Nông dân Sóc Trăng học Bác, giúp nhau vượt khó, làm giàu
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai sâu rộng tới hội viên, nông dân thực hiện phong trào đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Phong trào đã tạo sức lan tỏa, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên nông dân…
Nông dân năng động, sáng tạo
“Nói đi đôi với làm” – đó là lời dạy của Bác Hồ được Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng thực hiện theo. Các cấp Hội đã vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn… Hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp.
Từ việc hăng say trong lao động, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, biết áp dụng khoa học kỹ thuật… làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cung cấp cho thị trường.
Điển hình như ông Dương Minh Thiện, ấp Giồng Giữa, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) thành công với mô hình làm kinh tế “trồng và kinh doanh lúa gạo”; ông Hứa Thanh Bình, nông dân ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Bình (TX.Ngã Năm) thành công với mô hình làm kinh tế “3 cây 1 con”…
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch và an toàn được nông dân tỉnh Sóc Trăng áp dụng. Ảnh: Quang Bình
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cho thấy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nề nếp trong sản xuất. Hộ ông Phan Ngọc Thành, ấp An Ninh (thị trấn An Lạc Thôn, Kế Sách) là một ví dụ, ông luôn tiên phong, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân phát động, đặc biệt là học tập và làm theo Bác.
Với mong muốn góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, ông Thành đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển số ruộng kém hiệu quả thành vườn và cải tạo vườn tạp, đê bao khép kín trồng cây ăn trái có hiệu quả kinh tế.
Video đang HOT
Ông Thành cho biết: “Lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu khoa học kỹ thuật, nhưng nhờ chịu khó học hỏi từ những mô hình ăn nên làm ra của các nông dân giàu kinh nghiệm, tôi có thêm kinh nghiệm để áp dụng cho vườn cây ăn trái của mình. Hiện nay, vườn của gia đình tôi trồng chủ lực gồm: Thanh long ruột tím, măng cụt, chôm chôm, vú sữa… đều là những loại trái cây đạt hiệu quả kinh tế cao, hướng đến xuất khẩu”.
Ở địa phương, ông Thành được nhiều người biết đến với mô hình làm vườn cho lợi nhuận rất cao (trên 1 tỷ đồng/năm). Ông Thành đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 20 – 25 lao động theo thời vụ, giúp được 10 hộ xóa nghèo, trong đó có 4 hộ trở nên khá giàu, góp phần ổn định kinh tế – xã hội ở địa phương.
Ngoài ra, ông Thành còn tích cực hướng dẫn cho bà con cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn nông dân tiếp cận các kiến thức, nắm bắt thị trường tiêu thụ nông sản, động viên, khuyến khích bà con cùng nhau thi đua, sản xuất, học tập và làm theo Bác…
Tham gia xây dựng quê hương
Để giúp hội viên, nông dân tiếp cận, thực hiện có hiệu quả hơn trong sản xuất, Hội Nông dân các cấp tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức triển khai, hướng dẫn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm… giúp hội viên, nông dân nâng cao trình độ canh tác.
Trong quá trình công tác, Hội Nông dân các cấp gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện các phong trào thi đua, như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, tương thân, tương ái giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới… Nhờ đó, việc học tập và làm theo Bác thực sự trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên, khơi dậy ý chí tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất.
Hội Nông dân đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới… Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn mới, điển hình là nông dân Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng (xã Tham Đôn, Mỹ Xuyên).
Ông Phấn bộc bạch: “Là người nông dân, tôi luôn học tập và làm theo Bác. Bản thân và gia đình đã tích cực tham gia thực hiện tốt phong trào do địa phương phát động. Kết quả đã vận động Mạnh Thường Quân được 768 triệu đồng làm 3 tuyến đường với chiều dài 2.500m, làm 5 cây cầu, 2 nhà mát… Ngoài ra, trong 3 năm, gia đình tôi đã hỗ trợ đóng góp khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại trong năm 2019, bản thân đang tiếp tục vận động làm 2 đường lộ dài khoảng 708m với số tiền 125 triệu đồng và 1 cây cầu khoảng 60 triệu đồng”.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xác định nội dung là: Tác phong gương mẫu “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, “làm việc khoa học”… Từ đó bản thân cán bộ Hội, hội viên, nông dân tự giác tu dưỡng, rèn luyện, góp sức xây dựng quê hương.
