Nơm nớp với thực phẩm bẩn ‘phù phép’ thành sạch
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm dường như đang có vấn đề, dẫn tới thực phẩm bẩn vẫn có cửa trà trộn vào trong các bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Kết quả, những doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng, người tiêu dùng phải sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tại Diễn đàn Kết nối thực phẩm an toàn với các bếp ăn tập thể vừa được tổ chức, vấn đề truy xuất nguồn gốc được nhiều doanh nghiệp, cơ quan quản lý đặt ra.
Là một đơn vị chủ lực cung cấp thực phẩm trên địa bàn Hà Nội từ năm 2016, Công ty Cổ phần Y dược – Thực phẩm Nam Hà Nội chủ yếu cung cấp thịt lợn vào hệ thống siêu thị và các bếp ăn trường học. Tuy nhiên, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn nhưng đối các doanh nghiệp sản xuất bài bản, chuyên nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Có hiện tượng ‘phù phép’?
“ Xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với các hộ nhỏ lẻ hiện đang sản xuất theo hướng “phi tiêu chuẩn”, ông Dũng nêu vấn đề.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Dũng, các doanh nghiệp đầu tư bài bản từ hệ thống làm mát, kho lạnh, xe đông lạnh thì chi phí bán ra sẽ cao hơn so với thực phẩm mà những xe máy chở heo mảnh trần từ khu giết mổ tới điểm bán không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng không đảm bảo văn minh đô thị nhưng giá thành thì rất rẻ.
Theo đại diện Công ty Y dược – Thực phẩm Nam Hà Nội, giá rẻ ở đây không phải là phương thức sản xuất mà vì không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, hiện nay đang bị lẫn lộn giữa thực phẩm truy xuất nguồn gốc (thực phẩm sạch) với thực phẩm phi tiêu chuẩn để đưa vào các bếp ăn, trường học.
“Có bếp ăn ký với chúng tôi về mặt nguyên tắc một ngày tiêu thụ 500kg thịt nhưng lấy của chúng tôi 100kg, còn 400kg thì lấy nguồn khác, dẫn tới các doanh nghiệp đầu tư bài bản rất khó khăn”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân là do công tác kiểm tra còn để lọt hoặc “phù phép”. Theo đó, ông Dũng đề xuất các cơ quan cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, tăng chế tài xử phạt đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó lấy lại công bằng cho những doanh nghiệp sản xuất bài bản, theo tiêu chuẩn.
Không chỉ bếp ăn tập thể hay trường học, báo chí cũng vừa phản ánh về việc Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng bán rau sạch dởm gắn tiêu chuẩn VietGAP vào WinMart, Tiki ngon. Ngay sau thông tin trên, WinCommerce (Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart ), cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và đang tiến hành xác minh vụ việc.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của phóng viên Vnbusiness liên quan đến vụ việc này, đại diện của WinCommerce cho biết: Đối với Công ty Trình Nhi, chúng tôi xác nhận đây là một trong những nhà cung cấp nhỏ, cung ứng hàng rau với lượng hàng hóa chỉ chiếm 0,19% tổng sản lượng rau của toàn bộ hệ thống bán lẻ của WinCommerce.
Theo đó, WinCommerce đã ngay lập tức ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hoá của Trình Nhi ra khỏi quầy kệ, đồng thời yêu cầu Trình Nhi nhanh chóng giải trình các thông tin liên quan đến phản ánh của Báo chí về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm mà Trình Nhi cung cấp.
Bên cạnh đó, WinCommerce cũng đã tiến hành ngay việc rà soát, đánh giá, xử lý các vi phạm của Nhà cung cấp theo quy định của Hợp đồng và quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bao gồm nhưng không giới hạn việc thực hiện các biện pháp pháp lý, khởi kiện Nhà cung cấp để đảm bảo quyền lợi của WinCommerce và quyền lợi của người tiêu dùng theo đúng quy định pháp luật.
“Với trách nhiệm của chuỗi bán lẻ cung ứng hàng hóa, chúng tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm liên quan. Từ đó, kiện toàn lại quy trình, tiến hành rà soát lại toàn bộ các Nhà cung cấp rau củ quả cũng như các Nhà cung cấp khác, tăng cường, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm, tránh để xảy ra các sự việc tương tự”, đại diện WinCommerce cho biết.
Mặc dù thông tin trên đang tiếp tục được điều tra, xác minh làm rõ đúng sai, nhưng người tiêu dùng chắc chắn không khỏi băn khoăn về chất lượng hàng hóa đang được kiểm soát ra sao khi vào hệ thống siêu thị. Người dùng không thể trả tiền để sử dụng sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng kết quả là hàng kém chất lượng… Ai là người chịu trách nhiệm, nếu như thực tế hàng trong siêu thị không đạt chất lượng như cam kết?
Truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiêu thụ
Mặt khác, theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, người tiêu dùng cần phát huy quyền được biết xuất xứ thực phẩm mình sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng hiện nay lại có thói quen dễ dãi, cứ tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, mà không quan tâm xuất xứ. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi thói quen lựa chọn, tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó buộc người sản xuất cũng phải thay đổi theo.
Theo bà Khanh, tỉnh Long An đã đẩy mạnh sản xuất nông sản an toàn từ năm 2014 và có chương trình hỗ trợ cho đơn vị sản xuất. Nguồn hàng này không chỉ phục cho tỉnh, mà còn là thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được trên 20 chuỗi sản xuất an toàn, gồm cả rau, củ, quả và thịt, cá. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40% sản phẩm sản xuất an toàn tiêu thụ đúng kênh, còn lại là tiêu thụ đại trà.
Tỉnh Long An rất mong muốn đưa nguồn thực phẩm an toàn vào các bếp ăn tập thể, các trường học. Theo đó, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tỉnh có sự phối hợp rất chặt chẽ, đã mời các nhà cung ứng trong chuỗi thực phẩm an toàn để giới thiệu cho các doanh nghiệp, trường học.
Khi xây dựng được các chuỗi sản xuất an toàn, Sở NN&PTNT tỉnh Long An luôn có công văn gửi ngành giáo dục giới thiệu với các trường để đưa vào bếp ăn cho học sinh. Tuy nhiên, theo bà Phương Khanh, hiện nay, phần lớn suất ăn ở các trường học, doanh nghiệp là dưới 30.000 đồng, phổ biến chỉ từ 25.000 – 27.000 đồng/suất. Vì vậy, cũng rất khó đòi hỏi nguồn thực phẩm vừa rẻ vừa an toàn được.
Chia sẻ thêm về vấn đề các mô hình sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ hiện nay, đại diện doanh nghiệp cho biết, nhiều sản phẩm có giá rẻ là do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó làm lẫn lộn thực phẩm truy xuất nguồn gốc, thực phẩm sạch với thực phẩm được sản xuất phi tiêu chuẩn, không tuân theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm do yếu tố giá rẻ luôn hấp dẫn người tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, cần phải xác định mọi sản ph ẩm thực phẩm khi đưa vào trường học hay các khu công nghiệp đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc. Đó là điều kiện tiên quyết để phục vụ nhu cầu cho thị trường nội địa.
“Tuy nhiên, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiện nay chưa được thực thi một cách đầy đủ, toàn diện. Do vậy, cần nêu cao trách nhiệm giám sát của hội phụ huynh trong môi trường trường học, của ban quản lý trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Toản nói.
Nhật Linh
Nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể tiếp tục tăng
Thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến sản xuất gạo của Trung Quốc và Ấn Độ, lũ lụt và mưa lớn ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển gạo của Thái Lan, do đó, nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể tiếp tục tăng.
Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ giữ vững quanh mức cao nhất trong hơn một năm trong tuần này, do nhu cầu từ nước láng giềng Bangladesh vẫn mạnh. Trong khi đó, lo ngại về nguồn cung và nhu cầu lên cao đã giúp tăng giá gạo Thái Lan.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không thay đổi so với tuần trước, ở mức 379 - 387 USD/tấn. Nhu cầu mạnh mẽ từ Bangladesh đã củng cố giá gạo Ấn Độ trong những tuần gần đây, khi Chính phủ Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tích trữ dự trữ và hạ nhiệt giá cao trong nước.
