Nông dân xót xa cắt lúa cho bò ăn
Trong khi nhiều nơi bắt đầu vào vụ gặt thì gần 3.000 ha lúa sử dụng giống BC15 của hàng ngàn hộ nông dân các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An) bông “trổ cờ” lép hạt, vụ mùa mất trắng. Người nông dân xót xa chỉ biết cắt lúa cho bò ăn.
Lúa lép hạt, dân trắng tay
Chúng tôi tìm về “vựa lúa” Yên Thành những ngày vào vụ gặt, trên các cánh đồng lúa chín đã phủ một màu vàng ươm. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn những thửa ruộng xanh rì, hỏi ra mới biết đó đều là những ruộng lúa được trồng bằng giống lúa BC15. Ông Phan Tất Sang – Bí thư xóm 3, xã Hoa Thành dẫn chúng tôi đi một vòng các thửa ruộng lắc đầu ngán ngẩm khi toàn bộ những hộ dân trong xóm gieo trồng lúa BC15 đều mất trắng. “Vụ mùa năm nay bà con trong xóm gieo bằng giống lúa BC15 đều bị lép hạt trên 70%. Rứa là năm ni lại đói rồi các anh à”, ông Sang chua chát nói.
Cả cánh đồng lúa tại xã Hoa Thành (Yên Thành) cấy bằng giống BC15 của Công ty giống cây trồng Thái Bình đều đứng bông, lép hạt
Nhìn vào ruộng lúa BC15 của gia đình chị Nguyễn Thị Vinh (45 tuổi, xóm 3, xã Hoa Thành)cũng như toàn bộ cánh đồng được thâm canh bằng giống lúa này vẫn thấy phát triển bình thường, ai cũng nghĩ là lúa mới trổ đang chuẩn bị cúi. Nhưng khi đến gần, quan sát kỹ mới biết cây lúa trổ đã lâu mà bông không cúi và toàn hạt lép. Chị Vinh cho hay: “Những mùa vụ trước, gia đình tôi cũng sản xuất vài ba sào lúa giống BC15 cho hiệu quả cao, trong vụ xuân 2013 này, gia đình tôi gieo cấy gần 8 sào bằng giống lúa BC15, nhưng đến bây giờ thì mất trắng mà chưa rõ nguyên nhân”.
“Gần 3 tháng trời bỏ công chăm sóc cứ tưởng là có một mùa bội thu như năm trước thì lúa năm nay chả thu được hạt nào. Bây giờ gia đình tôi chỉ biết cắt về cho bò ăn để chuẩn bị vụ mùa mới”, chị Vinh than thở.
Cùng lâm vào tỉnh cảnh “dở khóc, dở cười” như chị Vinh, anh Phan Bá Hải (xã Hoa Thành) chưa biết xử lý thế nào với 6 sào ruộng gieo bằng giống lúa BC15. Anh Hải cho hay, vụ mùa năm trước gia đình anh cấy thử lúa BC15 trên diện tích 4 sào, cho năng suất từ 3-3,5 tạ/sào, với giá bán khoảng 800.000 đồng/tạ. Thấy giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 6 sào. “Gia đình tôi đều tuân thủ lịch gieo cấy của huyện cũng như quy trình chăm sóc nhưng không hiểu sao lúa trổ bông nhưng đều bị lép hạt, có những bông lúa không được một hạt nào. Tiền công đầu tư chăm sóc, phân bón gia đình đang còn nợ ngân hàng, bây giờ lúa lại mất mùa thì chúng tôi không biết lấy gì để trả nợ đây”, anh Hải nói như khóc.
Ông Nguyễn Khắc Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thành – cho biết: “Vụ xuân này Hoa Thành cơ cấu trên 200 ha lúa, trong đó có trên 150 ha cơ cấu giống lúa BC15 (do Công ty giống Thái Bình cung ứng). Xã đã gieo cấy tuân thủ lịch thời vụ của huyện, thực hiện tốt quy trình chăm sóc lúa. Cây lúa từ đầu vụ phát triển bình thường, sạch bệnh, trổ bông to, nhưng điều bất ngờ là bông lúa trổ thoát nhưng lại không tạo hạt, chỉ toàn hạt lép từ đầu bông đến cuối bông”.
