Nông sản “rủ nhau” đi EU sau EVFTA
Sau gạo, tôm, lần lượt cà phê, chanh leo, trái cây được sang châu Âu với thuế suất ưu đãi chưa từng có, những điều Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại.
Hôm nay, lễ xuất khẩu cà phê, chanh leo theo EVFTA đã được tổ chức tại Gia Lai.
Có thể thấy, sau hơn một tháng EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến, đặt nền tảng cho những bước tiến trong tương lai.
Đánh giá về hiệu quả do EVFTA mang lại sau hơn 1 tháng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này chính thức có hiệu lực, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT) khẳng định, phần lớn các loại nông sản xuất khẩu chính sang EU đều tăng đáng kể cả về lượng và giá trị.
“Hiện nay, theo thống kê sơ bộ sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ cho thấy, giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản vào EU tháng 8/2020 là 350 triệu USD, tăng trưởng ở mức 17% so với tháng 7/2020″ – ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, việc ký kết và triển khai EVFTA đã tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu nông – lâm – thủy sản của Việt Nam thông qua các ưu đãi về thuế.
Đối với các nhóm hàng nông sản quan trọng, trong đó có cà phê, EU cam kết xóa bỏ thuế cho toàn bộ các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7 – 11% xuống 0%; các loại cà phê chế biến từ giảm 9 – 12% xuống còn 0% vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực ngày 1/8/2020.
Chế biến chanh leo tại Nhà máy Doveco (Gia Lai). Ảnh: Lê Kiến.
EU cũng sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của ta trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Với mặt hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (giúp ta có thể xuất khẩu tới 100.000 tấn tấm vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau một lộ trình nhất định.
Video đang HOT
EU cũng dành cho ta hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80%; đồng thời xóa bỏ thuế đối với mặt hàng mật ong ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Các sản phẩm củ, rau, củ quả chế biến, nước hoa quả khác về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Gỗ và các sản phẩm gỗ hầu hết sẽ xóa bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực.
EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 25.000 tấn tinh bột sắn (trên tổng nhập khẩu của EU là 33.000 tấn), 5.000 tấn ngô ngọt (riêng ngô bao tử sẽ không bị hạn ngạch thuế quan và được hưởng thuế suất 0% trong vòng 7 năm), 400 tấn tỏi, và 350 tấn nấm…
Tham gia EVFTA sẽ là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao.
Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp. EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, dược phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu.
Ngược lại, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm nông sản nhiệt đới…
“Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Tuấn nói.
Lô tôm xuất khẩu đầu tiên sang EU sau EVFTA có gì đặc biệt?
Ngày mai, 11/9, những lô tôm xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ bay sang EU, mở ra triển vọng cho việc xuất khẩu tôm vào thị trường này.
Được biết, lễ công bố xuất khẩu tôm sang EU sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực được tổ chức tại Ninh Thuận vào ngày mai.
Những lô tôm xuất khẩu đi EU đều đạt chứng chỉ ASC, là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Đáng ghi nhận là, hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng, hiện đã đạt 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.
Đơn cử như tại Thông Thuận Group, đơn vị có lô tôm xuất khẩu sang EU sau khi EVFTA có hiệu lực hiện có hai nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa. Doanh số xuất khẩu của hai nhà máy hàng năm đạt 100-120 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang EU hưởng ưu đãi về thuế sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh: Thanh Cường.
Quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ các xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt tiêu chuẩn quốc tế như: BRC, Global GAP, ASC, BAP...
Khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020 Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu khoảng 4,5 triệu USD.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiệp định EVFTA đã mang đến nhiều hy vọng cho xuất khẩu tôm sang thị trường EU những tháng cuối năm.
Thực tế, xuất khẩu tôm sang EU đã có lúc giảm kim ngạch liên tục từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, bước sang tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm sang EU đạt 54,2 triệu USD.
EVFTA chính thức có hiệu lực từ mùng 1/8/2020 ngay lập tức đã tạo động lực cho xuất khẩu tôm Việt Nam ngay trong tháng 8 tăng tới 10% so với tháng 7/2020 và tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2019.
EU cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Được biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU sẽ về 0%, trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt chủ yếu trên thị trường EU như Thái Lan không được hưởng ưu đãi thuế quan, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ chịu thuế 4,2%; Indonesia chịu thuế 4,2%.
"Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà NK của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn" - VASEP nhận định.
Đánh giá về cơ hội cho tôm Việt cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác ở thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU.
"Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực..." - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 8/2020 tăng đáng kể so với tháng 7/2020. Ảnh: I.T
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản, trong đó có chế biến xuất khẩu tôm đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.
Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics... nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong EVFTA.
Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng mặt hàng tôm, trong tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 286,75 triệu USD, chiếm 36,01% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 17,57% so với cùng kỳ năm 2019; tôm sú đạt 50,09 triệu USD, chiếm 6,29%, giảm 12,98%.
Nhận định về xu hướng thị trường tôm châu Âu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho biết, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động tuy nhiên các nhà nhập khẩu tôm tại phân khúc này và các nhà cung cấp của họ vẫn phải chịu áp lực lâu dài do dịch bệnh chưa chắc chắn khi nào sẽ kết thúc. Trong khi doanh số bán lẻ hoặc trực tuyến tiếp tục tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ còn tốt hơn hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Chuối bơm là giống gì mà đội sỏi đá vươn lên, cho toàn trái ngon, thu cả hoa lẫn lá? Tuy giá bán không cao nhưng cây chuối bơm ít tốn công chăm sóc, trái chuối ăn tươi cũng được, chế biến làm chuối sấy cũng được. Có lẽ vì vậy mà cây chuối bơm ở Đồng Nai vẫn lặng lẽ vươn mình trên đất sỏi, bất chấp thị trường xuất khẩu bấp bênh hay dịch Covid-19. Cùng với chuối sứ, chuối bơm...