Nỗi niềm “ngày đoàn tụ” của chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch
Đằng sau chiếc áo blouse, mỗi y, bác sĩ cũng là một người người bố, người mẹ, người chồng, người con… và đều có một nỗi niềm riêng khi đã lâu chưa được về nhà.
Nỗi niềm “ngày đoàn tụ” của chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch
Khi “ bữa cơm gia đình” trở thành một điều xa xỉ
“Bữa cơm gia đình” với nhiều người là một điều quá đỗi bình thường và thậm chí có phần nhàm chán trong chuỗi ngày áp dụng giãn cách xã hội vừa qua. Tuy nhiên với những y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cơ sở tuyến đầu trong điều trị Covid-19, “cơm nhà” đã trở thành một thứ, mà nhiều tháng nay họ chỉ dám nhắc đến trong niềm mong ước của mình.
Trên mặt trận chống giặc Covid-19, lực lượng ngành y là những chiến binh can trường, không ngại vất vả và hiểm nguy trực tiếp đương đầu với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên đằng sau chiếc áo blouse, mỗi y, bác sĩ cũng là một người người bố, người mẹ, người chồng, người con… và đều có một câu chuyện, nỗi niềm riêng khi đã lâu chưa được về nhà.
Chuyện tình yêu trên tuyến đầu chống dịch: Khi 2 người ở rất gần nhưng lại rất xa
Nước ta đã bắt đầu những biện pháp để từng bước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh có nhiều thông tin tích cực đem lại sự phấn khởi cho người dân.
Nhưng, nơi tuyến đầu, cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 vẫn còn đó. 1 tuần nay, cùng với nhiều đồng nghiệp, bác sĩ Trần Minh Quân – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang lên đường hỗ trợ công tác chống dịch tại Hà Giang. Vợ của anh là điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Duyên, khoa Nội tổng hợp vẫn tiếp tục công tác chăm sóc, thực hiện y lệnh thuốc cho các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện.
Xa chồng nhưng với chị điều này cũng đã thành quen. Đã nhiều tháng qua dù cùng công tác, sinh hoạt tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhưng với vợ chồng anh chị, chuyện gặp mặt nhau là điều xa xỉ.
Covid-19 là một dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Vì vậy, ngay từ khi có dịch lãnh đạo Bệnh viện đã yêu cầu toàn thể nhân viên thực hiện các biện pháp giãn cách, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Việc đi lại, tiếp xúc không cần thiết được hạn chế tối đa. Cũng vì thế mà dù mang tiếng là ở gần nhau nhưng mấy tháng qua, điều dưỡng Duyên gần như chỉ có thể gặp chồng qua màn hình điện thoại, hay họa may là đôi ba lần tình cờ chạm mặt nhau, trên hành lang Bệnh viện, nhưng những nhớ nhung cũng chỉ có thể gửi gắm qua ánh mắt rồi lại vội bước nhanh, bởi hơn ai hết, những nhân viên y tế đang trực tiếp chống dịch này hiểu được rằng, đó là cách tốt nhất để bảo vệ cho nhau, cũng là bảo vệ cho các đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng.
Điều dưỡng Duyên bộc bạch: “Hơn 2 tháng nay chúng tôi bám trụ tại Bệnh viện để chống dịch, số lần gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi lần như thế lại mừng mừng, tủi tủi, có nhiều điều tôi muốn nói với chồng nhưng cũng vì giữ an toàn cho nhau nên đành kiềm lại, chờ đến cuộc gọi buổi tối sau khi tan làm”.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Duyên, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Khi dịch tràn vào nước ta, cũng là lúc các y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương bước vào một cuộc chiến cam go với virus SARS-CoV-2, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho các bệnh nhân Covid-19 đang trực tiếp điều trị tại cơ sở y tế này. Tăng ca, làm việc xuyên đêm đã trở thành chuyện cơm bữa đối với các “blouse trắng”, cũng vì thế mà thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, trở về với cuộc sống riêng tư bị rút ngắn đi rất nhiều. Cả ngày chỉ có duy nhất thời gian buổi tối để trò chuyện với nhau qua điện thoại, nhưng cuộc gọi của anh chị cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn 5-10 phút.
Mỗi lần gọi cho nhau, chị và chồng mình gần như cũng chỉ lặp lại những câu hỏi quen thuộc về tình hình sức khỏe, công việc, rồi cùng nhắc nhở nhau giữ an toàn, động viên nhau vượt qua khó khăn. Cả 2 đều thấu hiểu sự vất vả của nửa kia trong giai đoạn này, nên cũng muốn dành cho nhau thêm thời gian để nghỉ ngơi.
“Ít thời gian trò chuyện với nhau nên chúng tôi trân trọng từng phút một của cuộc gọi. Chỉ là 5-10 phút ngắn ngủi nhưng thực sự là một liều thuốc tinh thần để cả 2 quên đi những mệt nhọc, lo âu và xốc lại mình để sẵn sàng cho cuộc chiến tiếp theo”.
Hậu phương đặc biệt
Mỗi người lính trên chiến trường luôn có một hậu phương để hướng về, và ngày đoàn tụ cũng chính là nguồn động lực to lớn tiếp thêm sức mạnh trong mỗi trận đánh. Những “chiến binh áo trắng” trong cuộc chiến với Covid-19 cũng không phải là ngoại lệ.
Điều dưỡng Huyền và bác sĩ Quân hiện có 1 bé trai học lớp 8 và 1 bé gái học lớp 4. Cả bố và mẹ đều tham gia chống dịch không thể về nhà nên anh chị đành gửi 2 con sang nhà ông bà.
Đã nhiều tháng phải xa con, người mẹ đỏ hoe 2 khóe mắt khi kể về tổ ấm bé nhỏ của mình: “Buổi ngày bận rộn với công việc thì còn nguôi ngoai phần nào, nhưng cứ đến giờ nghỉ là lại nhớ con. Nhớ con 1 thì thương con 10. Mình là người lớn còn chịu được, chứ 2 đứa còn nhỏ quá nhất là bé gái vừa lớp 4 hay mít ướt lại phải xa cả bố lẫn mẹ suốt mấy tháng trời. Chỉ mong sao hết dịch thật nhanh để cả gia đình lại được đoàn tụ. Nhiều hôm tôi nằm trên giường nghĩ ngợi nước mắt lại cứ thế chảy ra”.
Theo chia sẻ của chị, giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch là khoảng thời gian khó khăn nhất của cả gia đình, khi mà mọi thành viên đều chưa quen với việc phải xa nhau dài ngày: “Hai vợ chồng đều làm trong nghề y nên các con cũng quen với việc bố mẹ hay bận rộn và có những ngày vắng mặt ở nhà. Tuy nhiên, chưa có khi nào chúng tôi xa nhau lâu đến vậy, thêm vào đó trong ngày chỉ có vài phút gọi hỏi thăm các con vào lúc rỗi việc. 1,2 tuần đầu, các con cứ gọi suốt nhưng vì đặc thù công việc nên trong giờ làm chúng tôi không thể nghe điện thoại. Cũng may sau khi tâm sự, giải thích nhiệm vụ của mình, các con cũng hiểu chuyện, thông cảm cho bố mẹ hơn”.
Khi nào hết dịch bố mẹ sẽ về!
Cuộc trò chuyện với nữ điều dưỡng cũng giúp chúng tôi hiểu được rằng, hai chữ “đoàn tụ” có ý nghĩa lớn như thế nào, với những chiến binh trên tuyến đầu, đã nhiều tháng qua bám trụ tại “điểm nóng” để chống lại dịch bệnh đang đe dọa toàn cầu này. Họ có thể là những con người kiên cường, với ý chí thép trước virus SARS-CoV-2, nhưng đôi khi lại có những phút “mềm lòng” khi nghĩ đến ngày được trở về với người thân yêu: Đó là cảm giác lo âu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thời khắc được đoàn tụ trở nên mịt mờ; đó cũng có thể là niềm hạnh phúc vỡ òa khi lại có thêm bệnh nhân ra viện, để con đường về nhà lại gần hơn một đoạn; và ngay trong thời điểm cuộc phỏng vấn này diễn ra đó chính là niềm hy vọng dâng trào, khi đã 1 tuần qua Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.
“Khi nào hết dịch, điều đầu tiên tôi sẽ làm là về nhà thật nhanh để ôm 2 nhóc thật chặt bù lại những ngày tháng đã qua và sau đó, tất nhiên rồi, sẽ là một bữa cơm đoàn tụ với cả gia đình: tôi, anh Quân, bố mẹ và các con” – Chị nói với ánh mắt rực lên hy vọng.
“Hết dịch bố mẹ sẽ về!”, đó lời hứa và cũng là mong ước của rất nhiều y, bác sĩ phải tự cách ly tại các “điểm nóng” để phục vụ công tác chống dịch.
Những điều mong ước giản dị về thời khắc đoàn tụ cũng chính là nguồn năng lượng không bao giờ cạn đang từng giờ, từng phút tiếp sức cho các chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu kiên gan, bền chí đánh giặc Covid-19 và hướng về một ngày toàn thắng của cả dân tộc.
Chúng ta hãy cùng tiếp sức cho các y, bác sĩ, chỉ đơn giản bằng những việc không thể dễ dàng hơn. Đó là thực hiện giãn cách, nâng cao cảnh giác, thực hiện phòng chống Covid-19 theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng. Hy vọng ngày toàn thắng sẽ tới trong tương lai không xa!
Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con
"Mẹ ơi con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi", câu nói ngây thơ của con khiến lòng chị quặn thắt, nước mắt cứ chực trào ra.
Nữ điều dưỡng tuyến đầu chống dịch và những lần lòng quặn thắt vì xa con
Gia đình có 5 người thì ở 3 nơi
Cả ngày dài căng sức chống dịch trên tuyến đầu nhưng khi đêm về, tạm rời xa chiếc áo blouse, nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương lại trở về với cuộc sống riêng tư của người vợ, người mẹ như bao người phụ nữ khác.
