Nỗi niềm của những cô vợ có chồng sinh viên
“Mày ký đi, đơn ly hôn đây…” Đó là hoàn cảnh của bạn thân của tôi khi còn ngồi trên giảng đường Đại học.
Thùy Linh và Tuấn yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, cuộc sống sinh viên xa nhà càng làm cho hai đứa gắn bó thân thiết với nhau hơn, Thùy Linh quê Yên Bái, Tuấn quê Thanh Hóa, họ được chúng tôi đặt cho biệt hiệu là đôi trai tài gái sắc.
Tuấn học trước Thùy Linh một khóa, kinh tế hai gia đình cũng không được khá giả, thành ra hai đứa rất thân nhau. Từ góp gạo thổi cơm chung, cho đỡ tiền ăn quán, vừa sạch, vừa rẻ tới dọn luôn về ở cùng cho đỡ tiền phòng trọ.
Tình yêu ban đầu thật đẹp và hạnh phúc như mơ, hai đứa học lệch nhau, đứa sáng, đứa chiều rất thuận tiện cho việc nấu nướng.
Nhưng hạnh phúc chẳng đầy gang khi Thùy Linh phát hiện mình đã có thai. Tuấn nghe tin như sét đánh ngang tai.
Tuấn đang gấp rút chuẩn bị thi tốt nghiệp, học hành đang bù đầu, tiền thì có hạn, còn bụng của Thùy Linh cứ ngày một lớn dần lên, đi học bọn bạn cứ bàn tán càng làm Thùy Linh tủi phận, còn Tuấn đi đâu cũng bị chỉ trỏ bàn tán. Hai đứa đã quyết định không giữ đứa bé lại khi nó chưa đầy 20 tuần tuổi, và họ đã đi giải quyết ở một phòng khám tư với giá cắt cổ.
Video đang HOT
Thương con Thùy Linh mang con về nghĩa trang gần nhà trọ, làm mộ và cắm cho nó một nắm hoa tươi. Tôi chỉ nhớ hôm đó nó đã ngất đi và khóc rất nhiều.
Sau lần ấy, tình cảm của hai đứa không còn như trước nữa, Tuấn suốt ngày đi uống rượu, rồi cờ bạc bê tha, nợ nầng, cứ mỗi lần như thế, con bạn tôi lại được một trận nhừ tử vì tội nói nhiều. Bạn tôi lại ra mộ con ngồi khóc, nhiều đêm nó thơ thẩn như kẻ mất hồn, cứ ra thăm con, khóc rồi lại ngồi ủ rũ.
Cuộc sống vợ chồng không hôn thú lại tiếp tục thêm một năm nữa. Chúng tôi đang gấp rút học cho năm cuối thì Thùy Linh lại có tin mang đứa thứ hai, lần này nó nhất quyết không bỏ và bắt gia đình Tuấn phải có trách nhiệm.
Tuấn đành phải dắt con bạn tôi về xin cưới, bố mẹ Tuấn nhất quyết không đồng ý bảo: “Chúng mày tự làm, tự chịu tao không biết, lúc sướng thì ai sướng cho, bây giờ còn kêu khổ à…”. Nghe mẹ chồng nói vậy sao Linh thấy mình nhục quá.
Nhưng rồi họ cũng tổ chức một bữa cơm gọi là báo cáo với tổ tiên dòng họ, tiệc cưới vẻn vẹn 8 người. Bố mẹ Linh muối mặt lên tham dự, cay đắng quá khi người ta gả con được thách cưới, còn cưới con mình phải đi xin xỏ người ta.
Cưới xong, hai đứa lại dắt nhau lên học tiếp, nhìn nó chửa vượt mặt tôi thấy thật thương cảm, chồng quát thì nhịn, cãi nó nó lại đánh cho thì khổ. Lúc tỉnh không sao, lúc say Tuấn thường chửi vợ: “Cái loại gái dễ dãi như mày tao không lấy thì ế rồi con ạ”. Những lúc ấy Linh lại khóc cho cái tình yêu lầm lạc.
Nhiều lúc nhìn nó ngồi buồn tủi bên ghế đá dưới tán bàng, nhìn đám bạn chúng tôi đang nô đùa cười sảng khoái, tôi chắc lúc đó nó đang ước điều gì đó nhưng chắc chắn không phải là nó như bây giờ.
Ngày nó sinh em bé gần tết, hai vợ chồng cố ở lại làm thêm để lấy tiền về quê. Một buổi sáng Tuấn đi làm sớm, khu trọ chả còn ai, nó thấy đau bụng trở dạ, vỡ ối và sinh con ngay trong nhà tắm. May sao có bà chủ nhà nghe thấy tiếng trẻ con khóc nên vào xem.
