Nóng: Bộ Văn Hoá yêu cầu kiểm tra quy trình cấp phép, ekip Vợ Ba nói gì?
Tối 20/5, thông tin dự án điện ảnh Vợ Ba bị dừng chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc để khiến khán giả vô cùng hoang mang vì có người đã mua vé.
Vào ngày 20/5, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chỉ đạo kiểm tra lại quy trình cấp phép phim Vợ Ba. Theo Bộ, phim sẽ bị yêu cầu ngừng chiếu trên toàn quốc từ 18h cùng ngày. Dưới đây là hình ảnh của văn bản gửi Cục Điện ảnh yêu cầu kiểm tra lại quy trình cấp phép và kiểm duyệt bộ phim tham mưu lãnh đạo bộ phương án xử lý, đồng thời yêu cầu cục có báo cáo đến bộ trước ngày 24/5.
(Ảnh: Zing)
Trước thông tin này, một số khán giả cho rằng thông báo này được đưa ra quá sát giờ chiếu, nhiều người trong số họ đã mua vé trước để thưởng thức bộ phim. Liên hệ với ekip sản xuất của Vợ Ba, chúng tôi ghi nhận thông tin “Cả ekip lẫn nhà phát hành đều xác nhận vẫn chưa nhận được thông báo gì từ Bộ, đây chỉ là thao tác kiểm tra quy trình cấp phép”.
Trailer “Vợ Ba”
Vợ Ba là dự án điện ảnh được dán nhãn C18, tuy nhiên lại gây tranh cãi trong dư luận vì diễn viên trực tiếp đóng cảnh nóng mới chỉ 13 tuổi. Nhiều ý kiến cho rằng nhà làm phim vi phạm pháp luật khi cho diễn viên ở độ tuổi thiếu nhi trực tiếp đóng cảnh quan hệ giường chiếu. Trước đó, một số luật sư cũng đã đưa ra những ý kiến dựa trên góc độ pháp luật về tình huống hy hữu của điện ảnh Việt Nam này.
Tính đến thời điểm 20h tối ngày 20/05/2019, Vợ Ba vẫn đang và tiếp tục được chiếu tại các cụm rạp của CGV. Đơn vị phát hành này cho hay, họ sẽ gửi tới khán giả thông báo khi có thông tin chính thức.
Theo trí thức trẻ
Xem xong VỢ BA: VJ Thuỳ Minh bật khóc nhiều lần, Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khen nữ đạo diễn dũng cảm và quyết liệt
Sau những suất chiếu đầu tiên, Vợ Ba liên tục nhận được đánh giá và cảm nhận từ cả khán giả lẫn giới chuyên môn yêu điện ảnh
Vợ Ba ra mắt khán giả Việt cùng với khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Những cuộc tranh cãi xoay quanh việc phân cảnh nhạy cảm, của nhân vật Mây (Trà My) có thực sự cần thiết cho Người Vợ Ba nói riêng, và sự phát triển của điện ảnh nói chung hay không? Dưới đây là những cảm nhận trên mạng xã hội từ những nhân vật uy tín và yêu điện ảnh.
Nhà báo - Vj Thùy Minh: "Xem phim tôi bật khóc nhiều lần vì thương cảm"
Nhà báo và VJ Thùy Minh nhận định rằng yếu tố quan trọng nhất của Vợ Ba ở chỗ phim truyền đi một thông điệp đầy cảm xúc, lẫn thương cảm. Vợ Ba mang lại nhiều trải nghiệm cho người xem bằng cách kể chuyện đa dạng không chỉ qua hình ảnh mà còn qua âm nhạc.
Vj Thùy Minh
Nguyễn văn đoạn chia sẻ của VJ Thùy Minh:
Mình nghĩ là chúng ta rất nên đi xem phim Vợ Ba, vì đây là bộ phim Art House đầu tay của một đạo diễn gốc Việt, nhưng có sự đầu tư chỉn chu kỹ lưỡng từng đường nét, từng nốt nhạc đến casting từng diễn viên. Chưa kể, phim có sự tham gia cố vấn của đạo diễn Trần Anh Hùng và chị Trần Nữ Yên Khê đóng một vai chính. Cũng là phim đoạt giải phim Châu Á hay nhất ở LHP quốc tế Toronto.
