Nỗi thất vọng mang tên Vinaconex
Chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, đường ống nước sông Đà vỡ liên tiếp hai lần. Đây là lần vỡ thứ 8 và thứ 9 kể từ khi hệ thống này đi vào khai thác từ năm 2009.
Chỉ sau 5 năm đưa vào sử dụng, đã 8 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến 70.000 hộ dân.
Việc vỡ đường ống nước sông Đà là một sự cố nghiêm trọng, bởi mỗi lần đường ống vỡ, cuộc sống của hơn 70.000 hộ dân (khoảng gần 1 triệu người dân) ở Hà Nội bị xáo trộn.
Một câu hỏi được đặt ra, đó là việc một đơn vị lớn như Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), từng đảm nhiệm hàng loạt những công trình xây dựng quy mô lớn trên cả nước tại sao lại tạo ra một công trình nhiều sự cố đến như vậy?
Đi tìm nguyên nhân
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, bất cứ công trình xây dựng nào, để không gặp phải sự cố, không gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống xã hội thì công tác khảo sát, thiết kế và lựa chọn phương án đầu tư, thi công, khai thác đều phải đảm bảo.
Tuy nhiên, ở công trình đường ống nước sông Đà, ống được sử dụng là ống composite (còn gọi là ống mềm), chưa từng được sử dụng trong các công trình xây dưng ở Việt Nam trước đó, nên việc áp dụng một loại vật liệu mới vào điều kiện Việt Nam là quá mạo hiểm.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tìm ra nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước sông Đà là do chất lượng đường ống: Cụ thể chất lượng ống không đồng đều, nhà cung cấp ống composite chưa chứng minh được việc đảm bảo kỹ thuật trong sản xuất ống, cũng như độ bền trong thời gian khai thác sử dụng; đơn vị giám sát năng lực hạn chế, tổng thầu thiết kế thì thiếu kinh nghiệm.
Nhưng đổ lỗi cho ống là chưa đủ, bởi ống là thứ có trước, theo những tiêu chuẩn nhất định, người thiết kế, chọn phương án đầu tư, thi công phải tính đến các điều kiện phù hợp với loại vật liệu ấy.
Trong điều kiện nền địa tầng yếu như ở khu vực thi công đường ống, lỗi đầu tiên thuộc về người chọn ống đưa vào thiết kế. Thứ 2, nếu thiết kế đáp ứng được điều kiện của ống thì đến lỗi của người thi công. Thứ ba, lỗi có thể phát sinh trong quá trình vận hành đường ống, đó là khi áp lực bên trong lớn hơn khả năng chịu của đường ống.
Cũng theo PGS Hùng, do ống mềm, quá trình làm việc của nó phải gắn liền với môi trường xung quanh, vấn đề bao bọc của ống như thế nào, nền đất có bị lún cục bộ hay không… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng làm cho tình trạng của ống trở nên phức tạp hơn.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý.
Lời xin lỗi liệu đã đủ?
Video đang HOT
Liên quan đến sự cố đường ống nước sông Đà, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã thừa nhận, công trình thường xuyên gặp sự cố có phần trách nhiệm của Thành phố khi: “thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống”.
Bên cạnh đó, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 15/7, Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Qúy Hà cũng đã chính thức nhận lỗi trước người dân và sẽ khắc phục tất cả sự cố của đường ống.
Việc lãnh đạo Vinaconex xin lỗi, và động thái thiết lập đội xử lý khẩn cấp chững tỏ lãnh đạo đơn vị này đã biết lỗi của mình. Nhưng theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng, trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý.
Mặt khác, theo PGS Hùng, tình trạng Vinaconex vừa đá bóng vừa thổi còi khi các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát… đều do các đơn vị thành viên đảm nhiệm khiến việc quy lỗi hiện nay rất khó. Chưa kể trong quá trình khai thác đường ống, có các đơn vị khác cũng có những hoạt động làm ảnh hưởng đến đường ống, như làm đường, xây dựng các công trình cao tầng và nhiều loại công trình khác… cũng tác động đến đường ống.
Việc giám sát, nhiệm thu công trình cũng có thể có những vấn đề cần xem xét. Nhưng rõ ràng, với vai trò của mình trong dự án, Vinaconex sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình thi công đường nước sông Đà..
Cạn niềm tin
9 lần vỡ ống là 9 lần vá víu.
Nếu cứ vỡ ống nước sông Đà thì lại đi vá như cách làm hiện nay thì chỉ là biện pháp tình thế. Bởi vá chỗ này, có thể lại bục chỗ khác. Việc vỡ đường ống chưa biết khi nào mới chấm dứt.
Kế hoạch đầu tư đường ống thứ hai đang được Hà Nội cân nhắc có thể là một giải pháp về lâu dài. Và nếu được thành phố thông qua, dự án sẽ khởi công trước tháng 9.
