Nỗi niềm ít biết của những cán bộ điều tra hiện trường
Ít ai biết, sau mỗi vụ án được phá thành công, các cán bộ, chiến sĩ khám nghiệm, điều tra hiện trường đóng một vai trò rất lớn trong quá trình thu thập các chứng cứ. Họ âm thầm lặng lẽ cóp nhặt những manh mối nhỏ nhặt nhất, để giúp phá từng vụ án một cách ngoạn mục.
Nơi hội tụ của những người đam mê
Khi một vụ án được phát hiện, các điều tra viên PC54, Công an TP. HCM cũng như tại các địa phương khác tiếp nhận thông tin và chuẩn bị lên đường để phá vụ án. Họ cặm cụi “bới lông tìm vết” tại hiện trường một cách tỉ mỉ. Từ những sợi tóc, cho đến bãi nước bọt hay từng tàn thuốc vứt bỏ tại nơi gây án đều được thu nhặt và cất giữ cẩn thận. Dấu vết dù nhỏ nhất của nghi phạm còn lưu lại hiện trường cũng đủ làm manh mối để phá một vụ án lớn. Để có được những chứng cứ đắt giá, họ phải đầm mình trong môi trường độc hại: từ thi thể đã thối rữa, từ ngôi nhà với vũng máu lênh láng và bốc mùi tanh hôi, những điều tra viên chẳng ngại ngần dán cặp mắt để tìm vi vết.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, trưởng phòng PC54 (CA TP. HCM ) cho biết: Trước khi vào nghề, các chiến sĩ chỉ cần ra hiện trường nhìn thôi cũng ớn lạnh. Dần dà, các anh em thích nghi được môi trường và hoàn cảnh tốt hơn. Họ lao vào công việc, nhập cuộc trong một môi trường độc hại bởi họ ý thức được những manh mối tại hiện trường có vai trò cực kỳ quan trọng để phá các vụ án.
Không ít những sinh viên mới ra trường tìm đến phòng PC54 để nộp đơn xin việc, nhưng khi biết nghề này lương thấp, công việc nặng nhọc và đầy áp lực thì nhiều bạn trẻ đã “một đi không trở lại”. Phần đông, các điều tra viên khám nghiệm hiện trường đều tốt nghiệp đại học trái ngành nghề. Họ đến từ các trường Đại học Y, Đại học Bách khoa hoặc các trường thuộc khối Khoa học tự nhiên. Vì đam mê nên không ít người đã từ bỏ những nơi mời gọi với mức lương cao để lao vào công việc của một người điều tra viên phá án.
Video đang HOT
So với các đơn vị khác, PC54 là nơi tụ hội nhiều chiến sĩ tốt nghiệp ngoài ngành nhất.
Những ngày đầu đến với nghề điều tra khám nghiệm hiện trường, cũng như bao người chiến sĩ trẻ tuổi khác. Tốt nghiệp đại học thuộc khối ngành kỹ thuật, anh nộp đơn xin vào phòng PC54 để dấn thân và phá án như những câu truyện viết về thám tử đã được đọc. Từng ngày một, người chiến sĩ được tập làm quen và thích nghi dần với môi trường làm việc đầy khắc nghiệt. Lúc mới vào nghề, lần đầu tiên thấy xác chết, nhất là những thi thể đã trương phình và bốc mùi hôi, một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sóng lưng người chiến sĩ trẻ tuổi.
Các cán bộ điều tra đang thực hiện khám nghiệm hiện trường một vụ án
Qua nhiều vụ án, các chiến sĩ nhập cuộc nhanh hơn, không còn cảm giác sợ và bị ngoại cảnh làm chi phối công tác khám nghiệm. Những nghi phạm lần lượt bị gọi tên, hung thủ lộ diện và chỉ đến khi tòa tuyên án, trên môi các chiến sĩ Phòng PC54 mới nở một nụ cười mãn nguyện. Họ hạnh phúc vì đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ trọng án, đòi lại công bằng cho những con người đã chết vì oan ức hay những nghi vấn của một vụ việc gây hoang mang dư luận được làm sáng tỏ.
Phía sau những vụ án, hầu như chưa có vụ nào các điều tra viên phòng PC54 bị lệch kết quả theo những ghi nhận ban đầu của cơ quan điều tra. Những cán bộ khám nghiệm hiện trường phải phân tích, xem xét và đánh giá vụ án một cách tỉ mỉ từng li từng tí. Họ còn phải đặt ra các giả thuyết để phản biện và những tình huống để có một nhận định đúng đắn trong cách thức phá án. Đêm về các điều tra viên nào có yên giấc, họ vẫn phải túc trực và sẵn sàng đợi lệnh điều động đến hiện trường.
“Mắc nợ” nạn nhân và “chạy đua” cùng tội phạm
Thượng tá Quang tâm sự: “Khi khám nghiệm thi thể các nạn nhân, có những người chết tức tưởi không thể nhắm mắt được. Những đôi mắt đó như muốn nói: “Các anh hãy vạch trần tội ác của kẻ đã giết tôi” khiến cho các điều tra viên không bỏ một giây phút nào để điều tra”. Chuyện tập tành, sờ vào tử thi không phải nhìn nhiều lần, nhìn thường xuyên và tiếp cận lâu dần mà quen. Cảm xúc của những cán bộ khám nghiệm không vì thế mà bị chai lỳ trước thi thể nạn nhân. Họ lao vào công việc như một trách nhiệm bởi nỗi đau của nạn nhân bị tước đoạt mạng sống và nỗi uất nghẹn của gia đình trước cái chết tức tưởi của người thân.
Thượng tá Trần Văn Nghiệp, phó phòng PC54 vẫn còn nhớ như in vụ án mạng tại quận 8 vào những ngày đầu tháng 9/2004. Thi thể nạn nhân chết, nằm co quắp trong vũng máu và đã bốc mùi hôi thối. Trong một căn phòng chỉ rộng chưa đến 10m2, máu bắn thành vết lên tường ngả sang màu đỏ sẫm và khô đặc. Những người cán bộ khám nghiệm ngồi trên vũng máu để lần tìm những gì còn sót lại hiện trường. Trên gương mặt các chiến sĩ, những giọt mồ hôi lăn dài, rơi thành từng giọt. Trong những vệt máu loang trên khắp mặt nhà, những điều tra viên dán chặt đôi mắt vào nền, tường, một góc nhà và cả vào thi thể nạn nhân.
Lần đó, một số cán bộ đưa những tấm hình tư liệu mang về chụp cảnh điều tra viên đang ngồi trên vũng máu, bên cạnh thi thể nạn nhân để lần mò từng dấu vết. Xem hình xong, thượng tá Nghiệp phải vứt bỏ những tấm ảnh và không dám để lưu trữ làm tư liệu. Chẳng có gì khó hiểu, những cán bộ quản lý chỉ sợ đến một ngày nào đó, người thân trong gia đình các điều tra viên bất chợt thấy được các anh ở trong môi trường quá đỗi kinh hoàng. Với người cán bộ khám nghiệm hiện trường là điều bình thường, nhưng với những người thân trong gia đình sẽ để lại cho họ một sự lo lắng và cảm giác bất an.
Mỗi năm, có đến gần trăm vụ án từ lớn đến nhỏ đều được các điều tra viên kiên nhẫn truy tìm dấu vết. Từ việc giám định chữ ký, mẫu chữ viết có liên quan đến vụ án cho đến những con dấu giả trong các vụ tranh chấp hợp đồng tài sản đều chẳng thể “lọt lưới” được các điều tra viên. Thượng tá Trần Văn Nghiệp nhận định: “Tội phạm hình sự ngày càng tinh vi, các đối tượng ma mãnh xóa nhòa những dấu vết tại hiện trường và gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều tra. Các cán bộ phòng PC54 thường xuyên được đào tạo nâng cao nghiệp vụ và chạy đua cùng hành vi phạm tội của những nghi phạm”.
Trong một số vụ án mạng, tội phạm thường hay để lại những dấu vết “ẩn” và chính từ những dấu vết này, các điều tra viên sẽ thu thập, phá án trước sự ngạc nhiên của các đối tượng. Hơn 25 năm đến với nghề điều tra, khám nghiệm hiện trường, thượng tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng Phòng PC54 khẳng định: “Trước đây, công việc khám nghiệm đơn giản hơn rất nhiều. Ngày nay, việc điều tra và dấn thân tại hiện trường đòi hỏi phải biết dựa vào những “vi vết”". Việc khám nghiệm, điều tra để đưa ra những chứng cứ buộc tội nghi phạm mất nhiều thời gian và công sức của cán bộ PC54 hơn nhiều so với trước.
Công việc của một điều tra viên bị sức hút, đem lại niềm đam mê như những thước phim trinh thám mới làm họ thực sự bám lấy nghề một cách lâu dài.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, trưởng phòng PC54 cho biết: “Đa phần các cán bộ chiến sĩ đến với ngành đều có những phẩm chất đáng quý. Công việc đối mặt với thi thể, phân tích, khám nghiệm máy móc các loại từ hiện trường những vụ tai nạn, đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó, chấp nhận đầu quân vào ngành, đó cũng là một sự hy sinh rất lớn của các chiến sĩ vì lợi ích cá nhân và nghĩ đến sự bình yên của người dân. Hằng năm, PC54 thường xuyên tuyển dụng cán bộ chiến sĩ về phục vụ ngành và nơi đây luôn mở rộng vòng tay với những sinh viên mới tốt nghiệp vào nghề -một nghề vất vả cực nhọc nhưng cũng rất nhiều thử thách thú vị và đáng tự hào”.
Theo Nguoiduatin