Nông dân “thủ phủ trái cây” mong làm sầu riêng sạch
Trước việc Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật nhập khẩu trái cây, nông dân “ thủ phủ trái cây” Tiền Giang đã có nhiều ý kiến với Đoàn khảo sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc chuyển giao khoa học kỹ thuật làm nông sản sạch đáp ứng yêu cẩu của thị trường này.
Nhằm chuẩn bị xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HND VN) về “Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại” và “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho nông dân”, ngày 19/9, Đoàn khảo sát của Trung ương HND VN do Phó Chủ tịch Trung ương HND VN Nguyễn Xuân Định dẫn đầu đã làm việc với các địa phương tỉnh Tiền Giang.
Phó Chủ tịch Trung ương HND VN Nguyễn Xuân Định (phải) đang trao đổi với ông Huỳnh Tấn Lộc- Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp.
Ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, Cai Lậy) cho biết, thời gian gần đây, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật với trái sầu riêng bằng việc truy xuất nguồn gốc đã khiến việc xuất khẩu sầu riêng của HTX đi vào ngõ cụt” – ông Lộc chia sẻ.
Hiện, HTX này có hơn 100 thành viên chuyên canh sầu riêng, với khoảng 50ha. Mỗi năm HTX thu hoạch khoảng 1.500 tấn sầu riêng với thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”. 70% sản lượng này xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Số còn lại xuất sang thị trường Nhật Bản và bán nội địa.
Việc Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật nhập khẩu sầu riêng khiến cho HTX này đang điêu đứng. “Nếu chỉ bán sầu riêng cho thị trường trong nước, khả năng HTX sẽ ngừng hoạt động” – Phó giám đốc HTX này cho biết.
Hiện, HTX này đã có 14,5ha sầu riêng sản xuất theo hướng sạch. Tuy nhiên, số diện tích này đã được làm cách đây 5 năm bằng một dự án của tỉnh hỗ trợ. Những năm qua, HTX không mở rộng diện tích làm sầu riêng sạch nữa.
Không chỉ HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp ngắc ngứ đầu ra xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mà nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn xã Ngũ Hiệp cũng đang lo lắng việc này.
Bà Cao Thị Út-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Hiệp cho biết, xã Ngũ Hiệp là vùng chuyên canh sầu riêng với tổng diện tích gần 1.600ha.
Sau thời gian gặp khó xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, hiện giá sầu riêng tại vườn ở Tiền Giang loại 1 chỉ hơn 30.000 đồng/kg.
Lão nông Trần Văn Thuận kiến nghị tại buổi thảo luận của Đoàn khảo sát Trung ương HND VN tại xã Ngũ Hiệp.
Video đang HOT
Lão nông Trần Văn Thuận, hiện đang trồng 2.500m2 sầu riêng cho biết, hiện nông dân chưa thấy lợi ích làm sầu riêng sạch.
“Các cấp Hội cần đẩy tuyên truyền, vận động nông dân làm sầu riêng sạch mới mong đầu ra tốt. Đến giờ, ngoài hơn chục ha làm sạch của HTX Ngũ Hiệp trên địa bàn chẳng bói đâu ra thêm” – lão nông này cho biết.
Tuy nhiên, chưa nói học làm sầu riêng sạch, việc vận động nông dân đến lớp học làm nông hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trong chuyến khảo sát của Đoàn cán bộ HND Trung ương tại Tiền Giang cho thấy, việc mở lớp dạy nghề cho nông dân đang bế tắc bởi rất nhiều lý do, như: chương trình kém hấp dẫn, kéo dài thời gian học, hết suất học thêm nghề….
“Thậm chí mời nông dân đi dự hội thảo chuyển giao KHKT, làm nông sản sạch, họ cũng chỉ đi lác đác” – ông Huỳnh Văn Liêm-Chủ tịch HND xã Long Điền (huyện Chợ Gạo) chia sẻ.
Theo nhiều cán bộ, hội viên nông dân, hiện tại tỉnh này đang có tình trạng nông dân đi dự hội thảo của công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV nhiều hơn đi dự do HND tổ chức, bởi dự có… quà.
