Nới trần vay nước ngoài 60.000 tỷ: Bình thường nhưng…
Vay được vốn nước ngoài thì phải tính toán, sử dụng cũng phải sòng phẳng, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Dùng tiền ODA không dễ
PGS.TS Lê Cao Đoàn – Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, việc Quốc hội cho phép tăng mức trần nguồn vốn vay nước ngoài từ 300.000 tỷ đồng lên 360.000 tỷ đồng, tức tăng 60.000 tỷ đồng so với dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển chung.
Mỗi người Việt đang “gánh” 35 triệu đồng nợ công (Nguồn: Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT)
Vị PGS cho biết, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng thường có thời gian kéo dài, khả năng thu hồi vốn chậm, do đó, nếu có phát sinh thêm vốn đầu tư giai đoạn này cũng là việc bình thường.
Tuy nhiên, để vay được vốn ODA là vấn đề không dễ dàng, nhưng quan trọng hơn là phải tính toán sử dụng cho sòng phẳng, minh bạch.
Như vậy, vấn đề nằm ở việc chúng ta có xây dựng được các định chế quản lý tài chính phù hợp, hợp lý khoa học hay không? Có bảo đảm được tính chặt chẽ, nghiêm minh, hiệu quả cao nhất trong sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài hay không?. PGS Lê Cao Đoàn cho rằng việc này rất khó.
Theo ông Đoàn, một định chế quản lý tài chính chặt chẽ, chắc chắn sẽ giúp quá trình xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay trong nước chủ động hơn, hiệu quả hơn, giảm thiểu những rủi ro liên quan tới các vấn đề pháp lý trong thực hiện ký kết hợp đồng với các nước cho vay. Tuy nhiên, kẽ hở trong quản lý, sử dụng vốn vay đã bộc lộ. Thực tế kiểm chứng rất nhiều dự án sử dụng vốn ODA bị vướng vào tranh chấp với nhà thầu EPC, bị đội vốn, kéo dài thời gian gây lãng phí, thất thoát.
“Các hợp đồng vay vốn của nước ngoài có tính pháp lý rất cao, vì thế, việc sử dụng nguồn vốn này phải hết sức thận trọng, hiệu quả.
Sử dụng hiệu quả vốn ODA vừa là cơ hội để Việt Nam rèn rũa kỹ năng điều hành, quản lý các hoạt động tài chính trong nước một cách chuẩn mực, khoa học. Cũng đồng thời là cơ hội để Việt Nam trải nghiệm, nâng cấp, đổi mới thiết bị, công nghệ, máy móc kỹ thuật hiện đại.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tăng vay nhưng cũng phải tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát dòng tiền. Vay được nhưng sử dụng phải hiệu quả, hợp lý. Đầu tư không hiệu quả chính là “mất tiền còn mang thêm nợ”", ông Đoàn nói rõ.
PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh, chúng ta không sợ đi vay, không sợ mang nợ nhưng phải tạo ra được nguồn để trả nợ. Muốn vậy, Chính phủ phải nâng cao năng lực quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Việc này thể hiện trong việc quyết định lựa chọn các thành phần tham gia vào việc sử dụng nguồn vốn đầu tư đó là ai, lựa chọn các dự án, các lĩnh vực nào để đầu tư?
Nếu năng lực quản lý, điều hành vốn đầu tư tốt, sẽ lựa chọn được các thành phần tham gia có chất lượng, hiệu quả dự án được nâng lên. Ngược lại, quản lý không tốt, sử dụng không hiệu quả nợ sẽ chồng nợ, nguy đe dọa an toàn nền tài chính quốc gia là rất lớn.
“Đầu tư công thời gian qua không hiệu quả là do lựa chọn các thành phần tham gia không bảo đảm về năng lực, trình độ, kinh nghiệm. Thêm vào đó, còn có các yếu tố tiêu cực, tham nhũng chi phối gây thất thoát, lãng phí lớn. Những kẽ hở này phải được bịt chặt, phải chấm dứt trong tương lai”, PGS Lê Cao Đoàn cảnh báo.
Lo phụ thuộc
Tiếp tục phân tích thêm, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, đi cùng với quyết định nới định mức vốn vay nước ngoài, việc Quốc hội yêu cầu giảm tương ứng nguồn vốn vay trong nước là điều không dễ giải thích. Trước đó, Bộ KHĐT từng đưa ra những khuyến cáo không nên lạm dụng vốn vay ODA và khuyến khích tăng cường huy động, thu hút vốn đầu tư trong nước, đây được đánh giá là chủ trương đúng.
Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối diện với áp lực trả nợ quá lớn, cụ thể, báo cáo trong năm 2016, ước tính số nợ phải trả chiếm 14,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Nếu tính gộp tất cả các nghĩa vụ, bao gồm cả số đảo nợ thì nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên 24% tổng thu ngân sách. Đáng chú ý, khi áp lực nợ phải trả quá lớn như vậy nhưng xu hướng tăng vay nợ nước ngoài lại có nguy cơ tăng nhanh hơn.
Theo thống kê, nợ nước ngoài của quốc gia vào thời điểm cuối năm 2017 là 2,451 triệu tỉ đồng bằng 49% GDP; mặc dù nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (chưa vượt 50% GDP) nhưng nợ nước ngoài đang có xu hướng tăng nhanh. Trong hoàn cảnh này, chủ trương huy động vốn vay trong nước, giảm vay ODA sẽ giảm áp lực trả nợ cho Chính phủ, đặc biệt giảm áp lực trả nợ nước ngoài trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, có thể hiểu, việc chuyển hướng tăng vay vốn nước ngoài cho thấy năng lực tài chính trong nước còn hạn chế, đặc biệt với những dự án có quy mô lớn, cần nguồn vốn cao thì hầu hết không có doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm năng đáp ứng được.
