Nơi níu dây, cõng học sinh qua suối: Cần lắm một cây cầu!
Có mặt tại nơi xuất hiện đoạn video clip hai người đàn ông cõng một nhóm học sinh, tay níu sợi dây cáp rồi đi trên ống nước bắc qua dòng suối dữ, nước chảy xiết, người dân nơi đây bày tỏ mong ước có một cây cầu để đi lại thuận lợi và an toàn.
Ngày 25/9, PV Dân trí đã vượt quãng đường hàng trăm km đường rừng núi để có mặt tại thôn Tân Sơn, xã miền núi Sơn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình, nơi xuất hiện đoạn video clip hai người đàn ông cõng một nhóm học sinh, tay níu sợi dây cáp rồi đi trên ống nước bắc qua suối Khe Dứa.
Con suối khe Dứa giờ nước đã rút xuống khoảng 2 mét
Hai người đàn ông cõng học sinh vượt suối bằng đường ống nước thuỷ lợi là anh Nguyễn Long Khánh (SN 1979), trú tại thôn Tân Sơn và một người hàng xóm của anh.
Theo lời kể của anh Khánh, lúc đó 2 con trai của anh là cháu Nguyễn Hoàng Anh (SN 2011) và Nguyễn Hoàng Việt (SN 2009) đang trên đường đi học về, vì nước suối dâng cao nên không về nhà được, anh Khánh đã cùng một người khác phải vượt qua suối bằng đường ống nước thủy lợi để cõng con về.
“Ở chỗ này cứ mưa to là nước Khe Dứa lại dâng cao, hôm nay nước rút rồi chứ mấy hôm trước không thể ra ngoài được, muốn ra ngoài chỉ có cách phải vượt qua đường ống nước này thôi, bình thường cháu đi học thì vẫn có thể lội qua suối, hoặc nước to thì tôi cho cháu nghỉ học, nhưng hôm đó cháu trên đường đi học về nhưng nước dâng cao và chảy xiết, các cháu gọi ra đón về nên tôi phải cõng cháu qua đường ống này, biết là nguy hiểm nhưng buộc phải đưa con về chứ không biết làm cách nào khác”, anh Khánh kể lại.
Độ cao từ ống sắt xuống suối khoảng 6 mét, nhưng những lúc lũ lớn, nước đổ về vượt quá ống sắt khoảng 50cm
Được biết đây là khu vực định cư của 8 hộ dân với 33 nhân khẩu và có một số hộ bán định cư, trong đó có 10 em học sinh đang theo học tại các trường trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, hầu hết các hộ dân đều đến đây xây dựng kinh tế mới. Ngoài ra, đây còn là nơi canh tác của rất nhiều hộ dân thuộc thôn Tân Sơn và Bắc Sơn của xã Sơn Hóa.
Video đang HOT
Người dân nơi đây cho biết, bình thường họ dùng lưới sắt chặn đá, ngăn dòng nước nơi đoạn suối cạn, không cho nước chảy xiết để dễ đi lại hơn. Tuy nhiên, cứ mỗi lần mưa lớn hoặc có lũ về làm nước suối dâng cao là cả khu vực bị cô lập, do vậy nhiều người bất đắc dĩ đã phải đi ra ngoài bằng đường ống thủy lợi.
Ông Cao Tiên (SN 1963), một người dân trú tại thôn Tân Sơn cho biết: “Dân ở đây lâu nay đi ra ngoài bằng cách băng qua một đoạn suối cạn gần đường chính, nhưng đến mùa mưa lũ, nước đổ về lớn làm suối dâng cao thì không thể ra ngoài được, chẳng còn cách nào khác nên chúng tôi mới phải đi bằng đường ống nước này, ngày trước lũ về đã làm gãy ống nước thủy lợi một lần rồi, ống này mới được lắp lại”.
Đứng bên dòng suối dữ, anh Khánh cũng như các hộ dân nơi đây bày tỏ mong muốn được các cấp ban ngành cũng như các tổ chức, các nhà hảo tâm xem xét và sớm đầu tư cho bà con nơi đây một cây cầu để họ đi lại được thuận lợi và an toàn hơn trong những ngày mưa lũ.
“Không chỉ bản thân tôi mà người dân thôn Tân Sơn ở bên này suối đều mong muốn được đầu tư một cây cầu để đi lại thuận lợi và an toàn hơn trong mùa mưa lũ”, anh Nguyễn Long Khánh
Trao đổi với PV Dân trí, tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hoá cho biết, từ trước tới nay xã chưa có đề xuất làm cầu qua con suối này, nhưng cũng đã nghe thôn báo cáo lên. Tuy nhiên Sơn Hoá là một xã miền núi đặc biệt khó khăn nên có nhiều vấn đề cần phải đầu tư, đặc biệt như trường học hoặc các công trình phúc lợi khác quan trọng hơn thì cần phải được ưu tiên trước.
Xã cũng từng có ý định đề xuất làm ngầm tràn, tuy nhiên ngầm tràn thì cũng tốn kém và về mùa mưa lũ cũng không đi qua được. Còn muốn làm cầu kiên cố thì kinh phí rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Nhu cầu của bà con là chính đáng, nếu nơi đây được đầu tư được một cây cầu thì không chỉ người dân thôn Tân Sơn mà chính quyền địa phương xã cũng rất vui mừng, bởi khi có cầu thì người dân bên này sẽ có điều kiện để phát triển được kinh tế hơn”, ông Dũng bày tỏ.
