Nông dân được góp vốn bằng đất nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Quyết định về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn để hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp.
Tập đoàn Cao su Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được nông dân góp vốn để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tập đoàn Cao su Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được nông dân góp vốn để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La – ảnh minh họa
Nguyên tắc góp vốn
Theo nguyên tắc của Quyết định, trong vùng quy hoạch dự án, chủ đầu tư dự án phải nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn dự án khi hộ nông dân có đủ điều kiện góp vốn theo quy định và có yêu cầu được góp vốn.
Việc góp vốn được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng góp vốn được ký kết giữa hộ nông dân và tổ chức nhận góp vốn theo nguyên tắc tự nguyện, cùng thoả thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên góp vốn. Trường hợp các bên góp vốn không thoả thuận được các nội dung trên Hợp đồng góp vốn thì UBND tỉnh Sơn La xem xét, quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia góp vốn.
Tổ chức nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Sau khi nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ nông dân phải thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La và phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật.
Điều kiện góp vốn
Hộ nông dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp (gồm: Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm) khi trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có dự án sử dụng đất góp vốn. Trường hợp hộ nông dân không có hộ khẩu thường trú nhưng có đất nông nghiệp trong vùng quy hoạch dự án thì vẫn được thỏa thuận với công ty cao su để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án trồng cây cao su theo quy định của pháp luật dân sự, không thực hiện theo quy định tại Quyết định này.
Hộ nông dân cũng phải có diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch đất của dự án, không có tranh chấp, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) hoặc đất có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 trong thời hạn cho phép và không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
Riêng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trồng lúa, ngoài các điều kiện quy định trên phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Giá trị vốn góp được tính bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ nông dân được xác định bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ nông dân và giới hạn thời gian góp vốn trong thời gian hoạt động của dự án đầu tư. Giá trị vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp được xác định theo thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng góp vốn.
Quyền của cổ đông
Theo quy định, khi tham gia góp vốn, hộ nông dân sẽ có quyền được mua cổ phần phổ thông hoặc ưu đãi theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty; có các quyền của cổ đông tương ứng với loại cổ phần mình nắm giữ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; ngoài ra còn được công ty đảm bảo mua lại cổ phần với giá ít nhất bằng giá trị quyền sử dụng đất đã thỏa thuận quy đổi ra cổ phần tại thời điểm góp vốn; được công ty ưu tiên thanh toán trước các cổ đông khác của công ty đối với phần vốn đã góp vào tổ chức nhận góp vốn khi tổ chức này phá sản, giải thể phải phát mãi tài sản của doanh nghiệp để thanh toán nợ; được hưởng trợ cấp khi công ty chưa có cổ tức hoặt công ty kinh doanh chưa có lãi, mức trợ cấp cụ thể do hai bên thỏa thuận và ghi cụ thể vào Hợp đồng góp vốn.
Ngoài ra, hộ nông dân còn có quyền được thừa kế, cho, tặng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp vốn theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế, cho, tặng tài sản; được chuyển nhượng phần vốn góp theo hình thức bán cổ phiếu có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định cụ thể của UBND tỉnh Sơn La; được hưởng các hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, của địa phương và của công ty…
Video đang HOT
Quyết định cũng nêu rõ, ngoài các nghĩa vụ như thanh toán cổ tức và các khoản hỗ trợ, trợ cấp (nếu có) cho hộ nông dân góp vốn đảm bảo đầy đủ và đúng thời hạn; công ty có nghĩa vụ nhận thành viên trong độ tuổi lao động của hộ nông dân góp vốn vào làm việc tại tổ chức; hỗ trợ kinh phí cho hộ nông dân góp vốn ổn định đời sống và thực hiện chuyển đổi nghề (nếu có) trong trường hợp không nhận thành viên của hộ nông dân vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hộ nông dân có nghĩa vụ của cổ đông tương ứng với loại cổ phần mình nắm giữ theo quy định; có nghĩa vụ bàn giao đất cho công ty sử dụng theo đúng thời hạn, đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong Hợp đồng góp vốn. Hộ nông dân cũng phải bàn giao Giấy chứng nhận cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện cất giữ theo thỏa thuận ghi trong Hợp đồng góp vốn…
Mỹ Hạnh
Theo_VnMedia
Dồn điền đổi thửa, quan xã ẵm toàn "đất vàng"
Người dân xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nhiều tháng nay bức xúc bởi việc sau khi xã tiến hành dồn điền đổi thửa, họ mới biết quan xã đã ngang nhiên chiếm dụng hàng ngàn m2 ở vị trí đất vàng trong một thời gian dài. Trong khi đó, nhiều hộ dân thiếu tư liệu sản xuất.
Quan xã chiếm đất vàng
Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) là xã thuần nông. Cả xã có gần 10.000 dân nhưng số khẩu được chia ruộng đất canh tác là hơn 7.000 khẩu, trong đó, mỗi khẩu được chia 230m2 đất lúa và 134m2 đất trồng màu.