Khi xem mình khóc rất nhiều. Quay sang thấy anh nhà mình cũng sụt sịt. Vì phim chứa quá nhiều xúc cảm lẫn thương cảm. Cách kể chuyện không bằng chuyện mà bằng hình, bằng nhạc, nên chỉ có thể hiểu bằng cách cảm!
P/S: Sao mình ghét mấy bài báo lá cải cứ đay nghiến chuyện diễn viên nữ chính em Trà Mi mới 13 tuổi mà đóng vai này thế chứ!!! Mình nghĩ nếu thực sự mọi người quan tâm đến em ấy và các lọai quyền trẻ em, thì đừng chì chiết đoàn làm phim nữa, vì phim đang chiếu ngoài rạp rồi. Nếu là khán giả xem phim thực sự, bạn sẽ thấy phim là phim. Và bộ phim này mang bạn đến một cõi mênh mang buồn lơ lửng nhưng là thứ cảm xúc không thể thiếu, trong việc bạn trở thành ai ngày hôm nay. Mình cám ơn vì lâu lắm sau Vĩnh Cửu, mới có một bộ phim làm mình thương chính mình!
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch: "Cảnh nóng không gợi vọng dục, đa số những người lên án đều chưa xem"
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch
Ở một góc nhìn khác, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch nhận xét cụ thể về cảnh nóng của diễn viên Trà My, anh cho biết: "Tôi cảm thấy cảnh đó đẹp, không gợi vọng dục và không hề lộ liễu. Vốn dĩ có khả năng dùng diễn viên đóng thế, nhưng các cảnh quay cận vẫn phải sử dụng diễn viên thật để lấy cảm xúc thôi. Tôi thấy đa số những người lên án phim đều chưa hề xem qua nội dung. Chủ yếu đều bị ám ảnh bởi con số 13, tuổi của cô bé diễn viên mà thôi. Tôi thấy nhiều người thậm chí còn lo lắng cho sự phát triển của cô bé diễn viên nhí, nhưng tại sao phải ngồi đoán trong khi không tự tìm đọc những bài phỏng vấn cô bé? Cô bé vẫn nói rằng mình được bảo vệ kỹ càng khi quay phim cơ mà?".
Nguyên văn chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch:
Những ẩn uất đàn bà đầy tính vọng dục trong "Vợ Ba"
" - Khi anh ấy vào trong em, em chỉ thấy đau thôi.
- Em phải giả vờ là thích. Thì anh ấy mới thích được."
Hai câu thoại này trong phim "Vợ Ba", ám ảnh suốt cả phim, ứng lên từng người đàn bà trong đó khi mà cả cuộc đời của họ đều là những giả vờ rằng mình đang hạnh phúc.
Nếu có một bộ phim mà bỏ lỡ qua cơ hội để xem và hiểu nó, cảm nó, thấy nó đẹp đẽ đến dường này thì sẽ hối tiếc trong rất nhiều năm, thì Vợ Ba chắc chắn là một bộ phim như vậy.
Phim là câu chuyện của một đứa trẻ trong độ trên dưới 15 tuổi, được gả vào nhà một cường phú để làm vợ ba, mục đích duy nhất là sinh thêm con trai nối dõi.
Câu chuyện này rất quen trong nhiều tác phẩm văn học lẫn điện ảnh khác, nhưng nếu lầm tưởng phim nói về những đấu đá đàn bà tranh sủng hạnh, bằng mưu mô nham hiểm như những bộ phim khác từng làm, sẽ lầm to và đánh giá thấp phim.
Phim trần thuật về bản ngã đàn bà, về sự phát triển của một đứa trẻ trong hành trình khám phá tính vọng dục trong mình. Với sự dẫn dắt của những người đàn bà từng trải khác.
Đó là cái hay và xuất sắc của phim này.
Hình ảnh trong phim đẹp đến nao lòng, sự duy mỹ được đặt lên cao nhất khi từng khung hình đều mang một ý ẩn dụ nào đó. Sẽ phân tích một vài phân cảnh để mọi người hiểu hơn và khi ra rạp sẽ thấy rằng bộ phim này tuyệt vời đến mức nào.
Khi nói về nhục cảm đàn bà. Xuân (Người vợ hai) nói với Mây (Vợ ba) rằng chị Hà (Vợ cả) thích mạnh bạo, bây giờ chồng làm thật mạnh mới thấy thỏa mãn. Chị Hà nhìn hai người, vừa cười vừa nói rằng "Hai em sinh con đi rồi sẽ như vậy."
