OneNet của FPT Online, 2 ông lớn này tung một lực lượng đông đảo về từng phòng máy nghõ ngách trên đất nước để khuyến khích chủ hàng "bỏ" sản phẩm của đối thủ mà chuyển sang dùng của mình. Và trong 1, 2 năm gần đây thì thị phần giữa CSM với iCafe hay OneNet bắt đầu giảm bớt khoảng cách.
Thậm chí, đã có những lúc mà các NPH dùng đến chiêu bài "quy chuẩn về chất lượng của một phòng máy game" (tức là phòng máy muốn hoạt động có hép thì phải có Phần mềm quản lý) để buộc chủ hàng cài đặt sản phẩm của mình. Cách làm này tương đối thành công.
Cuộc chiến giành giật nhân sự
Thị trường ngày một cạnh tranh, game phát hành nhiều mà thành công thì ít nên vấn đề về nhân sự chất lượng cao trở nên hết sức bức thiết với các NPH Việt Nam. Chẳng thế mà nếu như cách đây 1, 2 năm hầu như họ chỉ giành giật nhau các nhân sự cao cấp (tầm quản lý sản phẩm trở lên) thì nay đã chuyển sang giành giật cả team vận hàng lẫn nhân sự bình thường.
Giành giật nhân sự giỏi cũng là cách để thành công.
Năm vừa rồi, không phải gamer nào cũng biết rằng giữa FPT Online và VTC Game đã có những cuộc tuyển mộ và ra đi với số lượng lớn. Có những team di dời toàn bộ đội ngũ của mình sang với NPH mới, một phần vì lời mời chào hậu hĩnh và một phần cũng vì quan điểm cá nhân.
Ngoài ra, cũng phải kể đến "phong trào" tự tách ra mở hãng game riêng của các nhân sự cấp cao, ví dụ như sự ra đời của SSGroup hay CMN... Họ đều là những người đã từng thuộc NPH lớn và sau nhiều năm kinh nghiệm bắt đầu tách ra, trở thành đối thủ của chính đơn vị cũ. Trên thực tế thì đây là dấu hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.
Nói chung, sau gần 10 năm phát triển và dù gặp cực kỳ nhiều khó khăn nhưng nhịp đập của MMO Việt Nam vẫn rất khỏe khoắn. Hy vọng rằng năm 2013 chúng ta sẽ lại được chứng kiến những cuộc cạnh tranh ác liệt hơn giữa các NPH nội địa vì có như vậy thị trường mới trở nên sôi động hơn.
Theo GameK
Game online Việt năm qua mang về bao nhiêu tiền? Mặc dù năm 2013 đã trôi qua được hơn nửa tháng, nhưng gamer Việt vẫn chưa thể có cái nhìn tổng quát về thị trường trò chơi trực tuyến nội địa năm 2012. Chúng ta hãy cùng tổng kết một số con số nổi bật của 360 ngày trước, những số liệu này chỉ mang tính tổng quan nhưng phần nào cũng thể...