"Đất vàng" của ông Bí thư xã Đồng Tâm chiếm dụng trái phép cho một đơn vị sản xuất bê-tông xây dựng nhà xưởng trên đất trồng hoa màu. Mảnh đất rộng nhiều ngàn m2 này nằm ngay trên mặt tỉnh lộ 429.
Số khẩu còn lại, trong đó, các cháu ở độ tuổi sinh năm 1995 trở về sau thuộc diện không được chia đất canh tác, không có ruộng.
Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, chính quyền xã Đồng Tâm tiến hành dồn điển đổi thửa, quy hoạch lại ruộng đất và triển khai xây dựng kênh mương nội đồng để phục vụ bà con nông dân sản xuất canh tác.
Thế nhưng, chủ trương trên không được người dân hồ hởi đón nhận. Rất nhiều hộ, đội sản xuất đã từ chối không nhận đất.
Nguyên nhân: lãnh đạo xã đã "bỏ riêng" một phần lớn diện tích vào quỹ đất 5% và tự ý chia nhau sử dụng. Theo tính toán của người dân, quỹ đất "bỏ riêng" lên tới 194ha, tương đương... 40% quỹ đất toàn xã.
Giữa cánh đồng thâm canh lúa 2 vụ, khu đất 5.000m2 được lãnh đạo xã tiếp tay cho một hộ dân xây dựng cơ sở sản xuất gạch.
Không những thế, các lãnh đạo của xã Đồng Tâm còn sử dụng sai mục đích, tiến hành xây dựng nhà cửa, trang trại, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuê mặt bằng... trên đất hoa màu.
Bức xúc trước thực tế trên, hàng trăm hộ dân đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi UBND huyện Mỹ Đức. Nhiều cán bộ lão thành, từng là lãnh đạo chính quyền xã Đồng Tâm đại diện tập thể đứng đơn tố cáo.
Ông Lê Đình Kình, cán bộ lão thành, đã từng đảm nhiệm các chức vụ chủ tịch xã, bí thư Đảng ủy xã... là người nắm rõ tình hình quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp của địa phương, cùng nhiều cán bộ đã nghỉ hưu khác, đại diện các hộ dân đứng đơn kiến nghị.
Theo ông Kình, việc dồn điền đổi thửa tại xã Đồng Tâm được tiến hành gần chục năm qua, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành bởi có quá nhiều sai phạm trong quản lý đất đai của chính quyền xã được người dân phát hiện.
Năm 2011, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về đồn điền đổi thửa, xã Đồng Tâm đã họp dân, đưa ra phương án dồn ruộng, nhưng nhiều hộ dân cho rằng phải lấy quỹ đất II (đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64 năm 1993 cho tổ chức, gia đình, hộ cá nhân sản xuất nông nghiệp) còn nhiều diện tích bỏ hoang để chia thêm cho dân.
Việc cho thuê, giao thầu bị buông lỏng, nguồn thu không được công khai dẫn đến diện tích đất bỏ hoang nhiều năm nay vẫn tồn tại lãng phí; cộng với việc cán bộ lãnh đạo xã hiện tại và các thời kỳ trước mua bán, chuyển nhượng, 'xí phần' trái quy định gây bức xúc, bất bình trong nhân dân.
Ông Kình dẫn chứng: dọc theo tỉnh lộ 429 từ địa điểm cây xăng lên đến Trường bắn Miếu Môn, đất được phân lô, chia ô thành các khoảnh hàng ngàn m2. Chủ sở hữu của những ô, thửa đất vàng này là các cán bộ cốt cán của xã.
Nhưng, bức xúc hơn, đất trồng hoa màu đó lại được dựng nhà ở, làm trang trại. Nhiều khu vực được cho các doanh nghiệp thuê để đúc dầm, cột bê-tông.
"Thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bí thư xã Đồng Tâm sở hữu, rộng hơn 3.000m2, có mặt tiền giáp tỉnh lộ 429 rộng vài chục mét, chạy sâu cả trăm mét.
Ông Sơn dựng một căn nhà sàn, xung quanh là cây cảnh... để làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi người dân phản ánh, ông Sơn cho dỡ ngôi nhà sàn, nhưng lại tiếp tục cho một doanh nghiệp chuyên đúc bê-tông thuê làm nhà xưởng. Họ xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp khiến người dân rất bức xúc" ông Kình bức xúc.
Ngoài ông bí thư xã đương nhiệm, các "quan xã" khác như phó bí thư thường trực, chủ tịch xã, cán bộ văn phòng, chủ tịch Hội nông dân xã... cũng đều sở hữu mỗi người cả ngàn m2 đất, và đều không trồng hoa màu, cho thuê làm nhà xưởng...
Đất hoa màu dọc tỉnh lộ 429 đi qua xã Đồng Tâm bị sử dụng sai mục đích, cho thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng.
