Nộp phạt trực tiếp giảm tiêu cực nếu CSGT thật thà
Trong điều kiện không có được giải pháp hạn chế tối đa tiêu cực, nộp phạt trực tiếp cho CSGT được cho là ít tiêu cực nhất nếu CSGT ngay thẳng, thật thà.
TS Lê Hồng sơn – Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
PV: Thưa ông, rất nhiều ý kiến tranh cãi cho rẳng quy định cho phép người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT của Bộ Công an là tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng tăng lên.Theo ông, quy định này có khả thi không, xin ông phân tích kỹ hơn tính hợp lý, hợp pháp của quy định này?
TS Lê Hồng Sơn: Dự thảo tôi tiếp cận là dự thảo lần 1, chắc chắn Bộ Công an phải cân nhắc, chỉnh sửa nhiều mới có thể ban hành thông tư.
Nộp phạt trực tiếp giảm tiêu cực khi CSGT trung thực
Dư luận băn khoăn về khả năng phát sinh tiêu cực khi xử phạt vi phạm giao thông là hoàn toàn có lý. Đây là vấn đề nóng tồn tại từ rất lâu trong xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, đã được đặt ra và thảo luận rất nhiều.
Trong điều kiện hiện nay, Quốc hội cũng phải cân nhắc lựa chọn giải pháp ít tiêu cực nhất, vấn đề là khi thực hiện, người thực hiện nó thế nào. Tôi cho rằng, có được giải pháp hạn chế triệt để tiêu cực là không khả thi.
Theo tôi, giải pháp có vẻ như rất lý tưởng và lý thuyết đó là giáo dục tính trung thực, ngay thẳng của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện “nói vậy mà không làm vậy” thì làm được việc này tôi biết cực kỳ khó.
Nộp phạt thẳng cho CSGT: Vừa tuýt còi vừa nhận tiền thì…
Về nội dung dự thảo, tôi cho rằng có mấy vấn đề cần phải xem xét.
Thứ nhất về tình hợp pháp. Khoản 2 điều 78 của luật đã quy định rõ “vùng sâu, vùng xa, biên giới và miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn” là điều kiện để cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Luật cũng định rõ “xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp.
Quy định do Quốc hội định, đồng thời giao trách nhiệm cho Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề này. Nên, trách nhiệm trước hết là Chính phủ. Chính phủ phải có nghị định thể hiện cụ thể nội dung trên, trên cơ sở luật và nghị định Bộ Công an mới ban hành thông tư để hướng dẫn việc thi hành trong lực lượng công an.
Vậy, Chính phủ đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa? Nếu thiếu quy định chi tiết sẽ làm khó cho Bộ Công an vì theo nội dung trong dự thảo lần 1 rõ ràng có vấn đề về thẩm quyền.
Cụ thể, tại điều 4, nội dung dự thảo có một số vấn đề, theo tôi Bộ Công an không có thẩm quyền mà phải thuộc thẩm quyền của chính phủ.
Video đang HOT
Thứ nhất, ấn định mức phạt nào đó để cho phép thu tiền phạt tại chỗ.
Thứ hai, xảy ra trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga để thu tiền phạt tại chỗ cũng chưa có căn cứ pháp lý.
Thứ ba, có một số chuẩn được định trong luật, như hành vi xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biên giới miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn; xảy ra ngoài giờ hành chính; xử phạt trên biển rất cần có sự quy định thật cụ thể , thì tôi lại không thấy trong dự thảo.
Phải chăng vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ. Thông tư của Bộ Công an mà với nên hướng dẫn trực tiếp các quy định từ luật khi chưa có quy định chi tiết của Chính phủ, sẽ phát sinh một vấn đề rất lớn về thẩm quyền cũng như tính hợp pháp.
PV: Vậy, theo ông làm sao để tránh tình trạng “một tay viết quyết định phạt, một tay thu tiền” ,trong khi thực tế CSGT vẫn được coi là ngành có chỉ số tham nhũng đứng đầu bảng và câu chuyện “cảnh sát lộng gậy để đạt chỉ tiêu” mà dư luận quan tâm thời gian qua sẽ đi đến đâu, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: Tôi không có thông tin trực tiếp về việc khoán chỉ tiêu phạt, tuy nhiên cũng có nghe dư luận. Tôi cho rằng, nếu có việc đặt chỉ tiêu tiền xử phạt thì cần phải xem lại. Không thể ấn định chỉ tiêu theo kiểu mỗi ngày phải phạt được bao nhiêu tiền, phát hiện và xử lý được bao nhiêu vi phạm điều này dễ gây ra tình trạng như: cố xử phạt cho đạt chỉ tiêu; hoặc ngược lại khi đã đạt chỉ tiêu thì xênh xang, tùy tiện rất dễ xảy ra hiện tượng “cưa đôi, cưa ba” như dư luận đã nói.
