Nông dân Hà Nội nhổ bỏ hàng nghìn tấn củ cải
Trên cánh đồng ở xã Tráng Việt ( huyện Mê Linh, Hà Nội), nông dân phải nhổ bỏ hàng nghìn tấn củ cải vì được mùa nhưng không thể tiêu thụ.
Xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) có khoảng 80 ha ruộng trồng củ cải trắng. Củ cải được mùa nhưng không tiêu thụ hết khiến người trồng phải nhổ bỏ hàng loạt.
Gia đình chị Hoàng Thị Dung (xóm 3 Đông Cao, xã Tráng Việt) cho biết: “Nhà tôi đã nhổ bỏ hơn 3 sào củ cải trắng vì đã quá lứa. Thiệt hại ước tính gần 30 triệu đồng. Nhổ bỏ tiếc lắm nhưng không còn cách nào khác vì giá củ cải quá rẻ và cũng rất khó bán vì cung vượt quá cầu”.
Nguồn giống củ cải ở xã Tráng Việt chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, giống tốt cho củ lớn. Vụ này được mùa, sản lượng cao nhưng lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán nghỉ dài, nhu cầu giảm, nên người trồng không thể tiêu thụ hết.
Mỗi sào, gia đình chị Dung mất khoảng 3,5 triệu đồng cho tiền giống và tiền phân bón… Nay không bán được, cải đã quá lừa, cả gia đình đành nhổ bỏ để lấy đất canh tác vụ mới.
“Củ cải thành phẩm đều đảm bảo sạch nhưng những củ cải to khoảng hơn 1kg thường khó bán, chỉ bán được cho các nhà hàng, có thể do tâm lý người mua nghĩ củ cải to là bất thường”, chị Dung cho hay.
Video đang HOT
Củ cải được mùa lớn do thời tiết vụ này thuận lợi, sản lượng vượt cao hơn nhiều những vụ trước.
Giá củ cải trắng lúc đắt khoảng 14.000 đồng/kg nhưng giá hiện tại chỉ còn chưa đầy 1.000 đồn/kg. Nhiều hộ dân ở xã Tráng Việt thay vì bán đã phải thuê nhân công nhổ bỏ với thù lao từ 600 – 800 nghìn đồng mỗi sào.
Ông Vũ Văn Kỳ, Chủ tịch hợp tác xã tổng hợp Đông Cao cho biết, hợp tác xã đã dùng hệ thống truyền thanh thông báo cho bà con canh tác nắm bắt, nhận định thị trường để trồng loại cây, củ hợp lý để tránh tình trạng như hiện nay.
Hai vợ trồng nông dân thu hoạch những củ cải trắng hiếm hoi chưa quá lứa mang đi tiêu thụ.
Tuy giá thành rẻ nhưng nhiều hộ gia đình vẫn quyết tâm thu hoạch củ cải chưa quá lứa để bán thu hồi một phần vốn.
Củ cải trắng thu hoạch về rửa rồi để khô, đóng túi 10kg có thể bán được nhưng không phải lúc nào cũng có người thu mua.
Toàn Vũ
Theo Dantri
Chính quyền xã thờ ơ khi hàng nghìn mét vuông ớt chết nghi bị phun thuốc diệt cỏ
Đơn kêu cứu của gia đình ông Nguyễn Văn Thành (55 tuổi) và bà Phạm Thị Thơm, thôn 4, xã Yên Phong, huyện Yên Định (Thanh Hóa) về việc 2.000m2 ớt xuất khẩu đến kỳ thu hoạch bỗng chết cháy nghi là bị kẻ xấu phá hoại bằng cách phun thuốc diệt cỏ.
Hàng nghìn m2 ớt của gia đình ông Thành nghi bị kẻ xấu phá hoại. (Ảnh: HT)
Theo đơn phản ánh, chiều 7.2, bà Phạm Thị Thơm (vợ ông Thành) ra đồng thì phát hiện 2.000 m2 ớt xuất khẩu của gia đình mình bỗng dưng bị héo, chết. Ngay lập tức, gia đình đã nhanh chóng báo cáo với tổ bảo nông, cũng như ông Nguyễn Công Quang - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Yên Phong nhưng đều nhận được câu trả lời "cái này vượt thẩm quyền giải quyết nên chúng tôi sẽ chuyển cho cơ quan công an".
20 ngày sau khi trình báo, nhưng các cơ quan chức năng vẫn bặt vô âm tín. Ông Nguyễn Văn Thành lại lên HTX một lần nữa và được trả lời là đã chuyển đơn sang cơ quan công an. Tuy nhiên, ông Thành sang bên công an thì cơ quan này cho hay, vẫn chưa nhận được báo cáo của HTX (?!).
Ông Thành buồn rầu, nói: "HTX bảo diện tích ớt của gia đình tôi bị chết là do chính gia đình phun nhầm thuốc. Thực sự không có chuyện đó, bởi trước đó ngày 5.2, vợ tôi đi thu hoạch ớt chín thì cây ớt vẫn phát triển tốt. Hôm sau, gia đình lại có đám tang của ông anh họ nên không ai ra đồng.
Đến ngày 7.2, gia đình phát hiện cả 2.000m2 ớt bỗng nhiên chết mà không rõ nguyên nhân. Đây không phải là vụ đầu tiên chúng tôi làm ớt nên không thể có chuyện phun nhầm như họ nói được. Gia đình tôi nghi ngờ đã bị kẻ xấu nào đó phun thuốc phá hoại".
Ông Thành chua xót nhổ bỏ những diện tích ớt bị kẻ xấu phá hoại. (Ảnh: HT)
Theo ông Thành, diện tích ớt này mới thu hoạch chưa hết lứa đầu tiên thì bị kẻ xấu phá hoại. Năm ngoái, với diện tích này gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng.
"Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng sự việc vẫn đi vào im lặng. Thực sự gia đình rất hoang mang, lo lắng. Vợ chồng tôi không thù oán với ai, các con đều đi làm ăn xa nên để khoanh vùng đối tượng là rất khó. Chỉ mong cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để người nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất...", ông Thành nói.
Trưa 9.3, trao đổi với Lao Động, ông Trình Hoàng Hanh - Chủ tịch UBND xã Yên Phong nói: "Tôi cũng có nghe bên HTX dịch vụ nông nghiệp báo cáo là gia đình phun thuốc nhầm".
Ông Hanh hứa: "Chiều nay tôi sẽ cho gọi gia đình ông Thành lên làm việc và yêu cầu cơ quan công an điều tra, làm rõ", .
Được biết, trước đó tại Thanh Hóa cũng đã có 2 vụ tài sản của người nông dân bị kẻ xấu phá hoại bằng cách phun thuốc diệt cỏ.
HOÀI THU
Theo Laodong
Liều băng qua đường tàu chạy mạ thời công nghiệp 4.0 Ở thế kỷ 21, khi mà cuộc sống văn minh hơn, gấp gáp hơn như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội, người nông dân chạy mạ để cấy cũng chọn cách "nhanh" là... băng qua đường tàu, còn xe máy, xe đạp thì dựng ở đường QL1A. Cũng chưa biết cách đó liệu đã...