Sau cảnh đó, bà Hà đặt một chiếc vòng đeo tay xuống bàn, lồng vào trong một chiếc vòng lớn hơn đang đặt sẵn trên bàn. Hai hình ảnh vòng tròn, một to, một nhỏ lồng trong nhau. Hình tượng hóa cho sự giãn nỡ của đàn bà, là một ẩn dụ điện ảnh rất đáng ngưỡng mộ.
Hay một hình ảnh khác thường xuyên được nhắc tới, là con tằm nhả tơ. Tượng trưng cho kiếp đàn bà trong căn nhà này hay rộng hơn là xã hội cũ, cả đời chỉ lẩn quẩn trong cái kén, phun hết tơ thì hết một vòng đời.
Giống đực xuất hiện trong phim rất mờ nhạt, chỉ với hai vai trò, một là truyền nọc, hai là trừng phạt. Thể hiện cho quyền lực của đực tính là chiếc tẩu ngặm trên môi ông chủ nhà. Trong một cảnh làm tình của ông chủ và mợ hai Xuân, ông chủ vẫn ngậm trong miệng ống tẩu, còn cô Xuân thì đang ngồi bên trên và quay lưng lại phía ông.
Trời ơi, cái hình ảnh làm tình đẹp và hàm chứa ý nghĩa cỡ như vậy đã có trong phim này. Và coi thêm một đoạn nữa, mọi người sẽ hiểu vì sao cô Xuân lại quay lưng khi làm tình.
Dĩ nhiên phim còn một vài chỗ chưa hợp lý, nhưng trên hết, tinh thần của phim thật sự tuyệt vời. Và rất lâu rồi, sau "Áo lụa Hà Đông", mình mới coi được một bộ phim vừa duy mỹ và giàu cảm xúc đến như vậy.
Và mình rất hi vọng rằng mọi người hãy dành thời gian coi bộ phim này, nếu một lần chưa thể cảm hết, hãy coi thêm lần nữa, để thấy được cái đẹp của phim.
Một bộ phim chỉ hay khi bạn cảm được những ẩn uất đàn bà trong đó... Đặt trong bối cảnh của phim, khi trong thời điểm xã hội mà tính vọng dục của đàn bà bị kìm nén đến cùng cực, thì cách mà mỗi nhân vật đàn bà trong này chọn hướng đi cho cuộc đời họ, đều là một câu chuyện mà người xem phải suy nghĩ về nó.
Thật sự là một bộ phim về bản ngã đàn bà đẹp đến nao lòng.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: "Đạo diễn thực sự dũng cảm và quyết liệt"
Người cầm trịch cho những tác phẩm điện ảnh Việt như Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Em Là Bà Nội Của Anh lại đưa ra một ý kiến khác. Anh cho rằng nhà sản xuất, đạo diễn của phim đã thực sự dũng cảm khi dám mang Vợ Ba về Việt Nam công chiếu. Thực tế đã chứng minh lời vị đạo diễn này tiên đoán. Phim nhận được vô số chỉ trích từ xã hội khi chưa chiếu và mọi người không hiểu nội dung.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (còn gọi Phan Xine)
Bài đăng chia sẻ của anh Phan Xine:
Trong vòng vài năm trở lại đây, nhiều bạn đạo diễn trẻ đã tìm kiếm một tiếng nói riêng cho tác phẩm đầu tay. Có người thành công, có người thất bại, nhưng với mình, đó là một tín hiệu vui.
Vợ Ba là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Ash Mayfair Nguyễn Phương Anh. Có thể thấy rõ dấu ấn cá nhân của Ash trong bộ phim này, trong cách kể chuyện lược bỏ hết "tính truyện", một cách rất quyết liệt. Câu chuyện bắt đầu khi cô bé Mây được gả vào một gia đình giàu có làm vợ lẻ, và khi gặp hai người vợ trước cũng như những người ở trong gia đình, cô bé bắt đầu khám phá thế giới của người lớn và trưởng thành. Không xoáy sâu vào kịch tính lâm ly rất dễ có với kiểu câu chuyện này, đạo diễn bằng sự bình tĩnh có phần lạnh lùng đã trình bày cho người xem một hành trình trưởng thành của Mây.
