Nông dân hiến đất làm đường không lấy một xu
Giữa thời buổi “mét đất mét tiền”, những nông dân nghèo ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh lại sẵn sàng hiến cả nghìn m2 đất cho chính quyền làm đường, không màng một đồng xu.
X in giữ lại bụi tre
Về xã Đức Lạng những ngày này đường làng rộng thênh thang, mặt đường được bê tông sạch sẽ. Để có được những con đường rộng rãi này, hơn 300 hộ dân đã tình nguyện hiến đất.
Như cách nói vui của Chủ tịch huyện Đức Thọ Võ Công Hàm trong lễ tuyên dương những hộ dân hiến đất tiêu biểu đầu năm 2012, huyện Đức Thọ sẽ được đưa vào kỷ lục Guinness khi có tới cả nghìn người dân hiến đất.
Nằm trong diện hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình dựa vào vài sào ruộng, nhưng vợ chồng ông bà Lê Hữu Hòa, Phạm Thị Phương lại hiến cả nghìn m2 đất và cây ăn quả với số tiền lên gần 200 triệu đồng để làm đường giúp người dân trong thôn đi lại.
Gia đình ông Hòa nằm ngay đầu thôn Yên Thọ. Từ trước nay, người dân trong thôn phải men theo con đường ruộng nằm sát nhà ông để đi lại.
Nhiều lần thấy các cháu học sinh ngã nhào cả người và xe xuống ruộng, ông Hòa cùng vợ mò mẫm lội ruộng đưa các cháu vào nhà lau rửa sạch sẽ.
Mùa mưa, đường ngập nước, hai thân già lại lội phát cây trong vườn để mở đường nhanh cho người dân qua lại. “Mình già rồi nên giúp được mọi người việc gì là cố hết sức làm thôi”, bà Phương nói.
Vợ chồng ông Hòa, bà Phương trên con đường gia đình hiến đất
Khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, tiêu chí đầu tiên được lãnh đạo xã Đức Lạng đặt ra phải hoàn thành sớm là hệ thống đường trong xã.
Nhưng lấy đâu ra hàng tỷ đồng để đền bù cho người dân? Ý tưởng “xin” đất dân được đưa ra tại nhiều cuộc họp, nhưng vẫn không có kết quả.
“Người dân Đức Lạng chủ yếu sản xuất dựa vào mấy sào ruộng. Trong khi đó, đất đang lên cơn sốt. Đưa ra ý tưởng hiến đất khiến nhiều người nói mình bị khùng”, Chủ tịch xã Đức Lạng Lê Văn Hiệp tâm sự.
Sau nhiều cuộc họp bất thành, cán bộ xã xuống nhà dân thuyết phục. “Vợ chồng tôi già cả ít tham gia họp hành nên không biết được chủ trương. Thấy mấy cán bộ hằng đêm xuống tận nhà vận động hiến đất, nghe cũng hợp lý nên đồng thuận”, bà Phương nói.
Ngày chính quyền huy động máy xuống ủi đất, bà con trong xóm kẻ chê, người cười. “Thấy cũng buồn, nhiều người nói đã nghèo còn làm oai. Trời ơi, chính họ là người hằng ngày đi trên đất vợ chồng tôi hiến cơ mà. Sao họ nghĩ ác cho vợ chồng tôi quá” – ông Hòa bật khóc.
Video đang HOT
Không nỡ nhìn những cây cổ thụ do cha ông để lại bị máy móc ủi ngã, vợ chồng ông Hòa chỉ biết đứng trong nhà ôm lấy nhau động viên.
Khi công việc chuẩn bị hoàn thành, bà Phương ào ra ôm lấy bụi tre: “Xin các anh để lại cho gia đình bụi tre. Nhỡ sau này vợ chồng tôi có mệnh hệ gì để con cái chặt làm gậy, làm dây quấn quan tài”. Nhiều cán bộ xúc động ứa nước mắt.
Gần 50 mét đường do vợ chồng ông Hòa hiến được mở mang. Lập tức, hàng chục người dân trong thôn “bắn tin” cho lãnh đạo xã đến nhà để xin được hiến đất.