Lấy ví dụ từ dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ông Đoàn cho hay, với quy mô dự án lên tới 58,71 tỷ USD nếu huy động trong nước thì rất khó.
Hơn nữa, theo ông Đoàn, nguồn vốn trong nước không thường có quy mô nhỏ, lại phân bổ lẻ tẻ, không tập trung, bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp có tiếng nhưng không có thực lực, tham gia dự án nhưng chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng, vì thế, việc huy động vốn trong nước vừa rủi ro, vừa thiếu ổn định.
Theo baodatviet.vn
Giữ an toàn nợ công: Chỉ vay trong khả năng trả nợ
Việt Nam sẽ có thể tiếp tục phải vay nợ, tuy nhiên, việc vay nợ cần phải hết sức thận trọng, có hiệu quả và phải có cơ chế trả nợ rõ ràng.
Như đã đề cập ở bài trước, dù hiện nay quy mô nợ công của Việt Nam vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn, song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5%GDP trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo. Do đó, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nợ công, đảm bảo an toàn nợ công và quan trọng hơn cả là sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đang là vấn đề cấp bách đặt ra đối với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong cả nước.
Không đầu tư kiểu cào bằng
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính - đầu tư, do nhu cầu cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, buộc Việt Nam phải dùng vốn vay nước ngoài chứ không thể dùng vốn tích lũy. Tuy nhiên, do tính cào bằng tỷ lệ đầu tư cho các công trình, dự án giữa các địa phương làm cho số tiền đầu tư lớn nhưng nguồn thu trả nợ không tương xứng, do đó, ngân sách bị căng thẳng.
Vay vốn nước ngoài là cần thiết nhưng phải sử dụng hợp lý (Ảnh minh họa: KT)
TS Hiển cho rằng, thông thường, khi nguồn vốn chưa đủ thì phải tập trung cho các lĩnh vực, dự án trọng điểm, giá trị lan tỏa cao, khu vực đầu tư tốt.
"Thực tế vẫn còn tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, thậm chí lãng phí, nguồn vốn đầu tư trở thành nợ công, không có tích lũy và dự án không mang lại hiệu quả. Đó là việc rất đáng quan ngại", TS Hiển cho hay.
Theo TS Đinh Thế Hiển, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, vay vốn nước ngoài là cần thiết nhưng điều quan trọng là phải sử dụng như thế nào cho hợp lý.
"Chúng ta không thể nói rằng, chúng ta cần phát triển mà phải chờ tích lũy mới đầu tư thì thành câu chuyện con gà - quả trứng. Chúng ta không thể chờ tích lũy đủ mới đầu tư để đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội. Vay vẫn phải vay nhưng vấn đề, vay phải đầu tư trọng điểm trước trong khi vốn hạn hẹp, nợ công cao. Không thể đầu tư cào bằng thì mới hiệu quả cao", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Tránh tình trạng địa phương vay, Chính phủ trả nợ
Theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát nợ Chính phủ bảo lãnh; kiểm soát bội chi và vay của ngân sách địa phương; không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn trong nước, chỉ thực hiện cấp bảo lãnh vay nước ngoài cho 2 dự án. Dư nợ bảo lãnh 2 ngân hàng chính sách được giữ trong giới hạn...
Bên cạnh đó, bộ đã và sẽ thúc đẩy các DN sử dụng vốn vay nước ngoài trả nợ trước hạn để giảm dư nợ bảo lãnh và sẽ trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trả nợ.
"Từ 1/7/2018, theo Luật Quản lý nợ công, chỉ vay nợ trong khả năng trả nợ, các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đánh giá tác động đến quy mô, khả năng trả nợ công", ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cho biết.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, theo Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng nợ công gắn với trách nhiệm quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công. Luật và các nghị định hướng dẫn đã siết chặt việc cấp bảo lãnh, cho vay lại, vay nợ của chính quyền địa phương và đều gắn với trách nhiệm của những người có liên quan.
Còn theo ông Lê Văn Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công an toàn, bền vững, cần cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, huy động hợp lý các nguồn lực.
"Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cần gắn chặt chẽ với cơ cấu lại NSNN và nợ công. Cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, liên địa phương", ông Lê Văn Cương nêu ý kiến.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: KT)
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với tình hình ngân sách của Việt Nam đang rất căng thẳng, đặc biệt chi thường xuyên quá cao, tình trạng lãng phí ngân sách vẫn còn thì Việt Nam sẽ tiếp tục phải vay nợ. Tuy vậy, việc vay nợ và trả nợ phải được cải thiện rõ rệt, đảm bảo hiệu quả, để tránh tình trạng các doanh nghiệp, địa phương vay nợ chi tiêu, chính phủ lại phải đứng ra trả nợ, điều đó sẽ là quá tải.
"Việt Nam sẽ có thể tiếp tục phải vay nợ, tuy nhiên, việc vay nợ cần phải hết sức thận trọng, có hiệu quả và phải có cơ chế trả nợ rõ ràng. Vay nợ nhưng phải bảo đảm khả năng trả nợ, an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia", TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, phải duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể... Đồng thời, tiếp tục củng cố chính sách tài khóa theo hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay để nâng hiệu quả kinh tế xã hội, giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ công và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới./.
Cẩm Tú/VOV.VN
Khó khăn 'chồng' khó khăn, ông Lê Phước Vũ 'ngậm ngùi' đem 7.100m2 đất đi bán Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen vừa ra nghị quyết về việc thông qua kết quả chuyển nhượng 2 thửa đất tại đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM để thu hồi vốn đầu tư. Cụ thể, Hoa Sen chuyển nhượng 2 thửa đất với tổng diện tích 7.156m2, một thửa 4.156m2 và một thửa 3.000m2. Giá...