Nơi phụ nữ không dám lấy chồng
Tang tóc vẫn bao phủ bản Poọng khi những cái chết được báo trước lần lượt về với đất Giàng trong sự bất lực của người sống.
Con gái nơi đây không dám lấy chồng vì sợ HIV
Bên những ngôi nhà xiêu vẹo, không ít đứa trẻ lớn lên thiếu tình thương của cha mẹ, những đôi mắt buồn của thiếu nữ trở nên u uất hơn khi không còn tin vào trai bản. Tang tóc vẫn bao phủ bản Poọng khi những cái chết được báo trước lần lượt về với đất Giàng trong sự bất lực của người sống.
Tận cùng nỗi đau
Ngược gần 300km, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được bản Poọng (xã Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa). Đã 10 năm qua, bản Poọng không còn sức sống của một vùng đất trù phú với núi rừng, sông nước, không còn những tiếng cười đùa mà chỉ còn những tiếng thở dài ai oán. Theo báo cáo mới nhất của UBND xã Tam Chung, khoảng bảy năm trở lại đây, toàn xã có gần 80 người chết vì HIV/AIDS, riêng bản Poọng có trên 40 người.
Trong căn nhà trống huơ trống hoác ven sông, anh Hoàng Thanh Tâm, cán bộ thôn nghẹn ngào kể về nỗi đau tận cùng mà người dân bản Poọng phải chịu đựng suốt hơn 10 năm qua. Nguyên nhân dẫn đến sự tang tóc ở nơi này là vào những năm 90, trai bản bắt đầu đi về các vùng Son Bá Mười (Bá Thước), Cẩm Thủy, Thường Xuân… để tìm các bãi đào đãi vàng với hy vọng đổi đời. Bẵng đi một thời gian, không những không thực hiện được giấc mơ đổi đời mà họ trở về quê còn mang theo mầm mống của căn bệnh quái ác HIV/AIDS, cùng với các tệ nạn ma túy, mại dâm.
Cả bản Poọng có 87 hộ dân với 398 khẩu thì đã có tới 64 hộ nghèo. Anh Tâm cho biết, bản giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ, trai tráng và phụ nữ trong bản cứ chết dần vì HIV. Có gia đình tới bốn người chết.
Trong ngôi nhà lụp xụp, cụ Hà Thị Vưn (80 tuổi) vẻ mặt lúc nào cũng sầu não. Ở tuổi gần đất xa trời mà cụ vẫn phải kiếm cái ăn cho hai đứa cháu chưa đầy 10 tuổi. Cụ bảo, đó là hậu quả của căn bệnh HIV, bố mẹ chúng nó đã chết cả rồi. Giờ còn hai đứa, không biết rồi nó có như bố mẹ chúng không nữa.
Video đang HOT
“Cứ hỏi, tại sao “con” HIV lại khủng khiếp như vậy, nó đã cướp đi biết bao nhiêu trai, gái trong bản. Có tuần có đến ba người chết thì thật không thể tưởng tượng được. Nhưng những đứa trẻ thì vẫn phải lớn lên, chúng phải ăn, phải sống. Đứa nào bị nhiễm “H” (HIV) thì đành chịu thôi. Cứ kệ đi, rồi cũng qua”, ba Vưn than thơ.
Từ ngày bố mẹ nó mất, dường như Thường (cháu bà Vưn) trở nên lì lợm hơn. Trò chơi duy nhất của Thường là trườn trên đống cát, thỉnh thoảng nó nhìn về phía xa xăm. Không ai nói ra, nhưng người dân bản Poọng này đều cho rằng bố mẹ Thường chết vì “H” thì trong người nó giờ cũng đang có con “H” đi theo nên họ không cho con cái mình đến gần Thường. “Nhìn thấy cháu lủi thủi một mình mà tôi chết lặng. Chỉ mong sao trong người cháu không có con HIV như bố mẹ nó để mọi người đừng xa lánh, để nó còn chơi được với bạn bè trong bản”, bà Vưn nghẹn ngào nói.
Thấy có người lạ đến nhà, Thường chạy về đứng nép sau cánh cửa nhìn vào. Tôi bước tới chìa tay về phía Thường, như một phản xạ tự nhiên cháu co rúm người lại lẩn tránh. Từ sâu trong ánh mắt của đứa bé tám tuổi là sự tủi thân khi sống lạc lõng giữa cộng đồng.