“Người khác nghèo hơn mình còn hiến cả nghìn mét vuông. Đường sá rộng rãi, con cháu mình đi lại dễ dàng, làng xóm không cười chê” – ông Lê Vĩnh Luật, hàng xóm của vợ chồng ông Hòa tâm sự.
Noi gương ông Hòa, ông Luật, trong vòng một tuần, thôn Yên Thọ có gần 40 hộ hiến đất. “Đức Lạng như một đại công trường. Khắp ngõ xóm cây cối ngã ầm ầm, tiếng máy ủi, máy xúc xen lẫn tiếng cười nói rôm rả của cán bộ và người dân” – Chủ tịch xã Đức Lạng tự hào.
Để người dân yên tâm lo đồng áng, xã Đức Lạng lập số điện thoại đường dây nóng. Những hộ hiến đất sẽ gọi điện tới hẹn ngày giờ cụ thể để đoàn tới nhận đất.
Khi đoàn làm thủ lĩnh
Lực lượng thanh niên được giao trọng trách nặng nề hơn cả. Trong cuộc sinh hoạt đoàn tại các thôn, nội dung hiến đất được đặt lên hàng đầu.
“Phát súng” đầu tiên được nổ là vợ chồng Bí thư đoàn xã Võ Vĩnh Tài tuyên bố hiến hơn 300 m2. “Đất đai được bố mẹ hai bên nội ngoại cho khi lập gia đình. Cứ ngỡ bố mẹ gây khó dễ, nào ngờ khi mình đưa ra ý tưởng lại được mọi người ủng hộ”, Bí thư Tài nói.
Bí thư đoàn xã Đức Lạng Võ Vĩnh Tài bên mảnh đất hai vợ chồng hiến làm đường nông thôn
Sau đó, đến lượt bí thư liên chi đoàn tại các thôn. “Trong cơn lũ lịch sử 2010, nếu không có lực lượng thanh niên đến giúp di dời chắc gia đình tôi không có được như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Văn Lan bố của đoàn viên Nguyễn Huy Trọng, nói.
Cái “ơn” với thanh niên quá lớn nên khi nghe con trai vận động, ông Lan đồng thuận hiến ngay gần 200m2 đất. Sau hơn một năm, toàn xã Đức Lạng có 319 hộ dân hiến đất, với hơn 30 nghìn m2.
Kinh nghiệm vận động gia đình hiến đất của giới trẻ Đức Lạng trở thành chủ đề cho các xã khác trong huyện Đức Thọ noi theo.
Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Võ Công Hàm cho biết, sau gần hai năm phát động xây dựng nông thôn mới, có gần 2.000 hộ dân tham gia hiến đất với gần 100 ha. “Cái thành công lớn nhất đối với việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Đức Thọ đó là tấm lòng của người dân”, ông Hàm nói.
Để không bất tín với người hiến đất, mọi công trình đã hứa với dân phải thực hiện cho bằng được. “Để làm một công trình đường sá việc khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Không nhẽ người dân nghèo hiến cả trăm tỷ đồng cho nhà nước rồi mình lại không thực hiện lời cam kết với dân”, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nhấn mạnh.
Theo 24h
Dân bức xúc vì sự cố điện xảy ra "như cơm bữa"
Không phải chỉ đến khi xảy ra vụ cháy ki ốt tạp hóa, người dân khối Chế biến lâm sản mới thấp thỏm nỗi lo chập, cháy điện, bởi từ lâu, chuyện điện chập chờn ở đây xảy ra "như cơm bữa".
Không dám vào dập lửa vì điện chưa cắt
Trong đơn gửi đến Dân trí, chị Đồng Thị Thanh Nga (SN 1980, trú tại cụm 4, Khối Chế biến lâm sản, phường Quang Phong, TX Thái Hòa, Nghệ An) trình bày, vào khoảng 21h ngày 6/11/2012, sau khi tắt hết các thiết bị điện trong cửa hàng, chị trở về nhà. Đến 21h30 phút cùng ngày, chị nhận được tin từ người hàng xóm báo cửa hàng bị cháy. Lúc lên đến nơi thì chị thấy người dân đang đứng cách xa cửa hàng, không ai dám đến dập lửa vì cột điện sát cửa hàng của chị bốc cháy dữ dội kèm theo tiếng nổ lớn.
Chị Nga cho biết: "Chị tôi có nhờ người gọi điện cho nhân viên điện lực cắt điện để chữa cháy nhưng không thấy họ cắt điện kịp thời nên không ai vào dập lửa được".
Hiện trường vụ cháy cửa hàng chị Nga (Ảnh chụp sáng ngày 7/11)
Theo quan sát của chúng tôi sau hôm xảy ra cháy, ngay sát cửa hàng của chị Nga có hai cột điện với dây điện chằng chịt đủ loại, không đảm bảo an toàn hành lang về lưới điện. Tại vị trí cột điện bên phải cửa hàng vẫn còn nham nhở vết cháy, một số dây điện bị cháy hết lớp vỏ bên ngoài chỉ còn trơ lại sợi nhôm bên trong.
Điều khiến người dân ở đây bất bình là việc chậm trễ trong việc xử lý tình huống của nhân viên điện lực Nghĩa Đàn. Chị Phan Thị Sương - người chứng kiến vụ cháy cửa hàng - kể lại: "Lúc đó, tôi và mọi người chuẩn bị đi ngủ thì nghe thấy tiếng nổ từ cột điện sát cửa hàng chị Hương. Khi chạy ra thì thấy lửa bùng lên, mọi người không ai dám đến gần vì sợ điện giật".
Cột điện sát cửa hàng, không đảm bảo khoảng cách an toàn hành lang lưới điện
Cũng theo chị Sương, khi xảy ra cháy chị đã gọi điện thông báo anh Nguyễn Văn Vượng - Đội trưởng đội quản lý tổng hợp, Chi nhánh điện lực huyện Nghĩa Đàn cắt điện để mọi người vào chữa cháy. "Tôi gọi 4 cuộc cho anh Vượng thì có 2 cuộc gọi anh Vượng nghe máy và trả lời là sẽ cắt điện nhưng không hiểu vì sao mãi sau khi lửa đã bùng cháy gần hết cửa hàng thì mới thấy điện được cắt", chị Sương cho biết.
Khoảng 40 phút sau, khi điện lưới được cắt người dân mới dám lao vào dập lửa nhưng tất cả hàng hóa bên trong đã cháy thành than, ước tính thiệt hại trên 300 triệu đồng. Sau vụ cháy, bà con trong khối đã cùng nhau quyên góp được số tiền nhỏ hỗ trợ cho chị Nga sửa lại cửa hàng để tiếp tục buôn bán, kiếm kế sinh nhai. Bản thân chị Nga bị tàn tật, nguồn thu nhập chính dựa và bán hàng. "Bao nhiêu năm tích cóp buôn bán của gia đình đều bị cháy sạch, giờ thì tôi trắng tay không biết lấy gì để buôn bán tiếp", chị Nga nói trong nước mắt.
Trạm 320KVA "gánh" không nổi 520 hộ dân
Không phải đến vụ cháy cửa hàng của chị Nga người dân trong khối Chế biến lâm sản mới sống thấp thỏm nỗi lo chập, cháy điện bởi từ lâu chuyện điện chập chờn ở đây xảy ra "như cơm bữa". Được biết, khối Chế biến lâm sản - Phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa có 520 hộ với gần 2000 nhân khẩu. Đa số các hộ dân trong khối đều sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến gỗ, sử dụng nhiều loại máy cỡ lớn nên cần lượng điện lớn.
