Nông sản Việt cần được “giải cứu” toàn diện
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều loại nông sản phải quay đầu về thị trường nội địa. Đã có nhiều cuộc giải cứu nông sản đã diễn ra. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng nông sản nói riêng thực sự cần một sự “giải cứu” toàn diện chứ không phải chỉ là câu chuyện của những xe hàng.
Để có được những phân tích cụ thể hơn về những “nút thắt” của nông sản Việt, phóng viên có cuộc trao đổi cùng Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú về vấn đề trên.
PV: Chuyện giải cứu nông sản giờ đây gần như quá quen thuộc với mọi người. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến nông sản luôn khốn khổ vì thị trường đầu ra?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Nhiều năm nay việc giải cứu đã diễn ra thường xuyên. Nguyên nhân của nó liên quan đến vấn đề quy hoạch, nông dân không nắm được thông tin thị trường, doanh nghiệp thì chưa mặn mà với nông nghiệp bởi làm nông nghiệp nhiều rủi ro, chỉ cần một trận bão, lụt coi như thua lỗ hoặc phá sản. Hiện chính sách phát triển nông nghiệp chưa bền vững. Năm 2019 Chính phủ có 19 cuộc họp về nông nghiệp, thực ra vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản của ngành nông nghiệp, nông sản nhiều năm nay vẫn tiếp tục phải giải cứu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Mấy nay hàng nông sản lại khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của việc hàng hóa bị ứ đọng và cần giải cứu vẫn là do người sản xuất thiếu thông tin thị trường. Đặc biệt, tư duy “bỏ trứng vào một giỏ” nên một khi 75% nông sản xuất vẫn chủ yếu sang Trung Quốc nên thị trường này khó khăn là nông sản bế tắc. Tại sao nông sản không mở rộng thị trường khác như Ba Lan, Hungary, Bỉ…
Hai khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp là chế biến và tổ chức thị trường. Công nghệ chế biến lạc hậu, nhiều máy móc được nhập khẩu cách đây 15-20 năm. Ở Hungary, người ta làm một cái hộp nho ướp lạnh ăn ngon hơn cả nho tươi trong khi ở ta chủ yếu vẫn chỉ là nước ép hoa quả. Thực sự chúng ta phải nâng cấp chất lượng chế biến lên, chỉ ép nước cho vào hộp không ăn thua. Điều này cần các nhà khoa học phải vào cuộc, phải có sự liên kết chặt chẽ 6 nhà.
PV: Nhiều người nói rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm ngon vào loạt top đầu thế giới. Nhưng người dân trong nước để thưởng thức được những sản phẩm ấy thì khó mua nổi do đã xuất khẩu hết. Ông đánh giá gì về ý kiến này?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Thị trường nội địa gần 100 triệu dân có lúc đã bị bỏ quên. Những gì đặc sản, ngon hầu hết đều dành cho xuất khẩu. Hàng loại 1 đều xuất đi còn lại từ loại 2 trở đi mới phục vụ thị trường nội địa. Như thế thị trường nội địa bị coi nhẹ, chính điều này tạo điều kiện cho hàng hóa các nước như Thái Lan và các nước khác xâm nhập ngày càng mạnh hơn.
Thị trường nội địa còn khó khăn ở chỗ, 10 quả xoài sạch của mình thì 9 quả bán trôi nổi ở ngoài cùng với xoài bình thường, chỉ 1 quả được vào siêu thị. Tại sao? Vì khi đưa vào một số siêu thị bị chiết khấu 30%, không biết người sản xuất có được lợi nhuận 30% không?
Tôi nhớ Vụ phó Tổng cục Thuế từng thừa nhận: Hàng vào siêu thị BigC chiết khấu cứng 20%, chiết khấu mềm 10% là chuyện động trời của kinh tế thương mại Việt Nam. Hay Chủ tịch Hội nông nghiệp sạch Việt Nam Hồ Xuân Tùng nói chúng ta chăm chút cho khâu sản xuất nhưng lại để cho khâu thương lái, trung gian bán lẻ ăn quá nhiều. Ở Thái Lan có quy định rõ ràng, ví dụ 1kg đường bán ra thị trường người nông dân phải được hưởng 75% lợi nhuận nhưng ở mình lại gần như ngược lại.
