Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp: Nền kinh tế số Việt Nam dự báo tăng 3 lần trong 4 năm tới
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) thông tin, trong vòng 4 năm tới nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần – mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 6 quốc gia Đông Nam Á.
Hôm nay, 2/12, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VI chủ đề: Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp đang được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức.
Trình bày báo cáo về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Cơ hội và thách thức, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 16 tỷ USD năm 2020, đạt 21 tỷ USD năm 2021 (tăng 31%) và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025 (bao gồm các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ).
TS. Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiếc lược phát triển nông nghiệp thông thôn trình bày tham luận tại diễn đàn.
Về tiềm năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, Indonesia đang là nền kinh tế số lớn nhất Đông Nam Á, với mua sắm trực tuyến ở nước này được dự báo tăng gấp đôi lên mức 146 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, Việt Nam mới là quốc gia được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện đang có một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trình độ công nghệ chung của cả nước thấp. Theo Bộ KHCN chỉ có 23% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ.
Theo UNDP, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ ở Việt Nam chỉ 10%, nhiều công nghệ thuộc thập niên 80-90, 75% đã hết khấu hao. Theo đánh giá của WEF năm 2019, kỹ năng kỹ thuật số của Việt Nam đạt 3,8/7 xếp hạng 97/141).
Trong khi đó, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả (hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ chiếm 0,6% GDP, còn châu Âu năm 2013 là 2,01%, Nhật Bản năm 2013 là 3,47%, Mỹ năm 2012 là 2,81%…
“Trình độ công nghệ của chúng ta ở mức trung bình, hạ tầng số hóa cần phải được qua tâm đầu tư, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa” – TS. Trần Công Thắng nhận định.
Theo ông Thắng, đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, 9,1 triệu hộ nông dân, thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới là rào cản lớn nhất trong việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây sẽ là tiềm năng để thúc đẩy việc ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.
Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Video đang HOT
Trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp, Việt Nam cần tập trung xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp số, thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và dưới mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp.
Cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất để nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ thiết bị nông nghiệp thông qua nền tảng kỹ thuật số.
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc xuất xứ và theo chuỗi cung ứng, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
“Với thực tế nguồn lực tại Việt Nam trong thời gian trước mắt rất khó có thể phát triển một mô hình làng thông minh tổng thể mà phải thí điểm và triển khai các làng thông minh theo từng lĩnh vực cụ thể. Các địa phương tùy vào điều kiện, nguồn lực và tiềm năng địa phương có thể chọn triển khai một hay nhiều hợp phần cụ thể” – TS. Trần Công Thắng nêu cụ thể.
Chuyển đổi số nông nghiệp: Câu chuyện thực tế của nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 trồng đông trùng hạ thảo
Trong sản xuất nông nghiệp, càng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào thì sức người càng được giải phóng.
Khi đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được công lao động, tỷ lệ rủi ro sẽ ít đi. Hiệu quả kinh tế cũng được nhân lên...
Đó là những chia sẻ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi được hỏi về áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Dây chuyền tự động hóa
Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã "thay da đổi thịt". Những con đường đất xa xưa nay đã được bê tông hóa. Cùng với đó là lớp lớp nhà mái ngói, cao tầng mọc lên san sát. Ở đây, có không ít những tỷ phú nông dân đang ngày đêm miệt mài hăng say sản xuất làm đẹp cho đời.
Nổi bật lên trong đó có thể kể đến tỷ phú nông dân Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc. Chị Hồng là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Khu nhà xưởng rộng lớn hàng chục ngàn m2 của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc. Ảnh: NC
Từ lâu, chị Hồng không chỉ được biết đến là người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu ở Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc đều được tự động hóa.
Nhờ áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: NC
"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao", chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô... cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả lại được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.
Say mê, tâm huyết với nghề, nên phần lớn thời gian Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại giành cho việc trồng nấm, nuôi đông trùng hạ thảo.
Tương tự, khâu ánh sáng cũng được tự động hóa. Trước đó, để chiếu sáng cho nấm, công nhân phải thắp đèn từ sớm, hết giờ lại rút điện ra. Dù thắp đèn đúng giờ, nhưng đôi lúc cường độ ánh sáng lại không đủ cho cây nấm phát triển. Trước những bất cập này, chị Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tự động. Toàn bộ giờ chiếu sáng cho nấm được cài đặt qua hệ thống điện tử, đến giờ thắp sáng hệ thống này sẽ tự bật. Trường hợp nếu dòng diện yếu thì hệ thống chiếu sáng này sẽ tự điều chỉnh bật thêm đèn để đảm bảo cường độ ánh sáng cho nấm phát triển...