Để phục vụ cho công tác chống dịch điều dưỡng Thuận đã ở lại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa cách ly vừa làm nhiệm vụ. Cũng chính vì vậy, mà gia đình chị có 5 người thì nay lại phải ở 3 nơi. "Tôi đã có 3 nhóc. Cháu lớn năm nay 10 tuổi, cháu nhỡ 7 tuổi và cháu út thì chỉ vừa 5 tuổi. Tôi trực chiến tại Bệnh viện nên các con được gửi về cho ông bà nội chăm; còn ông xã thì vẫn ở lại nhà để làm việc" - Nữ điều dưỡng mở đầu câu chuyện.
Nữ điều dưỡng Phạm Bích Thuận - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi điện thoại. Hai vợ chồng đều là người lớn, đều thông cảm cho nhau nên hầu hết thời gian rảnh chị dành để trò chuyện với các con. Như thường lệ, cứ đến 8 giờ tối, khi các con đều đã học bài xong, điều dưỡng Thuận lại bấm máy gọi về cho ông bà, để mẹ con trò chuyện với nhau.
Chị kể: "Vì đặc thù công việc, ban ngày tôi không thể gọi điện hay nghe máy, nên đành phải chờ đến tối. Cuộc gọi cũng chỉ kéo dài 15-20 phút vì lúc đấy đã khuya, nên tôi cũng chỉ kịp hỏi han vài ba câu, nhắc các cháu học bài và làm bài; dặn dò chị trông em thật ngoan và nhắc cả 3 đứa phải nghe lời ông bà".
Suốt 1 tháng qua, sợi dây liên kết duy nhất của gia đình chị chỉ là những cuộc gọi..
Nhớ về khoảng thời gian vừa mới ở lại Bệnh viện, không đêm nào là chị không trằn trọc vì lo lắng cho gia đình. Chị lo cho chồng ở một mình sẽ vất vả, tất bật vì thiếu mất bàn tay quán xuyến của người nội trợ; chị lại càng lo hơn cho các con vì còn bé mà đã phải xa cả bố lẫn mẹ một thời gian dài, trong khi ông bà thì đã yếu.
Nhưng rồi cả nhà cũng cùng động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, dần dần thích nghi với nhịp sống mới. "Ngoài gia đình, thì ngay tại Bệnh viện, các y, bác sĩ chúng tôi cũng cùng động viên tương trợ lẫn nhau. Chính bản thân tôi cũng tự động viên mình phải cố gắng vì nhiều đồng nghiệp thậm chí còn vất vả hơn, nên giờ cũng đã thành quen với cuộc sống xa nhà" - Điều dưỡng Thuận nói.
Những lần lòng người mẹ quặn thắt vì con
Gọi là quen nhưng là phụ nữ phải xa chồng, xa con thì khó mà tránh khỏi những phút yếu lòng. Tâm sự với chúng tôi, chị kể rằng đã không ít lần lòng chị quặn thắt vì những câu nói của con: "Cháu lớn nhà tôi đã học lớp 5 nên cũng hiểu về dịch bệnh. Nghe TV, mọi người bàn tán nhiều có hôm gọi cho mẹ bất ngờ nói: "Mẹ ơi con không muốn mẹ bị bệnh chết". Bé thứ hai lại bảo mẹ rằng: "Con không thích đồ chơi gì nữa, con chỉ cần mẹ về ôm con 1 cái thôi". Bạn bé nhất là con trai, nghị lực hơn thường động viện mẹ, bảo mẹ cố lên hết dịch lại về với con".
Cứ mỗi lần nhắc đến các con, nước mắt nữ điều dưỡng này lại trào ra vì thương, vì nhớ. Chị kể rằng, nhiều lúc nghĩ ngợi lại cảm thấy mình có lỗi với các con, vì quãng thời gian qua chưa thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ: "Nhiều lúc gọi video thấy con cứ thui thủi một mình tôi thương lắm. Có lần cháu út nhà tôi bị bỏng, tôi lại tự trách bản thân, khi mình đi chăm sóc mọi người nhưng con mình lại không chăm sóc được".
Lúc hết dịch, tôi sẽ nấu cho các con một bữa cơm thật ngon
Đã nhiều ngày qua, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng. Nhịp sống thường ngày cũng đang dần trở lại. Những tín hiệu tích cực này như thắp lên ngọn lửa hy vọng cho các chiến binh áo trắng trên tuyến đầu chống dịch, về một ngày đoàn tụ sẽ không còn xa.
Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại
Chia sẻ về thời khắc được gặp lại gia đình, giọng nữ điều dưỡng bỗng vui trở lại: "Lúc hết dịch, tôi sẽ về ngay với các con và nấu một bữa cơm thật ngon để cả nhà cùng ăn với nhau. Và khi mọi thứ đã thực sự an toàn, tôi sẽ đưa cả 3 nhóc đi nhà sách như đã hứa. Dịch bệnh chưa ai có thể nói trước được điều gì nhưng với những tín hiệu tích cực như những ngày qua, cũng đáng để chúng tôi hy vọng lắm chứ!"
Minh Nhật
Duy trì mức phòng vệ cao Từ ngày 23-4, TPHCM cùng cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc thường xuyên rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, cộng đồng đang tiếp tục duy trì mức phòng vệ, chung...