“Nóng” chuyện kết hôn của người đồng giới
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ ( Khoa Pháp luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội) khẳng định: “ Pháp luật chỉ không cho phép duy nhất một điều là đăng ký kết hôn. Có ai cấm người đồng tính tổ chức đám cưới đâu”…
Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật HNGĐ
Bỏ “cấm” thay bằng “không thừa nhận”
Mặc dù xã hội đã có cái nhìn mở hơn về người đồng tính, tuy nhiên rất nhiều ý kiến vẫn chưa chấp nhận việc kết hôn giữa họ.
Tại hội nghị Hội nghị tham vấn công chúng về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình diễn ra ngày 1/10 tại Hà Nội, vấn đề hôn nhân đồng giới là vấn đề “ nóng” nhất được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Theo ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Dân sự – Bộ Tư pháp) cho biết, Dự thảo Luật lần này đã bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính” mà thay bằng cụm từ “không thừa nhận”.
Tuy nhiên, “Có ý kiến cho rằng thay “cấm” bằng “không thừa nhận”, chẳng khác nào thay đổi màu sắc cho xác chết cả” – Ông Huệ nói.
Theo ông Huệ, mặt biểu cảm, sắc thái cửa 2 thuật ngữ rất khác nhau. Từ “cấm” nghe rất nặng nề, trong khi “không thừa nhận” có ý nghĩa nhẹ hơn. Điều đó cũng giảm sự phân biệt đối xử với người đồng giới. Ông Huệ cũng giải thích rằng, sở dĩ chưa thể thừa nhận kết hôn đồng giới bởi đây vẫn là vấn đề nhạy cảm với xã hội Việt Nam.
“Cả thế giới có gần 200 quốc gia nhưng đến nay mới chỉ 16 nước cho phép kết hôn đồng giới. Thậm chí, Pháp là đất nước rất văn minh, tiến bộ cũng chỉ vừa mới cho phép người đồng tính kết hôn. Vấn đề hôn nhân đồng giới đã được nước Pháp đưa ra bàn thảo từ những năm 80 thế kỷ trước. Vậy mà khi tổng thống Pháp ký sắc lệnh công nhận hôn nhân đồng giới, đã có một làn sóng dư luận phản đối kịch liệt”, ông Huệ phân tích.
Chính vì thế, vấn đề hôn nhân đồng giới không thể ngay lập tức thừa nhận. Muốn thừa nhần điều này cần phải có lộ trình. Thực tế, rất nhiều cặp đồng giới cưới nhau công khai và người đồng tính đã trở thành một cộng đồng lớn, với các câu lạc bộ, diễn đàn… Vì vậy, Luật pháp bắt buộc phải điều chỉnh đối với những trường hợp này.
Ông Huệ cũng cho hay, chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhưng dự thảo Luật đã nêu ra những quy định để chống kỳ thị với người đồng tính. Luật tôn trọng quyền chung sống của người đồng tính. Luật cũng đưa ra cách giải quyết hậu quả của việc sống chung.
Hôn nhân mới là cách giải quyết trọn vẹn
Video đang HOT
Trái với ý kiến của ông Huệ, ông Lương Thế Huy (GĐ Viện nghiên cứu kinh tế xã hội và môi trường) đặt câu hỏi, dù pháp luật đã điều chỉnh quan hệ của người đồng giới, nhưng vẫn không thừa nhận, liệu có giải quyết hết những vấn đề phát sinh.
Theo ông Huy, nếu một cặp nam nữ kết hôn, luật pháp giải quyết gần 100 quyền và nghĩa vụ phát sinh liên quan. Còn việc không thừa nhận mà cho sống chung, mới chỉ giải quyết được 1 vấn đề là hậu quả việc sống chung.
“Hôn nhân cho tất cả mới là cách giải quyết trọn vẹn và bình đẳng nhất” – Ông Huy nhấn mạnh.
Tại hội nghị, một vị phụ huynh có con đồng tính cho rằng, thuật ngữ “không thừa nhận” càng làm người đồng tính tăng thêm cảm giác bị kỳ thị. “Người ta thường nói: đứa con vô thừa nhận, người vợ vô thừa nhận. Vậy cụm từ “không thừa nhận” càng làm tổn thương thêm cho cộng đồng này.” – Bà mẹ này chia sẻ.
Bà mẹ này cũng đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta phải e ngại khi mới chỉ 16 nước công nhận? Nếu điều gì có lợi cho công dân nước mình thì nhà nước cứ làm. Xã hội mất gì khi luật pháp công nhận kết hôn đồng giới? Người đồng tính sẽ lấy mất thứ gì của người dị tính?
“Xã hội không mất gì. Người dị tính không mất gì hết. Và thực tế, với quy định hiện nay, nhiều người đã là nạn nhân của những cuộc hôn nhân giả tạo. Quyền mưu cầu hạnh phúc của họ đã không được đáp ứng.” – Bà mẹ này nói.
Người mẹ này cũng cho hay, có người sợ, cho phép hôn nhân đồng giới sẽ khiến nhiều người khác bị lôi kéo trở thành người đồng tính.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ (Khoa Pháp luật dân sự – Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, Luật bỏ quy định cấm bằng “không thừa nhận” là phù hợp với xã hội hiện nay.