Không thể không phủ nhận sự ảnh hưởng của Trần Anh Hùng trong bộ phim này, nhưng mặt khác, mình thấy Phương Anh cực kỳ dũng cảm và quyết liệt trong việc bảo vệ quan điểm làm phim của riêng cô, tạo nên một sắc nét rất mạnh cho bộ phim. Mình nghĩ Phương Anh cũng phải rất dũng cảm để đi đến tận cùng với bộ phim này, không thoả hiệp, không bị phân vân trong con đường mà Phương Anh đã lựa chọn.
Cô bé Trà My trong phim thật sự là một khám phá mới mẻ và tuyệt vời. Ánh mắt to tròn hun hút của Trà My luôn kéo mình đi theo nhịp điệu của phim. Một phong cách diễn xuất nhẹ nhàng, tinh tế, thoải mái mà vẫn dữ dội hiếm thấy kể cả ở các diễn viên gạo cội của Việt Nam.
Không chỉ có Trà My, cô bé Tuyết trong phim, trong vai cô bé được gả cho con trai ông chủ, cũng là một diễn viên ấn tượng, mà cảnh phim của cô bé với nghệ sĩ Trung Anh trong vai bố của em thật sự làm mình nổi gai ốc xúc động bởi diễn xuất tuyệt vời của cả hai, dẫu chỉ là một tích tắc ngắn ngủi.
Số phận của những phim nghệ thuật của Việt Nam thường đem đến nhiều nỗi buồn khi chiếu ở Việt Nam, bởi nhiều lý do khác nhau mà nếu kể ra chỉ làm cho bản thân mình vừa trở nên bi quan, buồn bã và cay đắng, nên thôi mình cũng chẳng nói thêm làm gì. Mình chỉ biết cám ơn nhà sản xuất và nhà phát hành của phim đã dũng cảm chiếu bộ phim này ở Việt Nam để mình có cơ hội được xem nó trên màn ảnh rộng, chứ mình nghĩ, nhiều khi lẽ ra họ cũng đừng đem về chiếu làm gì vì chẳng đem đến niềm vui nào cho người làm ra bộ phim ấy đâu, và nói ra nghe cay đắng chứ nhiều khi khán giả Việt Nam chỉ xứng đáng để xem những bộ phim mà hẳn bạn cũng đoán là mình nói phim nào rồi đó.
Nhà báo, nhà phê bình Lê Hồng Lâm: "Một phim khó xem và gây chia rẽ nhưng đáng xem"
Nhà báo Lê Hồng Lâm.
Nhà văn - nhà báo Lê Hồng Lâm lại nhận định rằng Vợ Ba có thể tạo cảm giác còn "xa lạ" hơn cho khán giả đã từng xem những tác phẩm trước của đạo diễn Trần Anh Hùng. Nhà báo Lê Hồng Lâm chia sẻ rằng phim có thể sẽ gây chia rẽ, nhưng nó vẫn thực sự là một phim đáng xem ở rạp chiếu. Là khán giả, chúng ta nên để sự xa lạ kích thích để tìm tới những trải nghiệm mới.
"VỚI ĐIỆN ẢNH, SỰ XA LẠ CŨNG LÀ MỘT CẢM GIÁC RẤT KÍCH THÍCH NGƯỜI XEM"
Năm 2003, khi lần đầu tiên phỏng vấn đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi có đặt một câu hỏi như sau:
"Nhiều người cho rằng thực ra ở cả ba bộ phim về Việt Nam của anh đều áp dụng một phương pháp tiếp cận thực dân về đề tài Việt Nam - tức làm theo cách cảm nhận và phục vụ cho thị hiếu của khán giả phương Tây. Còn nhiều khán giả Việt Nam lại khá xa lạ khi xem các bộ phim của anh?"
Anh Hùng đã trả lời (nguyên văn) rằng:
"Thực ra, mục đích trước tiên khi làm phim là phục vụ cho cảm giác của chính tôi và trách nhiệm lớn nhất đối với tôi là tìm ra ngôn ngữ điện ảnh phù hợp với bộ phim đó nên tôi không quan tâm nhiều đến việc phục vụ ai hay phục vụ cái gì. Còn nếu nói về sự xa lạ khi xem ba bộ phim này thì tôi có thể chắc chắn là người nước ngoài họ có cảm giác xa lạ hơn người Việt Nam nhiều. Tuy nhiên, với điện ảnh, sự xa lạ đôi khi cung là một cảm giác rất kích thích người xem."