Tết đó nó ăn tết nhà chồng đầy tủi nhục. Mẹ chồng thì suốt ngày cạnh khóe, ý tứ, bóng gió, kinh tế khó khăn lên mâu thuẫn càng nhiều, không khí gia đình ngột ngạt đến khó thở. Con vừa tròn tháng, nó quyết định mang con theo chồng đi học tiếp.
Từ ngày lấy nhau, nhà Tuấn cắt luôn khoản viện trợ hàng tháng như trước kia. Vợ chồng ngày càng xảy ra nhiều mâu thuẫn, tiền thiếu, con ốm, con khóc, thua cờ bạc, khi lại… khiến cái gia đình nhỏ ấy càng thêm sóng gió.
Một buổi tối trời mùa đông đầy mưa và gió rét, hai mẹ con nó bế nhau vào phòng tôi chơi, bất chợt Tuấn ở đâu về, người nồng nặc mùi rượu, phừng phừng bước vào, thằng bé con đang ngủ say trong vòng tay mẹ.
Miệng nó còn dính vài giọt sữa vừa bú còn vướng lại, Tuấn giật phăng đứa bé làm nó khóc thét lên, miệng luôn chửi bậy, ném một tờ giấy vào mặt bạn tôi, Tuấn bảo: “Mày ký đi, đơn ly hôn đây, bố mày cũng không thiết tha gì mày nữa đâu…” Rồi Tuấn bế đứa bé đi trong khi trời đang giông bão. Thùy Linh đuổi theo, giằng lại con thì bị Tuấn đạp ngã túi bụi. Tôi vội chạy theo Tuấn vì sợ đứa nhỏ sẽ chết vì mưa rét. Thằng bé khóc khản cả giọng, Tôi hỏi “Tuấn định đi đâu.?” – “Đi tàu về quê” Tuấn đáp. “Ông định đưa con về mà không sữa, không quần áo thế này à? Nhìn đi nó khóc tím cả mặt rồi, ông có còn xứng đáng là bố nữa hay không? Hai người đã cố đến mức này rồi, tại sao, tại sao chứ ?”.
Kéo Tuấn vào mái hiên, tôi giằng vội thằng bé đang khóc ngất, ủ ấm cho nó. Sau một hồi phân giải đúng sai, Tuấn đã đồng ý đưa con về phòng trọ.
Từ ấy đến giờ sau khi ra trường tôi vẫn chưa một lần gặp lại vợ chồng nó, sống mũi cay cay khi nghĩ lại chuyện ngày xưa. Giá như bạn tôi không ăn cơm trước kẻng thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Và rất nhiều những đứa trẻ vô tội không phải từ biệt thế gian tuyệt vời này, cầu mong các bé luôn bình an và hạnh phúc. Tôi luôn hi vọng mọi người hãy sống theo đúng nghĩa là sống chứ không phải là tồn tại.
Theo TTVN
Những bi kịch của tân sinh viên
Xa nhà, ăn ở, đi lại khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, thêm lối sống khép kín, thậm chí là sự phân biệt, kỳ thị âm thầm khiến nhiều tân sinh viên rơi vào nỗi chán chường.
Thu mình vì phân biệt vùng miền
"Bạn quê ở đâu? - Hải Phòng. Còn bạn? - Ái. Hải Phòng à? Thế thì đanh đá ghê gớm lắm!"
Đó là đoạn hội thoại đầu tiên trong suốt hai tuần học đầu tiên của Nguyễn Thị Duyên (SV năm nhất, quê ở Hải Phòng) với ba người bạn ngồi bàn trên. Mọi hào hứng kết bạn biến mất. Nỗi ấm ức thay cho sự ngại ngùng - Duyên không nói thêm lời nào.
Bước vào giảng đường, không ít sinh viên thu mình vì những kỳ thị vùng miền (Ảnh VNN)
"Em cảm thấy tức không chịu được, chẳng hiểu vì sao họ lại đặt chuyện ra như vậy? Nhưng chẳng lẽ cãi nhau ngay trong lớp? Thế chẳng khác nào khẳng định lời của họ là đúng!" - Duyên ấm ức nói. Kể từ đó, Duyên lặng lẽ hẳn, không còn muốn chủ động kết bạn với ai trong lớp nữa.
