Nông dân xứ Lạng hé lộ chiêu ép na ra trái sai “phát hờn” đầu đông
Trong tiết se se lạnh của những ngày gió mùa về, đông đang cận kề, dọc QL 1A đoạn qua thủ phủ na Chi Lăng ( Lạng Sơn) vẫn xếp đầy những thúng na trái vụ, quả nào quả nấy to tròn xếp chồng lên nhau như những ngọn núi trùng điệp trên dãy Cai Kinh.
Nhờ sáng kiến làm na trái vụ mà mùa đông năm nào, người dân nơi đây cũng thu về những quả na ngọt lịm.
Làm na trái vụ
Trồng na gối vụ, giữa mùa đông lạnh giá mà quả sai “phát hờn”- đó là cảm nhận của nhiều người, nhiều du khách khi đặt chân đến Ải Chi Lăng (Lạng Sơn). Những trái na to tròn, chi chít quả mọc ra từ cành và thân khiến không ít người ngạc nhiên, tò mò.
Mỗi năm người trồng na thu hoạch 2 vụ, có thêm thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Người tiên phong trong việc thụ phấn cho na và trồng na trái vụ ở Chi Lăng là ông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng. Ông Lét cho biết: “Kỹ thuật thụ phấn cho na giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người trồng. Tuy nhiên quá trình thụ phấn cũng đòi hỏi người làm tỉ mỉ, có kỹ thuật thì hiệu quả trên 90%”.
Trên một cây na, có lứa quả đang thu hoạch và cả những cành nuôi quả nhỏ, đang ra hoa. Với cách xử lý cho na ra 2 vụ, lão nông Mã Văn Lét có nguồn thu không nhỏ. Suốt 4 năm qua, vườn na rộng hơn 2ha của gia đình ông cho thu nhập đều đều 1 năm 2 vụ. Ông Lét chia sẻ, na trái vụ bán được giá hơn so với na chính vụ, năng suất cũng không kém.
Với những kiến thức, hiểu biết của bản thân cùng với kinh nghiệm học hỏi được từ những buổi tham quan vùng trồng na Đông Triều (Quảng Ninh) ông Lét đã áp dụng có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn lại cho bà con. Từ việc đơn giản như dùng xi lanh, ống nhựa lấy phấn ở hoa to, thụ phấn cho nhiều bông hoa na khác, hay khó hơn như chọn thời điểm nào, đốn ngọn, tỉa cành, tuốt lá ra sao để hoa nở cả trong mùa hè và mùa thu để từ đó làm na trái vụ tăng năng suất cây trồng.
Ông Lét cũng là một trong số nông dân tiên phong trong việc đưa cây na lên núi đá nhiều nhất xã Chi Lăng. 2.000 cây na của ông rải rác, xen kẽ giữa những tảng đá cao.
Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng là người sáng tạo và tiên phong làm na trái vụ nhờ đó mỗi năm gia đình ông có thêm thu nhập vài trăm triệu đồng.
Nói về kỹ thuật chủ động thụ phấn na, ông chia sẻ: “Rất khoa học, không phải cây nào tôi cũng bắt ra trái 2 vụ. Tôi chỉ tác động những cây khỏe, những cây năm trước cho một vụ quả, nhằm dưỡng cây lâu dài. Tôi “điều khiển” mỗi cây chỉ ra từ 10 – 15kg quả/vụ để trái to đều”.
Video đang HOT
Vì thế, na nhà ông Lét cũng luôn bán cao hơn chợ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, cho ông tiền tỷ mỗi năm. “Năm nay, tôi dành trên 500 cây để làm na gối vụ. Trung bình mỗi cây thu được 15 – 20 kg quả bán với giá bình quân trên 35.000/kg tôi cũng có thu nhập kha khá. Quả na vụ gối có nhiều ưu điểm như không bị rám nắng nên mẫu mã luôn sáng, đẹp. Na mùa này ăn cũng ngon hơn, ngọt dịu hơn vụ chính. Chính vì vậy, cứ đến thời điểm thu hoạch tôi không bao giờ phải mang đi bán bởi thương lái đã đặt, thậm chí còn thanh toán tiền trước”, ông Lét cho hay.
Những thúng na trái vụ quả to tròn xếp chồng lên nhau như những ngọn núi trùng điệp trên dãy núi Cai Kinh- nơi trồng bạt ngàn màu xanh của na dai núi đá.
Ước tính, vụ na gối này, trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng, hiệu quả hơn na vụ chính bởi theo ông Lét những cây na gối vụ sẽ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính, quả được thu từ ngọn và cành.