Việc đầu tư đường ống thứ 2 có thể là cần thiết, khi ngay tại Hà Nội hiện còn nhiều khu vực vẫn thiếu nước sạch.
Nhưng lời tuyên bố đầy tự tin của lãnh đạo Vinaconex mới đây về việc thực hiện dự án thứ 2 không khỏi làm nhiều người giật mình, khi nhìn vào hiện trạng của dự án đầu tiên.
Dự án đường ống thứ hai có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, được ông Hà tuyên bố là từ nguốn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Nhưng theo điều tra của Thời báo Kinh doanh ngày 28/3/2014, đến hết năm 2013, Vinaconex đang vay nợ tổng số hơn 6.484 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Áp lực trả nợ căng thẳng, trong khi hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang “chôn” tại các dự án, công trình dở dang, vậy Vinaconex lấy đâu ra “vốn tự có”.
Theo PGS Nguyễn Văn Hùng, không loại trừ, Vinaconex có thể lấy việc xây dựng đường ống thứ 2 để che đi công trình hỏng ban đầu.
Và khi ấy, sự tự tin của lãnh đạo Vinaconex liệu có gì để đảm bảo, một công trình đã vỡ 9 lần sẽ không có lần thứ 10, 11… Thậm chí là vỡ cả trong dự án sau, khi dự án ấy có thể vẫn được thi công bởi cũng những con người ấy, vật liệu và địa tầng ấy…
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, TS danh dự Đại học Tổng hợp Xây dựng Quốc gia Maxcơva.
Hiệu trưởng Đại học Xây dựng từ năm 2004-2009
Chủ trì 2 đề tài cấp bộ về sự cố xây dựng, và có nhiều phân tích về sự cố xây dựng trong thực tiễn xây dựng những năm vừa qua.
Theo báo Xây dựng
Hà Nội cân nhắc làm tuyến đường nước cấp cứu
UBND TP Hà Nội đang cân nhắc 3 phương án xử lý sự cố mất nước trong đó có tính tới việc xây dựng tuyến đường nước cấp cứu dẫn từ Quốc lộ 21 về tới siêu thị Big C - Cầu Giấy.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo Thành ủy chiều 15/7, Tổng giám đốc Vinaconex- đơn vị xây dựng, vận hành đường ống nước Sông Đà đã gửi lời xin lỗi tới người dân chịu cảnh mất nước sau sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 9 mới đây.
3 tháng phải có nước ổn định
Theo Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh, thời gian qua Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo xử lý sự cố đường ống nước bị vỡ và yêu cầu Vinaconex phải đảm bảo tối thiểu nước cho nhu cầu sinh hoạt của người dân từ các nguồn cấp nước khác.
Ông Thịnh cho hay, trong chiều nay, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đang họp cùng với các bên liên quan để nghe báo cáo các phương án. Kể từ khi xảy ra sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 9 tới nay, UBND TP đã họp 3 cuộc liên tục để xem xét các phương án.
Tuyến ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố khiến Hà Nội phải tính tới kế hoạch xây dựng tuyến mới từ quốc lộ 21 về tới siêu thị Big C (Nguồn: Internet)
"Một trong 3 phương án được đưa ra là xây dựng một đường ông nước cấp cứu từ quốc lộ 21 về tới siêu thị Big C Hà Nội"- ông Thịnh cho hay.
Nếu sử dụng phương án này thì đường kính ống nước sẽ từ 1-1,2m, khả năng cung cấp từ 100.000-140.000m3/ngày đêm. Cộng với nguồn cung cấp hiện có thì nguồn cung sẽ ổn định khoảng 600.000 m3/ngày đêm.
Cũng theo ông Thịnh, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì trên Đại lộ Thăng Long sẽ phải xây dựng 4 tuyến đường ống dẫn nước. Vinaconex đang xây dựng dự án cho tuyến số 2 với ưu tiên theo hướng sử dụng vật liệu thép do các nhà máy thép trong phía Nam sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản.
"Vì dự án này nên Hà Nội phải cân nhắc rất kỹ lưỡng xem xét có nên xây dựng tuyến đường ống nước cấp cứu nói trên không. Bởi nếu làm sẽ tốn hàng ngàn tỉ đồng. Việc như vậy không thể vội vàng được"- ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, mong muốn của TP là cung cấp nước ổn định cho người dân một cách nhanh nhất nhưng khả năng sẽ phải kéo dài trên 60 ngày nữa nhưng chắc chắn không quá 4,5 tháng.
"Trong 3 tháng tới sẽ phải có nước"- ông Thịnh yêu cầu.
