Nông dân trồng sầu riêng né mặn được Thủ tướng khen ngợi
Ông Mai Văn Âu là một gương nông dân điển hình của xã Hiệp Đức ( Cai Lậy, Tiền Giang) có kỹ thuật canh tác cây sầu riêng tiến bộ, thích ứng với hạn mặn.
Nghe đài, đọc báo chủ động trữ nước
Chúng tôi có dịp trở lại thăm vườn sầu riêng của ông Mai Văn Âu, người nông dân được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi vì đã có những sáng tạo né hạn, mặn rất thành công.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh những thiệt hại không thể khắc phục, nhiều bà con canh tác sầu riêng đã có những sáng tạo, sự chủ động né hạn, mặn rất tích cực. Mà cụ thể là các nông dân ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Ông Mai Văn Âu (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu với Thủ tướng về kỹ thuật canh tác nghịch vụ trên cây sầu riêng để né mặn. Ảnh: Minh Đảm.
Mùa hạn mặn lịch sử năm nay, theo lời như ông Mai Văn Âu là chưa từng xuất hiện ở địa phương này. Tuy độ mặn không cao nhưng đủ để làm chết cây sầu riêng.
Bình quân độ mặn từ 0,5 trở lên, kéo dài từ rằm tháng giêng đến khoảng tháng 5 âm lịch. Đa số nhà vườn ở đây đã chủ động ứng phó từ trước nên giảm thiểu được thiệt hại so với các nơi khác.
Ông Dương Hoài Ân, cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Đức cho biết: Toàn xã có 666ha trồng sầu riêng. Năm nay, lần đầu tiên xã bị nước mặn tấn công. Nhiều nhà vườn đã dự trữ được nước ngọt trong mương vườn từ trước kết hợp với thuê ghe chở nước từ thượng nguồn về và nguồn nước trợ cấp từ UBND tỉnh nên thiệt hại giảm thiểu đáng kể.
Ông Mai Văn Âu là một trong những nông dân có kỹ thuật canh tác rất chủ động, thông minh. Trước Tết khi nước mặn chưa đến, ông thường xuyên nghe đài, xem báo cập nhật hàng ngày tình hình nước mặn.
Từ đó, ông đã có những chủ động ứng phó rất hiệu quả. Trong khi nhiều vườn sầu riêng bên cạnh, thậm chí là ở Tiền Giang đang vất vả khắc phục chưa xong thì vườn hơn 3.000m2 của ông Âu cho trái trĩu cành, độ còn một tháng nữa là đến kỳ thu hoạch.
Video đang HOT
Để có thể cho trái được như vậy ở thời điểm là chuyện rất khó khăn, không phải ai cũng làm được. Khảo sát của chúng tôi, do ảnh hưởng của hạn mặn, hiện nay, đang thời điểm cho trái nghịch vụ nhưng nhiều vườn cây trống trơn, các vựa thu mua ven lộ phải đóng cửa.
Đương lúc mặn chưa hết, ngày 24/4 âm lịch ông Âu đã mạnh dạn xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nghịch vụ. Ông rất phấn khởi vì có được trái sầu riêng trong thời điểm này.
Dù nhiều vườn cây kế cận chưa khắc phục xong ảnh hưởng của mặn nhưng vườn cây của ông Mai Văn Âu đã cho trái trong mùa nghịch này. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Mai Văn Âu chia sẻ kinh nghiệm ứng phó hạn mặn: “Trước tháng chạp tôi có theo dõi thông tin trên báo đài, nghe nói mặn sẽ ảnh hưởng ở ĐBSCL rất nghiêm trọng. Thành ra lúc trước tết, tôi móc mương sâu, dự trữ nước đầy. Ăn tết xong mười mấy tháng giêng là ở đây bị mặn rồi. Trong khi đó, nước trong mương đã trữ được nên tưới kéo dài được gần hai tháng, cây sầu riêng “đứng vững” hơn.