Tăng thêm thu nhập
Thời điểm này đi về qua Ải Chi Lăng, những gánh na trái vụ bày bán dọc đường nhiều không khác gì chính vụ. Cô Trịnh Thị Hồng, người dân trồng na thôn Quán Thanh cho biết: “Của nhà làm ra đã đến mùa thu hoạch nên tôi tranh thủ cắt na ra đây ngồi bán cho khách đi đường. Năm nay na trái vụ được mùa, quả to đều nên cũng được giá. Trung bình giá từ 35.000 – 50.000/kg tùy vào kích cỡ quả. Có những trái to bán với giá cao hơn”.
Cô Trịnh Thị Hồng phấn khởi gánh 2 thúng na từ nhà ra Ải ngồi bán cho khách đi đường qua lại mua na thưởng thức.
Được biết, thời điểm thu hoạch rộ na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12.
Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Vì vậy na vụ gối dễ tiêu thụ và được giá cao do nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn nguồn cung hiện có
Là người buôn bán na chính vụ và trái vụ nhiều năm, bà Phạm Thị Hạnh cho biết: Có ngày tôi bán được đến 2 tạ na, khách hàng chủ yếu là khách du lịch các tỉnh như: Hà Nội, Nam Định… và khách du lịch Trung Quốc.
Giữa tháng 10, vụ na trái vụ cho thu hoạch cũng là lúc các sạp bán na ngay Ải Chi Lăng lại nhộn nhịp khách thưởng thức và mua na làm quà.
Ông Lương Đình Chung, Trưởng phòng NNPTNT huyện Chi Lăng cho biết: Huyện Chi Lăng có thế mạnh về sản xuất na, tổng diện tích na toàn huyện hiện là 1.800 ha, trong đó có 1.650 ha đã cho thu hoạch. Năm 2019, huyện Chi Lăng mở rộng thêm 50 ha diện tích trồng na VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm na của địa phương. Sản lượng na năm 2019 tăng thêm 500 tấn, nâng sản lượng vụ na trên toàn huyện lên trên 16.500 tấn, mang lại giá trị kinh tế khoảng 650 – 700 tỷ đồng.
Nhờ sáng kiến của người dân, ngoài làm na chính vụ người trồng na ở đây còn làm na trái vụ. Mỗi năm người trồng na thu hoạch 2 vụ nhờ vậy cũng có thêm thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn.
Theo Danviet
Gái đảm bỏ chục triệu "mặc đồng phục" cho bưởi rồi chờ lái đến hái
Từ diện tích đất đá tổ ong trồng vải thiều thoái hóa, kém hiệu quả, chị Triệu Thị Luận (SN 1985, thôn Vườn Chè, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cùng chồng đã quyết định thay bằng giống bưởi Diễn.
Nhờ "mặc áo đồng phục" cho bưởi Diễn nên vườn bưởi nhà chị quả trĩu cành, chờ thương lái đến "hốt".
PV Dân Việt có mặt tại vườn bưởi của chị Triệu Thị Luận (thôn Vườn Chè, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) vào ngày thu đầu tháng 10. Chị Luận đang chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình mình để chuẩn bị cho thị trường bưởi Tết dịp cuối năm.
Đưa tay hái những lá sâu, dằn lại những chiếc túi bọc từng quả bưởi, chị Luận bảo: "Dùng túi "mặc áo đồng phục" cho bưởi sẽ giúp trái có màu đẹp, côn trùng không bậu vào, bọ xít không hút, ruồi vàng không chích. Khi phun, tưới thì thuốc và phân bón không thâm nhập vào trái bưởi".
Vườn bưởi Diễn được vợ chồng chị Luận "mặc áo" sai trĩu cành.
Vườn bưởi Diễn của gia đình chị Luận vươn mình trong nắng, đón những giọt nước mát lành từ tay người chủ vườn. Những trái bưởi lúc này đã chuẩn bị "vào mẩy", sẵn sàng "lên kệ". Chị cho biết, vườn bưởi Diễn của gia đình đang sang năm thứ 10, dự tính sẽ có hơn 20.000 trái bưởi Diễn phục vụ dịp Tết cuối năm.
Khu vườn của gia đình chị Luận thuộc vùng đất cằn cỗi, tuy nhiên bằng sự chịu thương chịu khó, những thớ đất cằn vẫn cho những trái ngọt, mang thu nhập cao về cho gia đình chị Luận. Chị cho biết: Năm 2009, vợ chồng chị bàn với nhau phá bỏ vườn vải với ý định để trồng cam. Tuy nhiên sau khi bàn kỹ lại, hai vợ chồng muốn tìm loại cây cho quả vào dịp Tết để có thị trường rộng hơn.
Nhận thấy nhiều người bạn ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trồng và mang lại hiệu quả nên gia đình chị quyết định trồng 150 gốc bưởi Diễn. "Mỗi vùng đất khác nhau, cây bưởi diễn cần có chế độ chăm sóc khác nhau, nhưng nếu muốn vườn bưởi có năng suất tốt phải cần rất nhiều yếu tố. Theo đó, điều quan trọng là phải chọn giống tốt và sạch bệnh, lựa chọn được vùng đất phù hợp để cây bưởi Diễn phát triển, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, kỹ thuật và chăm sóc vườn thường xuyên", chị Luận chia sẻ.