Chưa hết, trên khu vực trồng lúa thâm canh, lãnh đạo xã đã cho "người nhà" tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang làm... lò gạch, không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của những hộ dân có ruộng xung quanh, mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thị Loan, xóm 12, xã Đồng Tâm cho hay: "Khoảng năm 2004, gia đình chị có thửa ruộng 12 thước nằm trong khu vực lò gạch bây giờ. Khi đó, chủ lò gạch, ông Nguyễn Văn Sự đứng ra thuê đất của gia đình chị, mỗi vụ trả 1,5 tạ thóc.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhân việc dồn điền đổi thửa, ông Sự đã "thâu tóm" ruộng của gia đình mình thành một, và chuyển đổi thành lò gạch quy mô lớn với diện tích 4 - 5.000m2".
Giữa cánh đồng thâm canh của Đồng Tâm, bỗng nhiên "nảy" ra một xưởng sản xuất gạch quy mô lớn trong sự bức xúc, ngỡ ngàng của hàng ngàn người dân.
Thu hồi đất vàng trái phép của cán bộ xã chia cho dân
Trao đổi với TS, bí thư huyện ủy Mỹ Đức, ông Lê Văn Sang cho biết: huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo xử lý nghiêm những sai phạm theo như nội dung tố cáo của người dân.
Bí thư huyện Mỹ Đức cho biết, chương trình nông thôn mới triển khai tại Mỹ Đức đã hoàn thiện được 99,7%, chỉ còn "vướng" đúng 0,3% còn lại, rơi đúng vào xã Đồng Tâm.
Ngay sau khi có đơn phản ánh của bà con xã Đồng Tâm, ngày 10/1/2014, UBND huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để xác định nội dung tố cáo của công dân. Ngày 21/1/2014, Đoàn công tác của Huyện ủy cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, xây dựng NTM tại xã Đồng Tâm.
Ông Sang thừa nhận: việc tố cáo của người dân là có cơ sở. Quỹ đất 5% của xã Đồng Tâm đã bị "đội" lên 27%, gấp hơn 5% mức cho phép. Việc cán bộ xã tự ý chia nhau "đất vàng" dọc theo trục tỉnh lộ 429 như người dân phản ánh là đúng.
Lò gạch giữa vùng đất bờ xôi ruộng mật.
"Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu các cán bộ xã đang sử dụng trái phép quỹ đất này phải tự tháo dỡ công trình, nhà xưởng trên đất, và bàn giao lại đất trước ngày 15/5/2014.
Trên cơ sở diện tích đất thu hồi này, huyện sẽ chỉ đạo chia cho các tổ, đội sản xuất, chia cho các hội viên để bổ sung đất sản xuất cho bà con nông dân".
Bí thư huyện Mỹ Đức cũng khẳng định, việc xử lý sai phạm của các cán bộ xã cũng sẽ được làm nghiêm minh.
"Chúng tôi sẽ xem xét mức độ sai phạm của các cá nhân để từ đó có mức xử lý tương xứng. Huyện ủy, UBND huyện không bao che bất cứ trường hợp cán bộ nào".
Theo bí thư huyện Mỹ Đức, sẽ yêu cầu các lãnh đạo xã chiếm dụng đất màu phải tự tháo dỡ nhà xưởng, trả lại đất để tiến hành chia lại cho người dân.
Trong khi đó, chủ tịch UBND Đồng Tâm, ông Lê Đình Thuần giải thích: "Khi người dân kiến nghị về việc chia thêm đất nông nghiệp, xã đã tiến hành kiểm kê, kiểm đếm, từ đó sẽ chia bổ sung cho mỗi khẩu từ 11 - 14m2 đất hoa màu".
Xung quanh những sai phạm của đội ngũ lãnh đạo xã do người dân kiến nghị, ông Thuần cho biết: hiện xã đang báo cáo với các đoàn công tác của Huyện ủy, Ủy ban huyện Mỹ Đức.
Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) vào cuộc Ngày 24/4, Phó Ban Nội chính (Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Thế Toàn làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Đức. Theo biên bản làm việc, các nội dung chính đang được làm rõ, bao gồm: Xã Đồng Tâm thực hiện sai quy định trong dồn điền đổi thửa để diện tích quỹ II vượt quá quy định (30%); việc bán đất, chia đất, giao đất trái thẩm quyền đối với nhiều thửa, lãnh đạo xã tiếp tay cho việc sử dụng đất sai mục đích; lợi dụng chức vụ để mua úp (úp thầu đất); bán đất sai thẩm quyền, hợp thức hóa GCN quyền sử dụng đất... Biên bản làm việc thừa nhận, các nội dung người dân phản ánh tố cáo là có cơ sở. Phó Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội yêu cầu Mỹ Đức tập trung chỉ đạo, xử lý giải quyết, báo cáo tiến độ giải quyết với Ban Nội chính.
Kiên Trung
Theo_VietNamNet
Từ 1/7, sẽ không cấp sổ đỏ cho 7 trường hợp - Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai vừa được Chính phủ ban hành, từ 1/7 tới đây, có 7 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, 7 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận...