Nông dân Pháp lại lên kế hoạch biểu tình
Liên đoàn quốc gia các công đoàn nông nghiệp (FNSEA) của Pháp ngày 22/10 thông báo sẽ tổ chức các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc từ giữa tháng 11 tới để phản đối việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thịnh vượng chung Nam Mỹ ( MERCOSUR) dự kiến vào cuối năm nay.
Nông dân phong tỏa đường cao tốc A1 nối Lille và Paris, tại Lesquin, miền Bắc Pháp, trong cuộc biểu tình ngày 25/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch FNSEA Arnaud Rousseau cho biết yếu tố thúc đẩy nông dân biểu tình là việc EU có ý định ký kết thỏa thuận thương mại tự do với khối MERCOSUR. Tuy nhiên, thời gian và hình thức biểu tình cụ thể sẽ được quyết định sau.
Mùa màng bị ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh bùng phát ở vật nuôi, cùng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào đầu mùa Hè đã làm gia tăng bất bình của nông dân Pháp, kéo theo các cuộc biểu tình lẻ tẻ tại các địa phương trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, những lo ngại về sự cạnh tranh từ các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, trong đó có cả từ đồng minh Ukraine và gánh nặng quy định đối với các nhà sản xuất của EU cũng là nguyên nhân dẫn đến phản ứng mạnh của nông dân Pháp.
Trong cuộc biểu tình đầu năm nay, nông dân Pháp đã phong tỏa các tuyến đường bằng xe máy kéo và đốt cháy các kiện cỏ khô… để phản đối Chính phủ Pháp và EU.
Theo các nguồn thạo tin, đàm phán giữa EU và MERCOSUR “dường như đang đi đúng hướng” và có thể hai bên sẽ sớm ký kết một hiệp định FTA vào cuối năm nay. Tháng 9 vừa qua, Brazil – thành viên lớn nhất của MERCOSUR, cũng đã tuyên bố ủng hộ việc hai bên ký kết thỏa thuận này vào tháng 11 tới, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại nước này.
Trong hơn 20 năm qua, EU và MERCOSUR đã thúc đẩy nhiều cuộc đàm phán nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do rộng lớn với hơn 700 triệu dân, trong đó có việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết mặt hàng thế mạnh của EU về công nghiệp, dược phẩm và nông nghiệp. Nông dân Pháp lo ngại việc ký kết FTA với các nước Nam Mỹ sẽ dẫn đến hàng hóa nông nghiệp giá rẻ, không đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất của EU tràn ngập thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của Pháp và các nước thành viên trong khối. Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nhiều lần phản đối việc EU và các nước Nam Mỹ ký kết FTA.
Nông dân Pháp không loại trừ khả năng tiếp tục biểu tình
Các nông dân Pháp có thể tiến hành thêm các cuộc biểu tình và tuần hành chặn đường trong vài tuần tới để thúc đẩy chính phủ thực hiện cam kết hỗ trợ ngành này.
Đây là thông tin mới được đại diện công đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp FNSEA đưa ra ngày 3/3.
Nông dân Pháp phong tỏa cao tốc A1 nối thủ đô Paris và Lille trong cuộc biểu tình ở Lesquin, miền Bắc Pháp, ngày 25/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiều nông dân trên toàn châu Âu đã tiến hành biểu tình trong vài tuần qua nhằm phản đối những quy định môi trường quá chặt chẽ, cạnh tranh thiếu công bằng với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ ngoài Liên minh châu Âu (EU), chi phí sản xuất ngày càng tăng trong khi thu nhập thì ngày một thấp.
Trả lời kênh truyền hình BFM ngày 3/3, Giám đốc FNSEA, Arnaud Rousseau, cho rằng không nên kỳ vọng quá sớm rằng mọi việc sẽ được giải quyết trong 15 ngày tới. Người nông dân cần những điều chắc chắn. Do đó, có thể trong vài ngày tới, công đoàn đại diện nông dân sẽ có vài kế hoạch hành động để đảm bảo các cam kết sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết, chỉ cho biết một số vùng đang lên kế hoạch tiếp tục biểu tình.
Phát biểu được đưa ra sau khi Hội chợ nông nghiệp Paris kết thúc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp gỡ các đại diện công đoàn nông dân và các bên khác tại Điện Elysee trong giữa tháng 3 này. Trước đó, ngày 24/2, một nhóm nông dân Pháp đã xông vào hội chợ nông nghiệp ở Paris làm gián đoạn buổi khai mạc ngay trước khi Tổng thống Macron đến tham dự sự kiện.
Cũng phát biểu trên truyền hình ngày 3/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Marc Fesneau khẳng định rằng chính phủ sẽ nỗ lực để xua tan mọi hoài nghi. Tháng trước, người nông dân Pháp đã dừng hầu hết các kế hoạch biểu tình sau khi chính phủ của Thủ tướng Gabriel Attal cam kết thực hiện các biện pháp hỗ trợ mới với tổng ngân sách là 400 triệu euro (433,88 triệu USD).
Pháp: Cuộc biểu tình của nông dân là phép thử đầu tiên với tân Thủ tướng Attal Chưa đầy 1 tháng sau khi nhậm chức Thủ tướng Pháp, ông Gabriel Attal đã phải đối mặt với một thử thách khó khăn, khi hàng chục nghìn nông dân biểu tình rầm rộ trên cả nước để phản đối các quy định quan liêu, đòi hỏi thu nhập tốt hơn và yêu cầu được bảo vệ trước hàng nhập khẩu giá rẻ....