Nông nghiệp Thủ đô: Nỗ lực với “nhiệm vụ kép”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương nỗ lực thực hiện “ nhiệm vụ kép”, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất.
Bằng nhiều giải pháp, các doanh nghiệp, hợp tác xã… trên địa bàn thành phố đang duy trì sản xuất an toàn để bảo đảm ổn định nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Chăm sóc rau ở vùng trồng rau an toàn tại phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Dung
Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, các xã viên vừa canh tác trên diện tích hơn 10ha chuyên sản xuất rau an toàn, vừa thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, rau, củ, quả không bị sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển bình thường. Trung bình mỗi tuần, hợp tác xã cung cấp 14-21 tạ rau, củ, quả cho các chợ đầu mối, 1 tấn củ cho hệ thống siêu thị Vinmart, với giá ổn định.
Video đang HOT
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh, với phương châm phòng, chống dịch hiệu quả để sản xuất an toàn, hợp tác xã vừa chú trọng công tác phòng dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất với tổng đàn 3.000 lợn giống và 17.000 lợn thương phẩm… Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 200 con lợn thịt.
Ở góc độ địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng thông tin, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn duy trì ổn định. Hiện tại, nông dân đang tập trung chăm sóc 7.245ha lúa mùa và 1.170ha cây rau màu…; tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là hơn 201.000 con (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước), đàn gia cầm là 6,1 triệu con (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước).
Trên bình diện cả thành phố, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hơn 9.000ha sản xuất rau, trong đó có 5.044ha rau an toàn đang sinh trưởng, phát triển tốt nên Hà Nội có thể đáp ứng được 64% nhu cầu về rau xanh cho người dân Thủ đô. Việc tái đàn trong chăn nuôi tiếp tục được đẩy mạnh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nên đàn gia súc, gia cầm đã có sự phục hồi. Trong 7 tháng năm 2021, tổng đàn lợn có hơn 1,35 triệu con (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước); đàn gia cầm là 39,7 triệu con (tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước)…
Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời điểm này, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn, dịch Covid-19 lan rộng không chỉ ở nội thành mà còn ở nhiều khu vực ngoại thành. Do đó, việc lưu thông, vận chuyển giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp… phục vụ hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, những vấn đề nội tại như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa còn hạn chế.
Chăm sóc gà thịt ở một trang trại chăn nuôi tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Đỗ Tâm
Đồng bộ các giải pháp
Liên quan đến lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Tường – một chủ trang trại chăn nuôi ở huyện Quốc Oai kiến nghị, Sở Công Thương Hà Nội sớm tham mưu UBND thành phố cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội (như nội dung Công văn số 4481/BCT-TTTN Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương gửi tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố ngày 27-7), để không làm đứt gãy sản xuất.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, để bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tùy theo nhu cầu thị trường, huyện sẽ chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất phù hợp với lợi thế của từng xã, thị trấn; đồng thời linh hoạt rải vụ thu hoạch để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như bảo đảm nguồn nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Về lâu dài, Ứng Hòa tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho nông dân.
Để ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong tình hình hiện nay, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, cùng với việc chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn cung rau, thịt bổ sung cho Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo trồng hết diện tích lúa và rau màu trong các vụ; đồng thời chuyển đổi cơ cấu giống phù hợp với điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ. Với vùng rau chuyên canh, bố trí rải vụ, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ và đẩy mạnh liên kết chuỗi trong tiêu thụ. Cùng với đó, tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm nguồn cung dịp cuối năm 2021. Phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi…
Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa hướng tới mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong mọi điều kiện, việc triển khai những giải pháp nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần được các cấp, ngành liên quan của thành phố và cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng thực hiện.
Hà Nội tổ chức Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 2
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nối tiếp thành công của sự kiện "Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 1" diễn ra đầu tháng 6-2021, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 2" dự kiến diễn ra vào thứ bảy (10-7-2021).
Sản phẩm OCOP của Hà Nội được giới thiệu tại "Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 1" diễn ra vào đầu tháng 6-2021.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hiện nay, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, các chủ thể kinh doanh và ngành Nông nghiệp Hà Nội cần chủ động chia sẻ, kết nối và lan tỏa những giá trị nông sản Việt thông qua các kênh phân phối trực tuyến, giúp người sản xuất, người kinh doanh thêm cơ hội tiếp cận thị trường.
Tại sự kiện "Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 2", Ban tổ chức sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của 8 chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố như: Miến dong (xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai); ống hút rau củ của Hợp tác xã nông nghiệp Sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh); rượu mơ núi Tản (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì); trứng gà sạch (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ); rau hữu cơ (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng)...
Quá trình livestream, người bán sẽ giới thiệu đến khách hàng về quy trình sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như câu chuyện về văn hóa kết tinh trong từng sản phẩm.
"Ngày hội livestream đặc sản OCOP lần 2" dự kiến diễn ra từ 9h đến 12h ngày 10-7-2021, phát trực tiếp tại 2 kênh Fanpage: OCOP Live và VTC Now.
Nhà nông căng mình chống rét Miền Bắc đang đối mặt với đợt rét đậm, rét hại khốc liệt, trong đó có Hà Nội với nhiều ngày nền nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 100C. Để duy trì sản xuất, hạn chế thiệt hại, nông dân các huyện đang tích cực triển khai các biện pháp chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Những chậu hoa cảnh được bà...