Vinaconex: "Chúng tôi đau lòng và xin lỗi"
Tại cuộc họp báo chiều nay, Tổng giám đốc của Vinaconex Vũ Quý Hà đã thay mặt Tổng công ty Vinaconex xin lỗi người dân Thủ đô vì chưa làm tròn trách nhiệm trong việc cung cấp nước sạch cho nhân dân. Ông Hà nói, ông "rất đau xót" vì những sự cố gây khó khăn cho người dân.
Về trách nhiệm, ông Hà cho hay, Tổng công ty sẽ kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, khắc phục những khuyết điểm, sớm triển khai giai đoạn II của Dự án để cung cấp nước sạch cho nhân dân.
"Chúng tôi tự kiểm điểm, tự soi lại mình. Khi kiểm điểm một con người phải xem xét thấu tình, đạt lý. Chúng tôi khẳng định sẽ làm rất nghiêm"- ông Hà cho hay.
Ông cho biết thêm, "doanh nghiệp là công ty cổ phần. Tôi xin chịu trách nhiệm trước các cổ đông. Nếu chúng tôi không đạt được chỉ tiêu như cổ đông mong muốn thì chúng tôi tự mất chức".
Trước câu hỏi, liệu Vinaconex có đền bù thiệt hại cho người dân hay không, đại diện Vinaconex đã không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà chỉ giải thích rằng, đáng lý ra công ty chỉ bán nước tại nhà máy. Còn ở đây, họ đã phải làm thêm 49km đường ông nước dẫn về để bán cuối nguồn cho người dân.
Với câu hỏi, sau những sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, tổng công ty có đủ tự tin để làm tiếp dự án giai đoạn 2, nhất là khi mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu sẽ xã hội hóa nội dung này, đưa thêm các doanh nghiệp khác vào cùng làm. Ông Hà khẳng định, tổng công ty ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở đó, sửa sai để làm tốt hơn.
Tổng công ty này dự kiến đầu tháng 9 sẽ khởi công giai đoạn II của dự án.
"Chúng tôi sẽ sử dụng vật liệu bền chặt hơn. Giai đoạn II sẽ đầu tư 28km đường ống với hơn 1.000 tỷ đồng, các bước chuẩn bị ban đầu đã gần hoàn tất và tổng công ty cũng đã thu xếp xong vốn"- ông Hà nói.
Nguyên nhân của sự cố vỡ đường ống nước liên tục, Bộ Xây dựng đã kết luận, Vinaconex sử dụng ông composite cốt sợi thủy tinh là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam.
Vinaconex thừa nhận, họ còn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai. Do đó, từ khi đi vào sử dụng đến nay hệ thống đường ống truyền tải nước sạch Sông Đà đã liên tục gặp sự cố làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của 70.000 người dân Thủ đô.
Vinaconex yêu cầu Nhà thầu sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, các nhà thầu thi công xây dựng tuyến ống, Nhà thầu giám sát thi công xây dựng, Đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án (Đại diện chủ đầu tư) nghiêm túc kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.
Công ty CP nước sạch Vinaconex phải kiểm soát và duy trì áp lực nước trong tuyến ống ở mức độ ổn định, phù hợp, theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện sự bất thường trong hệ thống; tăng cường nguồn lực cho đội phản ứng nhanh để có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất khi sự cố xảy ra...
Về việc nước ở khu vực Mỹ Đình II bị nhiễm Asen, Công ty Viwaco - đơn vị cung cấp nước cho hay, đã ngừng cấp nước sạch từ ngày 3/7, sử dụng xe tec chở nước sạch phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Ngày 8/7 công ty mở nước qua đồng hồ cơ D80, ngày 11/7 đơn vị này đã thay đồng hồ D80 bằng đồng hồ điện tử D150. Qua thống kê lưu lượng nước qua đồng hồ D50 khoảng 2.200m3/ngày, đêm, nước khách hàng sử dụng hóa đơn tại khu đô thị Mỹ Đình 2 trung bình là 1.120m3/ ngày, đêm. Qua kiểm tra nước đã đến đồng hồ của tất cả các khách hàng kể cả khách hàng ở cuối nguồn với lưu lượng nước đảm bảo. Trước đó theo mẫu phân tích nước của Bộ Y tế lấy ngày 30/6 tại trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã không đạt yêu cầu về chỉ tiêu Asen, cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8/2013.
Theo Tổ Quốc
Đường ống dở chứng lần 9: Hà Nội "dọa" thay Vinaconex - Đường ống dẫn nước sạch sông Đà lại gặp sự cố tại km25, gần cầu Đồng Trúc, đại lộ Thăng Long (Thạch Thất,Hà Nội) khiến 70.000 hộ dân mất nước sinh hoạt. Tiếp tục gặp sự cố Khoảng 10h sáng 10/7, đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Thủ đô lại gặp sự cố tại km 25, gần cầu Đồng Trúc,...