Người nông dân xót xa cắt lúa về cho bò ăn
Video đang HOT
Chuẩn bị lịch gieo cấy vụ Hè Thu nhưng bà con nông dân ở xã Hoa Thành không buồn gặt lúa mất mùa vì nếu ra công gặt hái thì không bõ tiền trả công kéo, công tuốt lúa. Nhiều người tiếc của đành ngậm ngùi cắt lúa về cho trâu bò ăn hoặc đem phơi rồi làm làm chất đốt.Không chỉ ở xã Hoa Thành mà hiện tại trên địa bàn huyện Yên thành có gần 10 xã thâm canh lúa BC15 cũng đều bị thiệt hại nặng như: Văn Thành trên 200 ha; Tân Thành 100 ha; Thị Trấn 45 ha; Bắc Thành 100 ha…Đời sống người dân ở đây phụ thuộc vào làm nông nghiệp, mất mùa trắng nên nguy cơ thiếu đói đang hiện hữu trước mắt người nông dân nghèo.
Giống lúa BC15 “mẫn cảm” với thời tiết?
Trong vụ Xuân năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy khoảng trên 8.000 ha lúa BC15; trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳnh Lưu (khoảng 3.600 ha), Yên thành (khoảng 3.300ha), Diễn Châu (khoảng 1.000ha) và rải rác ở một số huyện khác (Nghĩa Đàn, Đô Lương)…
Đến thời điểm này, theo thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT Nghệ An thì có khoảng 3.000 ha bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, tập trung tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành. Trong đó, huyện Quỳnh Lưu là địa phương có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất, hơn 1.500 ha trên tổng số 3.800 ha diện tích gieo cấy lúa BC15 của toàn huyện, gây thiệt hại khoảng gần 7.500 tấn lúa. Qua kiểm tra thực tế tại các cánh đồng trồng lúa BC15 cho thấy, cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, bông lúa trổ to, dài nhưng lại không tạo hạt. Số diện tích lúa BC15 không bị ảnh hưởng chủ yếu gieo cấy sớm hoặc chậm hơn lịch thời vụ 5 ngày thì năng suất lại đảm bảo.
Tại huyện Diễn Châu, diện tích lúa BC15 bị ảnh hưởng khoảng hơn 500 ha trên tổng số hơn 1000 ha lúa BC15 gieo trồng toàn huyện. Ông Phan Xuân Vinh – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu – cho biết: “Giống lúa BC15 đưa vào địa bàn huyện đã hơn 3 năm nay nhưng năm đầu tiên có hiện tượng như thế này. Những năm trước, năng suất lúa tương đối cao, khoảng gần 4 tạ/sào. Hiện nay chưa có kết luận cuối cùng nguyên nhân dẫn đến việc lúa đứng bông, hạt lép nhưng đánh giá ban đầu, có thể do lúa trong thời kỳ trổ bông gặp những trận mưa lớn kèm theo lốc nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, một số giống lúa khác trổ bông cùng thời điểm nhưng lại không bị ảnh hưởng”.
Tại buổi làm việc giữa đại diện Công ty Giống cây trồng Thái Bình và huyện Quỳnh Lưu vào sáng ngày 14/5, phía công ty này cho rằng do giống lúa BC15 “nhạy cảm với thời tiết” cùng với thời điểm trổ bông, lúa BC15 gặp phải trận mưa có axit nên không thể tạo hạt được. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều không đồng tình với nguyên nhân mà công ty đưa ra. Bởi theo họ, cùng thời điểm trổ bông với BC15 còn có nhiều giống lúa khác nhưng vẫn tạo hạt và cho năng suất cao.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng cho rằng, không thể đổi lỗi hoàn toàn cho thời tiết vì khi tiến hành khảo nghiệm và đánh giá kết quả giống lúa BC15 trên đồng đất Quỳnh Lưu. phía công ty chỉ nêu đặc điểm của giống BC15 là mẫn cảm với các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn chứ công ty không hề khuyến cáo với bà con về đặc điểm mẫn cảm với thời tiết bất thường của giống lúa BC15.