Bên cạnh đó, cũng nhờ cỏ. Từ tháng thứ hai đến tháng thứ tư là nhờ cỏ chứ tưới không xuể. Lúc đó, tôi ra xã nhận nước về tưới nhỏ giọt cầm chừng. Gốc sầu riêng chín, mười tuổi mà cho một thùng mười mấy lít tưới sương thì thấm tháp gì. Cũng nhờ có cỏ nhiều. Tôi cũng không để nước trong mương cạn. Khi mặn bắt đầu hạ, còn 0,2-0,3 thì tôi tiếp tục cho nước vào mương. Nhưng tưới ít lắm, chủ yếu là cho nước trong mương để rễ cây tự hút lên. Vườn sầu riêng của tôi ít bị ảnh hưởng mặn nghiêm trọng như nhà khác, do xử lý sớm.
Ngoài ra, tôi còn sử dụng phân hữu cơ bón cho cây sau khi thu hoạch xong. Năm rồi, trước khi mặn tấn công vườn tôi đã bón được 3 lần phân hữu cơ. Cây sung sức đủ sức chống chịu với hạn mặn. Còn nữa, bón phân hữu co đất tơi xốp hơn, giữ nước tốt hơn”.
Làm nghịch vụ để né mặn
Tại buổi khảo sát cây sầu riêng ở xã Hiệp Đức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự sáng tạo của bà con nông dân trồng sầu riêng vùng Cai Lậy đã thực hiện kỹ thuật canh tác nghịch vụ, mang lại giá trị cao. Nhất là thực hiện trái vụ nhiều vườn cây đã né được nước mặn.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng địa phương chuyển giao, phổ cập kỹ thuật này để rải vụ, nhất là cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.
Ông Mai Văn Âu cho biết: Làm nghịch vụ có thể né mặn tốt. Ảnh: Minh Đảm.
Vì sao Thủ tướng yêu cầu chuyển giao kỹ thuật làm nghịch vụ có thể né hạn mặn? Ông Mai Văn Âu chia sẻ: Sầu riêng mùa thuận thường rơi vào tháng 1-4 âm lịch còn mùa nghịch từ tháng 8-12 âm lịch.
Thông thường nếu xử lý cho cây thu hoạch mùa thuận thì thời điểm cây mang trái thường rơi vào những tháng cao điểm của hạn, mặn. Vì vậy, cây sẽ không đủ sức chống chịu với khô hạn kéo dài khi nước mặn tấn công. Sầu riêng mang trái sẽ rụng trái, chết cây hoặc chất lượng trái giảm rõ rệt như cơm không vàng, không có cơm, múi lép…
Do đó, nếu xử lý nghịch vụ để kết thúc mùa thu hoạch vào khoảng tháng 10-11 âm lịch. Để cây có thời gian phục hồi sẽ có thể chống chịu tốt với hạn mặn khi mùa khô đến.
5 năm qua, ông Mai Văn Âu đều áp dụng thời điểm xử lý hoa như vậy. Năm nay cũng không ngoại lệ và ông đã thành công. Còn khoảng 1 tháng nữa là cây cho trái chín.
Đối với canh tác sầu riêng, ông Mai Văn Âu có kỹ thuật rất tốt, nhiều kỹ sư cũng phải thán phục. Ông Âu chia sẻ: Khi ăn mùa trái này xong thì mình nuôi cây cho phục hồi 3 cơi đọt. Để nuôi cây phục hồi thì có chế độ dinh dưỡng đầy đủ nuôi bộ rễ. Mỗi cơi đọt non quản lý dịch hại trên lá cho cây có lực. Sau đó, mới tiến hành xử lý trái vụ.
Vườn cây của ông Mai Văn Âu là số ít khu vườn cho trái trong mùa này. Ảnh: Minh Đảm.
Quy trình làm trái vụ là bón lân tạo mầm. Khoảng 20 ngày sau, xịt thuốc tạo mầm trên lá. Xịt hai lần cách nhau từ 5-7 ngày. Sau đó, kéo mũ đậy mô. Xả nước trong mương ra cho cạn. Kế tiếp xử lý Paclobutrazol để ức chế sự sinh trưởng của cây. Lúc này cây chuyển từ trạng thái sinh trưởng sang trạng thái “sinh sản”. Khoảng 20 ngày sau cây sẽ nhú nụ hoa và ra bông. Khi cây nhiều bông thì dở mũ ra.
