Nông dân Đoàn Văn Vươn: “Gia đình luôn nhớ ơn Đại tướng Lê Đức Anh”
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Vươn, người nông dân trong vụ cưỡng chế đất đai gây xôn xao dư luận cách đây 7 năm ở Tiên Lãng, Hải Phòng cho biết, ông và gia đình luôn ghi nhớ ơn của Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh – người lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ người dân yếu thế trong vụ việc này.
Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh (người ngồi) trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Miền (ảnh IT).
Ông Đoàn Văn Vươn cho biết, sau khi chấp hành hình phạt tù trở về, được gia đình, hàng xóm nói chuyện lại, xem các thông tin trên báo chí xung quanh vụ việc cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng liên quan trực tiếp tới gia đình ông, thấy nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và một số vị cán bộ lão thành đã lên tiếng nêu rõ quan điểm.
“Đặc biệt ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rất mạnh mẽ. Mặc dù ông đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn theo dõi những thông tin và lên tiếng bảo vệ những người dân yếu như thế trước sai phạm của chính quyền. Điều đó cũng thể hiện tình cảm, sự quan tâm của vị cán bộ lão thành đối với cuộc sống người dân nói chung, trong đó có trường hợp gia đình chúng tôi”, ông Vươn tâm sự.
Ông Vươn nói thêm, gia đình ông rất xúc động và biết ơn sâu sắc tới nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói riêng, các vị cán bộ lão thành, báo chí, dư luận xã hội đã quan tâm đến vụ việc của gia đình ông cách đây 7 năm để từ đó các cơ quan chức năng đã cuộc chỉ đạo giải quyết giúp cho sự việc được minh bạch, đúng sai được phân định rõ ràng.
Đại tướng Lê Đức Anh với cán bộ, chiến sĩ (ảnh tư liệu).
“Khi xem thông tin trên báo chí biết Đại tướng Lê Đức Anh từ trần chúng tôi thấy đau buồn chẳng khác gì việc mất đi một người thân trong gia đình. Gia đình tôi sẽ đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi Nhà nước tổ chức Lễ tang”, ông Vươn cho biết.
Nông dân nuôi vịt biển Đoàn Văn Vươn (ảnh Đàm Duy).
Theo ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên tiếng trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) hồi năm 2012 mà báo chí đăng tải đã cho thấy rõ sự tâm huyết, lo nghĩ, đóng góp cho dân, cho đất nước của ông. Cho dù ông đã tuổi cao (lúc đó 92 tuổi) và nghỉ hưu từ lâu. Việc làm đó của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là rất cần thiết và là bài học đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, trước những vấn đề, vụ việc nóng đang được dư luận quan tâm.
Video đang HOT
Trở lại câu chuyện cách đây 6 năm (cưỡng chế cuối năm 2012, báo chí lên tiếng mạnh đầu năm 2013), khi trả lời trên báo chí, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói: Vụ việc cưỡng chế đất đai của gia đình nhà nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng được ông theo dõi sát. Ông khẳng định trong vụ việc này từ chính quyền cấp huyện đến xã đã sai.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn chứng, điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý; Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi đất của họ, đó là cái sai thứ hai. Điểm sai thứ ba là việc thu hồi trái pháp luật; Điểm sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại.
Nguyên Chủ tịch nước cũng nói, trong vụ việc cưỡng chế đất đai này, chính quyền sử dụng cả lực lượng công an, bộ đội đến cưỡng chế với một gia đình nông dân vốn làm ăn tử tế khiến ông thấy rất băn khoăn. “Đây là một chuyện rất hiếm, tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Nếu nơi nào mà làm việc đó thì tôi phản đối, sử dụng bộ đội để cưỡng chế dân là tuyệt đối sai”, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nói trên báo.
