Nơi từng ngày người dân sống chung với hổ
Nếu không đến tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mắt thì không ai nghĩ rằng ở đây từng ngày người dân đang sống chung với hổ, bước chân vào rừng là nỗi lo gặp hổ lại thường trực với họ. Đến nỗi bây giờ chuyện gặp hổ đã là chuyện rất bình thường của đồng bào H’ Rê nơi đây.
Chúng tôi đang nói về vùng đất thuộc thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi). Trong vô vàn khó khăn còn tồn tại ở vùng đất này, người dân đồng bào H’ Rê hằng ngày vẫn có cái thú ngồi kể cho nhau nghe chuyện gặp hổ trong các chuyến đi rừng của mình.
Gian nan đường đến Gọi Re…
Chúng tôi theo đoàn cứu trợ của Tổ chức từ thiện Honda 67 Quảng Ngãi ở thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) lên đường đến thôn Gọi Re trong tâm trạng hết sức háo hức. Một phần vì được góp một phần để đồng bào H’ Rê nơi đây bớt đi những khó khăn về những thiệt hại nặng nề sau thiên tai năm 2013 vừa qua. Một mặt, theo các anh chị trong đoàn, nơi đây vẫn còn hoang sơ và ẩn chứa rất nhiều điều kì bí hiện tại vẫn chưa có lí giải.
Nằm không xa đường liên xã, liên huyện, nhưng do địa hình hết sức hiểm trở nên nếu không có việc gì quan trọng, người ở ngoài thôn cũng như trong thôn rất ít khi ra vào. Chính vì thế, những câu chuyện kì bí ngày càng trở nên có sức hút đặc biệt hơn.
Nhà của đồng bào thôn Gọi Re đơn sơ, ẩn mình sau những sườn núi.
Từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi bon bon trên đoàn xe honda 67 và kèm theo một xe tải chở hàng cứu trợ. Gần 100 km để đến trung tâm xã Ba Xa (huyện Ba Tơ) không quá xa so với sự tưởng tượng của mọi người. Nhưng điều bất ngờ là ở chỗ khoảng 10km từ đó dẫn vào phía cuối thôn Gọi Re, nơi chúng tôi quyết định đặt chân đến.
Dù đã có 2 người trong đoàn nhận nhiệm vụ đi tiền trạm và tìm hiểu tình hình từ gần 1 tháng trước, nhưng những khó khăn từ con đường vào đây đã nằm ngoài sức tưởng tượng. Cả đoạn đi được khoảng 3km thì đường bắt đầu lầy lội, nhiều dốc đứng dựng ngược. Chiếc xe tải chở hàng không thể vào nữa, càng không thể lui ra bởi bánh đã lún sâu vào bùn đất. Chúng tôi quyết định dỡ hàng cứu trợ xuống, nhờ người thông báo với bà con ra nhận. Sau đó, cả đoàn phải lấy đá lót bánh xe và cùng nhau đẩy ngược cho xe ra một đoạn.
Phát xong quà cho đồng bào H’ Rê thôn Gọi Re, khoảng 10 anh em trong đoàn chúng tôi quyết định dùng xe honda 67 vượt đường lầy lội và dốc đứng để tiếp tục tiến vào thôn.
Những chiếc xe ì ì nổ máy, lao mình lên những con dốc đứng, ào ào lội qua những vũng nước sâu trên con đường lầy lội. Ngồi phía sau xe, tôi nhiều lúc có cảm giác mình bị bốc lên cao rồi thả xuống ngay sau đó. Địa hình càng vào sâu càng khó khăn, hiểm trợ. Có rất nhiều đoạn phải xuống đi bộ khoảng từ 200 đến 400 mét qua những cung đường cực kỳ lắt léo và đầy nguy hiểm. Chỉ một thao tác sai là cả người và xe có thể ngã, lún sâu vào vũng bùn hoặc rơi xuống những vực núi cheo leo. Lựa chọn việc chạy xe máy gần 10km trên đoạn đường này là có phần mạo hiểm, nhưng chúng tôi quyết tâm phải bằng mọi cách nhanh nhất đến với điểm mà mình đã chọn trước. Đôi lúc, xe chạy như nhảy cóc trên những bờ vực, nhìn xuống thấy dòng suối lởm chởm đá phía dưới sâu khoảng 60 mét mà thấy rợn người.
