“Nội soi sức khỏe” các ngân hàng Hà Tĩnh trong năm 2020
Có thể nói, thị trường tín dụng ở Hà Tĩnh năm 2019 đã đảm đương xuất sắc vai trò “đường băng”. Môi trường kinh doanh ổn định, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng vững vàng là điều kiện để tín dụng năm 2020 “cất cánh”…
Tăng trưởng ổn định, ngành ngân hàng tự tin bước vào mùa kinh doanh mới
“ Sức khỏe” ngân hàng đảm bảo…
Những ngày đầu năm 2020, Công ty CP Xây dựng và Thương mại 19-8 (thị trấn Thạch Hà) quyết định mở rộng vốn vay thêm 600 triệu đồng tại Agribank Thạch Hà (Chi nhánh Agribank Hà Tĩnh II), đưa tổng mức dư nợ của công ty lên 5,3 tỷ đồng.
Năm nay, công ty mở rộng thêm nhà xưởng, kinh doanh thêm vật liệu đá granit nhằm cung ứng cho nhiều thị trường hơn, cũng là đánh dấu sự lớn mạnh của mình trên thương trường.
Những chuyến hàng đầu tiên năm 2020 của Công ty CP Xây dựng và Thương mại 19-8
Ông Trương Khánh Thảo – Giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi là khách hàng truyền thống của Agribank Thạch Hà, bắt đầu từ những món vay nhỏ khởi nghiệp, bây giờ có cơ ngơi nhà xưởng quy mô như này cũng là nhờ vào nguồn vốn đầu tư của ngân hàng. Hiện nay, công ty cung cấp đá granit cho tất cả các đại lý trên toàn tỉnh với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm”.
Những chuyến hàng vào – ra tấp nập Công ty CP Xây dựng và Thương mại 19-8, nhà xưởng mới cũng vừa hoàn thiện xong vào những ngày đầu tiên của năm mới.
Sẽ thêm nhiều cá nhân, tổ chức được tiếp cận những ưu đãi từ ngân hàng để phát triển SXKD
Video đang HOT
Rõ ràng, diễn biến thị trường tiền tệ trên địa bàn Hà Tĩnh đang đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh. Lãi suất ổn định, các ngân hàng và tổ chức tín dụng tuân thủ các điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm 2019, 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đã có ít nhất hai lần được giảm lãi suất cho vay với tổng mức giảm 1%/năm so với năm 2018.
Đi đầu trong chính sách ưu việt này vẫn là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV… Hay, những chính sách linh hoạt về tín dụng, lãi suất của các ngân hàng nhỏ cũng tạo thế cạnh tranh cao, làm lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trước khi bước vào năm kinh doanh mới, hệ thống ngân hàng của Hà Tĩnh cũng tích lũy được nguồn vốn trên 56.500 tỷ đồng, trong đó 51,55% là nguồn huy động dài hạn, tăng hơn 22% so với đầu năm 2019. Có thể nói, đây là bước tiến dài về cơ cấu nguồn vốn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn nguồn vốn theo Thông tư 22/NHNN có hiệu lực từ đầu 2020.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ còn chiếm 1,39% tổng dư nợ, nhiều ngân hàng đã duy trì trích lập dự phòng ở mức cao nhằm xử lý tồn đọng, đồng thời phòng ngừa những biến động của kinh tế. Điều này cũng minh chứng cho chất lượng tài sản và “sức khỏe” của các ngân hàng tăng lên để chinh phục những nấc thang lợi nhuận mới.
Dịch vụ ngân hàng – điểm “chốt” gia tăng lợi nhuận
Dịch vụ ngân hàng sẽ là cốt lõi tăng trưởng lợi nhuận
Vietcombank Hà Tĩnh là doanh nghiệp sớm bắt nhịp với thời đại số hóa ngân hàng, chi nhánh chuyển nhanh từ kinh doanh truyền thống sang đầu tư phát triển hệ thống ngân hàng lõi, tăng doanh thu tại mảng dịch vụ. Sau 2 năm, lợi nhuận của Vietcombank Hà Tĩnh đạt 12.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019, trở thành chi nhánh có tình hình kinh doanh tốt nhất trên thị trường tài chính Hà Tĩnh.
Ông Phan Viết Phong – Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Năm 2020, chi nhánh sẽ tiếp tục có những đổi mới trong cung cấp dịch vụ, tối ưu hóa chất lượng nhằm hướng đến sự hài lòng cao nhất, đồng thời xây dựng thương hiệu Vietcombank với việc xác lập đỉnh cao mới”.
Những lĩnh vực như ngân hàng tiêu dùng, thanh toán… tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng tốt nhất của mảng dịch vụ năm 2020
Có nhiều lý do để dịch vụ trở thành cốt lõi gia tăng lợi nhuận của tất cả các ngân hàng. Trước hết, nó phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của ngân hàng điện tử, trong đó cuộc đua về chiếm lĩnh công nghệ, sản phẩm đa dạng, tiện ích đang ngày càng sôi động. Năm 2020, những lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng tiêu dùng, thanh toán… được dự báo tiếp tục nằm vào nhóm tăng trưởng cao và tốt nhất trong mảng dịch vụ.