"Chuyện điện chập chờn ở đây xảy ra như cơm bữa do quá tải", ông Nguyễn Văn Đính - Khối trưởng Khối Chế biến lâm sản nói
Trước đây, toàn khối sử dụng trạm biến áp 250KVA (trạm biến áp số 1) do nhân dân trong khối đóng góp. Năm 2010, thực hiện chương trình bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện, HTX khối Chế biến lâm sản đã bàn giao trạm biến áp 250KVA cho điện lực Nghĩa Đàn quản lý và khai thác. Đồng thời điện lực Nghĩa Đàn cũng đầu tư nâng cấp trạm biến áp số 2 từ 160KVA lên 320KVA cho khối.
Thế nhưng, chỉ với 1 trạm biến áp 320KVA này lại không "gánh" nổi lượng tiêu thụ điện của khối. Ông Nguyễn Văn Đính - Khối trưởng Khối chế biến lâm sản cho hay: "Chuyện điện chập chờn trong khối thường xuyên xảy ra do điện quá tải, hoặc mỗi khi điện yếu lại làm hỏng các máy móc, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của nhân dân".
Trạm biến áp 250KVA vẫn đang nằm "đắp chiếu" trong khi người dân lại thiếu điện
Thấy trạm biến áp 250KVA đang nằm "phơi nắng, phơi mưa" và hoen rỉ từng ngày nên ngày 20/2/2011, khối Chế biến lâm sản đã có tờ trình gửi UBND thị xã Thái Hòa và chi nhánh điện lực huyện Nghĩa Đàn "xin" nối điện cho trạm biến áp này. Tuy nhiên, đã gần 2 năm trôi qua thì "tờ trình" khẩn thiết của nhân dân trong khối vẫn chỉ nằm trên giấy. "Chúng tôi đã nhiều lần gửi tờ trình cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri trình bày vấn đề này nhưng chưa thấy bên điện lực có hướng giải quyết cho bà con được yên tâm sản xuất. Trạm biến áp thì để không còn nhân dân trong khối thì vẫn thiếu điện", ông Nguyễn Văn Đính - Khối trưởng khối Chế biến lâm sản nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Sơn - Giám đốc Chi nhánh điện lực huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, đặc thù của khối Chế biến lâm sản, phường Quang Phong, (TX Thái Hòa) có 3/4 hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ, mỹ nghệ nên lượng tiêu thụ điện rất lớn. "Điện ở khu vực này luôn ở trong tình trạng quá tải do có nhiều hộ sản xuất kinh doanh. Sau khi vụ cháy xảy ở cửa hàng gia đình chị Nga, chúng tôi đã xuống hiện trường khắc phục sự cố điện và cùng với cơ quan công an làm việc để xác định nguyên nhân vụ cháy", ông Sơn nói.
Ông Hoàng Sơn - Giám đốc Chi nhánh điện lực huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) trao đổi với PV
Cũng theo ông Sơn, để giải bài toán quá tải điện năng cho Khối chế biến lâm sản, Chi nhánh điện lực huyện Nghĩa Đàn đang tiến hành nối lại trạm biến áp 250KVA mà HTX khối Chế biến lâm sản đã bàn giao trước đây. "Chúng tôi và UBND thị xã Thái Hòa đã khảo sát xong vị trí đặt các cột điện để nối dây điện trạm biến áp số 1 tuy nhiên hiện nay vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc công tác đền bù cho người dân bởi một số hộ dân có đường điện đi qua đòi mức đền bù quá cao so với quy định của UBND tỉnh", ông Sơn cho hay.
Trong khi chờ tiếng nói chung giữa ngành điện lực và người dân thì trạm biến áp số 1 vẫn đang "đắp chiếu", còn người dân sống trong cảnh điện chập chờn, thấp thỏm nỗi lo cháy nổ từng ngày.
Theo Dantri
Chưa thương lượng xong đã phá dỡ chung cư Chung cư (CC) 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.6, Q.3, TP.HCM) được Công ty TNHH Quang Thuận (54/9 Đào Duy Anh, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mua lại. Tuy nhiên, trong số gần 30 hộ dân tại đây, vẫn còn 6 hộ chưa bán. Thế nhưng ngày 11.12 vừa qua, xuất hiện đội thi công gồm cả chục công nhân đem theo xe, búa...