Đường vào thôn Gọi Re rất khó khăn và hiểm trở.
Video đang HOT
Cuối cùng thì những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp. Ngôi làng cuối cùng của thôn Gọi Re cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, trên một khoảng đất khá bằng phẳng, bao quanh là những ngọn núi cao và cheo leo.
Sau những trận lụt hồi cuối năm 2013, giờ đây, một số hộ dân vẫn chưa thể dựng lại được ngôi nhà che nắng che mưa cho mình. Họ phải căng lều bạt để ở tạm qua ngày. Nhưng niềm mến khách thì không lúc nào vơi đi trong họ. Đó là điểm đặc biệt của hầu hết các đồng bào dân tộc anh em miền núi, nơi tôi đã từng đi qua, trên cả nước. Dù đời sống còn rất khó khăn, nhưng khi có người miền xuôi lên thăm chơi, họ sẵn sàng bỏ những buổi đi rừng, đêm những gì quý giá nhất trong gia đình ra tiếp đãi suốt ngày suốt đêm.
Chúng tôi đến làng khi một gia đình đang tổ chức cúng thần linh. Họ làm nguyên một con dê để tế thần, với những hũ rượu cần đã được chưng cất từ nhiều tháng trước. Gia chủ mặc những bộ quần áo tế lễ màu trắng, có điểm xuyết những họa tiết rất lạ. Nghi thức cúng lễ cũng tương tự như các đồng bào dân tộc miền núi khác, nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hai vợ chồng gia chủ cùng làm lễ. Và sau lễ, họ rót rượu vào bát, mời nhau uống như người ta uống giao bôi vậy. Tiếp đến là mời khách. Mời đến lúc nào khách say không uống được nữa mới thôi…
Bí ẩn đàn hổ “khủng”
Ở ngôi làng tận cùng thôn Gọi Re mà chúng tôi đến, đồng bào người H’ Rê hầu như vẫn còn giữ nguyên được bản sắc của dân tộc mình. Họ sống còn phụ thuộc khá nhiều vào săn bắt hái lượm và đặt niềm tin vào thần linh lên hàng đầu. Điều đặc biệt làm chúng tôi chú ý là việc họ làm tặng nhau những chiếc quan tài thật đẹp, thật vừa ý như là những món quà quý giá nhất. Hầu như nhà ai cũng có quan tài để tặng hoặc là được tặng. Thông sui gia với nhau cũng tặng quan tài làm quà như lời nói đầu. Nhà gái và nhà trai khi cưới nhau cũng lấy quan tài làm sính lễ. Con cái thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, với người lớn trong họ hàng cũng bằng việc tặng quan tài. Những quan tài họ làm rất đẹp, nhưng cũng rất nặng, có khi phải đến 6 người khiêng mới nổi.
Bên mâm rượu của gia chủ buổi cúng thần, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện thú vị về những cuộc săn bắn nơi rừng thẳm. Trong làng, có rất nhiều người là cao thủ trong việc săn thú rừng. Bằng chứng là những đầu hươu, nai, lợn rừng, và cả hổ trong căn nhà họ. Những chiến tích ấy càng được họ nói nhiều hơn khi men rượu vào, khi những câu hát đã theo gió bay mênh mông suốt đại ngàn. Khi sự huyền bí núi rừng được tụng xưng qua nhiều đời, giờ tiếp tục được họ bảo lưu và gìn giữ như những giá trị quý báu của dân tộc, của vùng đất thiêng liêng mà cha ông và cả họ cùng cháu con cư ngụ.
Những đưa trẻ thôn Gọi Re vẫn còn nhiều lạc hậu so với những bạn bè cùng trang lứa ở miền xuôi.
Trong lúc cao hứng, anh Phạm Văn Don (26 tuổi), một thanh niên H’ Rê đi săn có tiếng trong làng, lật cái chân phải vẫn còn đầy những vải và lá rừng bó xung quanh lên cho chúng tôi xem. Don kể rằng một tuần trước, anh cùng vài thanh niên khác vào cánh rừng sau làng săn như thường lệ.