Theo Danviet
Chi, tổ hội nghề nghiệp là chỗ dựa của hội viên
Đó là khẳng định của đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư NDVN) về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp vừa diễn ra tại Hưng Yên.
Thành tựu bước đầu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: Trong 3 năm qua, thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW các cấp Hội NDVN đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được 683 chi hội nghề nghiệp và 14.812 tổ hội nghề nghiệp với 195.455 hội viên nông dân tham gia; các chi, tổ hội đã kết nạp mới được 25.263 hội viên; xây dựng được 206 hợp tác xã, 1.690 tổ hợp tác.
Các đại biểu tham quan gian hàng bên ngoài hội nghị. Nguyễn Quỳnh
Kết quả xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN, đa dạng hóa mô hình tập hợp nông dân, tạo sự gắn kết giữa các hội viên nông dân với nhau, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn...
Thông qua các chi, tổ hội, các cấp Hội đã tập trung được nguồn lực đầu tư, tiếp cận được khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát chất lượng, giá cả đầu ra cho hội viên nông dân; thực hiện liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối, nhà nông) giúp cho hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản...
Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm trang trại VAC của anh Ngô Đức Thắng thuộc Chi hội Chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Quỳnh
Hướng về cơ sở, vì nông dân
Trong buổi sáng, đại biểu chia thành 5 tổ thảo luận. Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế trong xây dựng và hoạt động của các chi, tổ hội; bày tỏ mong muốn được các cấp Hội tạo điều kiện hơn nữa để đẩy mạnh việc xây dựng các chi, tổ hội, đặc biệt là vấn đề tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nông nghiệp với lãi suất thấp để mở rộng quy mô sản xuất.
Các đại biểu cũng thống nhất những vấn đề đặt ra trong thời gian tới khi tình hình kinh tế, xã hội nước ta dự báo sẽ phát triển nhanh và có hướng đi bền vững, từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi. Nông nghiệp nước ta ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và tiếp tục thu hút sự quan tâm đầu tư trong và ngoài nước; nhu cầu của xã hội về sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao ngày càng tăng.
Hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn với vai trò tích cực, chủ động của người nông dân.
Tình hình trên đòi hỏi tổ chức Hội ND các cấp phải vươn lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu mới từ thực tiễn đặt ra về nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Đổi mới nội dung, phương thức để để nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân.
Việc xây dựng mô hình tổ chức chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp là vấn đề cấp thiết trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội NDVN trong tình hình hiện nay theo phương châm hướng về cơ sở, vì nông dân.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định: Những kết quả đạt được về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp của 3 năm qua là quan trọng, đáng mừng, tuy nhiên, mục tiêu, yêu cầu còn lại trong những năm tiếp theo của đề án còn rất nặng nề; khó khăn, thách thức còn nhiều...
Vì vậy, Chủ tịch Thào Xuân Sùng yêu cầu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp Hội, cần phải được tăng cường quyết liệt và phối hợp đồng bộ hơn nữa; cán bộ, hội viên, nông dân cần tích cực, chủ động chung tay góp sức để đề án thực hiện hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra góp phần thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VII.
Theo Danviet
TP.HCM: Ngại chia sẻ "bí quyết", nông dân ít tham gia HTX Theo Hội Nông dân TP.HCM, số hộ nông dân trực tiếp sản xuất trên địa bàn TP tham gia hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) còn khá thấp, chỉ hơn 11%. Tính đến tháng 6.2019, TP.HCM có 403 mô hình kinh tế tập thể, gồm: 294 THT, 109 HTX và 1 liên hiệp HTX với hơn 6.000 thành viên. Các thành...