Ông Liêm chia sẻ, Hội cần đổi mới công tác dạy nghề cho nông dân. Thay vì kéo dài 3 tháng học rải rác, nên rút ngắn thời gian lại; chương trình học hấp dẫn hơn, phong phú ngành nghề; mở rộng số lần học nghề để thích ứng với tình hình nông nghiệp mới…
“Quy định mỗi nông dân chỉ được hỗ trợ học một nghề là lỗi thời. Có người cần học nghề thêm, nhưng kiểm tra lại thấy đã hỗ trợ học rồi nên thôi. Giờ nông dân phải học đa nghề mới thích ứng với tình hình nông nghiệp mới” – ông Liêm bộc bạch.
Theo ông Lê Văn Trương – Phó Chủ tịch HND huyện Chợ Gạo, tại huyện Chợ Gạo, nông dân đang bỏ lúa, cây trồng cũ ồ ạt chuyển sang trồng thanh long.
Nông dân Ngũ Hiệp thu hoạch sầu riêng.
Ông Võ Văn Nhanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy kiến nghị, Tiền Giang là “thủ phủ trái cây” của miền Tây Nam bộ. Giờ Trung Quốc dựng rào cản kỹ thuật đối với trái cây Việt Nam, các cấp Hội cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân vào liên kết tổ chức sản xuất để tạo chuỗi, tăng cường dạy nghề, làm nông sản tiêu chuẩn VietGAP… để rộng cửa xuất khẩu.
“Tôi nói thật, nói đến quy trình sản xuất sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp nông dân nào cũng rành mạch. Nhưng bảo họ làm sầu riêng sạch thì mấy ai biết. Phải làm sầu riêng sạch để giữ thương hiệu”- ông bộc bạch.
Theo Danviet
Nông dân "hiến kế" Hội làm nông thôn văn minh, hiện đại
Nhằm chuẩn bị cho Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HND VN) về "Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại" và "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho nông dân", ngày 18/9, Đoàn khảo sát của Trung ương HND VN do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định dẫn đầu đã làm việc với các địa phương làm nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai được đánh giá là tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của cả nước. Hiện, tỉnh này đang được Trung ương thẩm định để công nhận là tỉnh NTM đầu tiên của 63 tỉnh, thành.
Quang cảnh buổi ý kiến của Đoàn khảo sát Trung ương HND VN.
"Hội làm gì để nông thôn văn minh, hiện đại?", Phó Chủ tịch Trung ương HND VN Nguyễn Xuân Định đặt ngay câu hỏi này khi bắt đầu buổi tham khảo ý kiến của nhiều cán bộ hội, hội viên nông dân tại huyện Xuân Lộc - một địa phương đang thực hiện NTM nâng cao của tỉnh.
Theo ông Phan Thanh Xứng - Phó Chủ tịch HND huyện Xuân Lộc, mặc dù huyện này đang thực hiện tiêu chí NTM nâng cao nhưng vấn đề môi trường vẫn đang khá nhức nhối, nhất là rác thải nông nghiệp.
"Một vài nơi rác thải chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư. Vì thế, nếu muốn xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại thì phải quy hoạch nông thôn quy cũ với khu chăn nuôi, trồng trọt và dân cư tách bạch nhau để quản lý môi trường cho tốt", ông Xứng chia sẻ.
Cũng quan ngại tình hình ô nhiễm môi trường nông thôn, nhưng ông Trần Thanh Trí - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Thọ, lại hướng đến rác thải từ sản xuất trồng trọt.
"Tôi thấy nhiều nơi trên đồng ruộng, nông dân vứt bừa bãi chai lọ đựng thuốc BVTV, bao bì phân bón... Điều này sẽ không tránh khỏi việc gây ô nhiễm đồng ruộng. Chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền nông dân về việc phải thu lượm chai lọ, bao bì sau khi sử dụng, nhưng tình hình vẫn không cải thiện nhiều", ông Trí nhận xét.
Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần ban hành quy định yêu cầu nhà sản xuất thuốc BVTV, phân bón... phải có trách nhiệm thu hồi vỏ chai, bai bì.
"Cứ thông báo nông dân lấy vỏ chai, bao bì vật tư nông nghiệp qua sử dụng đem đến các đại lý của công ty rồi quy đổi ra thành tiền hay trao đổi hàng chẳng hạn", ông Trí nêu ý kiến.
Ông Trần Thanh Trí - Giám đốc HTX Nông nghiệp Xuân Thọ,
Bà Hồ Thị Mai Thủy - Chủ tịch HND phường Xuân Tân (TP.Long Khánh) - một phường đang làm NTM kiểu mẫu, lại quan tâm đến vấn đề làm nông thôn mới khi đô thị hóa.
"Xuân Tân trước đây là xã vừa mới lên phường. Thời gian qua, tại địa phương đô thị hóa đang rất nhanh. Sắp tới phát triển nông nghiệp sẽ theo hướng nông nghiệp đô thị. Vì vậy, khi xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại tại địa phương thế này, Hội cần quan tâm đến nông nghiệp đô thị nói chung, công tác đào tạo nghề nói riêng... Tránh tình trạng khi lên phường nông dân sẽ tự phát chuyển nghề thông qua việc sang nhượng đất", bà Thủy mách nước.
Cũng theo bà Thủy, hiện nay bà con ở nông thôn rất quan tâm với vấn đề an ninh - trật tự. "Địa phương cần phải xây dựng nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ an ninh - trật tự tại địa phương mà Hội phải tham gia", bà Thủy cho biết.
Bà Thủy nêu ví dụ như mô hình do Hội khởi xướng tại địa phương và đang được triển khai rộng trên địa bàn là "Nông dân tham gia phòng chống tội phạm, an ninh trật tự gắn với môi trường".
Một con đường hoa ở huyện Xuân Lộc.
Ông Phạm Minh Hùng - Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương HND VN - thành viên trong đoàn khảo sát nêu: "Hội cần làm gì để đổi mới và nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân, cụ thể như liên kết 6 nhà?".
Về vấn đề này, lão nông Vương Hồng Mạnh (xã Xuân Thọ) cho biết, thời gian qua, chính quyền và HND khuyến khích nông dân làm nông sản VietGAP nhưng lại thiếu thông tin hướng dẫn bà con làm như thế nào để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nên nông dân loay hoay không biết phải làm sao.
"Hội cần phải hỗ trợ cụ thể thông tin này cho nông dân, để nông dân sản xuất đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp, chứ cứ nếu làm sạch chung chung thì có làm ra cũng chẳng biết bán nông sản cho ai", ông Mạnh thổ lộ.
Ông Trí nêu vấn đề, hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp "bẻ kèo" nông dân khi đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm, nhưng chưa thấy vai trò của Hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân.
Phó Chủ tịch Thường trực HND Đồng Nai Lê Hữu Thiện (phải) chia sẻ nông dân khi chối rớt giá.
"Kinh tế thị trường càng phát triển, nông dân càng tham gia sâu vào thị trường thì càng gặp những tình huống như thế này, nhất là mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp - nông dân như hiện nay, mà hậu quả là nông dân gánh chịu. Vậy, sắp tới vai trò của HND rất lớn trong chuyện này để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân nhằm tạo niềm tin và nân g cao vai trò của Hội", ông Trí nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương HND VN Nguyễn Xuân Định, đây là những ý kiến sát thực, cụ thể, hữu ích cho Trung ương HND VN trong việc xây dựng "Xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại" và "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ, đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho nông dân" thời gian sắp tới.
Theo Danviet
Phó Chủ tịch TƯ.HNDVN: Nỗ lực xây dựng 3 quyết sách để Hội vững mạnh Ngày 16/9, Trung ương Hội Nông dân đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện 3 Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ (2018 - 2023) cho cụm thi đua công tác Hội và phong trào nông dân số 6 tại Đồng Nai....