Cách làng không xa, anh đã thấy những dấu chân thú khác thường, mà theo kinh nghiệm là hổ. Anh vội vàng ra hiệu gọi các thanh niên khác lại xem. Khi đã chắc chắn đó là hổ, họ bàn với nhau tản ra, chia nhau tìm kiếm, khi ai phát hiện thì ra hiệu để cả nhóm trợ giúp. Thế là cuộc tìm kiếm bắt đầu trong khu rừng rậm. Chưa đầy 10 phút sau, có tiếng gầm vang cả núi rừng, một con hổ vằn to bằng 2 con lợn rừng lớn lao về phía anh Don. Quá bất ngờ, anh chỉ kịp lao vào bụi cây gần đó, nhưng hai chân thì vẫn thò ra ngoài. Con mãnh thú đã kịp lao tới, vồ lấy chân phải của anh. Ngay cùng lúc, những thanh niên khác nghe tiếng gầm, ào tới. Thấy đông người, con hổ bỏ chạy thẳng vào rừng sâu. Mọi người tìm cách sơ cứu, băng bó cái chân bị vồ gãy đôi của anh Don và đưa về làng chữa trị.
Cũng nói về chuyện gặp hổ, ông Phạm Văn Tu (71 tuổi), một trong những người già của làng cho biết từ lúc nhỏ ông đã gặp hổ khá nhiều trong các chuyến đi săn. Giống này theo ông là rất tinh khôn, rất quái và không dễ gì săn được. Ngay ở thời súng được tự do sử dụng, thanh niên cả làng vừa có bẫy, vừa có lưới, vừa thi nhau bắn nhưng rất ít khi thu phục được hổ. Dù bị thương rất nặng, chúng vẫn cố hết sức tàn lao về phía rừng xanh chứ nhất quyết không chết và để rơi vào tay thợ săn dân làng. Nhưng nếu không chết, sau đó, chúng trở nên hung hãn vô cùng. Rất nhiều người đi rừng lẫn người tắm bên suối đã bị chúng vồ bị thương hoặc chết.
Giờ thì số lượng hổ đã giảm đi đáng kể nhưng có vẻ nhưng chúng dạn người hơn, theo lời ông Tu. Có nhiều lúc, con đường mòn dẫn quanh làng sau một đêm đầy vết chân hổ. Sáng dậy, người ta nhìn nhau vừa sợ vừa cảm thấy lạ lẫm. Còn chuyện đi rừng thấy hổ là chuyện như cơm bữa. Chỉ có điều là cố gắng tránh được chỗ nào hay chỗ ấy, chứ không thể đùa hay đấu tay đôi với loài mãnh thú này được.
Rượu trong các hũ đã dần cạn, trời thì cũng dần về chiều. Chúng tôi chia tay người dân thôn Gọi Re để lên đường về xuôi, mà lòng thì còn biết bao điều tiếc nuối. Hẹn một ngày không xa trở lại, để được nghe những câu chuyện vô cũng thú vị, để được ngồi bên hũ rượu cần xem người dân H’ Rê hát, múa những điệu riêng của dân tộc mình. Mảnh đất này quả thật có sức mạnh níu giữ lòng người rất lớn. Lòng cứ bâng khuâng nghĩ về những chú hổ nơi đại ngàn đã không lạ với đời sống người dân. Nguy hiểm thật, nhưng cũng đầy thú vị!
Theo Nguyên Phi (Dân Việt/Dòng Đời)
Lũ Quảng Ngãi dâng cao 15 m trong đêm
Đêm qua, lũ lớn dâng cao hơn 15 m ở huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi khiến hàng trăm nơi sạt lở núi gây ách tắc tất cả các tuyến đường, ít nhất 10 cây cầu bị phá hỏng.
Mưa lũ lớn dâng cao hơn 15 m đã cuốn phăng chiếc cầu Tân Long Trung, xã Ba Động, huyện miền núi Ba Tơ vào đêm 15/11, gây cô lập hoàn toàn gần 200 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu.
Hàng chục mét cầu treo Tôn Long Trung, xã Ba Động bị nước lũ cuốn trôi tấp vào lùm cây ven sông. Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, lũ lịch sử tràn về có sức tàn phá khủng khiếp đã phá hỏng ít nhất 10 chiếc cầu dọc các dòng sông Tô, sông Liêng ở các xã khu Tây. Trong đó những cầu Nước Lầy ở xã Ba Ngạc trôi hoàn toàn, cầu treo Tôn Long Trung bị lũ cuốn hơn 10m, cầu Hóc Kè bị sạt mố không thể qua lại được.