CSGT trực tiếp thu tiền phạt vì lợi ích nhóm trong ngành?
Về phía người có thẩm quyền xử phạt như tôi đã nói bị chi phối bởi nhiều sức ép như nhu cầu cuộc sống gia đình, bản thân; tham vọng làm giàu và kể cả nhưng sức ép. Chính tôi từng được nghe một CSGT nói: “em lấy tiền thế này cũng băn khoăn, e ngại lắm nhưng thu tiền về em có được lấy một mình đâu…”
Theo tôi, với bất kỳ giải pháp nào cũng đều có mặt hạn chế, bất cập dù thu trực tiếp hay qua kho bạc vẫn có khả năng xảy ra tiêu cực, lấy tiền và cho qua. Vì vậy, phải có giải pháp đồng bộ mới hạn chế tối đa được tiêu cực trong ngành CSGT.
PV: Trước đó, ngành công an có quy định CSGT không mang quá 100 ngàn đồngkhi làm nhiệm vụ, nhưng giờ lại cho nộp phạt trực tiếp chẳng khác nào “khoán trắng” cho CSGT. Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy, theo ông phải lý giải sự tiền hậu bất nhất này của Bộ Công an như thế nào, thưa ông?
TS Lê Hồng Sơn: Quy định không mang quá 100 ngàn khi làm nhiệm vụ cũng là một giải pháp nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, tuy nhiên để có hiệu quả thì phải đi cùng với công tác kiểm tra, giám sát.
Tôi lấy ví dụ, khi kiểm tra, giám sát lực lượng xử phạt vi phạm giao thông có thể xem xét cân đối tiền mang trong người và biên lai xử phạt, có vượt quá hay không, có cân đối không. Tất nhiên, dư luận cũng rất băn khoăn về hiệu quả của biện pháp này.
PV: Theo giải thích của lãnh đạo ngành công an, nộp phạt trực tiếp là tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm giao thông, đồng nghĩa với việc khuyến khích vi phạm giao thông, ông nghĩ sao trước vấn đề này?
TS Lê Hồng Sơn: Đây cũng là một cách giải thích, nhưng nói tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm dễ gây phản cảm, không tạo được sự đồng thuận trong dư luận. Mục đích của nó là để bớt đi những sự ép buộc, khó khăn mà vì nó người ta có thể dễ dàng thỏa thuận “cưa đôi, cưa ba”.
Tôi cũng đã nói rồi, đây là một sự lựa chọn nhằm hạn chế khả năng dẫn người ta đến thỏa thuận tiêu cực “làm luật” kiểu “cưa đôi, cưa ba”. Còn nói rằng tạo điều kiện thuận lợi cho người vi phạm được nộp phạt trực tiếp cũng là một ý, nhưng không phải là vì thuận lợi thế mà người ta vi phạm nhiều hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Đât Viêt
Nộp phạt cho CSGT: "Con người luôn có lòng tham"
Việc CSGT nhận tiền phạt và nhận tiền tiêu cực đều là hành vi nhận tiền, chỉ khác nhau giữa có lập biên bản xử phạt hay không lập biên bản, mà việc lập biên bản hay không lại rất khó kiểm tra
Dư luận đang xôn xao về dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho phép CSGT thu tiền nộp phạt trực tiếp từ người vi phạm. Để góp một góc nhìn, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.
Luật sư có ý kiến gì về việc nộp phạt trực tiếp cho CSGT?
Tôi cho rằng không nên để người vi phạm nộp phạt trực tiếp và CSGT nhận đóng phạt trực tiếp, vì nhìn hình ảnh người CSGT cầm tiền của người vi phạm rất phản cảm và dễ gây hiểu nhầm.
Mặt khác, việc nhận đóng phạt tại chỗ sẽ làm mất nhiều thời gian của CSGT ghi biên lai, giao tiền, trả lại tiền... mà nhiệm vụ chính của CSGT là điều khiển giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, nhắc nhở, giáo dục người tham gia giao thông. Chúng ta cứ thử tưởng tượng hình ảnh các CSGT đứng ngã tư đường cứ lo đi đếm tiền, trả lại tiền... không có thời gian để điều khiển giao thông, giữ trật tự giao thông.
Hãy tạo hình ảnh đẹp về CSGT là giúp người tham gia giao thông một cách trật tự, an toàn.
Theo luật sư, việc người vi phạm nộp phạt trực tiếp cho CSGT liệu có phát sinh tiêu cực hay không?
Tôi cho rằng là rất dễ phát sinh tiệu cực.