PV: Ông có thể phân tích cụ thể điểm “ngược lại” của thị trường nông sản mà ông vừa nói ở trên?
Video đang HOT
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Muốn phát triển bền vững thì lợi nhuận trong chuỗi giá trị phải được phân phối hài hòa. Ở Việt Nam mình kinh tế chia sẻ rất ít. Ai được lợi người ấy hưởng chứ không có sự liên kết một cách chặt chẽ. Viện nghiên cứu cá Đồng bằng sông Cửu Long nói rằng người nông dân sản xuất cá tra, cá ba sa, tôm chỉ được 19,6% lợi nhuận còn lại gần 80% lợi nhuận rơi vào tay thương lái, khâu trung gian và xuất khẩu. Do thực tế trên nên nhiều người nông dân mình không mặn mà gắn bó với sản xuất mà hay chạy theo nhu cầu ngắn hạn của thị trường.
Bên cạnh đó, cứ hô hào phát triển thực phẩm sạch nhưng lại không có nơi tiêu thụ hết. Một số siêu thị có doanh số lớn rất có quyền lực để ép nhà cung ứng và nhà sản xuất chân chính, tôi tiếc rằng Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, Hiệp hội bán lẻ, Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít nói đến vấn đề này. Vụ việc siêu thị BigC chấm dứt cung ứng của 20 doanh nghiệp ngành dệt may trong vòng 1-2 ngày cho thấy quyền lực của nhà bán lẻ rất mạnh. Họ như một cô gái đẹp mà có 6 chàng cùng cầu hôn thì cô gái sẽ có quyền “hành” và quyền “ép”.
PV: Quốc hội đã nhiều lần nêu vấn đề: Có độc quyền trong các siêu thị không? Có ép giá nhà cung ứng không? Nhưng xem ra tình hình này chỉ mới nêu ra mà chưa có hướng giải quyết?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Có đi sâu vào tìm hiểu mới thấy được nỗi khổ của người nông dân. Gốm sứ Minh Long doanh số hàng tỷ đồng mỗi năm đã phải tự đứng ra mở hệ thống bán lẻ vì không chịu được hệ thống siêu thị ép giá. Hay ngành hàng thủy sản bị BigC nâng chiết khấu lên 5%, sau đó phải kiến nghị mới không bị nâng mức chiết khấu.
Nhiều cuộc “giải cứu” nông sản không trọn vẹn
Thực tế chúng ta đang tự hại nhau. Ví dụ khi bó miến đưa vào siêu thị bị nâng mức giá lên thế là miến Thái Lan mừng. Câu chuyện này giống như trong môn thể thao bóng chuyền, mình nâng quả bóng lên cho người khác đập.
Hiện nay đang có chuyện ép giá nông sản để giải cứu. Ví dụ một số siêu thị chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg thanh long để giải cứu, tại sao không mua với giá 10.000 đồng/kg để người nông dân có lãi? Như vừa rồi người nông dân ở Long An sau khi giải cứu người ta thì chỉ còn được 1.000 đồng/kg. Như thế là giải cứu không trọn vẹn. Đã là giải cứu thì giá cả phải thỏa thuận chứ không ép giá.
PV: Hiện hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể chưa được đưa vào danh sách kê khai thuế. Nếu buộc hai đối tượng nộp thuế thì số đông người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với gạo ngon mà nông dân đang sản xuất. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Thực ra chính sách thuế của mình có hai loại thuế khoán và thuế VAT. Thuế khoán thì dành cho các công ty xuất hóa đơn VAT mức 5-10% khấu hao, còn hộ cá nhân nộp theo phương pháp gia tăng trực tiếp, thì tính 5% trên doanh thu. Như vậy nếu cộng thêm vào thì giá bán sẽ tăng. Đây cũng là một điểm khó của các nhà sản xuất nông sản.
Giá cả đắt hay rẻ đều có mặt trái của nó. Giá đắt thường là do siêu thị đẩy mức chiết khấu lên thì họ cộng vào giá, còn nếu giá thấp xuống thì lại ép nhà sản xuất hạ giá. Siêu thị BigC đã có chương trình “Giá rẻ của mọi nhà” nhưng thực tế chương trình này nếu giá rẻ mà lại ép nhà cung ứng thì chương trình ấy cũng vô nghĩa.
