Nông dân Ukraine ‘đau đầu’ việc thu hoạch lúa mì
Trong tình trạng lương thực trên thế giới trở nên khan hiếm, nhiều nông dân tại Ukraine đang đau đầu với việc thu hoạch mùa vụ trước mắt. Thiếu nhiên liệu và giao tranh chưa dứt khiến họ không thể yên tâm.
Nông dân thu gom cỏ khô tại một cánh đồng cạnh làng Rai-Oleksandrivka, Ukraine, ngày 1-7 – Ảnh: AFP
Đứng trên cánh đồng lúa mì rộng lớn ở miền đông nam Ukraine, ông Sergiy Lyubarsky tự hỏi làm thế nào để thu hoạch được mùa màng của mình.
Việc thiếu nhiên liệu để vận hành máy gặt và nguy cơ gặp phải giao tranh khiến ông gần như không có cơ hội để thu hoạch.
“Vụ thu hoạch dự kiến bắt đầu vào khoảng ngày 15-7 nhưng dầu diesel hiện rất đắt và dù sao cũng không có”, ông Lyubarsky nói.
Chiếc máy gặt cũ của ông nằm nhàn rỗi trong nông trại ở làng Rai Oleksandrivka, không xa các vị trí do quân Nga trấn giữ ở phía bên kia ngọn đồi, cách thành phố Lugansk khoảng 30km về phía tây.
Đất canh tác của ông Lyubarsky rộng 170 ha, sản xuất chủ yếu là lúa mì, ngoài ra còn có lúa mạch và hoa hướng dương. Giá những loại ngũ cốc này đã tăng vọt trên thị trường quốc tế, đặc biệt là kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Video đang HOT
Ukraine là một quốc gia sản xuất lúa mì quan trọng trên toàn cầu.
Ông Sergiy Lyubarsky, 61 tuổi, đứng cạnh chiếc máy gặt của mình – Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, ông Lyubarsky đã buộc phải bỏ hoang 40 ha hoa màu của mình.
“Chúng tôi không thể mua hạt giống ngô vì chiến tranh bắt đầu”, ông nói và kể rằng hạt giống nhập khẩu phải mất đến hai tháng mới đến tay những người nông dân như ông.
Ông Lyubarsky cho biết phần đất không canh tác của ông đang được quân đội trưng dụng làm kho quân trang.
Chỉ tay lên ngọn đồi gần đó, ông nói dứt khoát: “Nhìn kìa, lính Nga đã ở đằng đó rồi, cách 8km (theo đường chim bay)”.
Việc thu hoạch lúa mì đang rất cấp bách. Ông Lyubarsky nói: “Chúng tôi có thể đợi muộn nhất là đến ngày 10-8, nhưng sau đó, các hạt sẽ khô và rơi xuống đất”.
Ông Anatoli Moisseenko, 60 tuổi, không dám thu hoạch vì sợ giao tranh dù có đủ nhiên liệu – Ảnh: AFP
Cùng làng với ông Lyubarsky, ông Anatoliy Moiseyenko cũng không khá hơn dù có đủ dầu diesel để thu hoạch lúa mì.
“Vấn đề là chiến tranh. Liệu chúng tôi có thể thu hoạch được hay tên lửa lại rơi?”, ông Moiseyenko vừa nói vừa quan sát những người lính Ukraine nhặt một đầu đạn tên lửa rơi trên cánh đồng của mình.
Ông Moiseyenko ví von việc thu hoạch của họ giờ giống như một “canh bài” may rủi.
Ở làng Riznikivka lân cận, ông Yaroslav Kokhan biết rằng 40 ha lúa mì của mình đã bị mất trắng.
Con trai của ông Kokhan thường là người làm công việc thu hoạch vì ông đã 61 tuổi và không sử dụng máy gặt được nữa.
Con trai của ông đã đến sống ở Krasnodar, miền nam nước Nga vào năm 2014. Anh thường đi đi về về để gieo lúa mì, làm cỏ và sau đó thu hoạch.
Con ông Kokhan định sẽ về Ukraine hôm 25-2, nhưng xung đột nổ ra ngay trước đó một ngày. Nay, anh không thể quay về Ukraine nữa vì những người đàn ông Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60 sẽ không được phép rời nước và phải đi nghĩa vụ quân sự.
Iaroslav Kokhan, 61 tuổi, đứng cạnh một hố đạn pháo trên cánh đồng của mình – Ảnh: AFP
WB hỗ trợ giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ở châu Phi
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 22/6, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã thông qua một chương trình trị giá 2,3 tỷ USD để giúp các quốc gia ở phía Đông và Nam châu Phi chống lại tình trạng mất an ninh lương thực.
Người nông dân bên ruộng ngô bị hư hại do hạn hán tại Turkana, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN
WB cho biết khoản ngân sách này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực trong khu vực cũng như khả năng giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đang ngày càng gia tăng. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông và Nam Phi Hafez Ghanem cho biết: "Đảm bảo sự điều phối trong khu vực để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu, biến động thị trường và nhu cầu cải cách chính sách lương thực là những ưu tiên hàng đầu".
WB nhấn mạnh rằng những cú sốc về hệ thống lương thực do thời tiết khắc nghiệt, dịch hại xâm nhập, bùng phát dịch bệnh, bất ổn chính trị và xung đột ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng, khiến nhiều người bị mất an ninh lương thực hơn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang làm gia tăng thêm những tác động này khi làm gián đoạn thị trường lương thực, nhiên liệu và phân bón toàn cầu.
Ông Ghanem cho biết đây là hoạt động đa lĩnh vực đầu tiên của WB trong khu vực nhằm giảm thiểu số người bị mất an ninh lương thực ở Đông và Nam Phi. Ethiopia, quốc gia có gần 22,7 triệu người bị mất an ninh lương thực do hạn hán và Madagascar, nơi có 7,8 triệu người cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng do đợt hạn hán lịch sử đang diễn ra ở miền Nam nước này, sẽ là các mục tiêu ưu tiên hàng đầu của giai đoạn đầu tiên của dự án.
Sau lúa mì, Ấn Độ sắp hạn chế xuất khẩu đường Là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, Ấn Độ sắp ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để bảo vệ nguồn cung thực phẩm trong nước. Người nông dân thu hoạch mía tại Jalana, bang Maharashtra, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg Động thái bảo hộ này xảy ra trong bối cảnh New Delhi vừa cấm xuất khẩu...