Nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, cũng như tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới ngành nông nghiệp, Đảng ta đã có những định hướng đúng đắn nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thích ứng với BĐKH trong văn kiện Đại hội XIII.
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
NNCNC là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.
NNCNC có các đặc trưng: (1) Vốn đầu tư rất lớn so với nông nghiệp truyền thống; (2) Ứng dụng những công nghệ mới, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành; (3) Xây dựng các xí nghiệp nông nghiệp kiểu mới; (4) Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ; (5) Tối ưu hóa nguồn nhân lực; (6) Phát triển các nguồn năng lượng mới và các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, an toàn cho sử dụng.
Ứng dụng CNC trong nông nghiệp đem lại nhiều lợi ích, làm tăng sản lượng nông nghiệp, tạo số lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giá trị gia tăng cho một số sản phẩm địa phương, hình thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực của quốc gia, vùng và địa phương; Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặt khác, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH toàn cầu. Năm 2020, thiên tai đã làm thiệt hại ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỷ đồng [1] . Từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra gần chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, các trận động đất, mưa lũ. Ước tính thiệt hại khoảng 264,4 tỷ đồng[2].
Sản xuất rau hữu cơ tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, thị trấn Phổ Yên. Ảnh: TTXVN
Dự báotrong những năm tới, BĐKH sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. BKH có thể làm năng suất lúa vụ xuân giảm 0,41 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất ngô giảm 0,44 tấn/hécta vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050 [3] . Thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP vào năm 2030[4]. Do đó, phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển NNCNC và có nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH. Một số công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu phát triển phục vụ sản xuất. CNC đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong nông nghiệp [5] . C ơ cấu nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Các giải pháp gắn phát triển nông nghiệp với BĐKH cũng đã được triển khai và đạt hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, nhận thức về phát triển NNCNC, về BĐKH còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH còn thấp.Phát triển các khu, vùng NNCNC chưa tương xứng với dư địa hiện có; Cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; Nhân lực ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các thành tựu KHCN mới; Năng lực thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp chưa có bước cải thiện rõ rệt…
Video đang HOT
Định hướng giải pháp cơ bản
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, NNCNC, thông minh, thích ứng với BĐKH” [6] .
Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” [7].
Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố KHCN, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.
Điều này do, thứ nhất, trong bối cảnh CMCN4.0, việc tận dụng cơ hội là hết sức quan trọng để áp dụng những công nghệ mới nhất có tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thứ hai, nền kinh tế nước ta phát triển theo chiều rộng đã tới hạn, cần đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu; thứ ba , BĐKH vừa là vấn đề cấp bách toàn cầu, vừa là vấn đề cấp bách của mỗi quốc gia.
Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển CNC trong nông nghiệp, thích ứng với BĐKH. Xem xét thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho các vùng chuyên canh; thúc đẩy hợp tác quốc tế để hỗ trợ ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH và phát triển sinh kế bền vững. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…
Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Kết hợp giữa cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm chủ lực với cơ cấu lại theo lĩnh vực và cơ cấu lại theo vùng. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích ứng với BĐKH.
Ba là, thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp; ưu tiên phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái. Đổi mới tổ chức sản xuất và thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị; Nghiên cứu và ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến, triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm. Thực hiện chuyển giao công nghệ, lựa chọn nhập khẩu CNC thuộc danh mục ưu tiên, nghiên cứu, thử nghiệm, làm chủ và thích ứng với điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC; Nhân rộng mô hình trung tâm/vườn ươm tạo doanh nghiệp NNCNC. Khuyến khích nông hộ làm NNCNC. Đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm thị trường, thực hiện chuỗi liên kết – tiêu thụ. Khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại; Nâng cao năng lực phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường.
Năm là, xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và BĐKH; dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.
Sáu là, đổi mới phương pháp đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH. Gắn đào tạo với thị trường, đào tạo với nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh. Thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%[8]. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp.
Như vậy, phát triển NNCNC, thích ứng với BĐKH là một chủ trương hoàn toán đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại CMCN4.0./.
Cây trồng công nghệ sinh học đóng góp cho phát triển nông nghiệp
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo "Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam" tổ chức chiều 7/4.
Theo đó, tại Việt Nam, những cây trồng dựa trên công nghệ sinh học mới đã có nhiều đóng góp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất ở các địa phương.
Năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30% - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Hiệu quả từ ngô công nghệ sinh học
Tại Việt Nam, thành quả ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) được thể hiện chủ yếu trong việc mở rộng diện tích các giống ngô CNSH.
Thống kê cho thấy, tổng diện tích ngô CNSH canh tác tại Việt Nam cho cả giai đoạn 2015-2019 là 225.000 ha. Riêng năm 2019, diện tích canh tác ngô CNSH là 92.000 ha, chiếm 10% tổng diện tích ngô cả nước. Kể từ năm 2014, khi Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển đổi gene (GMO) sản xuất đại trà sau khi đã tiến hành các bước đánh giá an toàn sinh học, an toàn làm thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, khảo nghiệm đánh giá tính tương đồng và các giải pháp quản lý tính kháng, tính đến hết tháng 6/2017, Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gene, trong đó có 10 giống nền và các giống này đã được công nhận ở Việt Nam.
Đáng chú ý, năng suất thu hoạch được của các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2% tới 30%. Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô CNSH cũng gia tăng với mức từ 4,5-7,6 triệu đồng/ha. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô CNSH giảm đáng kể, với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.
Tuy nhiên, tại Hội thảo "Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học trong nông nghiệp tại Việt Nam" do Hiệp hội Thương mại giống cây trồng (VSTA), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổ chức Quốc tế và Ứng dụng và tiếp thu công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) phối hợp tổ chức chiều 7/4, nhiều ý kiến cho biết, hiện vẫn còn những quan điểm và cách hiểu không đúng về cây trồng CNSH.
Toàn cảnh hội thảo chiều 7/4 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tăng thu nhập cho nông dân, giảm thuốc bảo vệ thực vật
Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam cho biết: "Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, với lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta chứng kiến sự bứt phá của khoa học, đặc biệt là CNSH với những phát minh của công nghệ di truyền, công nghệ gene, công nghệ vi sinh... Nhiều giống cây trồng được tạo ra bằng công nghệ sinh học đã có mặt ở Việt Nam, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập nhờ việc tăng năng suất và giảm thiểu chi phí thuốc bảo vệ thực vật".
Theo báo cáo của tổ chức ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu với diện tích cây trồng CNSH lớn nhất là Mỹ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Ước tính, khoảng 1,95 tỷ người, tương đương với 26% dân số thế giới, được hưởng lợi từ CNSH vào năm 2019.
Tiến sĩ Rhodora R. Aldemita, Giám đốc khu vực Đông Nam Á kiêm Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về CNSH của ISAAA cho biết thêm: "Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu hecta cây trồng CNSH được canh tác, góp phần quan trọng vào giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, tính bền vững, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cây CNSH đạt đến 2 con số cùng với Philippines và Colombia".
Phân tích về các tác động của cây trồng CNSH ở phạm vi toàn cầu, TS. Graham Brookes, Viện PG Economic đã dẫn chứng các số liệu trong nghiên cứu gần nhất phát hành năm 2020: "Tính đến năm2018, tổng thu nhập gia tăng dành cho nông dân canh tác cây trồng CNSH là 19 tỷ USD. Nông dân, đặc biệt là những nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ tại các nước đang phát triển, thu được lợi ích rõ ràng hơn từ cây trồng CNSH".
Về những đánh giá khác nhau đối với cây trồng CNSH, TS. Graham Brookes cho rằng, đó là do thông tin được truyền tải không đúng. "Nếu trao đổi với những nông dân đã sử dụng cây trồng CNSH thì sẽ đánh tan những nghi ngờ về cây trồng biến đổi gene", TS. Graham Brookes nói.
Nhận định về tương lai ứng dụng CNSH trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: "Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2021 phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 đó là Việt Nam có thể làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô nông nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất và phát triển số lượng doanh nghệp CNSH trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025. Điều này cũng cho thấy định hướng phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng phát triển chung cho việc bắt kịp xu hướng của Việt Nam cùng các nước trên thế giới trong ứng dụng các giống cây trồng thế hệ mới với các tính trạng cải tiến bằng khoa học hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại."
"Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng các hoạt động tiếp theo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng công nghệ sinh học cũng như giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng cây trồng CNSH vào thực tiễn tại địa phương", ông Nguyễn Xuân Định nói.
Bình Phước định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao Theo UBND tỉnh Bình Phước, địa phương này đang hướng đến mục tiêu là một trong những tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn. Đồng thời hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh, phấn...