Lấy chồng vừa sợ, vừa run
Sau cái nắng yếu ớt cuối chiều, trời mưa tầm tã như muốn cuốn trôi cả bản làng của người Thái xuống dòng sông Mã đỏ ngầu, chảy xiết. Mỗi ngày trôi qua với chị Hoàng Thị Kết (SN 1981) là mỗi ngày chất chứa những nỗi đau. Mỗi đêm nằm mơ thấy người chồng đã chết 5 năm trước, chị chỉ muốn buông xuôi, rồi nhìn ba đứa con đang ngủ ngon, chị lại nhủ lòng mình phải sống để nuôi các con ăn học tử tế. Chị bảo chị không dám đi bước nữa. Chồng chị chết không phải vì HIV, nhiều khi chị nghĩ cũng muốn lấy chồng để có người đàn ông lúc tắt lửa tối đèn nhưng vì căn bệnh HIV đang tiềm ẩn khắp nơi trong bản nên chị sợ lấy phải một người bị HIV thì cuộc đời chị và những đứa con cũng coi như hết. Theo thống kê của cán bộ bản, đến nay bản Poọng có khoảng 30 người phụ nữ góa chồng.
Chị Kết kể, những người có chồng không dám đi bước nữa đã đành. Cả con gái ở bản lớn lên cũng chẳng dám đánh cược với mạng sống của mình. Chúng nó bảo lấy chồng sợ “H” lắm. Vì vậy mà con gái bản Poọng đến tuổi cập kê đều thoát ly sang bản khác, xã khác lấy chồng. Nhiều đôi trai gái yêu nhau, đến với nhau mà vẫn nơm nớp lo sợ.
Em Lương Thị Hoa (15 tuổi) bảo, bố mẹ gả em cho một trai bản. “Em cũng yêu người ta, nhưng em sợ lắm vì con trai hay bị HIV. Hơn nữa nhà chàng trai này có người anh chết vì căn bệnh này cách đây vài năm. Giờ bản thân em cũng không biết phải như thế nào nữa”, Hoa tâm sự.
Chia tay bản Poọng, những đứa trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa, các cụ già thì đầy nỗi ưu tư, không biết tương lai của những đứa trẻ này lớn lên sẽ như thế nào.
Theo Xahoi
Khắc khoải bản Khằm
Đứng ở trên dốc cổng trời, một hẻm núi cao vút, hiểm trở, nơi con đường độc đạo duy nhất dẫn vào bản Khằm mà nhìn xuống, bản Khằm trông nhỏ nhoi và yên bình.
Bản Khằm nhỏ nhoi là vậy nhưng đang chứa rất nhiều nỗi đau
Trong khung cảnh hết sức bình yên ấy, mấy ai biết được, đã lâu lắm rồi, nơi đây vốn khắc khoải bởi những nỗi đau của tệ nạn nghiện ngập, tình cảnh tù đày của ma tuý.
Lay lắt những mảnh đời
Mới đầu mùa đông, nhưng miền Tây xứ Thanh đã lạnh se sắt, sương mù ở các hẻm núi tràn xuống bủa vây, đặc quánh, có cảm tưởng như véo ra được từng cục. Trong ánh lửa bập bùng và cái lạnh tái tê, Giàng A Dia, Trung Lý (Mường Lát - Thanh Hoá) gọi chúng tôi dậy sắp sửa hành trình để vào với bản Khằm. Con đường đất vào bản đã bị sương mù làm nhão ra, trơn tuột và rất khó đi, có cảm tưởng như ở đây vừa xảy ra một cơn lũ rừng. Sau khoảng 3 giờ quần quật lội bộ, chúng tôi tới bản Khằm. Cái nhà hay nói đúng hơn là cái lều mà Giàng A Dia đưa chúng tôi vào là nhà Vàng A Cả.
Sương tan, những ánh mặt trời hiếm muộn cho một ngày mới le lói lách mây chiếu xuống. Đã 9 giờ 25 phút mà trên chiếc phản được kê bằng những bắp cây, cái thụt cái thò vẫn còn một đống chăn màn và một người nằm đó. Giàng A Dia cất tiếng gọi nhiều lần, một cái đầu bù xù tóc, hai con mắt lòng trắng choán đầy mới thò ra. Và, cũng phải nửa tiếng sau, cái thân hình rệu rạo đó mới dậy, nói đúng hơn là phải lăn, trườn ra khỏi chiếc phản và đống chăn màn ẩm ướt. Vàng A Cả ngồi trước chúng tôi. Có trí tưởng tượng phong phú mấy tôi cũng không thể hình dung ra được, trước đây Cả vốn là người lực lưỡng, đẹp trai, thổi khèn giỏi nhất của Bản Khằm, làm mê hồn các cô gái Mông. Cả đã được nhiều thiếu nữ Mông ở đây đem cả vào trong giấc ngủ. Cả sinh năm 1978, đẹp trai, nhanh nhẹn, đã có lúc Cả được bà con, chính quyền bầu làm Công an xã. Đường đời của Cả đang rộng thênh, đầy hy vọng thì Cả bỗng đánh mất mình. Cơn lốc ma tuý ập đến các xã trong huyện, vào bản Khằm, không làm chủ được mình, Cả đã bị nó cuốn đi. Từ thử cho biết rồi đến nghiện, Cả ngày đêm bị nàng tiên nâu mê hoặc. Và, như quy luật bình thường khác của kẻ nghiện, tài sản nhà Cả cứ ngày đêm chui tuột vào nõ điếu.
Ngày trước, do chính sách hỗ trợ của Chương trình 134, Cả cũng có một ngôi nhà to và đẹp ở bản Khằm. Thế mà từ ngày lâm nghiện, ngôi nhà ấy cũng bị Cả tháo đi để bán dần cho người khác kiếm tiền mua thuốc. Đầu tiên là ngói, sau đó đến ván bưng và sau đó là cột. Ngôi nhà ấy không còn. Để có chỗ ở cho người vợ trẻ và ba đứa con, Cả đã phải đi mua tạm ít vải bạt để quây lại. Con đói, vợ khóc, nhà cửa thì như vậy nhưng Cả đành bất lực bởi sự cùm kẹp của thuốc phiện.
Từ một Công an viên, chồng của một người vợ đẹp, cha của 3 đứa con dại ấy thế mà Cả đã bất chấp và đánh đổi tất cả. Hiện tại, cuộc sống hàng ngày của Cả chỉ là: Vào rừng, kiếm được thứ gì đem bán thứ đó để có tiền, mua thuốc hút, say rồi lại lăn quay ra phản, vật vã mà nằm.
Hiện tại, bản Khằm có tất thảy gần 60 hộ. Đi từ hộ này sang hộ khác, những buồn đến cùng tôi. Tình cảnh của Vàng A Cả bi đát là vậy thế nhưng khi tìm đến với gia đình Vàng A Chu và Thào Thị Vua thì gia đình này còn bi đát và tệ hại hơn nhiều. Ngày xưa ở bản Khằm, Thào Thị Vua đẹp nổi tiếng, tựa như một bông hoa tam giác mạch mà người Mông hay trồng để làm cảnh và lấy hạt. Trời cho Vua rất nhiều thứ. Ngoài sắc đẹp, Vua còn nổi tiếng khéo tay trong việc dệt váy áo, chăm chỉ khi đi làm nương ruộng. Vua đã đi vào giấc ngủ của rất nhiều chàng trai Mông, ai cũng bảo nếu lấy được Vua như lấy được con ngựa tốt về nhà. Biết tôn vinh sắc đẹp và cá tính của mình, ở nhà cùng cha mẹ mãi, Vua mới chọn được Vàng A Chu để làm bạn đời. Đôi "trai anh hùng, gái thuyền quyên" của bản Mông này hạnh phúc được với nhau khi đứa con thứ 3 ra đời. Từ đây, vợ chồng Chu và Vua đã bước vào một quãng trượt dài khi họ muốn giàu có, muốn không phải đi nương.
