‘Nốt trầm’ của chứng khoán Việt
Chứng khoán Việt Nam đang trong thời gian trầm lắng với thanh khoản thấp, thiếu thông tin hỗ trợ, chờ tín hiệu từ các sự kiện quan trọng vào cuối tháng 6.
“Bóng đen” chiến tranh thương mại và vùng trũng thông tin
Chứng khoán Việt Nam nửa đầu tháng 6 tiếp tục nối dài chuỗi ảm đạm, sau khi trải qua tháng 5 – thời gian tệ nhất của thị trường, theo đánh giá của chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Hiệu ứng “Sell in May” vẫn đúng trong năm nay do thiếu đi thông tin hỗ trợ, cùng với căng thẳng chiến tranh thương mại khiến thị trường quay trở lại mức đáy vào cuối tháng 4. Nhà đầu tư ở trạng thái thận trọng và không giải ngân.
Thanh khoản thị trường, tính riêng phương thức khớp lệnh, trung bình ở mức 2.300 tỷ đồng mỗi phiên, thấp hơn 15% so với tháng 5. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp từ đầu năm, khối lượng khớp lệnh của sàn HoSE ở dưới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên. Riêng trong tháng 6, con số này thấp hơn 36% so với thời điểm tháng 2 và tháng 3.
So với lịch sử thị trường chứng khoán, thanh khoản nếu tính con số tuyệt đối chưa phải mức đáy. Tuy nhiên, so sánh tương quan tương đối giữa giá trị giao dịch với quy mô vốn hóa thị trường, thanh khoản đang ở mức thấp kỉ lục.
Giao dịch chứng khoán từ đầu năm (Đvt: tỷ cổ phiếu/phiên, ngàn tỷ đồng/phiên)
Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh Chứng khoán SSI nhận định thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp một phần đến từ những lo ngại về bất ổn thương mại quốc tế.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, một môi giới của công ty chứng khoán thuộc top đầu thị phần Việt Nam cho biết đã đứng ngoài thị trường gần 2 tháng. “Tôi chủ yếu chỉ vào một số mã theo xu hướng rõ và có câu chuyện hưởng lợi từ chiến tranh thương mại”, nhà môi giới này cho hay.
Trước những động thái áp thuế của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, phần lớn ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chiến Mỹ – Trung, một số quan điểm không loại trừ khả năng Việt Nam có thể lọt vào tầm ngắm của ông Trump trong giao tranh thương mại, VinaCapital đưa ra nhận định trong báo cáo tháng trước. Quỹ đầu tư lớn nhất của công ty quản lý quỹ này, Vietnam Opportunity Fund (VOF) cũng đã mất toàn bộ thành quả 4 tháng đầu 2019 trong tháng 5 và ghi nhận giá trị tài sản ròng giảm 1,1%.
Phần lớn thị trường Đông Nam Á đều giảm điểm sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế với 200 triệu USD hàng hóa Trung Quốc, đơn cử như thị trường Thái Lan giảm 3,6%, Indonesia giảm 3,7%, Singapore mất 8,2%…
Video đang HOT
Chờ tín hiệu mới
Tổng thống Trump điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, xác nhận cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tuần sau. Đây là sự kiện được thị trường chứng khoán chờ đợi – một kết quả cho cuộc chiến về thương mại đã kéo dài cả năm qua.
VDSC dẫn nhận định của các ngân hàng lớn trên thế giới rằng mọi khả năng đều có thể xảy ra, nhưng sẽ có các cuộc thương thảo tiếp tục sau đó. Tuy nhiên rủi ro về việc không có một thỏa thuận thương mại và một cuộc chiến tranh toàn diện cao hơn so với thời điểm tháng 11 giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuter.
Với động thái mới nhất của Mỹ và Trung Quốc, 2 bên có thể sẽ nói lại về một số thỏa thuận lớn trước đây trong cuộc gặp sắp tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á có thể sẽ tăng trở lại nhưng không nhiều do phần đông đều có suy nghĩ này từ trước, theo báo cáo của VDSC.