"Quy trình thủ công phải dùng bình tưới cho nấm bằng tay. Công nhân cầm vòi nước, nhưng nó vẫn không đều được. Sau khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc độ ẩm của cây nấm luôn được đảm bảo. Mình cài độ ẩm 70, nếu độ ẩm đến 68 thì máy sẽ tự động phun. Khi 70 máy sẽ tự dừng. Ánh sáng mình cài đặt nó 12 tiếng 1 ngày nó sẽ tự chiếu sáng, mình sẽ không phải động đến. Cường độ ánh sáng nếu nó không đủ thì nó sẽ tự bật thêm đèn nếu nó đủ rồi thì nó sẽ thôi...", chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, từ khi áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sức người đã được giải phóng đáng kể. Thay vì 3- 4 người tưới tắn, chăm sóc thì đến nay chỉ cần 1 người đã quán xuyến được hết mọi việc.
Thất bại, trả giá bằng... tiền bạc
Câu chuyện áp dụng máy móc hiện đại hóa vào sản xuất trong nông nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Để đi đến được thành công, chị Hồng cũng phải "trả giá" không ít.
Chỉ tay về phía hệ thống máy sấy tự động chị Hồng cho hay, máy móc giải phóng sức lao động, nhưng vận hành máy, áp dụng vào sản xuất thì không phải là dễ. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền mặt.
Theo đó, khi mới bắt tay vào trồng nấm dược liệu, chị đặt mua máy sấy đối lưu trong nước của một đơn vị. Cứ ngỡ máy sấy này sẽ cho ra lò những mẻ nấm ngon lành, nhưng càng sấy sản phẩm của chị càng xấu đi. Sản phẩm sấy ra bị quắt lại, xấu xí, nhiều khách hàng e dè, không lấy nấm. Nhiều mẻ chị phải bán cắt lỗ với giá rẻ mạt. "Không ai dạy mình, mình sấy bằng cách thử thôi. Sấy hỏng nhiều, bởi lúc đầu mình không biết. Nấm sấy ra xấu, khó bán, không phù hợp với mặt hàng nấm dược liệu. Tất cả phải trả giá bằng thực tế luôn mồ hôi nước mắt luôn", chị Hồng nói.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đam mê nghiên cứu nhiều khi quên cả ăn.
Những lần nhìn sản phẩm thất bại, chị Hồng luôn đau đáu suy nghĩ ở trong đầu. Nhiều lúc chán nản chị thức trắng đêm để tìm phương pháp sấy nấm. Thế rồi, qua tìm tòi, chị biết đến phương thức sấy "thăng hoa", chị đã đầu tư tiền bạc nhập máy sấy "thăng hoa" để sấy cho sản phẩm.
"Ngày xưa gần như sấy bằng nhiệt, ở nhiệt độ thấp. Nhưng, bây giờ nhà chị sấy "thăng hoa", sấy nhiệt độ lạnh sâu, âm 35- 65 độ. Hệ thống máy rất hiện đại mấy tỉ 1 máy, sản phẩm sấy ra đáp ứng được chất lượng và yêu cầu về thẩm mỹ...", chị Hồng cho hay.
... Hiệu quả của kênh bán hàng online
Nói về bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Hồng cho hay, từ lâu Công ty chị đã thành lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo... luôn đầy ắp hàng hóa của Công ty. Sản phẩm đăng tải trên các sàn thương mại này bán rất chạy.
Chị Hồng phấn khởi cho biết, đến nay sản phẩm của chị đã đi "khắp năm châu", góp phần vào cải thiện đời sống sức khỏe cho người dân.
"Chị đưa sản phẩm lên Shopee, Lazada, nói chung tất cả các trang thương mại điện tử bên chị đều có mặt. Bán hàng trên đó rất hiệu quả. Thời buổi công nghệ mình phải thay đổi. Thương mại điện tử trong bán hàng chị đã áp dụng từ lâu, nếu không ảnh hưởng của dịch covid mình đã chết sặc. Mình đẩy mạnh quảng cáo, hàng hóa trên sàn bán rất chạy", chị Hồng cho biết.
Cũng theo chị Hồng, từ lâu Công ty chị đã áp dụng chuyển đổi số không dùng tiền mặt. Khách hàng đến với Công ty có nhiều hình thức thanh toán, chuyển khoản, dùng thẻ quẹt, và ví điện tử.
Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021": Kịp thời động viên nông dân vượt khó trong đại dịch Covid-19 Sáng nay 24/11, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam tổ chức họp báo công bố Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021" và chuỗi sự kiện thuộc Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2021. Ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội...