Nơi sinh ra những cặp tàu tên lửa hiện đại
Đó là Tổng công ty Ba Son thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Ba Son đóng thành công, bàn giao cho Quân chủng Hải quân hai tàu hộ vệ tên lửa HQ 377 và HQ 378 (ký hiệu M1 và M2). Sự kiện Tổng công ty Ba Son đóng mới thành công cặp tàu tên lửa đã mở ra bước đột phá mới của ngành đóng tàu Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại.
Đại tá Phạm Ngọc Thiện, Tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son, cho biết: “Với sự phát triển về trình độ kỹ thuật, công nghệ, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… cùng những kinh nghiệm có được trong đóng mới nhiều loại tàu quân sự, vì thế Tổng công ty Ba Son được Nhà nước, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiệm vụ triển khai chương trình đóng mới loạt tàu hộ vệ tên lửa 12418 (loạt tàu M) để trang bị cho lực lượng Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là loại tàu tên lửa hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam. Tàu có tính cơ động cao, hỏa lực mạnh, chỉ huy tác chiến bằng điện tử với hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại có khả năng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên không và trên biển”.
Tàu M3 chuẩn bị hạ thủy.
Để thực hiện chương trình đóng tàu, Ba Son đã phải lên kế hoạch, tính toán hợp lý, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả như xây dựng mới Nhà đóng tàu “M” tại Nhà máy X51, triển khai đóng tàu cả hai vị trí Ba Son hiện hữu và Nhà đóng tàu “M” tại X51. Đơn vị đã khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có, đầu tư các trang thiết bị công nghệ hiện đại, các phần mềm công nghệ đóng tàu tiên tiến, học tập chuyển giao công nghệ đóng tàu quân sự tại Nga, thực hiện tốt các công tác bảo đảm về kỹ thuật, công nghệ, vật tư, thiết bị, vũ khí khí tài.
“Xác định đóng loạt tàu M là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa mang tính đột phá về công nghệ, vừa mang tính chiến lược đối với sự phát triển của tổng công ty và ngành đóng tàu quân đội; Đảng ủy Tổng công ty Ba Son đã ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo thực hiện chương trình đóng mới loạt tàu M, tăng cường công tác giáo dục chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm, trí tuệ của toàn đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ Phong trào Thi đua Quyết thắng; đồng thời đẩy mạnh các đợt thi đua đột kích, cao điểm… gắn với mục tiêu, nội dung trọng tâm thi đua là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đóng mới loạt tàu M bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng, tiến độ, hiệu quả”, Đại tá Phan Hoàng Hà, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng công ty Ba Son chia sẻ.
Sau hơn 4 năm thực hiện, đến tháng 4-2014, Ba Son đã đóng, chạy thử, nghiệm thu kỹ thuật, bắn thành công tên lửa của cặp tàu M1, M2, tên lửa đều trúng trực tiếp mục tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Những kinh nghiệm đóng cặp tàu đầu tiên đã được đúc rút để Ba Son tiếp tục đóng mới cặp tàu thứ hai. Niềm vui như được nhân lên, tháng 6-2015, cặp tàu M3 và M4 (phiên hiệu 379, 380) được nghiệm thu, bàn giao cho Vùng 2 Hải quân. Giờ đây, những người thợ Ba Son có thể tự hào, tự tin làm chủ công nghệ đóng những con tàu hiện đại phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thành công nối tiếp thành công, cặp tàu thứ ba (M5, M6) cũng đã được tổng công ty triển khai đóng theo đúng kế hoạch, dự kiến giữa năm 2016 bàn giao cho Quân chủng Hải quân.