PV: Bị ép giá, bị làm khó, vậy đâu là nguyên nhân khiến người sản xuất nông sản phải bị động?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Sản xuất nông sản ở mình hầu hết đều không có kho dự trữ. Dưa hấu, khoai lang… sau thu hoạch nằm lăn lóc như lợn con ngoài đồng hay cá đánh bắt lên cho vào ướp đá… Vì thế thương lái đến tìm cách ép giá vì nếu không bán để lâu ngoài trời sẽ hỏng, cá sẽ ươn. Vấn đề nữa các nước thiết lập sàn giao dịch chợ đầu mối nên mua bán rất công khai minh bạch. Thực sự để làm được điều này ở nước ta cần phải có Nhà nước vào cuộc, phải có những chính sách thuế phí phù hợp, phải có đầu tư những kho lạnh bảo quản. Ví dụ trong thời gian dịch bệnh như hiện nay, nông sản sau khi thu hoạch có nơi bảo quản chờ đến lúc dịch bệnh đỡ căng thẳng, được giá mới mang ra bán.
Có thể nói hệ thống phân phối của mình bị đứt gãy, giữa phân phối và sản xuất không gặp nhau. Không có tập đoàn phân phối lớn đứng ra dẫn dắt thị trường, cầm trịch, không có luật hóa trong việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nên vừa không quản lý được chất lượng, vừa mạnh ai nấy ăn cả bên xuất khẩu cả bên bán lẻ.
PV: Thủ tướng rất nhiều lần nhấn mạnh đến việc không được bỏ quên thị trường nội địa với gần 100 triệu dân nhưng thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý thị trường cũng rất khó khăn trong việc điều phối thị trường. Theo ông đâu là nút thắt lớn nhất?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Chúng ta đang có lúc bỏ quên thị trường nội địa. Ở bên Nhật Bản, cái gì ngon nhất, an toàn nhất thì để lại nội địa còn những hàng hóa loại 2 mới xuất đi các nước trong khi ở Việt Nam ngược lại. Chính phủ phải có chỉ đạo, đừng nghĩ rằng xuất khẩu được nhiều là vui vì lợi nhuận thu được chưa thực sự tương xứng. Xuất khẩu tôm sang nước khác người ta thay đổi bao bì nâng giá trị gấp 3,4 lần. Hay như xuất khẩu quần áo cũng chỉ ăn được tiền công.
Tại thị trường nội địa để tìm được một quả bưởi Diễn ngon đúng chuẩn hay con cá, con tôm ngon thì rất khó đối với các bà nội trợ. Các trung tâm giới thiệu hàng hóa có đầu ra đầu vào, có truy xuất nguồn gốc tem nhãn rất ít tìm thấy. May chăng một năm có vài cuộc hội chợ của Bộ Nông nghiệp về nông sản sạch… thì người tiêu dùng mới có dịp tiếp cận.
Quản lý thị trường làm sao quản lý được giá cả. Phạm trù giá cả rất rộng mà theo quan hệ cung cầu là chính. Nếu cung lớn hơn cầu thì giá rẻ, cung bằng cầu giá ổn định, cung nhỏ hơn cầu thì giá cao. Ví dụ như mấy lâu nay giá rau đắt gấp đôi gấp ba do thiên tai mưa đá rau hỏng nhiều, nhưng ít nữa nắng ấm lên rau phát triển tốt thì giá lại hạ nhiệt ngay. Nên điều hành giá cả không thể là vấn đề hành chính mà phải tổ chức sản xuất để gắn kết hệ thống phân phối.
Nghị quyết Đảng có nói, chúng ta phải triển nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Vì thế cần có bàn tay của Nhà nước để điều tiết thị trường không những đầu nậu trung gian sẽ tìm cách bóp nghẹt người dân. Phải yêu cầu thuế, kiểm toán vào cuộc. Nếu còn chuyện chia năm xẻ bảy thế này, không quản lý minh bạch công khai và hiệu lực của lực lượng quản lý rất thấp. Hiện ở châu Á trên thế giới còn mỗi Việt Nam và Trung Quốc còn lực lượng quản lý thị trường.