Một yếu tố khác được kỳ vọng sẽ “hâm nóng” lại thị trường là Việt Nam được vào danh sách theo dõi nâng hạng trong năm sau, dù rất thấp.
Việt Nam có 9 tiêu chí chưa đạt kỳ vọng trong kỳ đánh giá năm 2016. Trong đó, giới hạn sở hữu nước ngoài là vướng mắc được nhiều nhà đầu tư phản ánh, nhưng vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Theo VDSC, luật chứng khoán sửa đổi sắp tới sẽ là nền tảng ra mắt chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – sản phẩm cho phép khối ngoại mở rộng đầu tư vào các doanh nghiệp Việt, nhưng cần ít nhất 2 năm để NVDR chính thức vận hành.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu tích cực từ MSCI đối với thị trường Việt Nam. Việc Argentina được nâng hạng lên thị trường mới nổi giúp tỷ trọng cổ phiếu thị trường Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Market Index được tăng từ 16,09% lên 18,22% vào cuối tháng 5.
Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index được tăng thêm sau khi Argentina nâng hạng.
Bên cạnh đó, việc triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo cũng là một yếu tố thu hút dòng vốn vào thị trường và đa dạng hóa kênh cho các nhà đầu tư, với sự tham gia tích cực hơn của các công ty chứng khoán vào thị trường cổ phiếu trong nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro (hedging).
Theo ông Nguyễn Đức Thông, chứng quyền có thể là một lựa chọn khi nhà đầu tư không chắc chắn vào đà tăng của thị trường ở thời điểm này. “Luật chứng khoán sửa đổi sẽ giải quyết một số nỗi lo với nhà đầu tư, giúp các cá nhân tự tin hơn khi tham gia thị trường”, vị Giám đốc Giao dịch Phái sinh SSI nhận định.
Trong những ngày cuối tháng 6, nhiều sự kiện quan trọng sẽ diễn ra, gồm quyết định của Fed về chính sách tiền tệ được công bố sáng nay theo giờ VIệt Nam, kết quả phân hạng của MSCI với các thị trường vào ngày 21/6, cuộc họp của OPEC ngày 25-26/6 và tâm điểm là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ngày 28- 29/6. Thị trường vẫn đang chờ những luồng thông tin dẫn dắt.
Lê Hải
Theo Người đồng hành
Chứng quyền có đảm bảo (CW) hợp với giao dịch ngắn hạn
Tại buổi hội thảo về sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia khẳng định, CW không phải là sản phẩm mua để dành đến ngày đáo hạn.
Thông tin được ông Nguyễn Đình Thanh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển HOSE cung cấp, trên thế giới, có đến hơn 90% nhà đầu tư bán CW trước ngày đáo hạn vì một số lý do về thuế, rủi ro biến động giá trong tuần cuối cùng.
Ông Thanh giải thích, tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) hàng ngày, trường hợp chứng khoán cơ sở tăng họ vẫn phải thực hiện mua vào. Gần đến ngày đáo hạn, họ sẽ canh bán dần để lấy tiền chênh lệch thanh toán cho nhà đầu tư nên có khả năng, đến gần thời điểm đó, giá chứng khoán cơ sở đi xuống. Đây là hành động tự nhiên, chứ không phải bắt tay "làm giá" của công ty chứng khoán.
Theo đó, công việc giám sát của sở giao dịch chứng khoán không chỉ được tiến hành trên thị trường CW, mà cả trên thị trường chứng khoán cơ sở. Những biến động bất thường về giá chứng khoán cơ sở (nếu có) đều sẽ được xem xét.
Vậy lúc nhà đầu tư cùng bán ra hết CW thì ai sẽ mua vào, vì khi mua vào sẽ chắc chắn lỗ? Giải đáp câu hỏi này của nhà đầu tư, ông Thanh cho biết, dĩ nhiên, nếu tất cả các sản phẩm CW cùng đáo hạn trong cùng một đợt, hoặc thời gian đáo hạn gần nhau thì nhà đầu tư cũng sẽ gặp rủi ro lớn hơn.
