Nông sản Việt tìm cách thích ứng thị trường Trung Quốc
Ngày 6-11, tại Hà Nội, Tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản thuộc Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Bãi tập kết xe container chở nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn
Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ các đơn vị của Bộ NN-PTNT để hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thích ứng với Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc; trên cơ sở tiêu chuẩn AseanGAP; sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng những tiêu chuẩn mới.
Văn phòng SPS Việt Nam cùng Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng các quy định mới của Lệnh 248 và 249. Với quy định của Lệnh 249, các doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, cần lựa chọn các đối tác đảm bảo tin cậy để giúp lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng) cũng như đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng có liên quan yếu tố kho bãi, vận chuyển, vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm (đeo găng khi sản xuất), chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc khi cần.
Tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”- cùng có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Những doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, buộc tuân thủ những quy định mới.
Video đang HOT
Thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc
Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh quá trình đàm phán mở cửa thị trường các loại nông sản.
Hiện, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các nông sản và đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vải thiều chín sớm tại huyện Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam, có mức tăng trưởng khá. Hai thị trường có tính chất bổ trợ cho nhau không phải cạnh tranh, cho nên cả hai bên đều rất tích cực đẩy mạnh thương mại.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán và có nghị định thư của 9 loại nông sản, hai bên tiếp tục đàm phán cho 8 loại nông sản gồm: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít để ký kết nghị định thư về kiểm dịch. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng tăng mặt hàng, số lượng và doanh số xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Khi đã xuất được chính ngạch thì sẽ có điều kiện thuận lợi để tổ chức sản xuất, cũng như sơ chế, chế biến, vận chuyển, bao gói kiểm soát, kiểm dịch...
Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc triển khai đang gặp khó khăn. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Tham tán công sứ Trung Quốc về giải pháp khắc phục trong bối cảnh dịch COVID-19 từ đó có thêm các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc có rất nhiều quy định mới. Các quy định mới này sẽ được phổ biến cho các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nông dân bắt nhịp để khi đưa hàng lên biên giới đảm bảo được những tiêu chí theo quy định mới của Trung Quốc như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật để việc thông quan được liên tục.
Bên cạnh đó, về hạ tầng như hệ thống kho bãi, giao thông, cảng đảm bảo hàng hóa được thông suốt từ các tỉnh phía Nam đưa ra xuất khẩu được ngay, không phải lưu kho, lưu bãi. Nếu trong trường hợp còn tồn đọng thì có hệ thống kho bãi, kho lạnh để lưu giữ, không làm giảm chất lượng nông sản.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho biết, các cơ quan chức năng của Bộ cũng đang tiếp tục thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa. Hai bên cũng sẽ tiến đến thống nhất hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay.
Về vấn đề cấp mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, đã có khoảng hơn 3.600 mã số vùng trồng được cấp. Các mã số được cấp nhằm xuất khẩu sang các thị trường; trong đó có thị trường Trung Quốc. Cùng với đó là hàng nghìn cơ sở đóng gói được cấp phép.
So với diện tích sản xuất thì việc kiểm tra, đánh giá cấp mã số vùng trồng mới đạt được một con số rất khiêm tốn. Thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ sẽ cùng với các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hiệp hội thúc đẩy mạnh hơn nữa trong việc kiểm tra, đánh giá và cấp mã số này theo đúng quy định các tiêu chí.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển thôn đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể về việc cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành các tiêu chuẩn cơ sở về các quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng với các địa phương tiến hành tập huấn và xây dựng bộ tài liệu cho từng cây trồng cụ thể ở các địa phương mang tính chất cây trồng đặc thù. Từ đó, tổ chức thực hiện xây dựng và kiểm tra, đánh giá và xây dựng mã số vùng trồng. Việc mã số vùng trồng của địa phương sẽ chuẩn hóa và chuyển cho các nước nhập khẩu các hàng hóa nông sản.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trung, ở một số nơi, chất lượng của mã số vùng trồng chưa đảm bảo dẫn tới phía Trung Quốc hay Malaysia đã có thông báo về việc không tuân thủ. Do vậy, dẫn tới việc phải xuất khẩu các sản phẩm từ những mã số không đáp ứng được. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã thông báo các địa phương và hướng dẫn các quy trình cụ thể để có biện pháp kỹ thuật khắc phục để không vi phạm nữa.
Ngoài ra, cũng có tình trạng mạo danh sử dụng các mã số vùng trồng. Các doanh nghiệp, địa phương cần quản lý tốt hơn, sử dụng đúng và tránh tình trạng mạo danh hoặc không có mã số nhưng vẫn bịa ra mã số để sử dụng... Ông Hoàng Trung cũng khuyến nghị doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và hỗ trợ tập huấn, nâng cao ý thức cho người dân để qua đó, tạo sự quản lý theo chuỗi từ đầu vào đầu ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị, các tỉnh trong cả nước cân đối lại phần sản xuất nông sản với diện tích, năng suất, sản lượng sản xuất được thì nội tiêu trong nước và dự kiến xuất khẩu là bao nhiêu để chúng ta có bước chủ động điều tiết, tránh ùn ứ ở các cửa khẩu như những năm vừa qua.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng, nhưng giá gạo giảm Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ, nhưng giá gạo lại giảm. Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.600 đồng/kg, giá bình quân là 5.380 đồng/kg, tăng 38 đồng/kg. Giá lúa thường tại...