Tóm lại, để nông sản Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ ở thị trường nội địa thì kỷ cương phép nước phải nghiêm để cho những kẻ cơ hội không có điều kiện vun vén hết lợi nhuận cho mình. Thêm nữa phải thành lập được các chuỗi nông sản thực sự có tính khoa học, đảm bảo thông tin minh bạch. Nếu không giải quyết được những vấn đề này thì 10 hay lâu hơn nữa thị trường nông sản Việt vẫn không thể vươn lên được một cách mạnh mẽ và vững chắc ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Minh Lê
Theo petrotimes.vn
Giá ngô chuyển động trái chiều với đậu tương và lúa mỳ
Giá đậu tương và lúa mỳ tháng 5/2020 tại CBOT đã lần lượt giảm xuống các mức 8,9125 USD/bushel và 5,1575 USD/bushel, trong khi giá ngô lại tăng lên mức 3,76 USD/bushel.
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá nông sản Mỹ trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) chuyển động trái chiều trong tuần giao dịch kết thúc vào ngày 6/3, với giá ngô kỳ hạn tăng trên 2% do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào.
Cụ thể, giá đậu tương và lúa mỳ tháng 5/2020 tại CBOT đã lần lượt giảm 0,17% và 1,76% xuống các mức 8,9125 USD/bushel và 5,1575 USD/bushel, trong khi giá ngô lại tăng 2,1% lên mức 3,76 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô đã được đẩy lên cao sau khi hoạt động sản xuất ethanol tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục của một tháng vào tuần trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.
Theo cơ quan này, sản lượng ethanol trong bảy ngày tính đến ngày 28/2 tại Mỹ ở ngưỡng trung bình là 1,079 triệu thùng/ ngày, tăng từ mức 1,054 triệu thùng/ngày của một tuần trước đó và là mức cao nhất được ghi nhận kể từ ngày 31/1.
Tại khu vực Midwest nước Mỹ, cho đến nay là khu vực sản xuất ethanol lớn nhất, sản lượng nhiên liệu sinh học đã tăng vọt lên mức trung bình 1,007 triệu thùng, từ mức chỉ 977.000 thùng của một tuần trước đó, EIA cho biết.
Tại vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, sản lượng ethanol cũng tăng lên mức trung bình 24.000 thùng/ngày, từ mức chỉ 22.000 thùng/ngày của bảy ngày trước đó, trong khi sản lượng của khu Bờ Tây lại giảm xuống chỉ còn 14.000 thùng/ngày từ mức 15.000 thùng/ngày.
[Giá vàng trong nước có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do dịch COVID-19]
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 5/3 đã công bố báo cáo về số liệu xuất khẩu nông sản hàng tuần trong khoảng thời gian từ 21-27/2, cho thấy doanh số xuất khẩu ngô và đậu tương ở mức khá yếu.
Doanh thu xuất khẩu ngô Mỹ đã được báo cáo ở mức 769.200 tấn, giảm 11% so với tuần trước đó và 29% so với mức trung bình bốn tuần trước đó.
Trong khi đó, doanh số bán đậu tương được ghi nhận ở mức 345.000 tấn, tăng 2% so với tuần trước đó, nhưng giảm 35% so với mức trung bình của bốn tuần trước đó.
Chỉ có doanh số lúa mỳ trong cùng kỳ là lạc quan, đạt 542.400 tấn, tăng 42% so với tuần trước đó và 27% so với mức trung bình bốn tuần trước đó.
Các tác động của sự bùng phát virus SARS-CoV-2 cũng đang gây thêm áp lực lên các hợp đồng xuất khẩu nông sản kỳ hạn của CBOT, theo các nhà theo dõi thị trường.
Các nhà môi giới CBOT ước tính rằng các quỹ đã ra bán 3.500 hợp đồng giao đậu tương kỳ hạn, 7.100 hợp đồng giao ngô kỳ hạn và 6.200 hợp đồng giao lúa mỳ kỳ hạn chỉ trong phiên giao dịch ngày 6/3./.
Phương Nga
(Theo TTXVN/Vietnam )
Thị trường ngày 03/3: Dầu bật tăng hơn 4% sau 6 phiên giảm, vàng cũng đảo chiều tăng Kỳ vọng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tung thêm các gói kích thích để giảm bớt tác động của sự bùng phát virus corona tới nền kinh tế giá hầu các mặt hàng đều tăng. Dầu tăng hơn 4% Giá dầu đảo chiều tăng trong phiên sau khi xuống mức thấp nhất nhiều năm, do kỳ vọng OPEC cắt giảm...