Vụ việc sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ (lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) chỉ đạo làm rõ đúng sai; xử lý những cá nhân có hành vi sai phạm. Vụ việc tính đến nay đã được 7 năm, ông Đoàn Văn Vươn sau khi chấp hành hành phạt tù đã trở về địa phương tiếp tục làm ăn. Cuối năm 2015, người nông dân này đã nghiên cứu và tiến hành nuôi vịt biển theo mô hình thiên nhiên hóa vật nuôi (báo NTNN/Dân Việt là một trong những đơn vị tham gia hỗ trợ để sản phẩm của gia đình ông Vươn chinh phục thị trường, tạo thương hiệu. Đến nay sản phẩm vịt biển của nông dân Đoàn Văn Vươn ngày càng vang xa, chiếm lĩnh được thị trường.
Theo Danviet
Vị tướng toàn tài Lê Đức Anh qua lời kể nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là vị tướng toàn tài.
99 năm tuổi đời, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại những dấu ấn quan trọng. Ông là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta .
Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cho rằng: Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài. Khi được giao nhiệm vụ chính trị, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Đồng thời, là người luôn sát cánh cùng các nhà lãnh đạo khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
PV. Thưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong suốt cuộc đời, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều cống hiến cho đất nước. Là người có nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, ông đánh giá đâu là những dấu ấn nổi bật nhất của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một cán bộ toàn tài, cả cuộc đời công tác của ông luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị.
Cả thời gian rất dài, đồng chí hoạt động trong lĩnh vực quân sự, làm lãnh đạo nhiều cấp khác nhau, chủ yếu là gắn bó với vùng đất quê hương Nam bộ, Quân khu 9, Quân khu 7 và cơ quan lãnh đạo toàn miền.
Khi là vị tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài, năng nổ, sốc vác, lập được nhiều chiến công gắn bó với các đơn vị quân và dân ở các vùng, các đơn vị và đồng chí phụ trách.
Khi được giao nhiệm vụ chính trị là chính, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước, đồng chí luôn gắn chặt chẽ 2 mặt quân sự quốc phòng và chính trị xã hội. Tôi được làm việc với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhiều, biết nhiều về anh là những năm đầu của thời kỳ đổi mới, đầu thập kỷ 1990, vào lúc anh được giao nhiệm vụ Chủ tịch nước. Trong nhiệm vụ của Chủ tịch nước Lê Đức Anh-người tiền nhiệm của tôi- tôi đã theo sát và có ấn tượng rất sâu sắc về những hoạt động của đồng chí.
Cũng không ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Tổ quốc, kết hợp chính trị và quân sự. Tôi nhớ vào đầu những năm 1990 là thời kỳ quân đội ta, sau nhiệm vụ chính trị quân tình nguyện ở Campuhica thì đã rút về nước, đó là giai đoạn Bộ Quốc phòng có tái cơ cấu tương đối lớn, dù không tuyên truyền rộng.
Giai đoạn đó ra quân rất đông, hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đến Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh hết sức quan tâm tâm đến đời sống của cán bộ chiến sĩ, những người đã lăn lộn trên các mặt trận bảo vệ Tổ quốc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế nay trở về trong điều kiện đầy khó khăn.
Đại tướng Lê Đức Anh đã chỉ thị Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chính sách đối với cán bộ chiến sĩ ra quân hoặc tiếp theo là sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang. Thời kỳ đó đã có nhiều chính sách được ban hành hoặc hỗ trợ tích cực để bớt khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ ra quân đầu những năm 1990. Anh em được hỗ trợ về nhà ở, điều kiện đi lại, học hành, sản xuất.
PV. Trên cương vị Chủ tịch nước, một sáng kiến quan trọng của ông Lê Đức Anh khi đó được nhân dân đón nhận đó là phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cũng chỉ đạo các cơ quan quốc phòng và các cơ quan chính sách của nhà nước xem xét một cách tích cực, đề xuất chủ trương Đảng và Nhà nước ban hành quy định về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chính trong thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch nước, việc xem xét để tuyên dương các Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong toàn quốc được làm rất chu đáo, kịp thời. Năm 1995, chính xác là tháng 12/1994, chúng ta đã tổ chức Lễ tuyên dương Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc rất long trọng và xúc động lòng người.
Chính sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một chính sách đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta mà cho đến hôm nay, không những thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh mà cả thế hệ sau này đều cảm nhận được vinh dự rất to lớn đối với các bà mẹ đã hy sinh những người con thân yêu của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc.