Cầu Hóc Kè, thôn Hóc Kè, xã Ba Động bị lũ gây sạt mố trống hoác, hư hỏng nặng. "Ít nhất 4.000 hộ với khoảng 16.000 nhân khẩu không thể đi lại được do nước lũ phá hỏng, cuốn trôi các chiếc cầu bắc ngang qua sông Tô, sông Liêng trên địa bàn huyện. Suốt từ tối qua đến trưa 16/11, hàng chục nghìn khối đất, đá sạt lở tràn xuống tại km15 và km17 chắn ngang tuyến quốc lộ 24 thuộc địa phận xã Ba Động và Ba Thành gây cô lập hoàn toàn huyện miền núi Ba Tơ gây tắc nghẽn giao thông", ông Phong nói.
Nước lũ kèm theo rác, củi gỗ đã đánh bật hơn 30m lan can thành cầu Hóc Kè, xã Ba Động. Ông Huỳnh Thương, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết thêm, lũ lớn hai ngày qua đã gây sập, sạt nhiều nhà dân, cầu cống, đường xá giao thông, cuốn trôi tài sản, gia súc... gây thiệt hại trên địa bàn huyện ít nhất hơn 100 tỷ đồng. Hiện tại do mất điện, đứt thông tin liên lạc nên cán bộ huyện, xã phải trực tiếp về các thôn kiểm tra, chưa thể thống kê đầy đủ con số thiệt hại trong trận mưa lũ khủng khiếp này.
Lũ tràn vào nhà gây sạt tường nhà gia đình anh Nguyễn Văn Khuyết, thôn Hóc Kè, xã Ba Động. Rạng sáng 16/11, lũ rút đi để lại đống gạch đổ nát cùng lớp bùn đất dày đặc trên nền. "Tối qua lũ về dâng cao nhanh quá, vợ chồng tôi chỉ kịp ôm con chạy nên tài sản, xoong nồi, quần áo, sách vở học tập của con trôi hết rồi", anh Khuyết nói.
Cỏ rác cùng cây cối nằm ngổn ngang trên tuyến quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum sau trận lũ càn quét kinh hoàng vào đêm 15/11.
Sạt lở núi nghiêm trọng đã biến quãng đường dài trên quốc lộ 24 tại km15, thôn Tôn Long Hạ, xã Động thành sa mạc dày đặc những tảng đá lớn, nước chảy ầm ầm như thác đổ gây tắc nghẽn giao thông. Hiện toàn huyện Ba Tơ có hàng trăm điểm sạt lở núi gây ách tắc giao thông hoàn toàn trên các tuyến đường từ trung tâm huyện về 6 xã vùng cao.
Hàng nghìn khối đất đá tràn xuống uy hiếp khu dân cư sinh sống dọc quốc lộ 24 ở xã Ba Động. "Tối qua cả nhà đang ngủ thì nghe núi nổ đùng đùng. Đất đá chảy rào rào sát bên nhà khiến vợ chồng, con cái bật dậy hoảng loạn chạy ra khỏi nhà tránh nguy hiểm", ông Thanh kể.
Bồng bế, dắt díu con thơ băng qua quả đồi tránh điểm sạt lở núi nghiêm trọng ở km 17, xã Ba Thành trên tuyến quốc lộ 24.
Sáng nay, nhiều người bị mắc kẹt trên tuyến quốc lộ 24 ở các điểm sạt lở núi nghiêm trọng.
Sở giao thông vận tải Quảng Ngãi huy động nhiều xe xúc, xe ủi để khai thông các điểm sạt lở núi trên quốc lộ 24. Ông Lê Nhân, Phó giám đốc Sở cho biết, sớm nhất đến đầu giờ chiều 16/11, giao thông trên tuyến quốc lộ 24 từ TP Quảng Ngãi đi Ba Tơ mới có thể khai thông trở lại. Riêng đoạn qua đèo Violăc, tuyến quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum do có nhiều điểm sạt lở núi lớn nên chưa thể lưu thông.
Theo VNE
Vụ xà beng đâm xuyên đầu qua lời kể nạn nhân "Em cố hết sức bẩy tảng đá nhưng bất ngờ bị trượt chân, lao đầu về phía chiếc xà beng ở ngay trước mặt. Em chỉ nghe tiếng 'sột' một cái rồi thấy máu me chảy khắp người. Đau quá, em khóc toáng lên rồi ngất lịm". Kể từ chiều qua (14/11), anh Phạm Văn Tú (SN 1982, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, người...