Nối thành công bàn chân bị đứt rời sau hơn 10 giờ đồng hồ
Ngày 4-9, BV Việt Đức cho biết vừa nối thành công bàn chân bị đứt rời cho một trẻ 3 tuổi, do tai nạn. Bệnh nhân là cháu Nguyễn Văn Dân, ở xã Hồng Tiến (Tiền Hải, Thái Bình).
Ngày 5-9, bàn chân được nối của cháu Dân đã hồng ấm
Do cả gia đình đều sống trên thuyền, sợ con nhỏ bị ngã xuống sông nên mỗi khi đi làm xa bố mẹ cháu thường lấy dây dù buộc chân cháu bé vào thành thuyền. Ngày 21-8, trong lúc đang mải chơi trên thuyền, không may sợi dây dù buộc chân Dân bị cuốn vào guồng động cơ của thuyền, kéo căng và cắt đứt rời bàn chân phải của cháu, thấy cháu ngã văng dưới khoang thuyền, bàn chân bị đứt rời văng sang bên kia của buồng máy, ông nội cháu vội cho thuyền dừng lại, quay vào bờ để đưa cháu đi BV. Trong lúc bối rối, ông vứt bàn chân bị đứt rời xuống sông. Khi cháu đã được chuyển lên BV tỉnh, bố cháu là anh Nguyễn Văn Chiến nghe bác sĩ nói có thể nối lại được bàn chân đứt rời đã lập tức trở về nhờ người ngụp xuống sông mò tìm và may mắn là sau hơn 1 giờ ngụp lặn cuối cùng người ta cũng tìm thấy bàn chân của cháu để chuyển lên BV. Tại đây, cháu Dân được sơ cứu rồi tiếp tục chuyển lên BV Việt Đức.
Bác sĩ Đào Văn Giang, Khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt – BV Việt Đức cho biết, cháu Dân được đưa đến BV Việt Đức đêm 21-8 trong tình trạng cụt hoàn toàn cổ chân phải, lập tức bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật. Nhận định đây là một ca nối khó vì thời gian bị đứt tương đối lâu (khoảng 10 tiếng) với tổn thương đụng giập, lại không được bảo quản ngay, tuy vậy kíp phẫu thuật của BV vẫn quyết tâm nối bàn chân cho cháu vì tiên lượng nếu nối thành công thì không những bảo tồn chức năng của bàn chân mà sau này cháu có thể đi lại bình thường. Đến nay, sau 16 ngày phẫu thuật, bàn chân của cháu bé đã hồng ấm, có các dấu hiệu sự sống. Dự kiến sau 2 tuần nữa cháu sẽ được tháo đinh, tháo bột và tập phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ Giang, tất cả các ca tai nạn mất chân, tay, tai, mũi, da đầu, dương vật… đều có thể phẫu thuật nối liền. Vì vậy, sau khi bị tai nạn người nhà cần nhặt ngay bộ phận đứt rời, bọc gạc (nếu có), cho vào túi nilon sạch, buộc kín, tiếp đến cho vào nilon đựng nước và đựng trong hộp hoặc thùng đá, chuyển lên BV càng sớm càng tốt.
Video đang HOT
Theo ANTD
Bệnh tay chân miệng tăng vượt dự báo
Có tuần lên đến trên 500 ca nhập viện chỉ tính riêng tại ba bệnh viện lớn (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới TP.HCM), bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng lên đột ngột, vượt mức dự báo của ngành y tế TP.HCM.
Theo số liệu của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, chỉ trong tháng 8.2012, TP.HCM ghi nhận thêm 2.258 ca bệnh TCM. Con số này đã tăng lên gần gấp đôi so với tháng 7.2012 (với 1.212 ca) và gấp 1,5 lần so với tháng 8.2011. Đây cũng là mức tăng cao nhất của bệnh TCM từ đầu năm đến nay tại TP.HCM.
Đặc biệt, có tuần cao điểm, chỉ tính riêng ba bệnh viện lớn là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đã có đến 500 bệnh nhân TCM nhập viện mỗi tuần.
Bệnh TCM đã vào đỉnh dịch với mức tăng vượt dự báo của ngành y tế - Ảnh: Nguyên Mi
Tính chung 8 tháng (từ đầu năm đến nay), TP.HCM có 7.804 ca mắc TCM, xấp xỉ cùng kỳ năm 2011 (với 7.843 ca).
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhận định: nếu như mùa dịch TCM năm 2011, đỉnh cao nhất rơi vào tháng 5 và tháng 6 thì trong năm nay, sau khoảng thời gian đầu năm ngành y tế khống chế tốt dịch thì đỉnh dịch lại chuyển rơi về tháng 8 cũng như tháng 9.
"Mặc dù dự đoán bệnh TCM sẽ lại bắt đầu gia tăng vào khoảng tháng 8, tháng 9 khi bước vào đỉnh dịch thứ hai trong năm nhưng số lượng bệnh nhân đang tăng lên đột ngột, vượt dự báo của Sở Y tế", ông Thọ, đánh giá.
Như vậy, theo ông Thọ, diễn biến của bệnh TCM hiện nay là rất khó lường.
Tuy nhiên, ghi nhận tại các bệnh viện, diễn biến bệnh TCM cho đến thời điểm này đa số là ca nhẹ, tỷ lệ tử vong thấp, với 6 ca tử vong từ đầu năm đến nay (ít hơn 16 ca so với cùng kỳ năm 2011).
Trường học là vùng có nguy cơ lây bệnh cao được xác định cần kiểm soát chặt chẽ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
"Vì diễn biến các ca bệnh nhẹ nên y tế dự phòng và nhiều người dân còn chủ quan, lơ là phòng bệnh. Nếu không tập trung phòng chống dịch thì bệnh sẽ tiếp tục tăng lên", ông Thọ cảnh báo.
Mặt khác, theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, số lượng bệnh nhân TCM từ các tỉnh chuyển về TP.HCM hiện nay rất lớn vì cũng tạo ra khả năng lây bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Vì vậy, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM yêu cầu các quận huyện kiểm soát, phòng dịch theo đối tượng và cả vùng nguy cơ chứ không dựa vào điều tra từng ca bệnh.
Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu kiểm soát các trường học để kiềm chế TCM khi thời gian này học sinh đã tập trung đi học, vì đây là vùng nguy cơ lây lan bệnh cao.
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca sốt xuất huyết trong tháng 8 đã tăng 17,4% so với tháng 7.
Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đang có sự quá tải trong chống dịch của các trung tâm y tế dự phòng tuyến dưới vì một lúc phải đối phó với hai bệnh dịch.
Theo TNO
Rác đầy "nhà", chính quyền kêu khó! Ý thức của người dân còn thấp, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn cộng thêm sự yếu kém của các cơ quan quản lý... đã tạo điều kiện cho rác thải hoành hành ở các huyện phía Tây Hà Nội. Bài toán rác thải ngoại thành đã có từ khi Hà Nội mở rộng song tới nay vẫn chưa...