Sở dĩ phải dẫn lại điều này là bởi khi xem Vợ ba (The Third Wife) của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) với sự cố vấn nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi cũng bắt gặp cái cảm giác xa lạ đó, thấy những hình ảnh trên phim không điển hình hay đặc trưng cho văn hóa Việt Nam. Nhưng ở một mặt khác, những hình ảnh đó lại khá hấp dẫn tôi xem đến những giây cuối cùng, khi generique đã hết và đèn đã bật sáng. Nếu câu chuyện, kịch bản và nhân vật dường như khó chạm vào cảm xúc thì những hình ảnh của bộ phim lại đọng lại khá lâu .
Tôi nghĩ bộ phim này có thể còn gây nên cảm giác "xa lạ" hơn cả ba bộ phim của Trần Anh Hùng và phần nào đó lại khiến tôi nghĩ đến bộ phim Vĩnh cửu, một bộ phim mà tôi không thích của anh - nhưng đây là một tác phẩm đúng chất "art-house" nhất của điện ảnh Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây. Và ở góc độ đạo diễn, đây có lẽ là một tác phẩm chắc tay, đem lại thứ ngôn ngữ điện ảnh "authentic" của một đạo diễn có nghề ngay ở bộ phim đầu tay.
Cho dù hơi khó xem và có thể gây chia rẽ, đây thực sự là một bộ phim đáng xem ở rạp chiếu. Hãy cứ để sự xa lạ kích thích bạn như anh Hùng nói thử xem.
Biên kịch Trịnh Quang Minh: "Mạnh mẽ, đầy bi ai và ám ảnh"
Biên kịch Trịnh Quang Minh, cũng là một khán giả của Vợ Ba, anh đồng thời còn là một "bạn học" với chính đạo diễn Ash Mayfair tại khóa học Gặp Gỡ Mùa Thu, lại nhận xét về phim với một góc nhìn chuyên môn hơn. Anh cho rằng khả năng chọn lựa khung hình và điều khiển âm nhạc của Vợ Ba là "mạnh mẽ, đầy bi ai và ám ảnh".
Lời chia sẻ của biên kịch Trịnh Quang Minh:
Mình gặp Ash Mayfair tại GGMT mùa thứ 3 trong lớp đạo diễn của thầy Trần Anh Hùng. Điều làm mình chú ý tới Ash chính là việc chị chả mấy khi đồng ý với điều mà thầy Hùng nói, khác với mình lúc đó, đa phần là cảm thấy ngơ ngác và hoang mang khi nghe những định nghĩa về cái đẹp hay điện ảnh của Trần Anh Hùng. Ash đã pitch ý tưởng Vợ Ba, ban đầu, về mặt câu chuyện, ai cũng nghĩ nó giông giống Đèn Lồng Đỏ Treo Cao, nhưng Ash đã nhấn mạnh rằng Vợ Ba không chỉ có vậy, mà nó sẽ rất gợi cảm và đàn bà. Và Ash làm được điều mình nói, Vợ Ba gạt bỏ cái cảm giác đây là một Đèn Lồng Đỏ Treo Cao Việt Nam, đây là Vợ Ba, một bộ phim Việt Nam và được đạo diễn bởi Ash Mayfair.
Ash đã nói với đạo diễn hình ảnh Chananun Chotrungroj rằng chị muốn mỗi khung hình trong phim đều giống như một bức tranh màu nước. Và ở mặt hình ảnh, Vợ Ba đã chạm tới cái đẹp của điện ảnh. Những khung hình đầy nhục cảm khi miêu tả đời sống tình vọng dục của Mây hay những khoảnh khắc đầy chất thơ khi miêu tả lại hình ảnh của người phụ nữ, gia đình Việt Nam của thời kỳ trước. Có thể thấy đâu đó, hình bóng của Trần Anh Hùng trong Vợ Ba, ở cái dáng nằm hay nghiêng đầu của nhân vật. Nhưng cảm giác thì hoàn toàn khác vì Vợ Ba có phần đàn bà, mạnh mẽ và lạnh lùng hơn.
Cách kể chuyện trong người Vợ Ba cũng khá đặc biệt, không đi theo mô-típ thông thường khi nhân vật phải có mục đích nhất định hay phải học được một bài học gì đó. Tất cả mọi thứ đều chỉ nằm ở cái ngưỡng của sự gợi mở. Trong buổi nói chuyện với Ash, chị luôn nhấn mạnh việc tìm ra một giọng nói, cách kể cho mỗi câu chuyện cụ thể. Câu chuyện của Vợ Ba không mới, chuyện phụ nữ Việt Nam khổ không mới, chuyện áp lực sinh con trai trong xã hội Việt Nam không có gì lạ lẫm, cho nên chọn lựa chỉ tạo sự gợi mở, đi sâu vào cảm giác của Vợ Ba là một sự liều lĩnh nhưng cũng khá dũng cảm đối với Ash Mayfair. Ngay từ khi người xem thấy Mây ngồi trên con thuyền về nhà chồng, sâu trong mắt cô bé, không có hiện diện của vui mừng hay sợ hãi, có chăng, chỉ là cảm giác của tò mò và khơi gợi.
Dựng phim và âm nhạc trong phim tạo ra một ấn tượng mạnh đối với mình, cả tốt lẫn xấu. Mình khá ngạc nhiên khi Vợ Ba không hề sử dụng nhạc nhiều, nhưng mỗi lần nghe được nhạc, nó rất mạnh mẽ, đầy bi ai và ám ảnh. Sau bản phim này thì mình càng tò mò hơn với bản đen trắng của Vợ Ba vì đây là phim câm, thứ bạn nghe được chỉ có là ambient sound và nhạc phim. Như đã nói ở trên, Vợ Ba chọn cách lược bỏ câu chuyện và đi sâu vào cảm giác cho nên dựng phim sẽ giống như một người chơi xếp hình, tìm những mảnh ghép bị thiếu một cách ngẫu hứng. Hình ảnh ẩn dụ là một trong những yếu tố được sử dụng trong Vợ Ba, nhưng rất tiếc, nó bị dùng quá nhiều và không đắt, khiến mình bị lờn và không còn mấy cảm giác khi phim kết thúc.
Vợ Ba cũng có công phát hiện ra Nguyễn Phương Trà My, một gương mặt điện ảnh xuất sắc. Một cái đưa mắt của My còn chứa đựng nhiều cảm xúc hơn cả hàng chục câu thoại. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy đây là một vai diễn có phần quá sức với My vì sự phức tạp trong tâm lý của nhân vật, nhưng ở tuổi em, đây là một sự thành tựu đáng ngưỡng mộ. Bên cạnh đó, nhân vật vợ cả của Trần Nữ Yên Khê lại là nhân vật làm mình chú ý nhất vì nhân vật này tạo ra một sự héo hắt nhưng lại xen lẫn sự đằm thắm và toan tính, và cả phim, hầu như chúng ta không thể đoán được bà là một người thế nào.
Với mình, Vợ ba là một bộ phim không hề khó hiểu, vì mình thấy phụ nữ ở ngoài phức tạp hơn nhiều. Còn đây là có là một phim kén khán giả hay không, cũng có thể, nhưng mình nghĩ mọi người đừng tự giới hạn bản thân, hãy thử và có lẽ Vợ Ba sẽ không làm bạn thất vọng. Dù không đúng gu của mình lắm, hihi.
Nhìn chung, song song với việc một bộ phận lớn công chúng vẫn đang e dè trước Vợ Ba và những thông tin nhiễu loạn xung quanh "cảnh nóng" của phim, vẫn có những người với đầu óc thoáng, một tư tưởng cởi mở với những cái mới đã sẵn sàng ra rạp và nhận định về phim. Góp nhặt những nhận định đó, chúng ta có thể rút ra cho mình rằng Vợ Ba vẫn đáng xem vì những trải nghiệm, cảm xúc phim mang lại vẫn khá mới lạ so với những sản phẩm điện ảnh Việt từ trước tới nay.
Vợ Ba ra mắt chính thức rạp Việt từ ngày 17/05/2019.
Trailer "Vợ Ba"
Theo trí thức trẻ
Luật sư lên tiếng về cảnh nóng của Vợ Ba: "Trong bối cảnh nạn ấu dâm như hiện nay, nhà làm phim có nhiều cách khác" Giữa diễn biến đầy căng thẳng cùng hàng loạt những luồng ý kiến tranh cãi xoay quanh cảnh nóng của Trà My trong Vợ Ba, các luật sư đã bày tỏ quan điểm của mình khi đứng trên lập trường về mặt pháp luật. Trước cả khi dự án điện ảnh Vợ Ba được công chiếu, cảnh nóng của nữ chính Nguyễn Phương...