Còn Lã Thị Phượng (SV HV Báo chí tuyên truyền, quê Nghệ An) đã có nguyên một tuần liền không trò chuyện gì với bạn bè cùng phòng trong KTX. Phượng cũng hạn chế tối đa giao tiếp với các bạn, chỉ vì sợ bị chê giọng mình khó nghe.
"Hồi mới ra Hà Nội, mỗi lần trò chuyện, các bạn lại nhìn nhau rồi hỏi lại em vì khó hiểu. Có bạn rất ác, rấm rứt cười khiến em thấy mình như bị đem ra làm trò cười vậy" - Phượng rụt rè nói.
Vốn nhút nhát, cô bé quyết định càng ít nói càng tốt, càng ít giao tiếp càng tốt cho đỡ bị để ý.
Bi kịch hơn, một số tân sinh viên còn chia sẻ họ vô cớ bị bạn bè cùng phòng trọ tẩy chay, chơi xấu vì quan niệm vùng miền.
"Lúc biết em quê Nam Định, các bạn chỉ cười nhạt, rồi dần dần thấy họ lạnh nhạt với mình. Phòng có sáu người, nhưng các bạn chỉ mượn đồ, dùng đồ của nhau, còn chẳng bao giờ hỏi đến em. Đi ăn cơm, đi mua sắm họ cũng rủ nhau đi, không rủ em" - Trần Thị Liên (SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) buồn nói.
Liên càng đau lòng hơn khi tìm hiểu ra lý do khiến mình bị "hắt hủi" là vì những người bạn kia cho rằng "dân Nam Định ghê gớm", "dân hai ngón", không nên thân thiết hay qua lại nhiều. Những câu truyền miệng, những lời nói vô tình ác ý đã khiến quãng thời gian đầu nhập học của Liên thật nặng nề.
"Sóng ngầm"...
Mỗi người mỗi quê, ai cũng có những tự hào, những tâm sự riêng. Vì nhiều định kiến, suy nghĩ chưa chín chắn khiến không ít bạn trẻ tự đặt ra những ranh giới, đẩy chính mình và bạn bè vào những con sóng ngầm của sự phân biệt, kỳ thị.
Nhiều SV trong lớp của Phan Thị Thanh (xin giấu tên trường đang học) đã quá quen với kiểu tách nhóm của hội "quý tộc". Theo Thanh, nhóm này toàn những bạn con nhà khá giả, được chu cấp đầy đủ xe đẹp, "dế" xịn và đều là "người Hà Nội". Các bạn chỉ chơi với nhau, tụ tập, chia sẻ với nhau còn các sinh viên tỉnh lẻ khác thì lại chia thành nhiều nhóm nhỏ khác. Bởi vậy học chung nhưng có nhiều bạn không biết tên của nhau là chuyện bình thường. Mặc dù không ai nói ra nhưng tất cả đều cảm nhận được không khí thiếu đoàn kết trong lớp qua những khác biệt trong phong cách, lối sống.
"Đến lớp nhiều lúc hơi buồn vì chẳng mấy ai thực sự thân thiết, hòa đồng. Mình cũng là sinh viên tỉnh lẻ nên cũng có phần mặc cảm. Bạn nào nói chuyện, chia sẻ gì thì mình quan tâm lại, còn không cũng kệ" - Thanh nói.
Nguyễn Thanh Loan (SV Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết, thời gian đầu chưa hiểu hết về nhau, cũng có nhiều khoảng cách giữa các bạn nông thôn và thành thị, lớp chia thành nhiều tốp, học và chơi theo hội, thậm chí có cái nhìn không thiện cảm lắm với các bạn xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn do khác nhau về phong cách, cách ứng xử. Tuy nhiên, nhờ những chuyến dã ngoại hay các buổi ngoại khóa, các bạn chia sẻ nhiều hơn, đồng cảm và gần như không còn những ánh mắt nghi ngại như trước nữa.
"Dù bạn là ai, đến từ đâu không quan trọng. Thời sinh viên tưởng dài nhưng ngắn ngủi lắm, nếu không nắm tay nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống sẽ cảm thấy hối tiếc khi mất đi những tình bạn đẹp chỉ vì định kiến, suy nghĩ hẹp hòi..." - Loan chia sẻ.
Theo TTVN
Những chiêu 'độc' tiết kiệm của sinh viên thời bão giá Tình trạng giá cả càng leo thang, cuộc sống sinh viên càng khó khăn hơn. Trong cái khó ló cái khôn, càng khó khăn sinh viên càng có nhiều ý tưởng độc đáo để tiết kiệm hiệu quả. Đi chợ khi trời chưa sáng Đã nhiều ngày nay, bạn Lê Thị Hương, sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo ảnh - Học viện...