Trước tình hình trên, chiều ngày 13/5, Sở NN&PTNT Nghệ An đã tổ chức cuộc họp khẩn xác định nguyên nhân và bàn các giải pháp xử lý về tình tình thiệt hại lúa xuân 2013. Vụ Xuân 2013, tỉnh Nghệ An gieo cấy được khoảng 88.900 ha lúa, nếu không bị thiệt hại do thiên tai dự kiến năng suất có thể đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Riêng giống lúa BC15 đạt gần 7 tấn/ha, thì nay chỉ đạt chưa đầy 2 tấn/ha, năng suất giảm 70%.
Lúa BC15 là giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận chính thức tại quyết định số 319/QĐ-CLTTT ngày 15/12/2008 và đã được đưa vào Nghệ An xây dựng mô hình từ năm 2009. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Nghệ An, qua các vụ sản xuất các mô hình đều cho thấy đây là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được nông dân một số vùng rất ưa chuộng nhưng có nhược điểm là nhiễm bệnh đạo ôn.
Bước đầu, Sở NN&PTNT Nghệ An xác định nguyên nhân thiệt hại trên diện tích lúa BC15 trà trổ từ ngày 22-28/4 là do: “ Giai đoạn lúa làm đòng đến trổ gặp thời tiết bất lợi như nhiệt độ thấp, cường độ ánh sáng yếu, mưa lớn, gió lốc; Đặc biệt là thời kỳ phân hóa đòng nhiệt độ tối thấp xuống 17-20 độ C và không có giờ nắng nào trong ngày; Cùng với đó, giống lúa BC15 là giống mẫn cảm với các yếu tố bất lợi của thời tiết nên đã xảy ra tình trạng trên“.
Trao đổi với báo chí, ông Từ Trọng Kim – Trưởng phòng Trồng trọt SởNN&PTNT Nghệ An – cho hay: “Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương để điều tra cụ thể hiện tượng lép hạt, xác định nguyên nhân mất mùa do thời tiết hay giống. Nếu mất mùa do giống thì đơn vị cung ứng giống phải chịu trách nhiệm hỗ trợ cho bà con”.
Công ty không khuyến cáo giống lúa “mẫn cảm” với thời tiết?
Giống lúa BC15 được Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình giới thiệu Trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình giới thiệu: BC15 là giống lúa thuần đã được công nhận là giống Quốc gia năm 2008 và Bộ Nông Nghiệp cấp bằng bảo hộ giống cây trồng 20 năm. Thời gian sinh trưởng: Ở miền Bắc vụ Xuân từ 135 – 138 ngày, Vụ Mùa 110 – 115 ngày. Các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào vụ Xuân 115 – 120 ngày, vụ Hè Thu 105 – 110 ngày. BC15 là giống lúa cảm ôn, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh khá. Đây là giống thích ứng rộng, khả năng chịu chua trũng khá, có thể cấy được ở các chân đất từ vàn cao đến trũng. BC15 đẻ nhánh khỏe, bông dài, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, trung bình từ 250 – 300 hạt/bông, nếu thâm canh tốt có thể đạt 400 – 500 hạt/bông; 100 – 110 tạ/ha/vụ, trung bình đạt 65 – 70 tạ/ha/vụ, có tỷ lệ gạo cao.
Tho Dantri
Lời khai rùng rợn của vợ chồng thầy giáo giết chủ nợ
Thua lỗ trong đầu tư bất động sản, nợ chồng thêm nợ, bị chủ nợ lớn nhất là bà Nguyễn Thị M. ráo riết đòi, vợ chồng Nguyễn Quang Hiệp và Hoàng Thị Lư đã lên kế hoạch thủ tiêu bà M. hòng cướp trắng số tiền đã vay trước đó.
Tuy nhiên, hành vi tàn bạo đến man rợ của cặp vợ chồng này nhanh chóng bị cơ quan chức năng phát giác. Những lời khai rùng rợn về động cơ và cách thức gây án từ cặp sát thủ này tại cơ quan cảnh sát điều tra khiến dư luận bàng hoàng, căm phẫn.