Quan trọng hơn, gia tăng mảng dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng bớt dần sự phụ thuộc vào tín dụng, tái cơ cấu lại chất lượng tài sản một cách “khỏe mạnh”, bền vững. Điều này cũng nhằm tăng sức cạnh tranh trước sự ảnh hưởng của công ty tài chính đang ngày càng bành trướng trên thị trường tiền tệ.
Theo Nguyễn Oanh/ baohatinh.vn
"Điểm mặt" nợ xấu ở hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh
Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh ở mức 1,21% tổng dư nợ. Có thể xem đây là "chuyến lội ngược dòng" thành công khi vào cuối năm ngoái, tỷ lệ này còn chiếm 3,28%...
HDBank Hà Tĩnh đang có tỷ lệ nợ xấu bằng 0%
Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp từ đầu năm để kiểm soát nợ xấu như trích lập, xử lý quỹ dự phòng rủi ro; thu hồi nợ quá hạn...
Chẳng hạn như BIDV Hà Tĩnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vào đầu tháng 11 chỉ còn 4,26%, dù con số vẫn cao nhưng so với hồi cuối năm ngoái thì tỷ lệ này đã giảm 18,56% do chi nhánh đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Cùng với đó, Vietcombank Hà Tĩnh, Tecombank... cũng là những cái tên được nhắc nhiều trong việc rút ra khỏi nhóm có tỷ lệ nợ xấu tăng. Nhóm kiểm soát chất lượng tín dụng tốt còn có HDBank, BIDV Kỳ Anh, Maritime Bank (MSB) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB)... khi nợ xấu là 0%.
Trong khi đó, Ocenbank Hà Tĩnh đang "chiếm giữ" vị trí đầu bảng về tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống với 55,34% tổng dư nợ. Điều đáng nói, nợ xấu ở ngân hàng này có chiều hướng tăng lên so với đầu năm (tăng 0,83%). Tiếp đó, tỷ lệ nợ xấu ở VP Bank tăng 0,47% kể từ đầu năm nay, đạt 3,98%.
SHB cùng trong nhóm kiểm soát tốt chất lượng tín dụng
Bà Phạm Thị Ngọc Hoa - Giám đốc SHB Hà Tĩnh chia sẻ: "Ngoài việc tuân thủ các quy định về các chính sách tín dụng, thẩm định cho vay cẩn trọng thì còn phải nhận định sớm tình hình, đối với những món vay có thể giải quyết được, cần xử lý trước khi khách hàng mất khả năng trả nợ. Tuy nhiên, kinh doanh ngân hàng thường xuyên đối mặt với rủi ro và gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi".
Hiện nay, nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng Hà Tĩnh đạt gần 590 tỷ đồng từ nhóm 3 đến nhóm 5, trong đó có đến trên 480 tỷ đồng thuộc nhóm 5 - nợ khả năng mất vốn. So với năm ngoái, nhóm này tăng 122 tỷ đồng, tăng 33,7%. Nợ xấu đang tập trung vào các khoản vay như đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển thủy sản"; các dự án chăn nuôi bò Bình Hà, Thép Vạn Lợi... không thu hồi được nợ.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Nợ xấu cho vay tàu cá theo Nghị định 67 thậm chí không có chiều hướng giảm mà còn tăng lên. 9/11 tàu đã phát sinh nợ xấu, chiếm 77% dư nợ cho vay đối tượng này. Điều đáng nói, việc tiếp cận các chủ nợ của ngân hàng thương mại khó khăn, chủ tàu thiếu phối hợp, chây ì trả nợ nên việc xử lý số nợ xấu này rất phức tạp".
Cho vay đóng mới tàu theo NĐ 67 hiện đang gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ
Cùng với đó thì những dịch họa dồn dập xảy ra trong năm qua trên bức tranh kinh tế xã hội, cháy rừng, lũ lụt, đặc biệt là tổn thất nặng nề của dịch tả lợn châu Phi đã trở thành nguy cơ cao cho nợ xấu phát sinh.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến cho rằng, việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng không chỉ đến từ nội lực, kể cả hiện nay, khi ngân hàng đã được tháo gỡ nhiều ràng buộc bằng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu. Trên thực tế, ngân hàng vẫn thiếu đi sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương, các ngành liên quan về những vấn đề như: xử lý tài sản đảm bảo, tuyên truyền, có giải pháp hành chính để thu hồi nợ xấu...
Tuệ Anh
Theo Baohatinh.vn
Vietcombank Hà Tĩnh giảm 0,5% lãi suất vay cho doanh nghiệp Vietcombank Hà Tĩnh thực hiện theo chủ trương trước đó (18/11) của Vietcombank Việt Nam về việc giảm 0,5% lãi suất cho vay cho tất cả các doanh nghiệp. Vietcombank Hà Tĩnh bắt đầu giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ tháng 11/2019 Theo nhận định, đây là đợt giảm lãi diện rộng nhất của toàn hệ thống...