Để làm giàu, nghe sự lôi kéo của cánh buôn bán thuốc phiện, Chu đã nhận lời chuyển thuốc phiện cho họ. Lợi lộc của món hàng "cơm đen, cơm trắng" này chưa thấy đâu thì hai vợ chồng Chu và Vua đều lâm vào nghiện hút. Thế là, tiền kiếm được đã không phục vụ được cho gia đình mà đành chuyển sang phục vụ cho cái dọc tẩu. Vài năm sau, khi chưa kịp thân tàn, ma dại vì thuốc thì Chu bị bắt, bị kết án. Hành trình trở về của Chu với vợ, với con còn dài dằng dặc và Chu cũng không muốn về nhà nữa vì người vợ, bông hoa rừng một thời đã nghiện hút quá nặng rồi. Giờ đây, 4 đứa con đẹp như mộng của Chu đành mỗi đứa một ngả. Kiếm được cái gì, bản Khằm ai tốt bụng cho gì thì chúng ăn nấy. Còn người mẹ tên Vua đành vật vờ, sống lay lắt, chờ cái chết đến để đưa mình đi mà thôi.
Bà Thào Thị Va, 80 tuổi nhưng vẫn phải làm lụng quần quật để nuôi cháu
Ở bản Khằm, ngoài những mảnh đời trên người ta còn biết đến Vàng A Sênh. SN 1975, năm nay mới 32 tuổi nhưng Sênh đã có đến 15 năm "đeo khói". Tàn tạ, xộc xệch, kiếm tiền để mua thuốc phục vụ những cơn nghiện đã biến Sênh thành con ma, làm cho người già và trẻ em ở bản Khằm đều khiếp. Chiều xuống, bà Thào Thị Va, năm nay 80 tuổi vẫn phải tất bật với công việc. Một đàn cháu mà đứa con trai vô trách nhiệm, lâm nghiện hút, vận chuyển ma tuý, bị kết án để lại đã bắt cái thân già tuổi 80 của bà phải làm lụng, nuôi chúng. Khi chúng tôi hỏi, với thể trạng mệt mỏi, bà chỉ than được một câu "chi pâu hài à" (không biết gì đâu), rồi ngước mắt lên dốc Cổng Trời, nơi đang le lói chút nắng cuối ngày với một cái nhìn vô vọng.
Cần lắm những bình yên
Theo tìm hiểu, năm 1990, bản Khằm được thành lập do một số lượng lớn người Mông di cư ở khu vực phía Bắc về. Những ngày đầu thành lập, dân bản rất thuần. Thế nhưng hiện nay, tình hình ở đây rất phức tạp, nhất là về ma tuý. Sự phức tạp này có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nguyên nhân cơ bản nhất để dẫn đến tình trạng nghiện hút và buôn bán ma tuý ở bản. Thứ nhất là do bản ở gần xã Phù Nhi, trước kia là vựa thuốc phiện của miền Tây tỉnh Thanh Hoá. Tàn dư nghiện hút và tình hình lén lút trồng cây thuốc phiện ở Phù Nhi đã "lây lan" sang bản Khằm. Nguyên nhân thứ hai là do xã nằm trên con đường độc đạo từ Mường Lát về Thanh Hoá. Đây cũng là con đường "huyết mạch" để vận chuyển ma tuý từ Luông - Pha - Băng đi qua Luông - Nậm- Phà của nước bạn Lào về Thanh Hoá. Vì lợi nhuận và nhận thức hạn chế, người dân đã trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán ma tuý. Để thu phục họ, lợi dụng sự kém hiểu biết, bọn cầm đầu của những đường dây đã trả tiền và cái nguy hiểm nhất là dạy họ, bắt họ phải dùng thuốc.
Con đường lên với bản Khằm đã khó, xuống càng khó hơn. Chúng tôi rời bản Khằm khi màn đêm và sương mù nhanh chóng bủa vây bản. Lại với những cái rét tái tê, những cơn gió núi thốc đến ù tai, ám ảnh tôi vẫn là đôi mắt mệt mỏi của bà cụ 80 tuổi Thào Thị Va. Không còn hy vọng nhưng vẫn phải sống, cuộc sống của bà, của lũ trẻ ở bản Khằm hiện tại đang là như vậy.
Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững, ngày 20/7/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Đây là quyết định quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Ngày 10/1/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hộicác xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) với mục tiêu tổng quát là tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường... giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.
Theo Xahoi
Hơn 1 triệu người Việt Nam bán hàng đa cấp Ngày 17/8, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho hay: Sau hơn 10 năm xuất hiện ở thị trường VN, đã có hơn 1 triệu người tham gia bán hàng đa cấp bán hàng đa cấp giúp nhiều người có được việc làm, tăng thu nhập. Song, vẫn còn hiện tượng lợi dụng để lừa đảo nhiều người, quảng bá sản...