Trước đây khi chưa quy định cho nộp phạt trực tiếp thì CSGT không tiếp xúc, liên quan đến tiền bạc trong quá trình làm việc của mình, nay thì tiếp xúc thường xuyên với tiền bạc, mà việc tiếp xúc này rất dễ dẫn đến tiêu cực. Nghĩa là CSGT có thể lấy tiền một cách bất hợp pháp mà không bị người khác phát hiện.
Con người luôn có lòng tham, khó làm chủ được bản thân mình khi tiếp xúc với tiền bạc, mà CSGT cũng là con người nên việc để CSGT tiếp xúc với tiền bạc khi thi hành công vụ dễ nảy sinh tiêu cực.
Nếu không quy định cho CSGT nhận đóng tiền nộp phạt trực tiếp, khi chúng ta thấy một anh CSGT nhận tiền từ người dân, chúng ta có quyền đặt vấn đề tiêu cực. Nhưng khi luật cho CSGT nhận đóng phạt trực tiếp, khi chúng ta thấy anh CSGT nhận tiền của người dân, chúng ta không biết đó là nộp phạt hay nhận hối lộ? Và như vậy quy định này đã vô tình tạo cơ hội cho CSGT nhận hối lộ, làm sai pháp luật mà không ai nghi ngờ.
Xin luật sư giải thích rõ về cơ chế phát sinh tiêu cực nếu CSGT được thu tiền trực tiếp?
Việc quy định cho nộp phạt trực tiếp là một quy định dẫn CSGT đến gần với tiêu cực, tạo cớ cho CSGT tiêu cực.
Trước đây CSGT không được quyền tiếp xúc đến tiền, không có quyền nhận tiền của người dân trong quá trình thi hành công vụ nên khi nhận tiền tiêu cực thì sợ người khác nhìn thấy, sợ bị phát hiện. Còn nếu bây giờ quy định cho nộp phạt trực tiếp thì việc CSGT nhận tiền của người dân là bình thường, mà tiền phạt với tiền hối lộ thì ranh giới rất mong manh.
Việc CSGT nhận tiền phạt và nhận tiền tiêu cực đều là hành vi nhận tiền, chỉ khác nhau giữa có lập biên bản xử phạt hay không lập biên bản xử phạt, mà việc lập biên bản hay không thì rất khó kiểm tra, giám sát.
CSGT đang lập biên bản (ảnh: Báo Lào Cai)
Theo luật sư, nước ngoài họ làm như thế nào để hạn chế tiêu cực?
Đa phần các nước phát triển họ quy định CSGT chỉ được quyền lập biên bản vi phạm, còn xử lý vi phạm như thế nào là do tòa án quyết định và tòa án cũng không trực tiếp thu tiền phạt mà người vi phạm sẽ đến điểm đóng phạt đóng.
Người vi phạm có quyền khiếu nại, kháng cáo và cung cấp bằng chứng khi cho rằng mình bị oan sai, cảnh sát làm không đúng.
Pháp luật họ quy định như vậy là để tránh việc anh vừa đá bóng vừa thồi còi, thiếu tính khách quan.
Vậy ý luật sư, cần phải tuyệt đối không cho phép CSGT nhận tiền trực tiếp từ người vi phạm dù bất cứ lý do gì?
Đúng vậy, nước ngoài họ đã lường trước các vấn đề phát sinh tiêu cực nên họ không để CSGT trực tiếp thu tiền phạt.
Còn lập luận cho rằng để CSGT nhận tiền nộp phạt từ người vi phạm để tạo diều kiện cho người dân và hạn chế việc phải giữ phương tiện hoặc giấy tờ thì sao, thưa luật sư?
Tôi nghĩ lập luận này không đúng, vì sẽ có những cách khác để tạo thuận tiện cho người dân và lực lượng thi hành pháp luật. Việc để CSGT nhận tiền nộp phạt trực tiếp của người vi phạm không phải là giải pháp duy nhất.
Luật sư có ủng hộ phương án phạt nguội và trừ vào tài khoản với các chủ phương tiện hay không?
Tôi ủng hộ phương án phạt nguội, vì như vậy nó sẽ tránh được những phát sinh tiêu cực, người dân có thời gian thực hiện.
Việc trừ tiền phạt vào trong tài khoản của người vi phạm sẽ tránh mất thời gian cho người nộp phạt cũng như các cơ quan thu tiền phạt. Đồng thời sẽ thể hiện tính nghiêm minh trong việc thi hành quyết định xử phạt.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo Infonet
Nộp phạt thẳng cho CSGT: "Đó là quy định riêng..." Để tránh tiêu cực, CSGT không mang quá 100.000 đồng, tuy nhiên, dự thảo thông tư lại khoán trắng. Ông Thuấn cho rằng "đó là quy định riêng"... Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT là đơn vị cùng tham gia và được Bộ Công An hỏi ý kiến xây dựng Thông tư...