Sau đó, bón phân nuôi cây cho khoẻ lại để nuôi bông. Đến 45 ngày thì sầu riêng bắt đầu xổ nhị. Vào thời điểm chiều tối, nếu không có mưa đêm thì quét phấn hỗ trợ phụ nó. Sau này, trái sầu riêng sẽ tròn đủ hộc (múi đầy) và tỷ lệ rụng trái non rất ít. Bên cạnh đó, cũng phụ trợ thêm thuốc chống rụng trái non.
Khi trái to cỡ ly uống trà thì bắt đầu bón phân, không nên bón sớm, vì nếu bón sớm thừa đạm thì dễ rụng trái non. Lúc này bón phân ít đạm, giàu kali, cao trung vi lượng. Khi trái to bằng cùm tay thì tuyển trái. Khi trái to thì bắt đầu chằng chống các nhánh để tránh gãy cành”.
Nhờ kỹ thuật canh tác này mà với 72 gốc sầu riêng trồng trên diện tích hơn 3.000m2, mỗi năm ông Mai Văn Âu thu hoạch từ 9-11 tấn, năng suất cao hơn bình quân của xã từ 1,5 – 2 lần. Bán giá mùa nghịch từ 60.000-70.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông còn lời 500-700 triệu đồng.
Cầu 78 tỷ vừa khánh thành đã bong tróc, đầy ổ gà
Dù mới làm lễ khánh thành, đưa vào hoạt động hơn 1 tháng nhưng cầu Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xuống cấp, hư hỏng.
Hiện nay, nhiều người dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất bức xúc vì cây cầu Ngũ Hiệp được xây dựng hoành tráng, mới hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng đã bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà trên mặt cầu, có biểu hiện kém chất lượng và không đảm bảo an toàn giao thông.
Cầu Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khánh thành đưa vào hoạt động ngày 18/9/2020.
Dù mới làm lễ khánh thành, đưa vào hoạt động hơn 1 tháng nhưng cầu Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã xuống cấp, hư hỏng. Trên mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, bong tróc, nhiều "ổ gà", nghiêm trọng nhất là phần 2 dốc cầu. Hai bên lề đường dẫn lên cầu không được bó vỉa bằng bê tông nên xuất hiện nhiều điểm sụp lún, khi mưa to cát chảy tràn ra ngoài... Đường dân sinh và đường hầm qua cầu còn bị sình lầy, ngập nước kém an toàn giao thông và gây ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ công trình này.
Đường dẫn lên cầu bị bong tróc và xuất hiện ổ gà.
Hai bên lề đường dẫn lên cầu không được bó vỉa bằng bê tông nên xuất hiện nhiều điểm sụp lún.
Cầu Ngũ Hiệp, bắc qua sông Năm Thôn nối liền xã Long Trung với Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, có vốn đầu tư 78 tỷ đồng. Công trình này do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, liên doanh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1- CTCP (CC1) và Công ty TNHH Thuận Phú (Tiền Giang) trúng thầu, thi công trong thời gian 180 ngày.
Đường dân sinh và đường hầm qua chân cầu thường xuyên bị sình lầy, ngập nước.
Ông Ngô Tấn Lâm, người dân xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, sống gần cầu Ngũ Hiệp cũng như nhiều người dân khu vực này, đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu phải sớm khắc phục mặt cầu xuống cấp để đảm bảo an toàn giao thông: "Cây cầu này, nhà thầu làm tốc hành quá nên bây giờ tróc, lổ hang nhiều lắm. Người dân ở khu này thấy vậy đem cây, đem cát tấn lại, đắp đá vào... nhưng chỉ là tạm thời. Các ổ gà phải trám và vá lại, chứ không dễ gây tai nạn, vì tốc độ xe lên cầu chạy cao lắm".
Sáng tạo né hạn của người dân trồng sầu riêng được Thủ tướng khen ngợi Sáng 23/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi khảo sát ảnh hưởng của hạn mặn và hồi phục trên cây sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 14.500 ha cây sầu riêng, tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Cai Lậy mệnh danh...