"Ác quỷ" đội lốt giáo viên
Trong khi người dân huyện Gia Viễn chưa hết xôn xao sau vụ án giết tài xế taxi xảy ra trên địa bàn, thì mới đây cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra làm rõ vụ trọng án giết người phi tang xác tại TP. Ninh Bình. Kinh hãi hơn, vụ trọng án này liên quan trực tiếp đến cặp vợ chồng thầy giáo dạy môn thể dục Nguyễn Quang Hiệp (SN 1979, trú tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và vợ là Hoàng Thị Lư (SN 1984, trú tại xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, đang trọ tại đường Tô Vĩnh Diện, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình.
Nạn nhân trong vụ án đau lòng này được cơ quan chức năng xác định là bà Nguyễn Thị M. (SN 1949, trú tại số nhà 81, khu phố 2, đường Lê Hồng Phong, phường Vân Giang, TP. Ninh Bình). Nguyên nhân dẫn đến vụ trọng án nghiêm trọng này được cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình xác định là do mâu thuẫn trong nợ nần giữa vợ chồng Hiệp - Lư với bà M. Theo đó, do muốn "xù" món nợ gần một tỷ đồng cả vốn và lãi mà Hiệp đã vay trước đó của bà M. để đầu tư mua đất đai, hai vợ chồng sát thủ đã lên kế hoạch khá chu đáo để thanh toán chủ nợ hòng cướp trắng số tiền đáng ra đến ngày phải trả nợ.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh 57 tuổi là nhân chứng đầu tiên phát hiện ra bao tải lạ dưới rãnh nước thải bàng hoàng kể lại: "Lúc ấy khoảng 17h ngày 8/5, tôi và một số người bạn trong khu phố đi bộ thể dục buổi chiều ven kênh Đô Thiên thuộc phố Phúc Chỉnh II, phường Nam Thành, TP. Ninh Bình thì phát hiện ra mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ rãnh nước. Chúng tôi lại gần hơn thì hoảng hồn khi phát hiện đó là xác người bị bó chặt, đang phân huỷ. Ngay lập tức, tôi và một số người dân khẩn trương cấp báo cho cơ quan chức năng. Cảnh tượng kinh hoàng đó cứ ám ảnh tôi suốt mấy ngày liền".
Ác quỷ đội lốt giáo viên Nguyễn Quang Hiệp tại cơ quan cảnh sát điều tra.
Ngay sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, công an TP. Ninh Bình, công an tỉnh Ninh Bình đã có mặt tại hiện trường xác minh điều tra làm rõ. Tiến hành mở bao tải để khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân bị giết hại dã man sau đó bị trói hai tay, cổ tay và cổ chân bị buộc gạch khá nặng. Phần đầu nạn nhân có nhiều vết tụ máu, hộp sọ bị vỡ.
Sau khi công tác khám nghiệm tử thi hoàn tất, xác định đây là vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng thành lập chuyên án, quyết tâm truy bắt đối tượng gây án.
Hàng loạt các đối tượng nghi vấn được sàng lọc kỹ lưỡng. Các mối quan hệ giữa nạn nhân M. trong thời gian gần đây được dựng lại. Trong khi công an tỉnh Ninh Bình đang tích cực truy tìm hung thủ thì người nhà của nạn nhân M. đã cung cấp cho các trinh sát một thông tin quan trọng. Theo đó, nạn nhân Nguyễn Thị M. rời khỏi nhà từ ngày 26/1/2013.
Trước đó, bà M. có cho vợ chồng một giáo viên tên Hiệp vay tiền, hiện vẫn còn giấy biên lai lưu giữ tại nhà. Thông tin hé mở, nghi can số một nhanh chóng rơi vào tầm ngắm. Ngày 11/5, vợ chồng giáo viên Nguyễn Quang Hiệp và Hoàng Thị Lư được triệu tập tới CQCSĐT để làm rõ. Tại cơ quan điều tra, ban đầu hai nghi can vẫn quanh co chối tội và đưa ra các bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 24h điều tra, cặp sát thủ đã cúi đầu khai nhận toàn bộ tội lỗi của mình. Hai vợ chồng y chính là hung thủ gây nên cái chết thương tâm của bà Nguyễn Thị M. vào ngày 26/1/2013 để bùng nợ.