Nói điều đó để thấy rằng khi là tướng lĩnh cũng như cán bộ lãnh đạo cao cấp thì đồng chí Lê Đức Anh luôn luôn quan tâm đến chiến đấu và chăm lo đời sống và chính sách hậu phương quân đội đối với cán bộ chiến sỹ những gia đình có công với nước một cách chu đáo và ấn tượng.
Hai nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Lê Đức Anh tại Phủ Chủ tịch, năm 2004 (Ảnh trong cuốn sách Đại tướng Lê Đức Anh)
PV. Đại tướng Lê Đức Anh còn được coi là "kiến trúc sư" của việc triển khai các biện pháp chiến lược và chiến thuật trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Vậy, việc thiết lập quan hệ ngoại giao này có ý nghĩa quan trọng như thế nào, thưa nguyên Chủ tịch nước?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Tôi ghi nhớ và thán phục đồng chí Lê Đức Anh cũng như đồng chí lãnh đạo cấp cao lúc bấy giờ là giải tỏa bao vây cấm vận để đưa nước ta khỏi thế bao vây, kìm kẹp khổ sở trong thời gian dài trước đó do Mỹ và Trung Quốc phát động, chèn ép đất nước chúng ta.
Những năm đầu thập niên 90, sau khi chúng ta tuyên bố đường lối đổi mới thì cả đổi mới về chính sách đối ngoại, mục tiêu hàng đầu đối ngoại lúc bấy giờ là tháo gỡ bao vây cấm vận.
Muốn tháo gỡ bao vây cấm vận thì trước hết là từ Mỹ và Trung Quốc, rồi đến các tổ chức tài chính tiền tệ khác có liên quan. Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người rất tích cực đóng góp thể hiện lập trường mềm dẻo đối với Trung Quốc và Mỹ để từ thù địch chuyển dần sang trạng thái hợp tác cùng có lợi.
Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước vào những năm đầu thế kỷ trước đã dồn công sức cho việc này rất lớn và đồng chí Lê Đức Anh là một trong những người đóng góp tích cực, kể cả trong việc cải thiện quan hệ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ.
Điều đó chứng tỏ không chỉ là tướng tài, trong lĩnh vực chính trị, nhất là chính trị đối ngoại, đồng chí là người sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Lê Đức Anh đã để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc của người lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước chúng ta, vị tướng tài của quân đội và nhân dân ta.
PV. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những người sát cánh cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các nhà lãnh đạo khác khởi xướng và chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước. Vậy ở thời điểm đó có ý nghĩa như nào đối với Việt Nam?
- Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Đầu tiên bắt nguồn từ giải tỏa, bình thường hóa quan hệ với hai nước Trung Quốc và Mỹ. Chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói rõ "đã đóng góp phần của mình vào bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Mỹ như nào. Ngay từ đầu, đại hội 6, Đảng ta quyết định tiến hành đường lối đổi mới có quán triệt trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ đổi mới kinh tế, xã hội mà đổi mới toàn diện. Không chỉ đổi mới đối nội mà còn đối ngoại.
Đảng, Nhà nước chúng ta lúc đó đã công bố tinh thần "Việt Nam muốn làm bạn của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới", "Việt Nam muốn tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động liên kết quốc tế và khu vực". Đó là đường lối chung nhất. Ngay cả hội nhập, soi lại mới thấy cả quá trình đi lên nhanh chóng.
Hội nhập, đường lối chung của Đảng phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chính là sức mạnh nhờ hội nhập quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền. Ngày hôm nay đã cho thấy rõ đấy là đường lối đúng đắn và đưa lại tác động vô cùng to lớn đối với dự nghiệp xây dựng phát triển đất nước./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương về cuộc trao đổi này!/.
* Tít bài do Dân Việt đặt lại.
Theo Danviet
Hình ảnh Đại tướng Lê Đức Anh với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Nhìn lại những hình ảnh của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cùng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (thời điểm đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội) tặng hoa cho Đại tướng Lê Đức Anh. Đại tướng Lê Đức Anh cùng nguyên Tổng...