Nỗi sợ hãi khi ra đường ngày giáp Tết
Phương tiện cá nhân gia tăng đột biến, con đường đẹp nhất Việt Nam một thời phải làm xấu mình bằng cách xén gần hết dải phân cách để lối đi rộng hơn. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông trong những ngày giáp Tết không thay đổi.
Mở rộng thêm 16m, vẫn tắc như thường
Dải phân cách giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng trước đó rộng 20m nay đã bị xén gần 16m, để lại 4,4m (từ nút giao Láng đến nút giao Đê La Thành). Sau khi mở đường, cảnh tượng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra triền miên, đặc biệt trong dịp giáp Tết, sát ngày Táo quân 23 tháng Chạp.
Trục đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng dù mỗi bên đã thành 4-5 làn xe vẫn chưa đủ đáp ứng lượng xe cộ gia tăng đột biến thời điểm này. Ở một số đoạn giao cắt, ôtô quay đầu càng gây khó khăn hơn cho người tham gia giao thông. Đèn tín hiệu ở các ngã ba, ngã tư giao với trục đường này đều bị vô hiệu hóa bởi các loại xe chưa kịp qua hướng này thì xe hướng khác đã lao tới. Người đi xe máy thấy chỗ nào trống lách vào đó rồi bị kẹt ở giữa, muốn tiến lên nữa thoát qua khu vực tắc, họ cũng không thể bởi vị trí nào cũng như nhau.
Lực lượng cảnh sát giao thông quá mỏng, không đủ để giúp cải thiện tình hình.
Nhìn từ trên cao, ôtô chiếm phần lớn trên trục đường, dù sau khi mở rộng, mỗi chiều có tới 5 làn.
Ôtô, xe máy qua đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vào giờ cao điểm đều bị kẹt cứng những ngày giáp Tết.
Cảnh ùn tắc này còn xuất hiện ở rất nhiều tuyến đường khác trong nội đô. Trong ảnh là đường Láng Thượng (quận Đống Đa).
Trung tâm thành phố rối loạn giao thông
Các tuyến đường từ Nguyễn Thái Học, ngã bảy Cửa Nam tới khu vực gần hồ Gươm những ngày này bị ùn tắc xe cộ bất cứ giờ nào, kể cả giữa trưa. Ở khu vực nào, ta cũng có thể bắt gặp những người chở đào, quất. Họ nặng nhọc dùng hai chân khua xuống đất và nhấn ga nhẹ chiếc xe máy của mình nhích từng vài chục cm giữa dòng xe đang ùn ùn để đưa hàng đến cho khách.
Chị Lê Minh Phương, làm việc tại một văn phòng trên phố Thợ Nhuộm, kể buổi trưa muốn đi ăn cơm cũng khó. Vừa bước chân ra cửa đã thấy ùn ùn xe đi lên vỉa hè.
“Phố Thợ Nhuộm thì bé tý, bình thường rất ít xe qua lại nay cũng bị ùn tắc. Chỗ Hai Bà Trưng thì ôi thôi, xe cộ ở đâu mà nhiều thế. Sợ quá đành gọi cơm hộp nhưng khi họ mang đến cũng lâu vì tắc”, chị Phương phàn nàn.
Ngã bảy Cửa Nam đoạn Điện Biên Phủ giao với Nguyễn Thái Học, Tràng Thi, Thợ Nhuộm.
Video đang HOT
Đây là một trong những tuyến đường tuy đông đúc nhưng ít khi ùn tắc kéo dài như dịp giáp Tết.
Người đọc sách, kẻ bấm điện thoại trong khi chờ đợi trên phố Tràng Thi, cách hồ Gươm vài trăm mét.
Vòng xoay cầu Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.
Những điểm nóng ùn tắc
Nói đến những điểm nóng kẹt xe ở thủ đô, người dân Hà Nội biết rõ khu vực nào cần tránh. Tuy nhiên, vào ngày này có những nơi họ bắt buộc phải đi qua vì không còn con đường nào khác.
Những điểm có thể kể đến gồm: Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Trường Chinh, Kim Mã, Giải Phóng…
Tại hướng đường qua hầm Kim Liên từ Đại Cồ Việt tới Đào Duy Anh, người đi ôtô phải dừng chờ hơn chục lượt đèn đỏ mới thoát qua ngã ba Phạm Ngọc Thạch – Xã Đàn.
Anh Lê Trọng Minh (nhà ở quận Cầu Giấy) chia sẻ sáng 6.2, anh đi từ Lý Thường Kiệt về đến nhà chưa đầy 8 km mất hơn 2 tiếng, muộn giờ cơm chiều với gia đình. Tưởng đường Xã Đàn và nút Hoàng Cầu to rộng, ít tắc hơn so với Khâm Thiên hoặc Kim Mã, anh đã chọn hướng đi này nhằm tránh tắc nhưng người đàn ông trung tuổi đã sai lầm. Chiếc Kia của anh bị kẹt cứng khi vừa chui ra khỏi hầm Kim Liên.
“Mỗi khi có chỗ trống, tôi chưa kịp nhấn ga nhích lên thì người đi xe máy lại ào tới chặn đầu. Ngay cả khi đi đúng làn cũng bị xe chạy sai làn chắn mất. Cảnh sát giao thông có mặt cũng bó tay vì họ phải giải quyết nhiều việc khác”, anh Minh nói.
Xe ùn ùn qua hầm Kim Liên đoạn đường Đào Duy Anh.
Cảnh sát giao thông phân luồng chỉ giảm bớt căng thẳng nhưng không làm cho xe cộ đi nhanh hơn.
Đường Kim Mã bình thường tắc một chiều hướng vào trung tâm nhưng nay rối loạn hai chiều.
Phố Chùa Bộc kẹt cứng.
Đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) nhỏ nhưng được cho phép đỗ ôtô, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây thường xuyên xảy ra, không chỉ giờ cao điểm.
Tình trạng ùn ứ giao thông càng sát Tết càng có mật độ dày hơn, đặc biệt là tại những khu vực tập trung nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng.
Khi các tòa nhà chung cư đưa vào khai thác thu hút người dân đến sinh sống ngày càng đông khiến hạ tầng giao thông đô thị xung quanh trở nên quá tải.
Cùng với các chung cư đã đưa vào sử dụng, dọc trục đường Tố Hữu và khu lân cận như Trung Hòa – Nhân Chính, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, khu vực này dày đặc nhà cao tầng. Ước tính, đoạn đường Lê Văn Lương dài chỉ khoảng trên 1 km nhưng đang phải gánh đến trên 30 chung cư cao tầng khác nhau.
Và trục đường Lê Văn Lương là một trong những điểm nóng ùn tắc ở phía tây nam thủ đô nhiều năm qua. Gần đây nhiều người ngại lưu thông vào nút này khi phải nhường đường cho xe buýt BRT một lối riêng. Tuy nhiên, vào những ngày giáp Tết, đường BRT cũng “biến mất” khi xe cộ buộc phải tràn vào gây che lấp hoàn toàn.
Đường Lê Văn Lương, một trong những điểm đen ùn tắc nặng mỗi ngày.
Cảnh tiến thoái lưỡng nan tại nút giao Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy.
Ra đường ngày giáp Tết là một cực hình nhưng nhiều người buộc phải đi.
Nút giao Cầu Giấy – Bưởi – Láng.
Đường Cầu Giấy là một trong những điểm nóng về ùn tắc giao thông bởi diện tích mặt đường bị thu hẹp để phục vụ xây dựng công trình Metro Nhổn – ga Hà Nội.
Tình trạng ùn tắc kéo dài từ sáng đến tận buổi tối muộn dịp giáp Tết ở rất nhiều tuyến đường nội đô.
Đoạn đường Trường Chinh nhỏ luôn trong cảnh chen lấn ngạt thở. Càng về cuối năm, người lưu thông qua đây càng cảm thấy sợ hãi không biết khi nào mới tới nơi cần đến.
Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố cùng các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện thường xuyên, đồng bộ các biện pháp, giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm “đen” ùn tắc giao thông để đánh giá đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các lực lượng chức năng, thanh tra Sở Giao thông, cảnh sát giao thông… cần tăng cường hiệp đồng phối hợp, tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.
Đặc biệt, các lực lượng cần phối hợp với công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan của thành phố, Bộ Giao thông Vận tải trong công tác tổ chức giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ; mở đường ngang trái phép… chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lưu lượng người và phương tiện tăng cao tại khu vực các bến xe, lực lượng thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với các bến xe và Tổng Công ty vận tải Hà Nội kiểm soát các tuyến đường cửa ngõ thủ đô, phân luồng giải tỏa giao thông đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi.
Theo Tiến Tuấn – Quỳnh Trang – Vũ Thế Sơn (Zing)
Cấm tặng quà cấp trên, 'tranh thủ' cấp dưới dịp Tết
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh thành phố trên cả nước và đơn vị thuộc bộ về chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, UBND trên cả nước cần quan tâm, chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình đời sống của các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão, lũ...) để quan tâm, hỗ trợ kịp thời.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lặp, chồng chéo, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Đối với những địa phương được hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2018, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ nhằm khắc phục ngay những sai sót ở cơ sở trong quá trình cấp phát. Đặc biệt không để xảy ra tình trạng thiếu đói.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy; xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trong cơ sở cai nghiện và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên bỏ trốn tập thể; theo dõi, nắm tình hình lương, thưởng Tết của người lao động tại các doanh nghiệp...
Đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu không tổ chức "tiệc tùng", đặc biệt là việc ăn uống xa hoa, lãng phí trong dịp tổng kết cơ quan, đơn vị, dịp kỷ niệm các sự kiện của tập thể, cá nhân và trong dịp Tết Nguyên đán. Tuyệt đối không được sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội,...
Đáng chú ý văn bản này nêu rõ: "Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng...".
Theo Viết Long (PLO)
Gần Tết, xe nhích từng cm trên phố ở Hà Nội Cảnh tắc đường vốn quen thuộc ở Thủ đô, nhưng dịp gần Tết, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Dòng người nhích từng cm trong suốt nhiều tiếng đồng hồ trong giờ cao điểm buổi chiều tại đường La Thành, đoạn qua ngõ 612. Hơn một tuần qua, giao thông trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô đã thường xuyên diễn...