Nếu được đầu tư xây dựng một cây cầu thì không chỉ người dân, học sinh đi lại an toàn mà còn là cơ hội để bà con nơi đây phát triển kinh tế
Trước thực trạng người dân thôn Tân Sơn bị cô lập trong mùa mưa lũ, ông Dũng cũng trăn trở: “Thực tế tôi rất lo vào những ngày mưa lũ về mà bà con bên này bị đau ốm hoặc có vấn đề gì đột xuất thì rất nguy hiểm nếu phải đi qua con suối này. Còn về vấn đề học hành, xã đã có chủ trương cho học sinh nghỉ học những ngày mưa lớn để đảm bảo an toàn cho các em, đồng thời yêu cầu nhà trường tổ chức dạy bù sau”.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin trên trang mạng xã hội cũng như qua kênh báo chí, Sở đã chỉ đạo chính quyền địa phương huyện Tuyên Hoá và xã Sơn Hoá trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình và báo cáo cụ thể để Sở có phương án đề xuất lên cấp trên nếu nơi đây cần thiết đầu tư một cây cầu.
Đặng Tài – Tiến Thành
Theo Dantri
Xây cầu 28 tỷ rồi bỏ không: Tỉnh hứa...
Cây cầu được đầu tư 28 tỷ đồng xong rồi để đấy, trong khi người dân địa phương hàng ngày vẫn phải đi qua cây cầu sập sệ trong mùa mưa lũ.
Cầu Nam Trạch bắc qua sông Dinh trên tuyến đường liên xã thuộc xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) được khởi công từ tháng 12/2013 với tổng mức đầu tư 28.392 tỷ đồng.
Sau một thời gian thi công, đến tháng 10/2015, dự án đã cơ bản hoàn thành phần cầu, chỉ còn phần mặt cầu và đường dẫn hai bên cầu thì bị dừng. cho đến nay cây cầu này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.
Cầu Nam Trạch được đầu tư 28 tỷ đồng rồi bỏ không cho đến nay. Ảnh: CAND
Ông Võ Vương Thông - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Bố Trạch (đơn vị được giao quản lý dự án) cho biết, dự án bị dừng thi công là do thiếu vốn. Theo ông Thông, để hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án còn thiếu khoảng 9 tỷ đồng.
Để làm rõ hơn vấn đề này, chiều 25/8 Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Quảng Bình.
Ông Hải cho biết, đã nắm được thông tin về việc chậm đưa vào sử dụng cây cầu Nam Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Phần chính của cầu đã được hoàn thiện, chỉ còn phần mặt chưa thi công xong. Theo chỉ thị 11 của Chính phủ là cấm thi công vượt vốn, đáng ra cầu đã phải thông xe từ cuối năm ngoái.
""Chủ đầu tư (UBND huyện Bố Trạch) đã cho người ra kiểm tra và có báo cáo cụ thể lên UBND tỉnh Quảng Bình xin kinh phí để đáp ứng vốn của năm 2017 rồi triển khai tiếp. Hiện tại, chủ đầu tư cũng đang lên phương án khảo sát, trước mắt xem xét việc thông xe phục vụ cho người dân trong mùa mưa lũ"", Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình nói.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Công An - Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho hay:
""Sau khi báo chí thông tin, hôm 24/8 UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở GTVT đã đến kiểm tra và quyết định tiến hành thi công tiếp cây cầu Nam Trạch. Dự tính cuối năm nay sẽ bàn giao cây cầu cho địa phương và chính thức đưa vào sử dụng.
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng thì tâm tư nguyện vọng của người dân nơi đây cũng đã được đáp ứng. Nếu cầu được thông xe, người dân 2 thôn Đông Thành và Tây Thành đi về trung tâm xã sẽ không phải đi vòng hơn 15km. Sự an toàn của người dân, đặc biệt là các em học sinh sẽ được đảm bảo trong mùa mưa lũ.""
Người dân xã Nam Trạch cho biết, hàng ngày họ phải di chuyển qua cây cầu cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nước sông Dinh mùa lũ rất dữ, chỉ cần mưa vừa khoảng 2 ngày là sông mấp mé tràn bờ rồi phủ kín cây cầu. Có khi lũ theo về từ đập Đá Mài và hồ Thác Chuối nhanh đến nỗi người dân không kịp trở tay.
Trước đó, UBND xã Nam Trạch phản ánh, sau năm 2010, cây cầu cũ (được xây dựng từ năm 1989) bắc qua sông Dinh, thuộc địa phận xã Nam Trạch bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây lại là một cây cầu đóng vai trò rất quan trọng khi nối liền tuyến đường từ Quốc lộ 1A qua xã Nam Trạch đi Hòa Trạch, thị trấn Việt Trung và đường Hồ Chí Minh.
Vì vậy, UBND huyện Bố Trạch đã trình UBND tỉnh Quảng Bình quan tâm đầu tư xây mới ở đây một chiếc cầu nhằm thay thế cây cầu cũ đang chờ sập, góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Đến tháng 10/2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Nam Trạch với tổng mức đầu tư 28.392 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 12/2013, dự kiến tháng 12/2015 thì hoàn thành. Sau một thời gian thi công, đến tháng 10/2015, dự án đã cơ bản hoàn thành phần cầu, chỉ còn phần mặt cầu và đường dẫn hai bên cầu thì bị dừng cho đến nay.
Thiên An
Theo_Báo Đất Việt
Dấu tích đường sắt xuyên biên giới thời Pháp ở Quảng Bình Trụ cầu, hầm, gò đê cao hay cái mâm nhôm... là những dấu tích cuối cùng của tuyến 'đường sắt trên không", do Pháp xây dựng ở vùng núi phía tây Quảng Bình. Xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) còn sót lại nhiều dấu tích của công trình "đường sắt trên không" do Pháp xây dựng nhằm phục vụ công cuộc khai...