Nới ‘room’ mới hút được vốn ngoại!
Nhiều ngân hàng cho biết, đang đàm phán với đối tác để bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ngoại năm nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, để có thể thu hút được vốn ngoại, cần thiết nới “room” so với mức quy định tối đa không vượt quá 30% hiện nay.
Tỷ lệ nắm giữ tối đa 30% tại một TCTD vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của NĐT nước ngoài trong quá trình quản trị ngân hàng
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, chiến lược của đơn vị này là sớm sẽ tăng thêm vốn điều lệ. Vì thế, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 15% sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, theo vị chủ tịch trên, chỉ với tỷ lệ sở hữu 20% với một đối tác và tối đa 30% được bán cho khối ngoại hiện nay cũng chưa phải là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi “rót” vốn vào ngân hàng Việt Nam. Bản thân nhà đầu tư nước ngoài cũng như chính ngân hàng Việt Nam mong muốn được nới thêm “room” trong việc thu hút vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.
ABBank đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài ở mức tối đa 30%, trong đó, Tập đoàn MayBank nắm giữ 20%, IFC nắm 10%. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng muốn đề nghị Chính phủ được nới room đến 49% cho nhà đầu tư nước ngoài. Vietcombank và VietinBank đang xin phép cho nới room ngoại lên lần lượt 35% và 40%. Ngoài ra, SCB cũng đang muốn nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 50% và đã được chấp thuận về mặt chủ trương.
Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, Ngân hàng đang đề xuất ý kiến lên Chính phủ và NHNN về việc nới room, có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức cao hơn. Việc nới room đang là xu hướng tất yếu. Chính phủ đã quyết định nới room vốn ngoại cho một số DN niêm yết trên sàn chứng khoán không thuộc lĩnh vực kiểm soát, nắm giữ tỷ lệ nhất định. Những DN này đã được nới room lên mức tối đa là 100%. Tuy nhiên, lĩnh vực ngân hàng có nhiều điểm đặc thù, nên mức độ và thời điểm sẽ do Chính phủ quyết định. BIDV cũng có kế hoạch sẽ bán 25% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, 10% bán cho nhà đầu tư tài chính và 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Tương tự, HĐQT VPBank cho biết, ngoài việc xem xét thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, VPBank cũng đang tìm kiếm đối tác nước ngoài phù hợp để hợp tác. Sau khi cổ đông chiến lược nước ngoài – Ngân hàng OCBC (Singapore) rút vốn từ cuối năm 2013, đến nay VPBank không có nhà đầu tư nước ngoài nào sở hữu cổ phần.
VPBank cho biết, trong 2 năm gần đây, Ngân hàng đã tìm hiểu, tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phần. Về phương án chào bán, thông tin VPBank đưa ra trước đó cho hay, Ngân hàng sẽ chào bán tối đa theo quy định là 30% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, tương đương 20% vốn sau khi tăng vốn vào cuối năm qua. Thời điểm thực hiện trong năm 2016 tùy vào việc xin chấp thuận của các cơ quan nhà nước, cũng như việc đàm phán chi tiết với các nhà đầu tư.
Video đang HOT
Theo quy định hiện nay, một nhà đầu tư nước ngoài không được phép sở hữu trên 20% vốn điều lệ của ngân hàng trong nước và tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng nội không được quá 30%. Đồng thời, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài phải là ngân hàng uy tín, có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên, có tổng tài sản tối thiếu 20 tỷ USD vào năm liền trước mua cổ phần… Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa 30% tại ngân hàng Việt Nam chưa hấp dẫn được nhà đầu tư và mong muốn nới room cho khối ngoại. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, nới room ngân hàng không dễ.
Chủ trương của Chính phủ cũng cho phép các ngân hàng thu hút vốn từ cổ đông ngoại và có thể vượt tỷ lệ 30% nếu được Chính phủ chấp thuận trong quá trình tái cơ cấu, thậm chí là bán 100% cổ phần đối với các ngân hàng nhỏ, yếu kém cần “hút” vốn ngoại đẩy mạnh tái cấu trúc. Nhưng đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào được bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2014, trên thị trường xuất hiện thông tin khả năng GPBank định bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore), song kết quả bất thành và GPBank bị mua lại 0 đồng.
Nới room cho nhà đầu tư ngoại được xem là cần thiết và tất yếu trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam vào thế giới. Theo lãnh đạo các nhà băng, việc nới room sẽ tác động tích cực tới ngân hàng, như thu hút thêm nhà đầu tư mới, thu hút thêm nguồn lực tài chính, nâng cao sự hợp tác của các đối tác. Mặt khác, với nhà đầu tư nước ngoài, hiện tỷ lệ nắm giữ tối đa 30% tại một tổ chức tín dụng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của họ trong quá trình quản trị ngân hàng. Nói cách khác, quyền phủ quyết và cao hơn là quyền quyết định của các cổ đông chiến lược nước ngoài hiện nay tại ngân hàng Việt Nam vẫn bị hạn chế do tỷ lệ cổ phần nắm giữ thấp.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, mở room cho nhà đầu tư ngoại dù là xu thế tất yếu, nhưng với khối ngân hàng thì mức độ, liều lượng cũng như thời điểm như thế nào là do Chính phủ quyết định, dựa trên các yêu cầu về quản lý, mục tiêu nền kinh tế…
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Nhiều ngành nghề, doanh nghiệp khó nới room
Mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều DN thông qua quyết định nới room. Tuy nhiên, câu trả lời "chắc như đinh đóng cột" về việc DN có được nới room hay không là một thử thách với lãnh đạo DN có nhiều ngành nghề kinh doanh.
Ngân hàng, dịch vụ thông tin, một số lĩnh vực thuộc dịch vụ vận tải... không được phép nới room
Tại ĐHCĐ của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), cổ đông đề nghị HĐQT NSC trình đại hội xem xét nới room cho NĐT nước ngoài lên 100% vốn điều lệ.
Về đề nghị trên, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc NSC cho biết, theo danh sách cổ đông chốt ngày 16/3/2016 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, thì NĐT nước ngoài sở hữu 13,45% cổ phần của NSC, nên room dành cho đối tượng NĐT này còn rất lớn là 36,55%. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh của NSC thuộc diện hạn chế sở hữu NĐT nước ngoài, không cho phép nâng tỷ lệ sở hữu từ 51% vốn trở lên. Vì vậy, HĐQT chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để trình ĐHCĐ nới room lên 100% cho NĐT nước ngoài.
Theo các quy định về dịch vụ liên quan đến nông nghiệp, săn bắn và lâm nghiệp tại Danh mục điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của NĐT nước ngoài tại tổ chức kinh tế hợp tác với bên Việt Nam không vượt quá 51%.
Ở khía cạnh có liên quan, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán và là người có nhiều góp ý về kỹ thuật nới room cho biết, có những ngành không được phép nới room như: ngân hàng, dịch vụ thông tin, một số lĩnh vực thuộc dịch vụ vận tải (bảo đảm hoạt động bay, lai dắt tàu biển, dịch vụ vận tải hành khách bằng đường sắt...). Tuy nhiên, ngay cả trong các lĩnh vực này, thì vẫn có những phân ngành cho phép tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên trên 49%, nghĩa là được phép nới room thêm một tỷ lệ nhất định so với trước đây.
Chẳng hạn, lĩnh vực dịch vụ thông tin thuộc nhóm ngành viễn thông cơ bản, nhưng với phân ngành dịch vụ không có hạ tầng mạng, NĐT nước ngoài được phép sở hữu không vượt quá 65% vốn điều lệ tại DN Việt Nam, còn nếu là dịch vụ có hạ tầng mạng, thì NĐT nước ngoài được phép sở hữu không vượt quá 49%.
Bởi vậy, nếu chỉ căn cứ vào lĩnh vực dịch vụ thông tin (gồm rất nhiều phân ngành) thì có thể cho rằng, DN không được nới room cho NĐT nước ngoài vượt quá 49%.
Nói như vậy đúng, nhưng chưa đủ, vì nếu qua rà soát mà DN không đăng ký kinh doanh phân ngành dịch vụ có hạ tầng mạng, thì không bị hạn chế room tối đa là 49%, nên có thể nới room lên mức không quá 65%.
Trong trường hợp DN có đăng ký phân ngành này, nhưng trên thực tế chưa triển khai hoạt động, thậm chí đã kinh doanh nhưng không hiệu quả, trong khi DN muốn nới room, thì có thể loại bỏ phân ngành dịch vụ có hạ tầng mạng ra khỏi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều này liên quan đến câu chuyện đánh đổi giữa được và mất mà DN phải lựa chọn. Nghĩa là, nếu DN muốn nới room, thì có trường hợp phải cắt giảm ngành nghề kinh doanh. Ngược lại, vẫn giữ ngành nghề kinh doanh (bị hạn chế tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài) vì đây là lĩnh vực DN đang hoạt động hiệu quả, thì đương nhiên không được nới room.
Việc lựa chọn giữa được và mất như trên không đơn giản và tốn thời gian với nhiều DN, nên có DN tranh thủ trình ĐHCĐ năm nay thông qua chủ trương nới room, nhưng bao giờ thực hiện thì để ngỏ.
"Công ty đăng ký hoạt động trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, nên quá trình rà soát để có câu trả lời cuối cùng DN có được nới room hay không tốn khá nhiều thời gian và việc này phức tạp. Tuy nhiên, HĐQT công ty vẫn trình ĐHCĐ thường niên năm 2016 thông qua chủ trương nới room theo hướng ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến giảm mã ngành, nếu qua rà soát phát hiện có ngành giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài theo luật định", tổng giám đốc một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội chia sẻ.
Lãnh đạo DN này cho biết, trong quá trình triển khai chủ trương nới room mà ĐHCĐ vừa thông qua, nếu có những ngành giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài, mà công ty chưa hoạt động, hoặc đã triển khai nhưng không hiệu quả, thì sẽ cân nhắc loại bỏ các ngành này ra khỏi giấy phép kinh doanh, để chính thức nới room.
Tuy nhiên, nếu có nhiều ngành hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với bên nước ngoài, mà những ngành này đang là lĩnh vực kinh doanh chính, có đóng góp quan trọng về doanh thu, lợi nhuận đối với công ty, thì công ty sẽ không đánh đổi bằng cách loại bỏ các ngành này ra khỏi giấy phép kinh doanh để nới room.
Hữu Đạo
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
VIB sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2018 Ngày 28/4, VIB đã tổ chức thành công ĐHCĐ 2016 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo NHNN, đã thông qua các đề xuất của HĐQT với tỷ lệ đồng ý cao. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT của VIB cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐQT đã thường xuyên thực hiện việc rà soát kết quả kinh...