Theo lý giải của tiến sĩ Cừ, Việt Nam là nước châu Á nên có nền văn hóa Á Đông. Quan niệm về kết hôn nam nữ, sinh con duy trì nòi giống đã ăn sâu vào tiềm thức. Sở dĩ chúng ta không thấy nặng nề trước vấn đề quan hệ đồng giới vì ở thành thị, nhận thức của người dân tốt hơn.
“Nhưng ở nông thôn, tối ước tính vẫn hơn 80% người dân chưa nhận thức được về vấn đề này. Vẫn còn số đông người Việt không dễ chấp nhận cho phép kết hôn đồng giới.” – Tiến sĩ Cừ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ khẳng định: “Pháp luật chỉ không cho phép duy nhất một điều là đăng ký kết hôn. Có ai cấm người đồng tính tổ chức đám cưới đâu”
Tại Hội nghị, vấn đề mang thai hộ và độ tuổi kết hôn cũng được đề cập đến. Theo đó, Về vấn đề mang thai hộ, đa số các ý kiến đều đồng ý rằng, đây là việc làm mang tính nhân đạo nên có quy định cụ thể trong luật. Việc này sẽ giúp những gia đình hiếm muộn, những bà mẹ không thể có con có được hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, luật phải quy định cụ thể điều kiện và trách nhiềm của các bên.
Còn về độ tuổi kết hôn, nhiều ý kiến cho rằng, luật nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như hiện nay. Bởi quan niệm trai 20, gái 18 đã trở thành một thói quen với người Việt. Quy định này đã ăn sâu vào tiềm thức và không làm hạn chế nào về sự phát triển xã hội.
Bùi Ngà
Theo_VnMedia
5 trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8
Diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, Hội nghị Trung ương 8 sẽ thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đổi mới giáo dục... và một số vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XI.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc hoàn thành tốt chương trình Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015, tiến hành thành công đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và khởi đầu cho quá trình chuẩn bị Đại hội XII của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số nội dung mang tính gợi mở cho Trung ương thảo luận các vấn đề trên.
Đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội
Để thống nhất nhìn nhận bức tranh thực về kinh tế-xã hội năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương làm rõ các vấn đề: Sự ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng lạm phát tăng cao trở lại; tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại; kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...
Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương bám sát Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội cuối năm 2012 và thực tiễn của đất nước, của bộ, ngành, địa phương nơi công tác, phân tích kỹ tình hình, chỉ rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013.
Đối với việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển kinh tế-xã hội (2011-2013), cần tập trung đánh giá sự cần thiết, đúng đắn, kịp thời của việc các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ngay sau Đại hội XI đã quyết định chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ phát triển nhanh sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã đem lại kết quả như thế nào, có gì cần rút kinh nghiệm; việc thực hiện các mục tiêu Đại hội XI đặt ra đạt được ở mức nào, có vấn đề gì mới nảy sinh, xu hướng phát triển trong nửa nhiệm kỳ còn lại...
Từ đó, chỉ rõ những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
Phải thống nhất cao về đổi mới giáo dục
Dự kiến tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thông qua Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Tổng Bí thư cho rằng "phải tạo được sự thống nhất cao, ban hành được một Nghị quyết Trung ương xứng tầm để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực luôn được coi là quốc sách hàng đầu này".
Tổng kết Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Theo Tổng Bí thư, việc Hội nghị lần này tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hết sức cần thiết, để thấy rõ những diễn biến phức tạp khó lường và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới, kịp thời điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trung ương cần tập trung làm rõ những thuận lợi, cơ hội cần nắm bắt, những khó khăn thách thức phải vượt qua để "trong mọi tình huống đều bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Thảo luận kỹ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Trước Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại các Hội nghị lần thứ 2, thứ 5 và thứ 7.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào từng chương, điều và toàn văn Dự thảo. Tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề còn có phương án lựa chọn khác nhau, tạo sự thống nhất cao
Thông qua Quy chế bầu cử trong Đảng
Về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị lần này sẽ xem xét, quyết định việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng tập trung vào các vấn đề: Phạm vi điều chỉnh của Quy chế; việc ứng cử, đề cử, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; thủ tục ứng cử, đề cử, bao gồm điều kiện để được đưa vào danh sách bầu cử, số dư trong danh sách bầu cử và dự kiến trước việc phân công nhiệm vụ sau khi trúng cử...
Đồng thời, Trung ương cũng sẽ quyết định việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XII của Đảng. Theo đó, dự kiến thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế-Xã hội; Tiếu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự; và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các Tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kinh tế-Xã hội, Báo cáo Tổng kết về việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện các Báo cáo, Đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo_VnMedia
Cấm dùng nhà ở để làm... nhà nghỉ! Theo dự thảo luật nhà ở sửa đổi vừa được công bố, không được sửa dụng nhà ở vào để kinh doanh vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, dịch vụ karaoke... Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần thứ 4 vừa được công bố đã bổ sung phạm vi điều chỉnh của nhà ở trong Luật này bao gồm nhà ở riêng...