Được biết, từ năm 2010 đến năm 2014, bình quân hằng năm tổng công ty sửa chữa, bàn giao từ 20 đến 25 tàu quân sự và các tàu cảnh sát biển, bảo đảm chất lượng, an toàn, đúng tiến độ; hầu hết là các tàu hiện đại trong đội hình tác chiến chủ lực của Hải quân Việt Nam. Đơn vị còn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa cơ động cho các lực lượng: Hải quân, cảnh sát biển, bảo đảm cho các tàu luôn được sẵn sàng và hoạt động thường xuyên, dài ngày trên biển. Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, hằng năm tổng công ty thực hiện 75-80 hợp đồng sửa chữa tàu có trọng tải lên đến 10.000 tấn; đóng mới nhiều sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như loạt tàu đánh cá ngừ đại dương 6 chiếc, 2 tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển cùng nhiều loại tàu chuyên dụng và các loại phương tiện nổi khác. Tổng công ty luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, so với năm 2010, doanh thu năm 2014 tăng 4,45 lần, lợi nhuận tăng 2,12 lần.
Trong 5 năm qua, Tổng công ty Ba Son đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng dự án đóng tàu M đã có 9 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí thực hiện hơn 3,5 tỷ đồng cùng nhiều sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất với giá trị làm lợi hơn 26 tỷ đồng. Tính chung cho chương trình đóng 6 tàu M, dự kiến tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 300 tỷ đồng.
Việc nghiệm thu và bàn giao cho Quân chủng Hải quân 2 cặp tàu tên lửa hiện đại (tàu M1, M2, M3, M4) đã khẳng định năng lực, công nghệ, trình độ chuyên môn tay nghề của Ba Son trong đóng mới các tàu chiến hiện đại tại Việt Nam. Đặc biệt, những người thợ Ba Son tích lũy nhiều kinh nghiệm, tự tin tiếp tục đóng loạt tàu M còn lại. Dự án đóng mới loạt tàu hộ vệ tên lửa là bệ phóng mới tạo nên một thế hệ những người thợ lính Ba Son năng động, sáng tạo của thời kỳ mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế. Những trang sử hào hùng của Công hội đỏ Ba Son năm xưa sẽ tiếp tục viết tiếp bởi chính bàn tay những người thợ đóng tàu Tổng công ty Ba Son hôm nay.
Video đang HOT
Theo Lâm Quyền – Huy Văn
Hình ảnh lịch sử về những chiến công của Hải quân Việt Nam
Được trưng bày ở phòng truyền thống trên đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa), những hình ảnh về các chiến công của Hải quân Việt Nam trong lịch sử như một sự khích lệ đối với những người lính hải quân thế hệ hôm nay.
Tàu của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 171 phá nổ thủy lôi địch, chống phong tỏa, đảm bảo giao thông.
Tàu của Phân đội 7 đánh trả máy bay địch trên vùng biển Đông Bắc.
Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc XHCN của đế quốc Mỹ.
Tàu của đoàn 125 vượt qua sự phong tỏa của địch, đưa người và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam.
Trinh sát tiến công giải phóng đảo.
Tàu của Lữ đoàn 125 chở lực lượng đặc công giải phóng quần đảo Trường Sa.
Chiến sỹ đoàn 126 đặc công Hải quân chuẩn bị vũ khí đánh tàu địch.
Lực lượng đặc công tiến công giải phóng đảo tháng 4/1975.
Kéo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa) sáng 25/4/1975.
Bác Hồ chụp ảnh chung với Phó Tư lệnh Hải quân, Đại tá Nguyễn Bá Phát, và Tư lệnh Phòng không - không quân, Thiếu tướng Phùng Thế Tài, trong lễ tuyên dương công trạng chiến thắng trận đầu ngày 5/8/1964.
Thiếu tướng Tạ Xuân Thu, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng Hải quân, gắn Huân chương tặng Trung úy Nguyễn Xuân Bột - người chỉ huy phân đội tàu phóng lôi đánh tàu Ma Đốc ngày 2/8/1964.
Chủ tịch nước Võ Chí Công trao cờ Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Quân chủng Hải quân - tháng 12/1989.
Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương trao cờ Đơn vị Anh hùng LLVTND cho các lực lượng của Quân chủng tham gia chiến dịch Tây Nam.
Khánh Linh
Theo Dantri
Ý chí thép nơi đảo xa Ngày 19/4, Đoàn công tác của Tổng cục Chính trị do đồng chí Thượng tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm TCCT làm trưởng đoàn, đi thăm, kiểm tra nhân dân và cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 đã kết thúc chuyến...