Nông dân trồng cây Giáng sinh ở Mỹ đối mặt năm khó khăn
Theo đánh giá của tờ The Wall Street Journal ngày 29/11, nông dân trồng cây Giáng sinh tại Mỹ đang đối mặt một năm đầy thử thách, do sự kết hợp của nhiều yếu tố bất lợi như cây bị thối rễ, thiếu lao động, cạnh tranh từ nước ngoài, lạm phát trong chi phí từ hạt giống đến máy móc, cùng với những thiệt hại do cơn bão Helene gây ra tại một phần bang North Carolina, nơi sản xuất nhiều cây Giáng sinh nhất nước Mỹ, chỉ sau bang Oregon.
Các khó khăn đã khiến thị trường cây Giáng sinh tại Mỹ thu hẹp lại. Ảnh: AP
Cơn bão Helene đặc biệt gây ảnh hưởng nặng nề, dự báo sẽ tác động lâu dài đến ngành công nghiệp trồng cây Giáng sinh. Đặc biệt, cây linh sam Fraser – loài cây nổi bật được trồng phổ biến trong mùa lễ hội – phải mất khoảng 10 năm mới phát triển đến kích cỡ trưởng thành, với tốc độ tăng trưởng khoảng 0,3 mét mỗi năm.
Nhiều cây bị hư hại do bão là những cây còn vài năm nữa mới đến tuổi trưởng thành, điều này sẽ gây khó khăn cho nguồn cung trong vòng 5-6 năm tới.
Mặc dù Hiệp hội Cây Giáng sinh North Carolina khẳng định vẫn sẽ có đủ nguồn cung cho những ai muốn mua cây thật trong năm nay, nhưng các nhà trồng cây cho biết người tiêu dùng có thể sẽ phải điều chỉnh kỳ vọng của mình. Ngoài ra, vấn đề thiếu lao động cũng là một thách thức lớn. North Carolina là một trong những bang sử dụng nhiều nhất chương trình thị thực H-2A dành cho lao động nông nghiệp. Tuy nhiên, các quy định về việc thuê lao động nước ngoài ngày càng trở nên phức tạp hơn, khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn.
Ngoài các yếu tố bên ngoài, ngành công nghiệp trồng cây Giáng sinh còn phải đối mặt các vấn đề nội tại, đặc biệt là sự phát triển của bệnh thối rễ phytophthora – một loại bệnh do tảo nâu gây ra và rất khó diệt trừ. Các khó khăn này đã khiến thị trường cây Giáng sinh thu hẹp lại: số lượng cây thu hoạch tại Mỹ đã giảm 30% kể từ năm 2002, trong khi dân số Mỹ tăng 16% trong cùng khoảng thời gian.
Theo Hiệp hội Cây Giáng sinh quốc gia, khoảng 21,6 triệu cây Giáng sinh thật đã được mua tại Mỹ trong năm ngoái, với giá trung bình là 75 USD/cây. Thông thường, ngày sau Lễ Tạ ơn là ngày bán cây trồng Giáng sinh cao điểm nhất trong năm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất chi 100 tỷ USD cho viện trợ thảm họa khẩn cấp
Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, trong đó yêu cầu Quốc hội nước này phê chuẩn khoản chi gần 100 tỷ USD dành cho công tác viện trợ thảm họa khẩn cấp sau các cơn bão Helene và Milton cùng các thảm họa thiên nhiên khác tại nước này.
Ngập lụt do ảnh hưởng của bão Debby ở vùng bờ biển Bonita thuộc Bonita Springs, bang Florida (Mỹ) ngày 4/8/2024. Ảnh minh họa: USA Today/TTXVN
Trong thư, ông Biden cho biết đã trực tiếp gặp gỡ và lắng nghe nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề vì thảm họa thiên nhiên vừa qua. Ông Biden khẳng định các nguồn lực bổ sung để tiếp tục hỗ trợ những đối tượng này là rất quan trọng, đồng thời hối thúc Quốc hội cần hành động ngay lập tức.
Phần lớn số tiền trên, khoảng 40 tỷ USD sẽ được chuyển tới Quỹ cứu trợ thiên tai tại Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang để khắc phục hậu quả, sửa chữa cơ sở hạ tầng công cộng và hỗ trợ tài chính cho những nạn nhân sống sót sau các thảm họa. Trong khi đó, 24 tỷ USD sẽ dành để hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại vì thiên tai và 12 tỷ USD dùng để giúp các cộng đồng xây dựng lại nhà cửa thông qua các khoản vay do Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị quản lý. Khoảng 8 tỷ USD sẽ dành cho xây dựng lại và sữa chữa đường sá, cầu cống tại hơn 40 địa phương của Mỹ. Chính quyền Washington cũng muốn dành 4 tỷ USD để cải thiện hệ thống cấp nước và 2 tỷ USD cho việc cung cấp chương trình cho vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và những hộ gia đình đang chật vật tái thiết sau thảm họa.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết Quốc hội Mỹ sẽ đánh giá yêu cầu của ông Biden, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo hỗ trợ cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng vì thiên tai.
Theo kế hoạch, vào ngày 20/11, Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người đứng đầu một số cơ quan chính phủ dự kiến nhận ngân sách viện trợ thông qua đề xuất của ông Biden. Nhiều khả năng kế hoạch của ông Biden sẽ đi kèm với một dự luật chi tiêu nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang sau khi nguồn ngân sách hiện tại hết hạn vào ngày 20/12 tới.
Trước đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua viện trợ khẩn cấp hơn 90 tỷ USD sau cơn bão Katrina cách đây gần hai thập kỷ và hơn 50 USD sau cơn bão Sandy tấn công nước Mỹ vào năm 2013.
Rắc rối vẫn tiếp tục bủa vây "kỳ trăng mật" của CEO Boeing Boeing đã giải quyết được tình trạng đình công kéo dài của công nhân trong 7 tuần. Tuy nhiên, điều này chưa được xem là kết thúc những rắc rối bủa vây Giám đốc điều hành (CEO) Kelly Ortberg khi ông chỉ mới nhậm chức được 3 tháng. Ông đang và sẽ phải đối mặt với việc "sửa chữa" một tập đoàn đang...