Một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này đã đưa ra quyết định cuối về nhập khẩu 530.000 tấn gạo từ Ấn Độ, Việt Nam và Myanmar theo các thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ. Bangladesh cũng đang đàm phán để mua thêm.
Đáng chú ý, Ấn Độ đang xem xét có nên hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm hay không, sau khi diện tích trồng lúa tại nước này suy giảm do lượng mưa ít. Giới quan sát lo ngại quyết định đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 416 - 420 USD/tấn, từ 415- 416 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân tại Bangkok cho hay nhu cầu nội địa cho gạo Thái Lan vẫn rất lớn, trong khi một đơn hàng cho Iraq vẫn được hoàn thành từng bước.
Tuy nhiên, một thương nhân khác cho biết đã có một số vấn đề về nguồn cung và vận chuyển do lũ lụt và mưa lớn.
Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 390-393 USD/tấn, không đổi so với hai tuần trước do các thị trường đóng cửa vào tuần trước cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm, do điều kiện thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến sản xuất gạo của Trung Quốc và Ấn Độ.
Thị trường nông sản Mỹ
Sản phẩm đậu tương thu hoạch tại một trang trại ở Iowa, Mỹ. Ảnh tư liệu: EPA/TTXVN
Trong phiên giao dịch 9/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ đồng loạt tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 16,5 xu Mỹ (tương đương 2,47%) lên 6,85 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 40,5 xu Mỹ (4,89%) lên 8,695 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 26,25 xu Mỹ (1,89%) lên 14,1225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố Báo cáo mùa vụ tháng 9/2022 vào thứ Hai (12/9) và thị trường dự kiến sẽ có phản ứng khá lớn.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến các đợt tăng giá gần hoặc cao hơn 7 USD đối với ngô giao tháng 12 và 14,40 USD trở lên đối với đậu tương giao tháng 11. Trong khi đó, xu hướng giá lúa mì sẽ phụ thuộc vào tình hình hành lang xuất khẩu của Ukraine.
Argentina là nước bán ra nhiều đậu tương trong tuần này. Trung Quốc được cho là đã mua 19 - 23 chuyến hàng cho tháng 10/11 trong những ngày gần đây. Quốc gia châu Á cũng đã đặt từ 10 - 12 chuyến hàng đậu tương của Mỹ và từ 20 - 24 chuyến hàng từ Brazil trong tháng 2 - 3/2023.
Giá lúa mì Ấn Độ tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung bị thắt chặt. AgResource cho rằng sản lượng lúa mì năm 2022 của Ấn Độ nằm trong khoảng từ 92 - 95 triệu tấn, điều này sẽ buộc Ấn Độ nhập khẩu từ 4 triệu tấn đến 6 triệu tấn lúa mì trong quý IV năm nay.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 9/9, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London (Anh) đi xuống. Hợp đồng kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 12 USD xuống 2.264 USD/tấn, trong khi hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 2 USD còn 2.253 USD/tấn.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York (Mỹ) đảo chiều tăng. Hợp đồng giao tháng 12/2022 tăng 6,30 xu Mỹ lên 228,50 xu/lb trong khi kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 5,95 xu lên 222,65 xu/lb.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 100 - 200 đồng, xuống dao dộng trong khung 48.300 - 48.800 đồng/kg.
Hải Quan Việt Nam báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 8/2022 đạt 112.531 tấn (tương đương 1.875.517 bao 60 kg), giảm 1,16% so với tháng trước và giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu của giai đoạn từ tháng 1 -8/2022 đã tăng 15,31% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là thông tin đã khiến giá cà phê Robusta kỳ hạn tại London suy yếu trở lại cho dù báo cáo tồn kho tại sàn vẫn tiếp tục sụt giảm.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm ở một số địa phương Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giảm ở một số địa phương. Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Tiền Giang, giá lúa ghi nhận sự giảm giá 100 đồng/kg ở các loại...