Vườn bưởi Diễn của chị Luận đang sang năm thứ 10, dự tính sẽ có hơn 20.000 trái bưởi diễn phục vụ dịp Tết cuối năm.
Chị Luận cho rằng, trồng bưởi Diễn không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cây bưởi đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận.
Nhiều nhà vườn trồng bưởi Diễn hiện nay muốn có thu nhập nhanh nên trồng với mật độ rất dày, cây này cách cây kia chỉ khoảng 1m, sau vài năm đã phải chặt bỏ vì năng suất giảm. "Nhà tôi trước đây trồng quá dày, không năng suất nên sau đó gia đình đã phải chặt tỉa bớt cho thưa để cây có điều kiện phát triển cho quả to đều mà đẹp", chị Luận nói.
Để cây bưởi Diễn cho năng suất cao, trái to, đều, đẹp thì mật độ trồng phải thưa, cây không bị che nắng... cộng với quá trình xử lý đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, theo hướng an toàn,.. sẽ giúp cây bưởi phát triển tốt. Ngoài ra, để có vườn bưởi Diễn có quả phát triển đồng đều, to, đẹp phải chăm sóc kỹ. Nhờ vậy, vườn bưởi của chị Luận luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao hơn.
"Bưởi Diễn là loại trái cây có giá trị kinh tế và ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, hiện rầy rệp và ruồi vàng là đối tượng sâu hại nguy hiểm cho vườn cây có múi. Năm ngoái do không bọc nên bưởi bị ruồi vàng chích, rụng đầy gốc. Năm nay, được người quen giới thiệu cho chỗ mua túi bọc bưởi nên tôi mua hơn 14 triệu đồng tiền túi giấy để bọc quả. Năm đầu tôi cũng hơi lo, liệu bọc quả có ảnh hưởng không. Tuy nhiên nỗi lo lắng đó qua mau khi những trái bưởi không những đẹp mã mà chất lượng ngon hơn hẳn", chị Luận phấn khởi.
Năm nay chị Luận bỏ ra hơn 14 triệu để mua túi giấy "mặc áo" cho vườn bưởi của gia đình.
Vừa kiểm tra những áo của vườn bưởi, chị Luận vừa chia sẻ: Miệng túi được may chắc chắn và lồng sợi dây nhỏ ở miệng túi. Khi bọc chỉ cần dùng tay thít sợi dây này lại là xong. Năm nay vợ chồng chị phải bọc cả tháng mới xong.
"Quả bưởi to bằng nắm tay là bắt đầu bọc. Nhờ bọc sớm, vườn bưởi nhà tôi không có quả nào bị cháy nắng. Trong khi những vườn không bọc túi cho quả, cây nào cũng bị rám quả. Nhờ bọc quả mà sâu đục trái, sâu vẽ bùa không thể tấn công quả. Từ khi "mặc áo" cho quả, không một quả bưởi nào trong vườn nhà tôi bị rụng cả", chị Luận cho biết.
Vườn bưởi Diễn sai lúc lỉu này dự kiến sẽ mang lại cho gia đình chị Luận cả trăm triệu.
Ngoài vườn bưởi Diễn, gia đình chị Luận trồng gần 100 gốc bưởi đào và khoảng 300 gốc cam xoàn đang cho thu hoạch. Chị Luận còn nuôi thêm 300 con gà trống thiến để phục vụ nhu cầu dịp Tết. Chị Luận cho hay: Bưởi chị bán theo quả, trung bình từ 15.000-20.000 đồng/quả bưởi diễn, 10.000-15.000 đồng/quả bưởi đào. Thời điểm Tết, bưởi thường đắt hàng mà giá cũng cao hơn. Chị Luận dự kiến, nếu giá cả ổn định, gia đình chị sẽ thu về trên 200 triệu đồng từ vườn bưởi và cam xoàn.
Hiện nay, mô hình trồng bưởi của gia đình chị Luận được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương học hỏi và làm theo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện nay anh, chị còn hướng dẫn cho nhiều nông dân ở tại địa phương có nhu cầu chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng bưởi, hỗ trợ về mặt kỹ thuật canh tác, để bà con sản xuất.
Theo Danviet
Xắn tay áo "lao" vào trồng nấm mọc tua tủa, thu 30 triệu/tháng Sau khi về hưu, cô Sái Thị Sinh (SN 1962) tại thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đã gây dựng cơ sở trồng nấm sò đảm bảo được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Nấm sò đã mang lại cho gia đình cô Sinh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Đối với nhiều người, về hưu là...