Nokia quyết tâm đầu tư cho cuộc đua 5G, dừng trả cổ tức
Với động thái không trả cổ tức để tập trung nguồn tiền bù đắp vào chi phí vào mạng 5G đã khiến cổ phiếu của Nokia Corp sụt giảm hơn 20%.
CEO của Nokia ông Rajeev Suri.
Chi phí 5G còn cao
Theo Nokia, biên lợi nhuận của họ bị thu hẹp do hoạt động yếu kém tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt gặp sự cạnh tranh về giá từ Huawei và Ericsson AB.
Để đối phó, Nokia cho biết họ sẽ không trả cổ tức trong quý thứ ba và thứ tư để có thể củng cố lượng tiền mặt của mình và đầu tư nhiều hơn vào dòng sản phẩm 5G. Công ty cho biết họ dự kiến sẽ tiếp tục thanh toán cổ tức sau khi ổn định được nguồn tiền mặt của mình.
“Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể giảm dần các vấn đề này trong suốt năm tới”, CEO của Nokia ông Rajeev Suri nói.
Ngay khi đón nhận thông tin không trả cổ tức 2 quý liên tiếp cuối năm nay, cổ phiếu Nokia đã sụt giảm 20% trong phiên gần đây.
Tuy vậy, Nokia vẫn còn những điểm sáng khi kết quả kinh doanh quý 3 báo lãi. Theo đó, Nokia lãi được 82 triệu euro trong quý 3/2019, trái ngược hoàn toàn với việc thua lỗ 79 triệu euro cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý 3/2019 tăng 4,2% đạt 5,69 tỷ euro, trong khi trước đó, giới chuyên gia chỉ dự báo về mức lợi nhuận 5,62 tỷ euro. Nhưng đáng chú ý, lợi nhuận cho thiết bị mạng của hãng giảm xuống 29,1% từ 34,1%, Nokia cho biết.
Nokia là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới theo thị phần, chỉ sau Huawei. Mạng 5G đang trở thành cuộc đua của ngành công nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp đang chạy đua để cung cấp các thiết bị 5G cho các nhà mạng và nhà cung cấp internet trên toàn cầu.
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc triển khai các thiết bị còn gặp nhiều trở ngại ngoài dự đoán. Đối với Nokia đó chính là chi phí đầu tư, hiện chi phí cho các thiết bị được hãng phát triển và sản xuất đang cao hơn giá dự kiến. Điều này là bất lợi với Nokia, khi mà đối thủ của họ Huawei và các nhà sản xuất Trung Quốc khác đang có giá cạnh tranh hơn rất nhiều. Gần đây, Ericsson cũng đã giảm giá để xây dựng thị phần.
Các nhà phân tích đã đưa ra kỳ vọng rằng hai gã khổng lồ châu Âu có thể được hưởng lợi từ sự thúc đẩy của Mỹ để ngăn cản các chính phủ đồng minh và các nhà mạng của họ mua thiết bị Huawei.
Lo ngại của Mỹ với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng ở việc Huawei có thể bị Bắc Kinh ép buộc sử dụng các thành phần và nhân viên của mình để do thám hoặc phá vỡ các mạng lưới nước ngoài.
Đáp lại những cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, Huawei luôn khẳng định họ sẽ không bao giờ làm điều đó.
Tuy nhiên, trái với dự đoán, mặc dù đã được mở cửa rất nhiều đối với các nước Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường lớn nhất thế giới, do áp lực cạnh tranh của Huawei cả hai hãng Nokia và Ericsson lại đang cạnh tranh lẫn nhau. Cả hai đang cạnh tranh đặc biệt khốc liệt tại Hoa Kỳ, nơi Huawei hoàn toàn bị cấm.
Nokia gồng mình cạnh tranh
Việc chiếm thị phần Mỹ đang ngày một khó khăn hơn với Nokia, khi mà thị trường đón nhận các thương vụ sáp nhập lớn. Mới đây vào tháng 7, thương vụ M&A trị giá 32 tỷ USD giữa hai nhà mạng lớn của Mỹ là Sprint Corp và T-Mobile US Inc tạo ra một thách thức rất lớn để một doanh nghiệp nước ngoài như Nokia nhảy vào chiếm thị phần, bởi hai nhà mạng trên đã có thương hiệu từ lâu.
Trong khi đó, người bạn láng giềng châu Âu là Ericsson lại đang hạ giá các sản phẩm trên toàn thế giới bằng cách bù đắp chi phí, nhằm mục đích chiếm thị phần. Ericsson đã và đang định giá mạnh các sản phẩm của mình trên toàn thế giới, bằng chi phí của chính mình, để tăng thị phần và kết quả kinh doanh cho thấy bức tranh tích cực.
Doanh nghiệp đến từ Thụy Điển đã có lợi nhuận quý III/2019 đạt 6,5 tỷ Crown tăng mạnh 11,4% so với cùng kỳ và vượt qua mức dự báo 5,2 tỷ Crown trước đó. CEO của Ericsson ông Borje Ekholm cho biết: “Chúng tôi thấy tốc độ giới thiệu 5G nhanh hơn nhiều so với dự kiến”.
Trung Quốc cũng là một sự thất vọng đối với Nokia. Thị trường này đang chiếm 8% doanh thu ròng của Nokia trong quý III, nhưng doanh thu từ khu vực đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó bất chấp các lệnh trừng phạt, ba quý đầu năm nay, Huawei đã đạt doanh thu 610,8 tỷ CNY (tương đương khoảng 85,675 tỷ USD), tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận ròng của công ty trong giai đoạn này là 8,7%.
Đến nay, Huawei đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại 5G với các nhà mạng hàng đầu toàn cầu và vận chuyển hơn 400.000 bộ ăng ten MIMO cỡ lớn (Massive MIMO active antenna units – AAUs) đến các thị trường trên toàn cầu.
Mặc dù liên tục cạnh tranh với các đối thủ lớn, Nokia vẫn luôn tỏ ra lạc quan và coi tập trung phát triển mạng 5G là hướng đi bền vững trong thời gian tới. CEO Nokia – Rajeev Suri từng tuyên bố: “Ngay lúc này và ngay tại đây – vào thời điểm bắt đầu một trong các cuộc chuyển giao công nghệ ngoạn mục nhất lịch sử khi 4G nhường chỗ cho 5G, chính là lúc Nokia tỏa sáng”.
Nguyễn Long
Theo Enternews.vn
Cách nào giảm rủi ro nợ xấu tín dụng BOT?
NHNN vừa cảnh báo 53.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu.
Theo NHNN, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ.
Cận cảnh tín dụng BOT, BT giao thông
Trong Báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, NHNN Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông. Thế nhưng, NHNN cảnh báo, hiện nay có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.
Theo một chuyên gia ngân hàng, đó mới chỉ là con số dư nợ của các dự án đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, trong khi nếu tính cả các dự án chưa hoàn thành, hoặc đã hoàn thành và có doanh thu ban đầu đạt như phương án tài chính thì con số dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT còn lớn hơn nhiều. Điều đó cũng đồng nghĩa, rủi ro nợ xấu tiềm ẩn là rất lớn.
Cũng theo NHNN, ước tính đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4% tổng dư nợ. Trong khi tại báo cáo gửi tới Quốc hội hồi tháng 5/2019, NHNN cho biết, đến cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông ước đạt 103.573 tỷ đồng, giảm 3,43%, chiếm 1,39% tổng dư nợ. Căn cứ theo hai số liệu này, có thể ước tính tại thời điểm tháng 9, dư nợ cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông vào khoảng 109.235 tỷ đồng- một con số rất lớn.
Vấn đề đặt ra là, rủi ro nợ xấu tín dụng BOT giao thông đã được nhận diện từ khá sớm và liên tục được nhắc tới trong thời gian gần đây. Còn nhớ trong báo cáo gửi tời kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, NHNN đã cảnh báo, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn, vì đây là các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài; năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế; tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí trong khi chính sách phí chưa thực sự ổn định; nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn;...
Đồng quan điểm này, vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết, việc cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông thường có kỳ hạn rất dài, nhiều khi tới 20-30 năm, trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần lại là ngắn hạn nên rủi ro kỳ hạn, rủi ro lãi suất là rất lớn. Ngoài những rủi ro mang tính thị trường này, việc cho vay với thời hạn quá dài còn đối mặt với các rủi ro liên quan đến "sức khỏe" của doanh nghiệp, rủi ro do sự thay đổi chính sách...
Chia sẻ rủi ro
Hiện nay, NHNN đã có nhiều quy định rất khắt khe đối với việc cấp tín dụng cho các dự án lớn, thời hạn cho vay dài như các dự án BOT, BT giao thông. Chẳng hạn, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng; hay như việc các ngân hàng chỉ được sử dụng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; hệ số rủi ro đối với các khoản vay này cũng ở mức rất cao...
Về phía các ngân hàng cũng tiến hành thẩm định rất kỹ trước khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông và chắc chắn sẽ không cho vay đối với những dự án BOT mà năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án. Tuy nhiên, với những rủi ro liên quan sự thay đổi của cơ chế chính sách thì ngân hàng... bó tay.
Vì lẽ đó, để giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng khi tham gia cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông, Bộ Giao thông - Vận tải và chính quyền địa phương phải bảo đảm hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn và lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT đã và sẽ ký.
Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3/2019 diễn ra hồi đầu tháng này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định, với BOT, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng vẫn sẽ quan tâm và cố gắng trong điều kiện, khả năng cho phép để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, các bộ, ngành cũng phải làm rõ các chính sách liên quan đến BOT để không gây ra rủi ro như vấn đề thu phí BOT, vấn đề đặt trạm thu phí..., vì nó tác động trực tiếp tới nhà đầu tư xây dựng, đi cùng đó là những khoản vay của hệ thống NHTM.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có cơ chế khơi thông nguồn vốn cho giao thông, tránh phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Với tinh thần đó, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng: Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Ngoài ra, cần tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
Hạ Vy
Theo Enternews.vn
Giá vàng khó giảm mạnh vì thỏa thuận thương mại Mỹ- Trung Dù Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều khả năng tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng giá vàng cũng khó giảm sâu trong ngắn hạn. Giá vàng quốc tế có thời điểm đầu tuần này đã giảm xuống 1.480USD/oz Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.491USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm nhẹ xuống...