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, sản phẩm CW thích hợp cho việc trading hơn là nắm giữ, tức chỉ cần có lời là nên chốt trong ngắn hạn. Nếu 1 - 2 tuần diễn biến giá không như dự kiến, nhà đầu tư nên cắt lỗ ngay.
Vì khi đáo hạn, rủi ro biến động giá chứng khoán cơ sở sẽ mạnh hơn, khả năng chứng khoán cơ sở đảo chiều thì toàn bộ lợi nhuận đáng lẽ có được sẽ không còn, thậm chí mất luôn phần phí đã bỏ ra mua CW và thuế mà nhà đầu tư phải chịu sẽ cao hơn.
Về câu chuyện thuế, đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) giải thích, khi giao dịch CW, nhà đầu tư phải chịu thuế 0,1% trên giá trị chứng quyền, nhưng nếu để đến ngày đáo hạn thì mức thuế suất 0,1% được tính trên giá trị của chứng khoán cơ sở. Vì vậy, sản phẩm này trading sẽ có lợi hơn.
Về mức biến động giá của CW trong thời gian mới triển khai sản phẩm, bà Trần Thị Mỹ Linh, Phụ trách phát triển sản phẩm, HSC cho rằng, về định giá, giá lý thuyết có đầy đủ tham số có thể tính, nhưng giá trên thị trường lại phụ thuộc cung - cầu.
Do thời gian đầu triển khai sản phẩm này, công ty chứng khoán có xu hướng thận trọng chỉ phát hành lượng nhỏ, nên rõ ràng khi giao dịch chính thức, các chứng quyền chỉ khoảng 1 - 2 triệu đơn vị và xét giá trị chỉ khoảng vài tỷ đồng, khả năng giá biến động xa giá trị hợp lý hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi đó, nhà đầu tư nhìn biến động giá trên thị trường có thể sẽ thấy ngạc nhiên, chẳng hạn, CW ban đầu được mua với giá 2.000 đồng nhưng có thể tăng lên 4.000 - 5.000 đồng mà không có một cơ sở nào.
Theo quy định, tổ chức phát hành là công ty chứng khoán sẽ phải tạo lập thị trường để giá mua và bán gần nhất với giá hợp lý. Nhưng, lực cầu của thị trường thì không chỉ từ một đối tác duy nhất là công ty chứng khoán.
Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, do là sản phẩm mới, chi phí vốn bỏ ra ban đầu nhỏ và số lượng phát hành của các tổ chức phát hành không đáng kể, nên số lượng nhà đầu tư tham gia IPO đợt đầu khá tốt, vượt hẳn so với số lượng mà công ty chứng khoán định bán ra.
Theo kinh nghiệm tại các thị trường khác, khối lượng CW giao dịch lớn nhưng phần bên ngoài do nhà đầu tư sở hữu chỉ 10 - 20%, còn tổ chức phát hành nắm lượng hàng đến 80 - 90%, giúp họ tự tin có thể thiết lập mức giá CW phù hợp với giá hợp lý.
Trường hợp trong kho của tổ chức phát hành không còn hàng, bà Linh cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn thận vì khi đó, khả năng tạo lập thị trường của tổ chức phát hành là "yếu". Khả năng này sẽ được cải thiện khi công ty chứng khoán có thể phát hành bổ sung lượng CW.
Phan Hằng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chứng quyền có bảo đảm "cháy hàng" trước ngày ra mắt Dù số lượng CW trong đợt phát hành đầu tiên còn nhỏ so với quy mô thị trường chứng khoán cơ sở nhưng các đợt IPO của các CTCK đều ghi nhận kết quả bất ngờ với lượng đặt mua vượt nhiều lần lượng phát hành. Ngày 28/6, thị trường chứng quy ền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) Việt Nam sẽ...