Lời khai rùng rợn của cặp sát thủ
Lời khai rành rọt của một giáo viên dạy thể dục về động cơ và cách thức gây án của hắn khiến các điều tra viên công an tỉnh Ninh Bình cũng phải rùng mình. Theo lời khai của Nguyễn Quang Hiệp, vào đầu năm 2011, vợ chồng hắn có vay của bà Nguyễn Thị M. số tiền là 660 triệu đồng với lãi suất 3.000đồng/triệu/ngày.
Đến tháng 1/2013, bà M. đòi lại số tiền trên tính cả gốc lẫn lãi là 850 triệu đồng. Do bị bà M. ráo riết đòi nợ, vợ chồng Hiệp không có tiền để trả nên đã bàn tính với nhau lập kế hoạch giết bà M. để xù khoản nợ trên.
Sau khi bàn bạc thống nhất, Hiệp sai vợ là Hoàng Thị Lư đi mua mấy chiếc sim điện thoại rác và ba chiếc bao tải giấu sẵn trong nhà. Đến khoảng 18h ngày 26/1/2013, vợ chồng Hiệp gọi điện cho bà M. mang toàn bộ giấy tờ vay nợ và bìa đỏ đất của Hiệp đã thế chấp để vay nợ đến phòng trọ ở số 02, đường Tô Vĩnh Diện, phố Tân Văn, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình để thanh toán dứt điểm khoản nợ.
Sau khi bà M. tới phòng, hai bên có xảy ra to tiếng vì không thống nhất được phương án giải quyết nợ, Lư dẫn bà M. vào buồng còn Hiệp đi từ phía sau cầm chày bằng kim loại đập hai nhát vào đầu khiến bà M. tử vong tại chỗ. Dù biết bà M. đã chết, nhưng vợ chồng Hiệp vẫn tiếp tục lấy khăn quấn nhiều vòng thắt chặt cổ nạn nhân rồi dùng thừng trói hai tay bà M. Chúng tiếp tục lấy túi nilon quấn quanh cổ nạn nhân rồi lấy dây thép buộc chặt lại cho vào ba bao tải đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, chúng dùng xe máy chở ra vứt xuống cống nước thải gần bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình thuộc phường Tân Thành, TP. Ninh Bình. Hạ sát bà M. xong, cặp vợ chồng độc ác này thản nhiên về quê tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và sinh hoạt bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.
Theo thông tin mà PV ghi nhận được thì cơ quan CSĐT công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người, ra lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Quang Hiệp và vợ là Hoàng Thị Lư để điều tra làm rõ và sớm đưa ra trừng trị trước pháp luật. Ban giám đốc công an tỉnh Ninh Bình cũng ra quyết định thưởng nóng cho Ban chuyên án vì thành tích phá án nhanh.
Theo tìm hiểu của PV, dưới danh nghĩa vay nợ bà M. để cho người thân nhưng thực chất toàn bộ số tiền vay được, vợ chồng Hiệp đều đầu tư vào mua bán đất và bị thua lỗ, nên không có khả năng trả nợ. Bản thân Hiệp là giáo viên hợp đồng dạy thể dục cho một số trường trong đó có trường trung học phổ thông Trương Hán Siêu với mức lương 500 ngàn/tháng. Vợ Hiệp chỉ đơn thuần làm việc tự do. Hiện vợ chồng Hiệp - Lư đã có một con nhỏ. Về phía nạn nhân Nguyễn Thị M., trước khi xảy ra vụ việc cũng làm ăn buôn bán bình thường, người chồng đã mất cách đó vài tháng vốn là một giảng viên tại trường chính trị tỉnh Ninh Bình. Gia đình bà M. cũng có một người con đang công tác tại Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình.
Theo vietbao
Đi mò cua, phát hiện xác người chết từ lâu Trong lúc đi mò cua ở một đầm lầy sau khu công nghiệp, hai người dân bất ngờ phát hiện xác người chết lâu ngày, được che đậy bởi nhánh cây tràm. Vụ việc được phát hiện vào chiều 8/5 tại khu vực nuôi thủy sản thuộc KCN Mỹ Xuân A (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)....